Wednesday, May 20, 2009

NGHĨ GÌ VỀ QUỐC HỘI ?

Nghĩ Gì Về Quốc Hội Của Dân Ta?
DinhTanLuc's Blog
20/5/2009
http://blog.360.yahoo.com/blog-cvTEIyQ1cqjy3nKsgTLTpK4M2g--?cq=1&p=1375#comments
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Văn Thủy từng nhận định: “Một xã hội không cho mọi người tự do trình bày ý kiến của mình là một xã hội chết rồi. Trong quá khứ, chúng ta mắc quá nhiều sai lầm bởi không ai cho chúng ta được tự do trình bày ý kiến riêng của mình, trong tất cả các lĩnh vực, từ lớn đến bé, từ quân sự đến kinh tế. Không phải không biết mà không dám nói, nhiều người biết nhưng không dám trình bày”.

Cụm từ khóa trong nhận định đó không phải là Không Biết hay Không Dám Nói.
Cụm từ khóa trong nhận định đó là: Không Ai Cho.
Câu hỏi nảy sinh tại chỗ: Ai Đó Là Ai? và Ta Đây Là Ai?

Bài Phát Biểu Gây Chấn Động
Ngày 15-9-1985 là ngày đổi tiền trên cả nước, mở đầu cho chính sách giá-lương-tiền. Đến tháng 12 năm đó diễn ra kỳ họp lần thứ 10 Quốc hội khóa VII. Ngày cuối cùng của kỳ họp, người ta thấy một phụ nữ miền Nam phúc hậu, ăn trầu bỏm bẻm lên diễn đàn phát biểu ý kiến cuối cùng trước khi bế mạc. Người phụ nữ ấy chính là bà Sáu Trầu, khi ấy 48 tuổi, đại biểu Quốc hội tỉnh Cửu Long.
Bài phát biểu đặt ra khá nhiều câu hỏi đột thẳng vào vai trò lãnh đạo trong việc đưa ra quyết sách giá-lương-tiền. “... Ai phụ trách chuẩn bị và chuẩn bị như thế nào? Chúng tôi cho rằng 10 năm qua (75-85 - ĐTL) chưa lần nào dân xôn xao, bất bình, thậm chí phẫn nộ bằng đợt phá giá-lương-tiền vừa qua. Chúng tôi đã chứng kiến biết bao cảnh các cửa hàng ách tắc, bao nhiêu cuộc cãi vã xô xát, bao nhiêu tiêu cực: vo tròn giá hay nâng giá vì thiếu tiền lẻ và mua bán tiền lẻ... Trung ương nói địa phương không biết phát huy ưu thế sau đổi tiền nhưng ưu thế gì mà phát huy. Giá cả tăng 5-7 lần so với trước, có thứ gấp 10-15 lần, đội rất xa giá thị trường. Chúng tôi chứng kiến cảnh bắt và tịch thu hàng của người tự sản, tự tiêu vì bán giá thấp hơn giá nhà nước quy định, đạo lý gì phải làm như vậy? Đồng chí Đỗ Mười (lúc đó là chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - PV) nói rằng tỷ giá công nông hiện nay đã rất hợp lý, thậm chí nông dân còn có lợi nhiều hơn trước. Chúng tôi chưa nhất trí với nhận định đó”... Giọng bà vang đến đâu cả hội trường vỗ tay rần rần đến đó.
10 phút cho bài phát biểu dài gần bảy trang trong điều kiện tiếng vỗ tay lấn át tiếng đọc. “Tôi cố đọc nhanh và lớn để mọi người nghe. Vì chỉ được phát biểu 10 phút, nếu lố giờ sẽ bị mời xuống” - bà kể.
…Bây giờ ngồi lại tâm sự chuyện cũ, bà cười hiền: “Hồi mới trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi có hỏi anh Mười Quẹo - đại biểu khóa trước rằng làm đại biểu Quốc hội khó không. Anh đùa: Dễ! Vỗ tay và ăn cơm thôi! Chừng đi họp tôi mới biết nói lên tiếng nói của cử tri có khi không dễ dàng”...
(Trích báo Pháp Luật Thành Phố ngày 21/4/2009)


Bản Kiến Nghị Gây Chấn Động

Đó là bản Kiến Nghị Về Quy Hoạch Và Các Dự Án Khai Thác Bauxite Ở Việt Nam của tập thể trí thức Việt Nam gửi lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam ngày 12 tháng 4 năm 2009.
Bản Kiến Nghị đã gián tiếp hồi đáp nhận định dẫn trên của vị Nghệ sĩ khả kính Trần Văn Thủy ở hai điểm:
Biết và Dám Nói, ngay cả trong một hoàn cảnh nghiệt ngã thập diện mai phục và một tâm lý chung của Nỗi Ngán Ngẫm Thường Ngày từng khiến mọi người nhếch mép Thế A! trước mọi bản tin thời sự.
Bản Kiến Nghị còn trực tiếp hồi đáp sự mong đợi của toàn thể Nhân Dân Việt Nam ở đôi hia bảy dặm, rằng sau 1/3 thế kỷ thống nhất đất nước nhưng ly tán lòng người, nó đã vượt qua mọi ngăn cách quá khứ, quan điểm chính trị, lãnh vực chuyên nghiệp, khoảng cách địa dư… để chỉ tập trung vào cốt lõi duy nhất là tương lai của một Việt Nam yêu dấu. Với kết quả thực tiễn là trang mạng Bauxite Việt Nam trở thành nơi tập trung trí tuệ VN về một chuyên đề không biên giới.
Tiếp theo sau bản Kiến Nghị là ba lá Thư Ngỏ gửi lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội Việt Nam, ngay trước phiên họp kỳ 5 của Quốc Hội khóa 12 (khai mạc hôm nay).
Đã có người bày tỏ sự ngờ vực về tính lãng mạn của trí thức Việt Nam, (rằng đến giờ này mà) vẫn còn kỳ vọng vào lương tri của các vị đại biểu Quốc hội. Nỗi ngờ này không phải là thiếu cơ sở, một khi tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội là đảng viên đảng CSVN, vốn dĩ từ lâu đã quen chấp hành chỉ thị (đúng/sai) của lãnh đạo đảng hơn là lắng nghe và thảo luận ý kiến của cử tri.
Phải chăng, đó cũng là lằn ranh của câu hỏi nêu trên: Ai Đó Là Ai? và Ta Đây Là Ai?

Ai Không Cho Nói?

Câu trả lời treo la liệt khắp nơi. Từ lệnh miệng của một Nguyễn Khoa Điềm khóa sổ vụ Năm Cam. Từ chỉ thị của một Nguyễn Tấn Dũng nhằm đóng nắp vụ tham nhũng PMU-18 có dây leo lên tới thượng tầng. Từ bàn tay thô bạo của một Nguyễn Minh Tân bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý trước tòa. Từ tội danh trốn thuế để triệt lời đả đảo TQ của Điếu Cày. Từ bản án dành cho hai ký giả Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải để kết thúc mọi tường trình về vụ tham nhũng PMU-18. Từ những răn đe của một Lê Doãn Hợp về lề phải truyền thông. Từ chỉ đạo sắp sẵn của Tuyên giáo Trung ương trước mỗi phiên tòa. Từ quyết định “xuyên suốt” của một Đỗ Quý Doãn về việc quản lý Blogs. Từ những tờ triệu tập để ngăn người đi gặp các phái đoàn nhân quyền nước ngoài v.v…
Tất cả đến từ đâu, nếu không phải là từ “Tận Cùng Trên” của một thiểu số độc tài đang nuôi dưỡng tham nhũng và cai trị cả nước?
Dù vậy, có vẻ những quyết định, chỉ thị… la liệt, ồn ào và tròng chéo lên nhau đó đã càng ngày càng tự giảm thiểu hiệu năng. Vì sao?
Có phải vì nhân dân đã ý thức ra rằng quyền lực không do thượng đế ban phát cho thiểu số lãnh đạo, lại càng không thể vì chính họ áp đặt một loại sứ mệnh mơ hồ nào đó trên một văn kiện ngược ý dân gọi là hiến pháp?
Có phải vì một bộ phận lớn của nhân dân đã thấy ra rằng quyền lực của lãnh đạo có được, đa phần là do chính thói quen tuân thủ của quần chúng, mà quyền lực đó không thể trường tồn bất biến, bởi thói quen này có ngày thay đổi?
Có phải vì lãnh đạo đã liên tục chứng tỏ khả năng điều hành đất nước yếu kém, đồng thời lại chứng minh hùng hồn về lòng tham tư lợi và khiếp nhược ngoại bang, lẫn lộn bạn-thù đối với bọn bá quyền phương Bắc?
Có phải vì thời đại thông tin số ngày nay đã làm đảo lộn mọi ưu thế về quy luật tuyên truyền “nói lấy được là được” như thời trước, và làm đảo lộn cả cái quán tính xin-cho mà mọi chế độ độc tài đều phải dựa dẫm để tồn tại?
Đã vậy, liệu là yếu tố “không cho nói” còn giá trị bao nả?

Ta Là Ai?

Trước tiên, mỗi người chúng ta đều là công dân của nước Việt Nam, bất kể tuổi tác, giới tính, ngành nghề, tôn giáo, trình độ văn hóa, vai trò hay vị trí đóng góp cho đất nước…
Tất cả, như nhau, đều có những khát vọng hòa bình, nhân bản, thăng tiến, văn minh và bình đằng như mọi dân tộc tiến bộ khác.
Tất cả, như nhau, đều có những hy vọng về một đất nước cất cánh không thua kém các quốc gia đã phát triển trong vùng.
Tất cả, như nhau, đều có những ưu tư, cả nỗi nhục về sự lạc hậu và bị coi thường bởi những người láng giềng trước đây không hơn mình.
Tất cả, như nhau, đều có những trăn trở, bức xúc về cuộc sống của chính mình hay người thân quanh mình trước các vấn nạn xã hội chồng chất hàng ngày…
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
Tuy nhiên, không phải mỗi người trong quảng đại quần chúng nhân dân đều có tiếng nói trực tiếp đến giai tầng điều hành đất nước.
Vị trí của đại biểu Nhân dân tại Quốc hội chính là gạch nối giữa đại khối dân tộc với chính quyền, chứ không hề là công cụ đóng dấu mộc của chính quyền.
Vai trò của đại biểu Nhân dân tại Quốc hội chính là làm luật, phê chuẩn chính sách, phê chuẩn ngân sách, và kiểm tra hoạt động của chính phủ sao cho đáp ứng đúng nguyện vọng của đại khối quần chúng Nhân dân.
Vai trò, vị trí của đại biểu Nhân dân tại Quốc hội, do đó, tự nó phải tách biệt ra khỏi những kiêm nhiệm khác trong hệ thống đảng hay guồng máy chính phủ, chí ít là phải tách biệt rạch ròi ngay trong những phiên họp Quốc hội. Quốc Hội không chờ bất kỳ ai cho nói mà có nhiệm vụ phải nói thay dân, phải kiểm thay dân, phải chỉnh đốn chính phủ thay dân.
Quốc Hội là tấm gương phản ánh lòng dân trước những nguy cơ đối với cả dân tộc, chắc chắn không thể nào làm ngơ khi nhân dân đang đau đáu ưu lo về một cái lưỡi bò đang liếm sạch mặt tiền Đông Hải của đất nước, và lăm le đến cả mặt hậu Tây Nguyên nữa. Cũng không thể nào làm ngơ về các lãnh vực chủ quyền độc lập xương máu của toàn dân được giao cho ngoại bang toàn quyền quản trị.
Quốc Hội phải là đầu tàu của cuộc vận động văn hóa nhận trách nhiệm, truy trách nhiệm; và là đầu tàu cuộc vận động xã hội dân sự trên toàn quốc.
Chúng ta cần cụ thể hóa khái niệm xã hội dân sự thành quyền dân sự và tổ chức dân sự, khởi đầu chính là Quốc Hội Việt Nam.
Chúng ta, hơn bao giờ hết, không thể chỉ vỗ tay và ăn cơm. Chúng ta đang cần rất nhiều Bà Sáu Trầu khẳng khái.
Đừng để Việt Nam biến thành một xã hội chết rồi.
Hãy đánh tan mọi ngờ vực của quần chúng cử tri, để mãi mãi yên tâm rằng đàng sau Quốc Hội là một hậu thuẫn to lớn của toàn dân.
Hãy hành xử đúng đắn và đúng mức quyền hạn của một Đại Biểu Nhân Dân.
Hãy nêu gương cho báo chí Việt Nam hành xử đúng đắn và đúng mức Đệ Tứ Quyền của họ.

20/5/2009 – Nhân ngày khai mạc phiên họp Quốc Hội kỳ 5 khoá 12.
Blogger Đinh Tấn Lực


No comments: