Quốc hội CSVN ngu dốt hay cố tình chơi xỏ?
Wednesday, May 20, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=95287&z=157
Chuyện thư kiến nghị của trí thức Việt Nam về vấn đề Bauxite ở Tây Nguyên
WESTMINSTER (NV) - Theo tin được đưa trên trang web “Bauxite Việt Nam” (NV: đây là trang web do một số nhà khoa học và trí thức Việt Nam và Việt kiều thành lập nhằm trao đổi thông tin về qui hoạch và các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên), sau khi được sự ủy thác của 135 trí thức đầu tiên tự nguyện ký tên vào bản kiến nghị ký ngày 12 Tháng Tư 2009, thì ngày 17 Tháng Tư 2009, Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn và Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thế Hùng cùng đi với dịch giả Dương Tường đến một số “cơ quan chức năng có thẩm quyền” để chuyển thư.
Tại văn phòng chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ CSVN, một người tên Bình (không rõ chức vụ) bảo thư kiến nghị của họ không được tiếp nhận bởi “ở đây chưa hề có tiền lệ nhận kiến nghị từ mấy chục năm nay”, mặc dù đây là một cơ quan được thành lập với mục đích “của dân, do dân, vì dân” như CSVN vẫn thường rêu rao.
Theo gợi ý của nhân viên văn phòng chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ, họ mang thư đi gửi bảo đảm ở bưu điện “để cho đúng với hình thức của những công văn thư từ công gửi đến.”
Tuy nhiên, khi đến văn phòng Quốc Hội thì “chúng tôi (G.S Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn, G.S.T.S Nguyễn Thế Hùng và dịch giả Dương Tường) được tiếp đón ân cần, trọng thị, tại phòng làm việc của ông Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục Nguyễn Minh Thuyết và phòng ông Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Nguyễn Sĩ Dũng, qua đó chúng tôi không chỉ gửi được bản kiến nghị cho ông Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Quốc Hội, mà còn gửi thêm ba bản đến ba vị phó chủ tịch, một bản đến toàn thể ban thường vụ Quốc Hội, một bản nữa đến toàn thể các thành viên Quốc Hội, và một số bản đến các vị chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật, Quốc Phòng An Ninh, Kinh Tế và chủ tịch Hội Ðồng Dân Tộc, cùng một số cá nhân đại biểu thường có nhiều ý kiến phản biện trong các kỳ họp trước đây.”
Theo lời thuật lại thì “cả hai người nhận thư , tức hai trí thức có tên tuổi và được dư luận đánh giá cao là T.S Nguyễn Minh Thuyết và T.S Nguyễn Sĩ Dũng, đều hứa chắc: ‘Nội trong ngày 17 Tháng Tư thư sẽ đến tận tay người nhận.’”
Thế nhưng, hình như chữ “thế nhưng” luôn tồn tại đồng hành với lề thói làm việc của nhà cầm quyền Việt Nam, ngày 14 Tháng Năm 2009 (tức gần một tháng sau ngày thư kiến nghị được gửi tại văn phòng Quốc Hội) thì một bức thư hồi đáp được gửi từ Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội làm ngỡ ngàng tất cả!
Lá thư gửi đến người nhận là “G.S Nguyễn Thị Huệ,” nhưng địa chỉ lại là nhà riêng của G.S Nguyễn Huệ Chi. Theo lời G.S Nguyễn Huệ Chi, khi nhận bức thư này do nhân viên bưu điện mang đến, ông đã phân vân định gửi trả vì sợ nhầm người.
Phong bì gửi đến người nhận là bà G.S Nguyễn Thị Huệ, nhưng địa chỉ là nhà riêng của G.S Nguyễn Huệ Chi. (Hình: Website “Bauxite Việt Nam”)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/95287-medium_VN-090520-Bithu.jpg
Nhưng với địa chỉ chính xác như vậy, hơn nữa trong khu tập thể nơi ông cư ngụ cũng không có ai tên như ngoài bì thư đề, nên ông đã mạnh dạn mở thư. Như vậy đây là thư phản hồi của Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội, do ông Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Trần Ðình Long phúc đáp lại thư kiến nghị sau khi gửi đi 3 tuần.
Người nhận không những đã bị ghi sai tên, thư kiến nghị còn bị biến thành đơn khiếu nại và nhầm cả ngày! (Hình: Website “Bauxite Việt Nam”)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/95287-medium_VN-090520-Thutraloi.jpg
Nội dung bức thư phúc đáp này có một số điểm nhầm lẫn nghiêm trọng:
1- Bức thư không gửi nhầm người, nhưng tên người nhận bị ghi sai, từ G.S Nguyễn Huệ Chi trở thành (Bà) G.S Nguyễn Thị Huệ
2- Thư kiến nghị ghi ngày 12 Tháng Tư 2009 chứ không phải ngày 21 Tháng Tư 2009.
3- Ðây là thư kiến nghị về vấn đề đại dự án Bauxite của 135 nhà trí thức và khoa học gửi đến ông chủ tịch Quốc Hội chứ không phải đơn thư khiếu nại ai, và khiếu nại điều gì cả.
Từ những điểm sai này, một số câu hỏi có thể được đặt ra:
1- Bức thư này có được đọc hay không?
2- Khả năng, hành xử, lề lối làm việc của Ủy Ban Pháp Luật này như thế nào, thể hiện qua nội dung và trình bày của bức thư, do chính ông Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Trần Ðình Long ấn ký?
Và cho đến nay, ngoài thư phản hồi của Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội ra, những người khởi xướng thư kiến nghị không nhận được phản hồi nào khác.
Một blogger khá nổi tiếng ở Việt Nam, đồng thời cũng là một trí thức trẻ nhận xét:
“Trong sự việc này, ông phó chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội Trần Ðình Long (hoặc ai đó sau lưng ông) dốt nát hay chơi xỏ thì cũng là sự không chấp nhận nổi. Nếu đó là cố tình xỏ thì đó là hành động rất tồi tệ và xấc xược, coi thường dư luận và giới trí thức. Còn nếu là dốt nát đến nỗi xem kiến nghị thành tố cáo, nhầm Huệ Chi thành Thị Huệ thì người ta còn có thể trông mong gì ở cái Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra, đánh giá hệ thống luật pháp và các văn bản luật trên đất nước này.
Và suy rộng ra, từ cái cách mà cơ quan lập pháp dân cử đối xử với thư kiến nghị tập thể của công dân trong nước và kiều bào ngoài nước như thế, liệu Quốc Hội đã làm tròn trách nhiệm của ‘cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,’ đại diện cho ý nguyện của hàng chục triệu công dân Việt Nam hay chưa?” (N.L)
No comments:
Post a Comment