Trung Quốc tuốt gươm, Việt Nam phải làm gì?
Việt Hoàng
Đăng ngày 12/05/2009 lúc 00:00:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3757
Trung Quốc sẽ tuốt gươm? Quan sát những hành xử gần đây của chính quyền Trung Quốc chúng ta có lý do để tin rằng việc Trung Quốc “tuốt gươm” là chuyện sớm muộn. Xa một chút về trước là việc Trung Quốc tấn công các tàu đánh cá của Việt Nam, bắn giết ngư dân Việt Nam khi họ đang đánh bắt cá ở vịnh Bắc Bộ. Rồi việc Trung Quốc gây sức ép buộc các công ty thăm dò dầu khí với Việt Nam phải rút khỏi khu vực biển Đông như BP, Exxon Mobil. Gần đây là việc các tàu chiến Trung Quốc “gây hấn” với tàu Mỹ hai lần (vào tháng 3 và tháng 4 năm 2009), Trung Quốc đã mạnh mẽ phản đối việc Phi-lip-pin và Việt Nam tuyên bố chủ quyền của mình trên các hòn đảo Trường Sa. Mới đây nhất là việc Trung Quốc gửi công hàm yêu cầu Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) của LHQ "không xem xét hồ sơ chung mà Malaysia và Việt Nam đã nộp về thềm lục địa mở rộng". Cũng mới đây TQ đã gây sức ép lên ngân hàng Châu Á để ngăn cản một khoản vay của Ấn Độ, điều này đã khiến Ấn Độ nổi giận.
Vì sao Trung Quốc phải tuốt gươm?
Hơn 20 năm qua Trung Quốc đã có những phát triển vượt bậc về kinh tế, với chính sách thắt lưng buộc bụng, chính quyền TQ đã thu về cho ngân sách một khoản tiền khổng lồ gần 2000 tỉ đô la. TQ đang nổi lên như là một cường quốc kinh tế và mong muốn của chính quyền là TQ sẽ trở thành một cực của thế giới (cùng với Mỹ và Nga). Do kinh tế thế giới gặp khủng hoảng TQ sẵn sàng mở hầu bao để thu phục hay mua chuộc các nước bé hơn và để thể hiện ưu thế vượt trội của mình.
Các nước cộng sản và độc tài luôn cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, TQ cũng vậy và giờ đây một bộ phận dân chúng TQ bắt đầu đặt câu hỏi về sự “lớn mạnh” và “sức mạnh” của TQ. Một cuốn sách mới xuất bản đã được đón nhận nồng nhiệt ở TQ mới đây là cuốn sách có tựa đề Trung Quốc không vui. Chỉ cần đọc tựa đề của cuốn sách là ta có thể hiểu được cuốn sách muốn nói gì. Người dân TQ cho rằng chính quyền TQ đã quá “mềm yếu” trong các vấn đề quốc tế và TQ cần có thái độ mạnh mẽ hơn cho phù hợp với vị thế của một Trung Quốc hùng mạnh.
Cho dù chính quyền TQ chưa muốn thể hiện sức mạnh của mình vì hiểu rõ rằng TQ phải chờ đợi thêm một thời gian nữa, thế nhưng người dân TQ thì không hiểu (hoặc không muốn hiểu) điều đó, họ cũng không đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Sức ép của dân chúng lên chính quyền ngày một lớn khiến chính phủ TQ phải có những hành động cứng rắn hơn trong các vấn đề quốc tế. Nếu kinh tế TQ vẫn không hồi phục và gặp khó khăn thì chính quyền TQ sẽ tuốt gươm, đó là điều hiển nhiên. Đây là chiến thuật “gây hấn với bên ngoài để ổn định bên trong”.
Việt Nam sẽ là dê tế thần?
Việc TQ gây hấn với tàu của Hoa Kỳ trên vùng biển quốc tế đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ từ TQ rằng họ sẽ không kiêng nể bất cứ ai kể cả Hoa Kỳ. Đối với hàng xóm của TQ thì hầu như mọi việc đều êm ả, chỉ có nổi lên cái tên Việt Nam gắn liền với chủ quyền ở Biển Đông khiến chúng ta lo ngại. Trung Quốc vẫn khăng khăng khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, và khi các biện pháp răn đe hay doạ dẫm không có kết quả thì việc sử dụng sức mạnh quân sự là điều TQ có thể sẽ làm và do VN là nước yếu nhất trong khu vực và đang làm chủ các đảo lớn trên Trường Sa nên có thể sẽ là mục tiêu của TQ. Việc chính quyền TQ lợi dụng sự khó khăn kinh tế của Việt Nam và sự phụ thuộc chính trị của đảng cộng sản Việt Nam vào TQ để ép chính quyền Việt Nam cho phép TQ đem người vào khai thác bô xít ở Tây Nguyên nhằm mục đích đặt một cái vòng kim cô lên đầu Việt Nam để biến Việt Nam thành chư hầu và là phiên dậu của TQ ở phía nam. Nếu chính quyền VN vì sức ép của dân chúng mà dừng dự án này lại thì e rằng TQ cũng không để yên cho chính quyền VN.
Vì vậy cho dù dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên bị các tầng lớp nhân dân phản đối quyết liệt nhưng chúng ta đừng mong rằng chính quyền Việt Nam sẽ dừng dự án này lại. Chính quyền Việt Nam không thể chống lại ý muốn của TQ. Dự án này sẽ tiếp tục được thực hiện. Mọi sự đã an bài. Ngay cả việc đơn giản nhất (mà giả sử chính quyền muốn làm) là cho dân chúng Việt Nam biểu tình phản đối TQ để lấy cớ từ chối tiếp tục dự án này cũng không thể được. Chính quyền VN xưa này vẫn hành xử theo ý mình là chính, chính quyền VN chưa bao giờ biết hỏi ý kiến nhân dân VN trong bất cứ vấn đề gì dù lớn hay nhỏ. Việt Nam đã ký kết và đã nhận tiền của TQ giờ muốn thôi dự án này cũng không thể được, TQ sẽ “gí gươm vào cổ” chính quyền VN ngay.
Chắc chắn chúng ta phải đồng ý (dù không muốn) với tác giả La Thành qua bài viết “Bauxite Tây Nguyên: Phép thử phản xạ tự vệ của quốc gia Việt Nam”. Tác giả không hề kích động hay quá cường điệu khi cho rằng “Bauxite Tây Nguyên hoàn toàn có thể là điểm khởi đầu cho một sự tan rã, không chỉ ở mức thể chế chính trị mà ở tầm quốc gia - dân tộc. Hoặc nó đang là phép thử đối với phản xạ tự vệ của dân tộc và quốc gia Việt”. Chính mảnh đất Tây Nguyên này là nơi đã kết thúc 400 năm của vương triều nhà Nguyễn và hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp với sự chấm dứt cái gọi là “Hoàng Triều Cương Thổ” của Quốc trưởng Bảo Đại. Cũng chính tại mảnh đất này đã chứng kiến sự tháo chạy của quân đội Việt Nam Cộng Hoà khiến Miền Nam Việt Nam sụp đổ bi thảm vào năm 1975. Có lẽ trên mảnh đất linh thiêng này lịch sử đang lặp lại? Cầu mong sao cho nó chỉ là “điểm khởi đầu cho một sự tan rã ở mức thể chế chính trị” chứ không phải là “điểm khởi đầu cho một sự tan rã ở tầm quốc gia-dân tộc”.
Việt Nam phải làm gì?
Việt Nam đang lâm nguy trước sức ép của người “anh em Trung Quốc”. Tuy nhiên sẽ là điên rồ nếu Việt Nam có ý định tuyên chiến với Trung Quốc. Xét một cách toàn diện thì Việt Nam không bao giờ là đối thủ của Trung Quốc.
Chúng ta mong muốn và quyết tâm sống hoà bình bên cạnh Trung Quốc. Để làm được điều đó chúng ta phải chứng minh được rằng dân tộc Việt Nam là một khối đoàn kết, chúng ta là một dân tộc có ý chí, có trách nhiệm và có tinh thần ái quốc. Để chứng minh điều đó thì chỉ có một cách duy nhất để làm là “chính quyền Việt Nam và nhân dân Việt Nam là một, chính quyền Việt Nam là do người dân Việt Nam lựa chọn để thực thi các ý chí của người dân Việt Nam”.
Chính quyền TQ sẽ đắn đo cân nhắc thiệt hơn khi “đối đầu” với cả một dân tộc có truyền thống giữ nước hơn là với 15 vị trong Bộ chính trị. Đảng cộng sản Việt Nam đã tự mình tách rời ra khỏi nhân dân Việt Nam sau khi giành được chính quyền và thống nhất đất nước. “Ý đảng” không còn là “lòng dân”.
Muốn “chính quyền Việt Nam với nhân dân Việt Nam là một” thì Việt Nam phải có dân chủ, người dân Việt Nam phải có tất cả các quyền làm người như đã ghi trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Đảng cộng sản Việt Nam không thể độc quyền muốn làm gì thì làm mà cần phải tranh cử và phải dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tự do, công bằng. Sự chính danh của nhà cầm quyền phải thông qua hòm phiếu, qua sự tín nhiệm của người dân chứ không thể bằng dùi cui, nhà tù và sự khủng bố.
Chỉ có dân chủ và sự hậu thuẫn của người dân Việt Nam mới giúp được chính quyền Việt Nam trong việc “thương thuyết” với các nước trong mọi vấn đề, nhất là với Trung Quốc. Thông điệp khi đó thật dễ dàng và có sức mạnh: “chính phủ Việt Nam phải làm theo những gì mà người dân Việt Nam mong muốn và yêu cầu”.
Chính quyền cộng sản bây giờ không đủ chính danh và tư cách để nói những câu như vậy.
Khi Việt Nam có dân chủ, mọi tiếng nói của người dân Việt Nam được lắng nghe thì chính phủ sẽ nhanh chóng biết được phải làm gì để có lợi nhất cho quốc gia và dân tộc. Khi có đồng thuận của dân chúng thì không ai bắt nạt được chúng ta.
Một nước Việt Nam dân chủ sẽ khiến Trung Quốc phải e dè và kính nể thay vì thái độ trịnh thượng và coi thường như bây giờ.
Đảng cộng sản Việt Nam không thể tự thay đổi được mà phải có một cuộc cách mạng thật sự xảy ra, tốt nhất là các cuộc “cách mạng hoà bình”. Chúng ta chia sẻ và đồng tình với nhận định của một trí thức Việt Nam rằng “Sự sụp đổ và thay đổi là chắc chắc và không thể tránh khỏi, nhiều người bảo rằng sẽ rất nhanh, nhưng cũng có người bảo rằng sẽ chưa thể trong một hai năm nữa. Tôi thì nghĩ điều đó không tùy thuộc vào Đảng, vào Chính quyền nữa, cái này ngoài khả năng của họ rồi. Nó tuỳ thuộc vào lực lượng thay đổi có thể hành động lúc nào thì lúc đó sẽ có sự thay đổi. Còn thay đổi như thế nào thì lại tuỳ thuộc vào cái lực lượng này có muốn làm điều tốt cho người dân hay không?” (Blog Psonkhanh).
Việt Nam đang trải qua những giai đoạn khó khăn và thách thức. Đây cũng là lúc để các “lực lượng thay đổi” nhanh chóng “hành động”. Nếu không thì lo lắng của ông La Thành về sự tan rã của quốc gia-dân tộc Việt sẽ thành hiện thực.
Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment