Tuesday, May 12, 2009

NHẬN ĐỊNH VỀ BUỔI ĐIỀU TRẦN NHÂN QUYỀN VIỆT NAM TẠI GENEVA

Nhận định về khoá 5 Lượng Duyệt về Tình trạng Nhân Quyền tại Việt Nam
Nguyễn Ngọc Bảo

Cập nhật ngày: 11/05/2009
http://viettan.org/spip.php?article8567
Trong buổi điều trần lượng duyệt về tình hình nhân quyền tại Việt Nam lần thứ 5, ngày 8/5/2009 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Genève, phái đoàn người Việt hải ngoại dự thính cuộc điều trần gồm có ông Lê Hoàng Nguyên, Liên Hội Nhân Quyền tại Thụy Sĩ; bác sĩ Nguyễn Quốc Nam, Chủ Tịch Liên Minh Dân Chủ; Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Ủy Ban Vận Động Quốc Tế Yểm Trợ Phong Trào Dân Chủ Nhân Quyền tại Việt Nam; kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy Viên Trung Ương Đảng, đại diện Việt Tân tại Âu Châu; bác sĩ Nguyễn Thể Bình, đại diện Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản tại Hoa Kỳ; Thượng Tọa Thích Quảng Ba; ông Trần Xuân Sơn, Chủ Tịch Hội Người Quốc Gia tại Lausanne; ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam; cùng các phóng viên, báo chí của hệ thống truyền hình SBTN, RFA. Trong phần trình bày bản tường trình quốc gia cho Việt Nam, thứ trưởng ngoai giao CSVN Phạm Bình Minh đã duyệt qua lại cuốn Bạch Thư về Nhân Quyền mà họ đã công bố nhân dịp khóa lượng duyệt thứ 5 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. CSVN đã công bố những thành quả mà họ khoe là giúp thực hiện nhân quyền tại Việt Nam: việc thông qua nhiều đạo luật và các văn bản (hơn 13,000 từ năm 1986) đến nay, trong lúc trong thực tế, người ta thấy CSVN ngày càng gia tăng vi phạm nhân quyền, kể từ sau khi được gia nhập vào tổ chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) vào năm 2007. Các bản tường trình hàng năm của các tổ chức Phi Chính Phủ về Nhân Quyền được thế giới công nhận và có tên trong danh sách các tổ chức Phi Chính Phủ được dự thính tại các buổi điều trần các khóa UPR (Universal Periodic Review) về nhân quyền được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận và tiến hành từ năm 2006, gồm Hội Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền (International Federation of Human Rights), Văn Bút Quốc Tế (Pen Club International), Human Rights Watch, Ủy Ban Nhân Quyền (Viet Nam Committee on Human Rights VCHR), Trung Tâm Công Lý và Pháp Luật Âu Châu (European Centre for Law and Justice (ECLJ), đều có nội dung gay gắt đối với chế độ CSVN. Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ xem xét về các đặc điểm và những điểm có thể khai thác của khóa UPR Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, cho công cuộc dấu tranh chung, cùng một số nỗ lực ngoại vận đã được tiến hành nhân khoá này.

I. Đặc diểm của Khóa UPR của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

Thủ tục UPR và sự thành lập của Hội Đồng Nhân Quyền (Human Rights Council) được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua bằng Nghị Quyết 60/251 ngày 15 tháng 3 năm 2006.
UPR được xem là thủ tục chính của Hội Đồng Nhân Quyền, gồm 47 quốc gia, nhằm nhắc nhở và theo dõi các quốc gia trong mục tiêu tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, tiến hành các biện pháp nhằm cải thiện tình trạng nhân quyền, theo dõi và báo cáo việc thi hành các khuyến cáo.
Chu kỳ toàn diện khóa UPR là 4 năm. Mỗi năm tình trạng nhân quyền tại 48 quốc gia thành viên (một phần tư trên tổng số 192 quốc thành viên (danh sách năm 2006) sẽ được lượng định và duyệt qua bởi Hội Đồng Nhân Quyền. Do đó, cứ mỗi bốn năm tình trạng nhân quyền tại mỗi quốc gia sẽ được duyệt xét lại.
Ngày 21 tháng 9 năm 2007, Hội Đồng Nhân Quyền thông qua một lịch trình nhằm lượng duyệt tình trạng nhân quyền tại 192 quốc gia thành viên từ năm 2008 đến 2011. Các cuộc lượng duyệt sẽ diễn ra mỗi năm 3 lần, mỗi lần trong vòng 2 tuần. Cuộc lượng duyệt lần đầu tiên đã diễn ra vào tháng 4/2008.
Các cuộc lượng duyệt sẽ được tiến hành bởi Nhóm Công Tác UPR (UPR Working Group) gồm 47 quốc gia thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền. Tuy nhiên thủ tục UPR cho phép bất cứ một quốc gia nào khác, thành viên LHQ cũng có thể tham gia vào tiến trình thảo luận, trao đổi với quốc gia được lượng duyệt. Mỗi quốc gia lượng duyệt sẽ được sự trợ giúp của một nhóm 3 quốc gia như là báo cáo viên. Trong trường hợp Việt Nam, nhóm quốc gia này bao gồm Burkina Faso, Nhật Bản và Gia Nã Đại cho khóa 5 UPR.

Cuộc lượng duyệt sẽ dựa trên:
1. Dữ kiện cung cấp bởi quốc gia được lượng duyệt dưới hình thức một bản báo cáo quốc gia (national report)
2. Dữ kiện dựa trên tường trình của các chuyên viên và nhóm đặc trách về nhân quyền, hay của các cơ cấu khác của LHQ
3. Dữ kiện cung cấp bởi các tổ chức nhân quyền phi chính phủ và các tổ chức nhân quyền quốc gia. Danh sách 13 tổ chức Nhân Quyền đính kèm.

Diễn tiến của mỗi khóa UPR

1. Mỗi khoá UPR cho một quốc gia sẽ kéo dài trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Trong giờ đầu tiên, quốc gia được lượng duyệt sẽ trình bày về bản báo cáo quốc gia của họ về việc tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền LHQ trên các lãnh vực nhân quyền, kế tiếp các quốc gia sẽ lần lượt trình bày các nhận xét, khuyến cáo về các điểm trong bản tường trình và đặt câu hỏi trực tiếp cho quốc gia được lượng duyệt. Nhóm 3 quốc gia báo cáo viên sẽ điều hợp khóa UPR. Mỗi quốc gia chỉ được phép trình bày trong vòng đúng 2 phút. Một số câu hỏi có thể được soạn ra và gởi trước đến cho nhóm quốc gia báo cáo viên.
2. Các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có thể cung cấp dữ kiện qua việc đệ trình trước các điểm cần sự quan tâm và được quyền dự thính các Nhóm Công Tác khoá UPR. Các NGO này được phát biểu tại Khóa định kỳ của Hội Đồng Nhân Quyền khi kết quả sau cùng của phần lượng duyệt được bàn thảo.

II. Nhận định về diễn tiến thực sự đã xảy ra tại khóa UPR thứ năm về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam

Theo sự nhận định của đại diện Việt Tân cùng một số các đại diện các tổ chức người Việt Nam hiện diện tại chỗ trong khóa UPR thứ năm về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày 8/5/2009:
1. Số quốc gia ghi danh rất đông đảo, lên hơn 60 quốc gia. Nhiều quốc gia thuộc loại độc tài, với những vi phạm nhân quyền ít nhiều và thường bị dư luận thế giới lên án, đã lên tiếng ca ngợi các thành tựu của Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu, vì các quốc gia thuộc loại độc tài (Nam Á, Trung Á, Phi Châu, Nam Mỹ) đều có nhu cầu bênh vực lẫn nhau trên diễn đàn LHQ.
2. Các quốc gia lên tiếng rõ rệt và mạnh mẽ nhất về các điểm vi phạm nhân quyền (quyền tự do ngôn luận, báo chí, Internet, quyền tự do tôn giáo, quyền hội họp, lập hội đoàn, quyền tự do công đoàn, …) và các khuyến cáo đều là các quốc gia dân chủ Tây Phương như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Gia Nã Đại, Hòa Lan, …
3. Một số ít các quốc gia khác lại nhấn mạnh về các thành quả xã hội của Việt Nam như xóa đói giảm nghèo, phân biệt đối xử nam nữ hơn là các vi phạm nhân quyền.
4. Cũng có nhiều quốc gia «khen ngợi» Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu vì các quốc gia đó cũng trong tình trạng vi phạm nhân quyền và có nhu cầu liên kết và bênh vực lẫn nhau. Theo phúc trình các tổ chức đo lường mức độ tự do của các quốc gia, có ít nhất 40% các quốc gia vẫn thuộc diện các quốc gia mà quyền tự do căn bản vẫn bị cấm đoán ít nhiều trên thế giới. Trong lúc tất cả các tổ chức Nhân Quyền NGO đều lên án chế độ CSVN.
5. Mỗi quốc gia đều chỉ được đúng 2 phút trình bày, trong lúc đây là những vấn đề căn bản, trầm trọng cần phải đươc thảo luận và mổ xẻ kỹ lưỡng với các trường hợp cụ thể, với nhân chứng là các nạn nhân,… Chắc chắn cuộc trình bày chỉ ở mức diện tổng quát mà thiếu hẳn mức chi tiết cần thiết nhằm có thể lên án một quốc gia. Và hoàn toàn không có một cuộc thảo luận nào. Vị đại diện mỗi quốc gia đều chỉ được quyền đọc những gì mình đã ghi ra mà thôi. Tất cả đều phải được chuẩn bị và viết ra trước; không hề có chuyện ứng biến tại chỗ.
6. Trong lần này, phái đoàn CSVN đã cử ra một phái đoàn hùng hầu gồm Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh, đại diện các Bộ Lao Động, Công An, Tư Pháp, Thông Tin,… nhằm trả lời duy nhất bằng tiếng Việt (không một ai có khả năng ngoại ngữ trôi chảy) với các luận điệu lưỡi gỗ quen thuộc, hoàn toàn phủ nhận các cáo buộc về vi phạm nhân quyền của các quốc gia Tây Phương. Điều này cho thấy họ bị rơi vào tình trạng bị động trước các trường hợp vi phạm điển hình được các tổ chức Nhân Quyền NGO cũng như các quốc gia Tây Phương như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Gia Nã Đại, Đan Mạch, Na Uy,… nêu lên. Dư luận quốc tế không bị đánh lừa bởi các thành tựu duy nhất trên giấy tờ, văn bản của CSVN trong lúc hoàn toàn không hề được áp dụng ngoài xã hội.
7. Dựa vào kinh nghiệm về những gì đã xảy ra trên các diễn đàn LHQ từ hơn 50 năm qua, LHQ hoàn toàn không có khả năng chế tài một chế độ vi phạm thường xuyên có hệ thống nhân quyền và không tuân thủ các khuyến cáo của LHQ. Lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy nhiều lần sự bất lực này của LHQ trong các khủng hoảng lớn, nhỏ trên và cũng như trong khả năng trừng phạt một quốc gia, nhất là khi quốc gia này được sự hỗ trợ, đồng lõa của các quốc gia độc tài khác.
8. Các tổ chức NGO chỉ được quyền dự thính, cũng như đệ nạp các điểm vi phạm nhân quyền trên văn bản, các khuyến cáo mà không được quyền phát biểu.

III. Những điều rút tỉa ra từ Khóa UPR về Tình Trạng Nhân Quyền tại Việt Nam

1. Khoá UPR hiện chỉ có một số hiệu quả tương đối giới hạn vì Liên Hiệp Quốc chưa đề ra được một khả năng chế tài cụ thể ngoài những khuyến cáo có tính cách tượng trưng mà khó có thể được áp dụng một cách thực tiễn, vì còn tùy thuộc rất nhiều vào thiện chí của quốc gia đó, và các liên hệ của họ với các quốc gia «đồng minh» của họ.
2. Việc vận động trực tiếp các quốc gia tiền tiến dân chủ như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Bắc Âu (Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch), Anh, Pháp, Đức, Úc, Hòa Lan,… chắc chắn sẽ góp phần áp lực cụ thể lên chế độ CSVN qua các tương quan song phương, qua việc khai dụng được dư luận chính giới, báo giới và dư luận bản xứ về các biện pháp chế tài có hiệu quả thực sự lên trên nhà cầm quyền CSVN. Việc tiến hành các biện pháp này ít tùy thuộc hơn vào bối cảnh phe này phe kia trên diễn đàn LHQ.
3. Việc gia tăng quan hệ, liên lạc thông tin, trao đổi với các tổ chức Nhân Quyền Phi Chính Phủ được LHQ công nhận và các tổ chức, nhóm chuyên biệt về nhân quyền quốc tế hay cấp quốc gia chắc chắn sẽ tạo được nhiều động lượng hữu hiệu hơn trong nỗ lực vận động dư luận nói chung và trong mục tiêu đề ra các khuyến cáo cụ thể dựa trên các trường hợp vi phạm với các bằng chứng xác đáng.
4. Người Việt trong và ngoài nước cần chú trọng đến nỗ lực theo dõi việc thi hành các khuyến cáo trong bản tường trình sau cùng, hầu làm áp lực lên chế độ CSVN qua việc vận động dư luận, chính giới các quốc gia dân chủ, yêu chuộng tự do và công lý tây phương.
5. Kết quả của các khóa UPR cho thấy nhân quyền là một lãnh vực được quan tâm đặc biệt tại các quốc gia mà CSVN mong muốn có những quan hệ sâu rộng về ngoại giao, kinh tế và ngay cả quốc phòng. Áp lực tại các quốc gia dân chủ này (Hoa Kỳ, Liên Âu,..) sẽ khiến cho nhà cầm quyền CSVN sẽ phải suy nghĩ về các giá phải trả nếu họ thẳng tay đàn áp người dân trong nưóc, bất chấp các lời kêu gọi tôn trọng nhân quyền của chính giới, báo giới, dư luận tại các quốc gia dân chủ tự do.

IV. Các nỗ lực vận động chính giới của Việt Tân và Cosunam

Ngay sau khi được biết CSVN sẽ phải ra tường trình trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 8/5/2009, nhiều tổ chức, đảng phái, cộng đồng đã tiến hành nhiều nỗ lực vận động dư luận, chính giới bổ túc cho nhau. Riêng Uỷ Ban Thụy Sĩ Việt Nam và Việt Tân đã tung ra lời kêu gọi chính giới Thụy Sĩ nhằm hỗ trợ cho các thư vận động nhóm 3 quốc gia báo cáo viên Burkina Faso, Gia Nã Đại và Nhật Bản. Thư kêu gọi đã được 24 dân biểu và nhân vật chính trị tại Quốc Hội Genève và Liên Bang Thụy Sĩ ký tên, trong đó Chủ Tịch của 3 đảng phái lớn tại Genève: Đảng Radical (Cấp Tiến), Libéral (Tự Do) và Démocrate Chrétien (Dân Chủ Thiên Chúa Giáo) ký tên vào lời kêu gọi chung của COSUNAM và Việt Tân; việc này bác bỏ những lời xuyên tạc của CSVN vu cáo đảng Việt Tân có những hành vi khủng bố.
Nhân dịp này, Việt Tân cũng đã soạn ra một tài liệu với những phần nhận định của mình về tình trạng Nhân Quyền tại Việt Nam, phần phản bác các luận điệu trong Bạch Thư Nhân Quyền của CSVN và trình bày những nỗ lực cụ thể nhằm đề nghị đồng bào trong nước sử dụng chính các nội dung các văn kiện luật của CSVN nhằm đấu tranh chống lại công an, chống lại guồng máy thống trị. Tài liệu đã được phổ biến đến chính giới và báo giới Thụy Sĩ, cùng danh sách của 45 nhân vật đối kháng tại Việt Nam từ thành phần lãnh đạo tôn giáo, dân oan, luật sư, nhà báo, thành viên các tổ chức, đảng phái đấu tranh cho dân chủ,... đang bị sách nhiễu, quản thúc tại gia, cầm tù…
Nhìn sơ qua cuốn Bạch Thư Nhân Quyền của CSVN, dầy khoảng hơn 40 trang và gồm 4 Chương, người ta nhận thấy bạch thư được soạn một cách thiếu chuyên nghiệp và vội vã nhằm đáp ứng cho nhu cầu biện bạch cho tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam. Nội dung Bạch Thư được dành đa số để rêu rao các thành quả của Việt Nam về các lãnh vực quyền tự do căn bản, quyền dân sự và chính trị, trong lúc tránh né và hoàn toàn không đề cập đến các trường hợp cụ thể, bắt bớ, đánh đập, sách nhiễu, ngược đãi các thành phần dân tộc dân chủ do các tổ chức Phi Chính Phủ và các quốc gia Tây Phương nêu lên. Trong lúc vẫn viện dẫn tội danh mơ hồ hoàn toàn không có tính chất pháp lý như tội chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa (Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự) nhằm tùy tiện bắt giam mà không xét xử các thành phần chống đối. Nói chung Bạch Thư dược viết dựa trên 3 điểm chính: 1) Nhân Quyền không được đi nguợc lại nhu cầu Độc Lập, Tự Do và Tự Quyết, 2) Chắc chắn có Nhân Quyền tại Việt Nam vì chính Hồ Chí Minh đã nói như vậy, 3) Chắc chắn có Nhân Quyền vì Hiến Pháp CHXHCNVN và các luật pháp (hơn 13000 văn bản) đều đã đề cập tới rất nhiều.

Tập tài liệu của Việt Tân đã phản bác về điểm 3, vì về 2 điểm 1 và 2, tự nó đã cho thấy sự cố ý lọc lừa của nhà cầm quyền và 2 điểm này hoàn toàn thiếu căn bản và dẫn đến điểm 3 là Nhân Quyền phải được tôn trọng và áp dụng vào trong đời sống hàng ngày, chứ không phải chỉ trên giấy tờ. Hiện nay Nhân Quyền không hề được tôn trọng và áp dụng tại Việt Nam qua những điểm sau đây:
1. Các cơ quan, đảng viên đảng CSVN luôn tự coi họ ở trên luật pháp. Điều 4 Hiến Pháp bảo đảm quyền lãnh đạo của đảng CSVN trên xã hội Việt Nam. Các thành phần công an khi đến bắt giữ các thành phần dân chủ đã nói chính lời nói của họ mới là luật pháp.
2. Do tính chất tự trị trong hệ thống phân chia quyền hành từ thượng tầng trung ương đến hạ tầng địa phương, giữa các phe nhóm khác nhau trong đảng CSVN, luật pháp được tùy tiện suy diễn và áp dụng tại mỗi địa phương, hoàn toàn không có sự đồng nhất.
3. Các nhân sự được giao việc thi hành luật pháp đều không được đào tạo, huấn luyện, thông tin về mặt nắm vững nội dung các văn bản luật, cách thức thi hành. Các cán bộ nhà nước, đảng viên này đều chỉ biết hành xử liên hệ đến quyền lợi, bổng lộc cho chính họ và gia đình hơn là ích lợi công cộng cho cộng đồng dân tộc.
4. Không có tự do ngôn luận. Các báo chí, đài phát thanh, truyền hình đều do đảng CSVN kiểm soát. Do đó không có những tin tức độc lập, nhằm nêu lên những sai trái và nhất là những biện pháp thông tin, giáo dục để giúp người dân nhìn ra được và vạch trần những sai trái khi thi hành pháp luật của nhân viên guồng máy nhà nước.
5. Không có những cơ chế kiểm soát độc lập với chế độ tại Việt Nam, với phương tiện điều hành riêng, để có thể thẩm định việc áp dụng luật có đúng hay không. Đảng CSVN hiện kiểm soát cả 3 ngành Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp.

Do đó, dù có rêu rao đã thông qua được hàng chục ngàn văn bản luật, nhưng nhà cầm quyền CSVN hoàn toàn không muốn áp dụng luật pháp đúng mức tại Việt Nam để bảo đảm việc những quyền Tự Do căn bản của con người và những quyền Dân Sự và Chính Trị của mỗi công dân được thật sự tôn trọng và áp dụng.

Nguyễn Ngọc Bảo

No comments: