Wednesday, May 20, 2009

LÀNG TÔI

Làng tôi
Trọng Đạt
Đăng ngày 20-5-2009
http://danchimviet.com/articles/1135/1/Lang-toi/Page1.html
Làng tôi, mon village, nằm trên bờ đê sông Đáy, phía Tây Nam Hà Đông, cách tỉnh có hơn mười cây số, nhưng ở thời thơ ấu tôi lại thấy nó xa lơ xa lắc, mỗi lần được anh tôi đạp xe chở lên tỉnh, tôi tưởng đó như một cuôc viễn du dài đằng đẵng. Dân làng sống bằng nghề giã bột và làm ruộng, hồi còn bé tôi thường đi chơi nhiều hơn đi học, gia đình tôi và họ nội phần nhiều là các hào phú trong làng, ai cũng nhà ngói cây mít cả. Đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên, đến khi đất nước bị chia đôi, tôi theo gia đình từ bỏ quê cha di cư vào Nam tìm tự do.
Chiến tranh Việt Pháp bùng nổ từ Hà Nội, Hà Đông rồi lan tràn xuống quê tôi, hồi ấy tôi mới lên sáu, lên bẩy nhưng ký ức của thời thơ ấu lại rõ ràng khúc chiết lạ thường, cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn nhớ rõ như in trong trí tất cả cái giai đoạn khói lửa tang thương, đau khổ ấy. Tôi còn nhớ những ngày cha mẹ, anh chị em bồng bế nhau chạy loạn nheo nhóc hết làng này sang làng khác, nhớ cả những cảnh lửa đạn tơi bời, những chiếc xe tăng đen chùi chũi của bọn thực dân chạy lầm lũi trên đê làng, bao nhiêu tang tóc ghê rợn đã diễn ra: nào cướp bóc, hãm hiếp, bắn giết, đánh đập tra tấn những người tình nghi vô tội. Rồi những ngày bọn Tây Trắng, Tây Đen, Ba Ti Giăng, Việt Gian về làng khủng bố, chúng bắt dân làng tụ tập dưới gốc cây đa để chứng kiến những cảnh tra tấn, bắn giết người rùng rợn. Bọn thực dân cướp nước đã tàn phá quê hương tôi.
Việt Minh yếu thế thua trận phải rút vào hậu phương, chiến tranh đã xa dần rồi dịu hẳn đi tại quê tôi. Cuộc sống thanh bình trở lại, không còn khủng bố bắn giết ghê rợn như trước kia. Tôi bắt đầu lớn khôn, đi học trường làng, tôi nhớ một hôm có chiếc xe "bình bịch" từ Hà Đông về làng, một ông ăn mặc quần áo Tây lịch sự vào trường bán ảnh ông Bảo Đại, ông ấy nói:
- Đức Quốc Trưởng đã giành được độc lập cho nước ta, các em phải mua ảnh của Quốc Trưởng về treo để nhớ ơn Ngài!
Ông Bảo Đại đã về nước làm Quốc Trưởng thành lập chính phủ Quốc Gia, mặc dù chưa hoàn toàn độc lập nhưng ít ra nhờ có chính phủ nên an ninh đã vãn hồi không còn cảnh hỗn quân hỗn quan, nhiễu nhương ghê rợn như trước, thầy tôi thường nói với chú, bác: hồi ấy mạng người không được bằng con trâu, con bò, con lợn.
Hồi ấy dân làng tôi không nghèo nàn đói khổ lắm, họ cũng đủ ăn đủ mặc, những năm đói kém thời phát xít Nhật đã qua, hồi ấy chúng bắt dân bỏ lúa để trồng đay gây lên nạn đói khủng khiếp, người chết như rạ khắp miền Bắc nước ta, chúng bóc lột xương tủy, không cho dân ta trỗi dậy, nhưng nay thảm kịch cũng đã trôi qua.
Thế là bên trong lũy tre xanh, cuộc sống lại thanh bình êm đềm như giòng sông Đáy chảy ngang qua, hồi ấy tôi học lười hay bị thầy giáo đánh đau chết điếng, bị cha mẹ mắng mỏ tôi đi chơi nhiều hơn học hành, sách bút. Ở dưới bãi, bên bờ sông, cách làng chừng nửa cây số có một cụm rừng nhỏ, bên trong có miếu thờ, ở đấy đầy những chim chóc kêu ríu rít. Đó là nơi tôi, đứa em họ và bọn trẻ làng hay xuống bắn chim, xem lễ, xuống sông tắm mát, đó là thời mà tâm hồi chúng tôi còn trong trắng vô tư chỉ biết kéo nhau đi phá tổ chim, câu cá, bắt chuồn chuồn, châu chấu.
Thấm thoắt tôi đã mười mấy tuổi, học hết lớp nhì nhưng cũng còn vô tư lắm. Bỗng một hôm tiểu đoàn Quốc Gia về đóng tại làng tôi, họ nói là tiểu đoàn năm mươi tư, ông quan tư bệ vệ đóng tại nhà tôi, cảnh sinh hoạt trong làng thay đổi hẳn. Họ đóng cọc rào kẽm gai suốt dọc bên bờ đê, đào hố đặt súng cối tưởng như chiến tranh diễn ra đến nơi nhưng một hai tháng sau bỗng có tin đình chiến, quân đội và chính phủ Quốc Gia, quân đội Pháp sẽ rút vào Nam, có nhiều người lính đào ngũ trốn ở lại. Sau này nghe anh tôi nói người ta đồn thiếu tướng Nguyễn Văn Vận biết Tây sẽ ký hiệp định Giơ Neo chia đôi đất nước với Việt Minh, ông thiếu tướng định đảo chính quân Pháp và ở lại giữ đất, một mặt sai tiểu đoàn năm mươi tư về đóng dọc theo sông Đáy để ngăn chận Việt Minh, nhưng âm mưu bại lộ, ông bị tước khí giới.
Tiểu đoàn Quốc gia rút khỏi làng tôi để lên đường vào Nam, dân Hà Nội, Hà Đông tấp nập di cư theo chính phủ Quốc Gia, hàng ngày có mấy chục chuyến máy bay chở dân di cư vào Nam. Dân nhà quê đều ở lại hết, họ chưa biết gì về Cộng Sản cả. Việt Minh về tiếp thu, tôi và bọn trẻ lên đê đón các anh bội đội đi ngang qua làng về tiếp thu Hà Đông, Hà Nội, các anh vui vẻ tử tế trong những bộ quân phục gọn gàng, ai cũng niềm nở tươi cười bắt tay chúng tôi. Tôi đã mười bốn tuổi, chúng tôi hay ra sân đình làng xem diễn kịch, ca hát, nhảy son đố mì, tôi thấy người ta treo ảnh các nhà lãnh tụ: Hồ chủ Tịt gầy gò ngồi giữa, bên trái là đồng chí Ma Lăng Cốp, đôi mắt gườm gườm, chủ tịt nước Liên Sô, và bên phải là Mao Chủ Tịt, trán cao tươi cười rạng rỡ. Anh em tôi sang làng bên xem chiếu phim Chiến Thắng Điện Biên, có lần lên Hà Đông xem phim Trung Cộng Cờ Hồng Trên Núi Thúy.
Thấm thoắt hơn nửa năm đã trôi qua, những ngày vui vẻ đi đón các anh bộ đội dễ thương hiền lành nay còn đâu? Dần dần đối với những nhà hào phú trong làng một viễn tượng đen tối diễn ra: thuế nông nghiệp nặng è cổ, gấp năm gấp mười ngày trước, người nghèo nay nhìn người giầu bằng những cặp mắt hằn học, chỉ đợi dịp trả thù, nghe đồn ở mạn trên có đấu tố địa chủ, con cái đấu tố chửi mắng, đánh đập cả cha mẹ. Gia đình tôi, họ hàng nhà tôi ai nấy nơm nớp lo sợ, bỗng có tin ông Năm, bác Ba trong họ "đi Nam". Quân đội Pháp và chính phủ Quốc Gia vẫn còn đóng ở Hải Phòng, thời hạn rút lui là ba trăm ngày, gần một năm kể từ ngày ký Hiệp Định Giơ neo, muốn xuống Hải Phòng phải có giấy thông hành nhưng cũng mượn giấy bà con ở Hà Nội làm giả được.
Tôi thấy thầy mẹ, anh chị em trong nhà thì thầm bàn chuyện đi Nam, rồi cuối cùng nhất quyết ra đi vì nếu ở lại không biết lấy gì để mà sống, thuế nông nghiệp nặng è cổ gấp năm gấp mười ngày trước, dù thầy tôi có sang bên kia sông bán hết cả ruộng nương cũng không đủ đóng. Hiến ruộng cho chính phủ cũng không được, họ muốn cho bọn địa chủ phải dở khóc dở cười, chính sách tiêu diệt địa chủ học theo kiểu Trung Cộng sắt máu, gớm ghiếc lắm. Vài ngày cán bộ vào đốc thúc đóng thuế, nói là cán bộ cho oai chứ thực ra chỉ là một anh tá điền nghèo kiết xác trong làng tự ý nhảy lên làm cán bộ, mặc quần áo nâu, đeo túi dết, trước đây mỗi lẫn gặp thầy tôi thì khúm lúm chắp tay:
- Lạy ông ạ!
Nay nói chuyện ông, tôi ngang hàng. Bà con trong họ nội, nhà giàu trong làng nhiều người đã lên đường. Thầy mẹ tôi, anh chị tôi bàn bạc rồi nhất quyết ra đi, nhà tôi tỏ vẻ bất cần, công khai đem đồ đạc trong nhà ra bán sạch, đào cả gạch ngoài vườn bán lấy cớ để đóng thuế, chính quyền địa phương chưa thực sự thiết lập nên không thấy có ai ngăn cản. Gia đình tôi đi làm ba bốn đợt, mỗi đợt vài người, gặp ai hỏi thì nói là ra quê ngoại ăn giỗ.
Hôm chị tôi dẫn tôi và hai đứa em ra đi, chúng tôi nhìn lại căn nhà gác lần cuối, chúng tôi ra quê ngoại gần sát Hà Đông ở bốn năm ngày rồi lên Hà Đông, sau đi tầu điện lên Hà Nội, ngủ tại đây một đêm, hôm sau ra ga xe hỏa, tôi mới mười bốn không cần giấy thông hành, còn các anh chị tôi, thầy mẹ tôi toàn làm giấy thông hành giả cả! Anh chị tôi mượn giấy của bà con họ hàng ở Hà Nội rồi bóc ảnh cũ ra thay ảnh mới vào, lấy củ khoai làm con triện, con dấu giả đóng lên thế là ra đi thoải mái !
Lần đầu tiên trong đời tôi được đi xe hỏa, tầu chạy mất nửa buổi thì sang địa phận Quốc Gia, họ thay đổi người lái, tôi thấy tầu chạy mấy giờ nữa mới đến ga Hải Phòng, bước xuống ga tôi thấy người người chen nhau đông đúc tấp nập, lần đầu tiên trong đời tôi thấy một đám đông người như thế. Tôi lại thấy cờ vàng ba sọc đỏ, thấy những người lính Quốc Gia, chúng tôi vui mừng khôn xiết y như lâu ngày hội ngộ bạn cố tri vậy, mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng tôi cũng ý thức được rằng gia đình mình đã thoát nạn.
Lòng phơi phới hân hoan, tôi nhìn lên những bức tường thấy người ta viết những câu vè, khẩu hiệu như:
"Cụ Ngô thống nhất sơn hà,
Già Hồ chia xẻ nước nhà làm hai".
Hoặc.
"Ai vô Nam đợi mấy tôi cùng,
Tôi còn gỡ ách, gỡ chòng Việt Minh".

Chừng vài ngày anh chị tôi lại dẫn chúng tôi ra ga đón thầy mẹ, rồi một hôm cả thầy mẹ và anh tôi đã tới, thế là thoát nạn.
Anh tôi lên Hội Đồng Di Cư Bắc Việt lấy vé tầu vào Nam, đi máy bay phải chờ lâu, đi tầu thủy chỉ chờ hai tuần hay một tháng. Chúng tôi đi chơi phố, Hải Phòng là một thành phố nhỏ bé, tối đến hay ra nhà Hát Lớn nghe diễn kịch tố Cộng, hòa nhạc.
Thế rồi chừng một tháng sau, tờ mờ sáng, gia đình tôi thuê xe xích lô đến điểm hẹn để lên xe cam nhông. Trên xe nhìn xuống thấy đằng sau một chiếc xe bên cạnh, những người ở lại chạy theo khóc lóc, nói những lời vĩnh biệt, một ông cha áo đen nói mấy lời tiễn đưa.
Xe cam nhông chở hàng nghìn người di cư đến bến tầu, chúng tôi lên tầu há mồm của Pháp, rồi từ đó qua vịnh Hạ Long để lên tầu Mỹ Marine Adder đậu ngoài khơi. Lần đầu tiên và cũng có lẽ là lần cuối cùng trong đời tôi được sống trong thế giới mỹ lệ của vịnh Hạ Long, hàng nghìn hàng vạn ngọn núi nhô lên khỏi mặt nước như những hòn non bộ. Mỗi lần tầu rẽ sóng tiến lên, chúng lại từ từ tránh lối cho tầu đi qua, phong cảnh đẹp tuyệt vời nhưng trầm lặng và buồn thiu.
Tôi thấy nhiều người rơi lệ trên tầu, những giọt lệ lăn trên những gò má vì họ biết rằng không bao giờ còn có ngày trở về quê cũ y như trong phim Trên Sông Vĩnh Biệt, Rivìere Sans Retour vậy! Quang cảnh sao vắng lặng lạ thường, lâu lâu mới gặp một chiếc thuyền đánh cá. Hồi ấy còn bé tôi rất vô tư, được viễn du như vậy lấy làm thích thú lắm. Tầu há mồm chạy lâu lắm mới tới tầu Mỹ Marine Adder to kếch sù và cao ngất, hai tầu cập sát nhau cho dân di cư leo thang lên boong, tại đây một người lính thủy Mỹ đưa cho mỗi người một túi cơm với quả trứng luộc, quả cam. Chúng tôi được hướng dẫn xuống tầu, đi qua buồng nọ buồng kia, phòng này phòng khác y như trong một tòa lâu đài vậy, mỗi chuyến tầu chở đi năm nghìn người di cư vào Nam.
Hôm sau tầu chuyển động mạnh bắt đầu chạy, chúng tôi bị say sóng nhiều người nôn mửa, họ phát cơm nấu đậu nhưng khó ăn lắm, phần vì mệt phần vì đồ ăn hơi lạ. Hôm sau nữa anh em tôi lên boong chơi, nhìn ra bốn bề chỉ thấy trời với nước mênh mông bát ngát không biết đâu là bến bờ. Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, gia đình tôi đến bến tầu Sài Gòn, đứng trên boong nhìn xuống ai cũng trầm trồ khen ngợi Sài Gón đẹp quá, đẹp hơn Hà Nội, Hải Phòng.
Cha mẹ, anh chị em tôi phấn đấu với cuộc sống mới rất vất vả. Chúng tôi chịu bao nhiêu khó khăn gian khổ cả chục năm mới khá hơn được một chút, tôi được đi học, khi trưởng thành đi dậy học kiếm tiền nuôi thân, phụ giúp gia đình. Hình ảnh làng xưa quê cũ lúc này đã hoàn toàn xa lơ xa lắc đối với tôi.
Hồi sau Tết Mậu Thân, khi ấy tôi là sinh viên trường Hành Chánh của chính phủ, có một anh bộ đội Bắc Việt người làng bên ra hồi chánh, anh ta kể cho gia đình tôi nghe chuyện ngoài Bắc, quê cũ, khi anh ấy ra về, mẹ tôi cười và nói với chúng tôi:
- Nghe y như chuyện dưới âm phủ ấy!

Thực vậy! Cái xã hội, làng thôn ấy nay đã quan san cách biệt không biết bao giờ mới nối lại được, tôi và cả nhà cũng đã quên hẳn cái làng quê mùa xa xăm ấy. Ngày tháng cứ trôi nhanh như nước chảy qua cầu, năm 1975, Miền Nam sụp đổ, Cộng quân tràn ngập Sài Gòn, một anh bộ đội người làng đến chơi kể chuyện quê cha đất tổ, làng cũ xa lơ xa lắc. Khi ấy ruột gan rối bời, cõi lòng tan nát, anh hùng mạt lộ giang sơn tiêu điều, tôi chẳng còn bụng dạ nào mà nghĩ đến quê hương. Làng xưa nay đã chôn sâu trong ký ức vì nay tôi đang lo sợ không biết ngày mai sẽ ra sao?
Tôi phải đi cải tạo khá lâu, được thả về cả chục năm sau thì được sang Hoa Kỳ, thế là hồi xưa tôi bỏ làng, nay lại bỏ cả nước, hễ Cộng sản đến đâu là tôi chạy đến đấy! và đây là lần cuối cùng chạy trốn Cộng Sản. Từ ngày vào Mỹ, bận vật lộn với cuộc sống, cũng chẳng nhớ gì đến cái đất nước nghèo nàn, gian khổ ấy, đôi lúc có nhớ đến Sài Gòn, nhưng tôi không nghĩ gì đến việc hồi hương hay về thăm đất nước, nó giống như tâm trạng của kẻ biệt xứ vậy.
Thế rồi một buổi chiều, bước sang thiên niên kỷ mới, tôi lại được thăm làng cũ xa xăm ở tận nửa vòng bên kia của quả đất, nhưng không phải bằng cuộc hành trình vạn dặm, mà qua một cuốn băng nhựa video ở làng tôi gửi sang cho bà con họ nội tôi ở bên Mỹ. Ông chú họ tôi ở đây có gửi tiền về cho em trai nhờ mướn người quay phim, bên ấy họ thuê người ở Hà Nội về làng quay phim, hình ảnh đẹp, âm thanh rõ lắm.
Họ dẫn dắt chúng tôi đi thăm tất cả các nẻo đường của làng xưa quê cũ từ đầu làng đến cuối xóm, chợ phiên, cây bàng, trường học, bờ đê, ao bèo, nhà bà con họ hàng trong họ, cả căn nhà gác của gia đình tôi, nhưng than ôi nay không còn nguyên vẹn và đã bị rêu phong đen đúa che phủ, thôi thì chẳng còn thiếu nơi nào. Họ cũng giới thiệu bà con họ hàng còn lại ở bên ấy, nào anh Ất chị Giáp, Ông Kèo Bà Cột... không thiếu người nào, cả những ngày giỗ, lễ ở nhà thờ tổ mới xây cất lại.
Mặc dù ra đi từ hồi mười năm tuổi, nay đã nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in trong trí những con đường lát gạch đỏ từ nhà ra chợ, lên xóm trên xuống xóm dưới, tôi thấy quê tôi nay đã thay đổi quá nhiều, lũy tre xanh bao bọc quanh làng bây giờ còn đâu? Người ta chặt hết tre lấy đất, đâu còn những mái tranh nên thơ thi vị như xưa nữa. Nay người ta tự đúc gạch, ngói làm nhà, bên cạnh những con tiểu lộ bây giờ đầy những nhà cửa san sát như bát úp, dòng sông êm đềm chảy năm xưa bây giờ còn đâu? Người ta lấy nước phục vụ dẫn thủy nhập điền nên nay nó đã cạn dòng. Cây đa bờ đê bây giờ còn đâu? Dưới gốc đa bây giờ chỉ toàn là nhà mái đỏ.
Cuốn phim tự nhiên lại kéo tôi trở về quá khứ, nó cũng khiến tôi vô cùng súc động, những hình ảnh đã chôn sâu trong ký ức nay lại sống dậy trong tôi. Trong trí tôi y như có một cuốn phim xưa cũ được đem ra chiếu lại, tôi mường tượng ra cảnh làng cũ ngày xửa ngày xưa lúc mình còn bé, nào lũy tre xanh ngả nghiêng trước gió kêu kẽo kẹt, nào đồng lúa chín vàng đầy châu chấu mà chúng tôi thường đuổi bắt thời thơ ấu, tôi nhớ lại những ngày cùng đứa em họ và bọn trẻ đi chơi xa sang tận cánh đồng làng La Khê, La Dụ, những ngày đi tắm sông, câu cá, bằt chuồn chuồn, châu chấu... Ôi sao mà thần tiên đến thế!
Những ngày tươi đẹp nên thơ ấy bây giờ còn đâu? Làm sao trở lại được những ngày xinh tươi như mộng ấy? Chúng đã vụt qua đi mà không bao giờ trở lại. Nửa thế kỷ đã trôi qua, bước đi của thời gian đã kéo theo biết bao cảnh nương dâu bãi bể, căn nhà gác của gia đình tôi do cụ tôi để lại bây giờ còn đâu những nét đẹp xa xưa? Làng tôi đâu còn những mái tranh nên thơ? Còn đâu lũy tre xanh truyền thống tự bao đời qua? Sao ai nhẫn tâm cầm dao chặt hết cả lũy tre xanh nên thơ thi vị của làng tôi như thế? Còn đâu dòng sông Đáy êm đềm mà chúng tôi đã tắm mát ngày nào? Tất cả những cái hay cái đẹp xa xưa bây giờ còn đâu? Nhìn lại làng xưa xóm cũ sao tôi thấy nó thân yêu quá! Nhưng tôi không sao ngăn được nỗi tiếc thương vô hạn cho những cái hay cái đẹp tuyệt mỹ, nên thơ của một thời xa xưa nay đã bị chôn vùi dưới lớp cát bụi của thời gian, biết tìm ở đâu bây giờ?
Nay sống trong một xã hội văn minh sung túc, tôi tự nhiên nhớ lại những ngày tươi đẹp thần tiên của tuổi thơ vô tư trong trắng cùng cảnh thôn trang mộc mạc nên thơ, những mái tranh ẩn dưới lùm tre, những con đườøng làng lát gạch đỏ quanh co uốn khúc như trong tranh vẽ, những cảnh đơn sơ mộc mạc ấy tôi cho là nên thơ, thi vị, là đáng sống thay!
... Nhưng tôi không biết mình có tự giả dối với lòng mình hay không?
Nay đang đứng giữa cái biên giới của Tinh Thần và Vật Chất, tôi không biết đâu là hư? đâu là thực?
Hàng nghìn hằng vạn người ly hương về thăm xứ sở, họ đi khắp các nẻo đường của đất nước, có thể do tình hoài hương thúc đẩy hoặc họ cũng muốn tìm lại những kỷ niệm cũ xa xưa ở nơi quê cha đất tổ. Một ngày đẹp trời nào đó tôi cũng sẽ về thăm làng cũ, tôi nghĩ một phần do chút tình của mình với nơi chôn nhau cắt rốn, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, nhưng cũng là để đi tìm lại những kỷ niệm của những ngày xa xăm đã lùi vào dĩ vãng trước đây, nhất là để đi tìm cái hình ảnh của một cậu bé, một cậu thiếu niên mà năm mươi năm trước đây, ở bên trong lũy tre xanh, cậu ấy ở lứa tuổi ngây thơ vô tư lự chỉ biết rong chơi trong một thế giới thiên nhiên êm đềm, thơ mộng.

© 2009 Đàn Chim Việt Online


No comments: