Suy nghĩ về mối nguy của dân tộc Việt Nam (Kết)
Minh Võ
03-05-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6273
Trước những nguy cơ của nhân loại suy nghĩ về mối nguy của dân tộc Việt Nam
Sau đây chúng tôi xin nêu lên một số chiêu thức thuộc về chiến lược, sách lược và kỹ thuật chiến tranh ý thức hệ mà ông Hồ đã xử dụng trong chiến tranh Việt Nam (VN).
Phương pháp tinh vi mà ông ta học được ở Liên Xô và đưa về áp dụng đầu tiên là xâm nhập để lũng đoạn và biến tổ chức của người quốc gia thành tổ chức CS. Ví dụ cụ thể là xâm nhập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của người Quốc Gia do ông Hồ Học Lãm làm hội trưởng, để rồi chi phối nó, biến nó thành ra Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh của CS do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Ông HHL gọi tắt hội của mình là Việt Minh, thì Hồ Chí Minh cũng gọi tắt mặt trận của ông ta là Việt Minh. Ví dụ thứ hai là xâm nhập Tâm Tâm Xã của đồ đệ của cụ Phan Bội Châu rồi biến nó thành Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, cái nhân của Đảng Cộng Sản Đông Dương sau này.
Các thủ đoạn nói trên chính là một thứ “vũ khí phi vũ trang” của chiến tranh ý thức hệ mà QTCS đã cung cấp cho ông Hồ để ông ta xử dụng và dậy lại cho đàn em.
Nói sơ qua thì thấy đơn sơ như vậy. Nhưng xâm nhập vào một tổ chức khác của những người có lập trường trái với lập trường CS là cả một kỳ công cần tới nhiều thủ đoạn. Nếu không được học chu đáo sẽ không thể nào làm được. Trước hết là phải rành về các công tác tình báo và tuyên truyền. Phải lân la, làm quen để tìm hiểu về một số đối tượng, biết rõ sở thích, sở trường sở đoản, nhu cầu của những đối tượng đó. Kế đến là giai đoạn tuyên truyền để lôi kéo theo lập trường của mình.
Nói về tuyên truyền ta đã biết ngay khi mới từ Pháp sang Nga ông Hồ đã được cử vào Ủy Ban Tuyên Truyền của Quốc Tế Cộng Sản. Rồi sau đó QTCS đã trao cho ông nhiệm vụ lập nhiều trường tuyên truyền tại Á Châu. Cho nên ngay khi vừa về nước ông đã lập một trung đội đặt tên là Trung Đội Vũ Trang Tuyên Truyền Giải Phóng Quân và đặt một trong số những đàn em thân cận có khả năng nhất là Võ Nguyên Giáp làm trung đội trưởng.
Rồi trong chính phủ đầu tiên ông đã lập bộ Tuyên Truyền, đặt bên trên cả bộ Quốc Phòng, và cử Trần Huy Liệu làm bộ trưởng.
Chỉ cần nhìn vào ba sự việc vừa nêu cũng đủ thấy đặc điểm số một của chiến tranh ý thức hệ là lấy lời thay cho vũ khí. Lời đây hiểu là lời trong trí não bao gồm cả lời nói, chữ viết, hình ảnh và mọi biểu tượng khác của tư duy cộng với các phương tiện truyền đạt lời...
Hồ Chí Minh đã đưa ra khẩu hiệu mỗi người dân phải là một cán bộ tuyên truyền và tình báo.
Chiến tranh nhân dân
Nhắc lại khẩu hiệu này, không khỏi nhớ tới kiểu chiến tranh nhân dân của CS. Chúng tôi đã nhiều lần định nghĩa chiến tranh ý thức hệ CS là toàn bộ chiến, một cuộc chiến toàn cầu, toàn diện, trường kỳ. Chiến tranh nhân dân chính là hình thức điển hình nói lên đầy đủ nội dung đó. Chiến tranh nhân dân là một cuộc chiến mà toàn dân là lính, phải chịu kỷ luật nhà binh. Trong chiến tranh nhân dân mọi người dân đã là lính, thì tất cả các nhà báo, tất cả các chủ nhiệm, chủ bút và từng biên tập viên của mỗi tờ báo cũng đều là lính và chịu kỷ luật nhà binh. Dựa vào nguyên lý đó không thể nào có tự do báo chí. Khi mà đảng đã nhân danh “chính nghĩa” dân tộc kiểu Lenin, hay nhân danh Cách Mạng Vô Sản thế giới để tiến hành chiến tranh thì không ai có thể từ chối nghĩa vụ đi lính và khước từ tuân thủ kỷ luật nhà binh, kỷ luật chiến tranh. Báo chí là một vũ khí, một mặt trận, một đạo quân. Mỗi ngòi bút là một sư đoàn.
Một biến thể của chiến tranh nhân dân là du kích chiến. Khi Ngô Đình Diệm nói với nhà báo trẻ Denis Warner (nay đã gần 100 tuổi, hãy còn sống ở Úc) rằng chỉ có hai người trên thế giới hiểu rõ chiến pháp (tuy đối với ông Diệm rất đơn giản) của họ Mao là Hồ Chí Minh và Che Guavera, thì ông đã nghĩ tới du kích chiến. Hồ Chí Minh thì đã rõ, ai cũng biết. Còn Che thì chết quá trẻ (39 tuổi) sau khi đã giúp đắc lực cho Fidel Castro trong chiến thắng và lên cầm quyền tại Cuba. Người ta đã ca ngợi Che là “cha đẻ” của du kích chiến.
Du kích chiến là một hình thức chiến tranh (nhân dân) lấy dân làm gốc. Dựa vào dân mà tác chiến, tuyển chiến sĩ ngay trong lòng nhân dân. Nhờ đó, với vũ khí nhẹ, với trang bị nhẹ, di động dễ dàng, nhanh chóng, nó chợt hiện rồi chợt biến làm cho đối phương luôn luôn bị bất ngờ, khó đối phó. Nó khởi sự ở vùng rừng núi thưa dân, rồi tiến vào vùng nông thôn đông dân, sau khi đã dùng tình báo và xâm nhập để đặt được một số căn cứ đia vững chắc. Rồi từ đó lấy nông thôn bao vây thành thị.
Cuộc chiến mà Hồ Chí Minh tiến hành chống lại Quân Pháp và các chính quyền quốc gia từ 1946 đến 1954 phần lớn là du kích chiến. Ngoài ra nó đã theo những nguyên lý chỉ đạo sau đây của Mao Trạch Đông:
–Trước hết chỉ tấn công những đơn vị cô lập của địch.
– Ban đầu hãy chỉ tấn công những làng nhỏ, hay thị trấn nhỏ, đừng đánh những vùng đông dân.
– Trước hết hãy nhắm tiêu diệt địch, không đánh chiếm địa điểm cố định.
Đó là 3 trong 10 nguyên lý chỉ đạo chiến tranh nhân dân
Áp dụng chúng vào du kích chiến những châm ngôn sau đây nhắc cán bộ CS hãy lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, và lấy vũ khí địch đánh địch.
Dựa vào những nguyên lý chiến lược của Tôn Tử, Mao Trạch Đông đưa ra những mệnh lệnh vắn gọn: Địch tiến ta lùi, Địch ngừng ta quấy. Địch mệt ta đánh. Địch chạy ta đuổi.
Ngoài ra những khẩu hiệu “giặc đến nhà, đàn bà phải đánh” “Tĩnh vi dân, động vi binh”, hay “mỗi người dân là một cán bộ tình báo”, “mỗi ngòi bút là một sư đoàn” đều được nêu cao trong chiến tranh nhân dân.
Thực ra, tất cả những hình thức chiến tranh đa dạng mà CS dùng phát xuất tử khái niệm toàn bộ chiến mà Clausewitz đã chủ trương từ trước thế chiến I, rồi sau đó bị quên lãng. Nhưng Ăng Ghen là học trò của Clausewitz đã đem áp dụng trở lại và thành lò đúc “vũ khí phi vũ trang” phổ biến của CS. Theo quan niệm này thì cái gì cũng có thể là vũ khí, chỗ nào, lãnh vực nào cũng có thể là mẵt trận. Chiến tranh nhân dân vì vậy cũng chỉ là một khía cạnh của Toàn Bộ Chiến.
Theo quan niệm này thì trường Lao Động Đông Phương cũng được gọi là Trường Stalin ở Mặc Tư Khoa vừa là một quân trường đào tạo cấp chỉ huy của đạo quân để xông ra trận vừa là một thứ công binh xưởng sản xuất đủ mọi thứ vũ khí để đem xử dụng trong “thế chiến III”, hay chiến tranh ý thức hệ toàn cầu.
Hầu hết các cấp lãnh đạo các đảng CS khắp nơi trên thế giới đều được thụ huấn và thực tập tại trường này. Một số ít cán bộ quan trọng hơn còn được đào tạo tại trường Lênin, trong đó có Hồ Chí Minh.
Nói về vũ khí dùng trong chiến tranh ý thức hệ phải kể trước tiên tuyên truyền và vận động quần chúng (Agitprop). Rồi đến tình báo. Sau đó là xâm nhập vào các cơ quan, đoàn thể để thao túng, lũng đoạn và biến tổ chức địch thành tổ chức CS. Phương cách điều khiển một hội nghị, một cuộc mít tinh hay các cuộc tranh luận... cũng có thể coi là những vũ khí khác.
Để phóng những vũ khí này ra các mặt trận vào khoảng cuối thập niên 50 Liên Xô đã chi ra 2 tỷ mỹ kim và xử dụng một nửa triệu cán bộ đã được huấn luyện thành thạo (12)
Trong số những vũ khí đặc biệt được dùng trong chiến tranh ý thức hệ, không thể không nêu lên một vài loại khá phổ biến như hoà bình, hoà đàm, liên hiệp, trung lập.
Cổ La Mã có ngạn ngữ “Nếu muốn hoà bình hãy chuẩn bị chiến tranh” “Si Vis Pacem, Para Bellum”. Thì ngược lại trong cuộc chiến toàn bộ, toàn cầu, toàn diện và trường kỳ CS chủ trương “Muốn chiến hãy nói hoà.” Hàm ý là hãy dùng chiêu bài hoà bình giả dối để tấn công đối phưong mà đối phưong không thể ngờ. Do đó nếu không biết trước điều đó, để đề cao cảnh giác thì sẽ không thể nào ứng phó được với chiến thuật vừa đàm vừa đánh của CS.
Về vũ khí Liên Hiêp thì các đảng phái quốc gia đã nếm mùi cay đắng với Hồ Chí Minh vào cuối 1945 đầu 1946. Khi nhận 70 ghế trong cái gọi là Quốc Hội đầu tiên, và một số ghế trong chính phủ Liên Hiệp của Hồ Chí Minh, Xem ra lúc ấy các lãnh tụ đảng phái đả chẳng biết tác dụng của cái vũ khí (phi vũ trang) này. Chỉ có Ngô Đình Diệm tránh được cái chưởng độc này. (13)
Còn một vũ khí khác còn nguy hiểm hơn. dó là “vũ khí” trung lập. Đã có kiến thức và kinh nghiêm như ông Diệm rồi, thì trung lập chỉ có nghĩa là cô lập. Cho nên năm 1962 khi Tổng Thống Kennedy phái Averell Harriman tới thương thảo với Tổng Thống Diệm về hiệp ước trung lập hoá Ai Lao thì ông Diệm giữ lập trường cứng rắn không nhượng bộ. Vì ông cho rằng làm như vậy chẳng khác gì dâng Ai Lao cho Cộng Sản.
Đại Sứ Frederick Nolting bảo cuộc tranh luận giữa hai người rất gay gắt và những lời thẳng thắn bộc trực của ông Tổng Thống Diệm đã làm Harriman cảm thấy mất mặt, nên để bụng thù giai. Nhưng, chúng tôi nghĩ, quyết tâm của kẻ đứng đầu nhóm “Diệm Must Go” cố hạ cho bằng được Ngô Đình Diệm không phải là hậu qủa tất yếu của cảm nhận nhất thời. Đàng sau nét mặt phẫn nộ và như thiếu ngoại giao của Harriman bừng lên một nhận thức có tính chiến lược khó có ai biết được. Chính cái nhận thức này mới thúc đẩy Harriman quyết hạ ông Diệm. Nói cách khác Harriman nhận thấy mình thua Ngô Đình Diệm về mặt lý luận và kinh nghiệm chính trị. Là điều mà ông ta cho rằng một cường quốc như Mỹ không thể để bị thua như thế. Đó là cái mặc cảm vừa tự tôn vừa tự ty.
Có người còn bảo, Harriman thiên Cộng hay làm nội gián cho CS, nên khi thấy có người hiểu thấu được âm mưu đen tối của CS, thì phải quyết ra tay tiêu diệt. Điều này thì chúng tôi không thấy có tài liệu nào xác nhận đúng hay sai. Nhưng nếu quả là như thế thì bản dự thảo Hiệp Định Paris năm 1973 có lẽ cũng có bàn tay của Harriman dính vào. Với hiệp định này, Mỹ đã thú nhận không kiên trì bằng Bắc Việt, đành thúc thủ. Lại một thất bại nữa trong mặt trận đàm đàm, đánh đánh, bởi vũ khí lợi hại vừa đàm vừa đánh của CS.
Trở lên chúng tôi đã nhắc qua lại một vài kiến thức và kinh nghiệm về một số chiến lược, sách lược và “vũ khí phi vũ trang” của chiến tranh ý thức hệ CS. Những kinh nghiệm lịch sử ấy đã chứng minh là tối cần thiết những cảnh báo của Strausz– Hupé, Allen Dulles và Suzane Labin vào cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Chúng đã kéo chú ý của một số chính khách Hoa Kỳ như Kissinger và Nixon, hay Foster Dulles và Eisenhower v.v...
Nhưng phần đông giới truyền thông và nhiều học giả Mỹ xem ra không quan tâm đến những nhận xét dựa trên những nghiên cứu tình báo tỷ mỷ của những nhà chuyên môn có trách nhiệm. Nhất là những nhà báo miệng hãy còn hơi sữa như Neil Sheehan, David Halberstam đang có mặt thường trực ở Nam Việt Nam vào thời gian đó. Những nhà báo loại này, vào đầu thập niên 60, không biết loại chiến tranh toàn bộ, toàn diện, trường kỳ của CS, trong đó cái gì cũng có thể là vũ khí, bất cứ lãnh vực nào cũng có thể trở thành mặt trận, nên đã tự biến mình trở thành tay sai, lính đánh thuê cho CS, khi họ nằng nặc đòi một chính quyền đang phải đương đâu với chiến tranh du kích, chiến tranh khủng bố của CS ở miền Nam phải hành xử như trong một nước không có chiến tranh, lại đã có truyền thống dân chủ như Mỹ.
Ngày nay ai cũng có thể biết David Halberstam là kẻ chỉ trích Ngô Đình Diệm là độc tài, gia đình trị, đàn áp đối lập, bách hãi Phật Giáo... cũng chính là kẻ đã gian dối viết rằng 4 Phật tử đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm giết, nhưng khi phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến điều tra thì phái đoàn này lại cho biết 4 người đó hãy còn sống và đã được phái đoàn phỏng vấn. Cũng chính Halberstam là kẻ đã hết lời ca tụng Hồ Chí Minh. Ông ta còn khen Hồ Chí Minh không mắc bệnh sùng bái cá nhân như Mao Trạch Đông hay Stalin... Nhưng khi đã biết chính Hồ Chí Minh đã lấy bút hiệu Trần Dân Tiên để tự đề cao và thần thánh hoá mình, tự gọi mình là Cha Già Dân Tộc, thì Halberstam đã không có can đảm hay chút liêm sỉ tối thiểu để nhận sai lầm. Chẳng những thế cả một lớp ký giả và sử gia trong cùng phe đảng đã vận động để Halberstam được tuyên dương là anh hùng, khi anh ta bị tử thương trong một tai nạn xe hơi.
Chỉ một sự kiện này cho thấy phải có hẳn một phong trào đổi mới, xét lại về quan niệm lịch sử, kể từ khi có thế chiến III. Bằng không thì lịch sử sẽ mãi mãi chỉ là một vụ hiếp dâm lịch sử. Nói cách khác, muốn nhận chân được những sự kiện lịch sử trong thế chiến III, phải có một cuộc cách mạng về quan niệm lịch sử chính danh, không bị chủ thuyết CS chi phối, và hoặc của các mánh lới xuyên tạc sự thực theo chiến lược sách lược đấu tranh của CS. vì CS lấy cách mạng vô sản thế giới hay thế giới đại đồng không tưởng làm cứu cánh để biện minh cho mọi tội lỗi của họ.
Lúc này đây, đã là cuối thập niên đầu của thiên niên kỷ III, dân tộc ta đang đứng trước vực thẳm của tai hoạ mất nước. Bao nhiêu tệ nạn gian dối, giả mạo đang bao trùm lên cả nước. Đó là hậu quả của cuộc thất trận bi thảm 30 tháng tư.
Hàng vạn thương phế binh; hàng triệu tù “cải tạo”, trong đó hàng ngàn người đã chết trong tù; hàng chục vạn thuyền nhân làm mồi cho cá dưới biển, hay thú dữ trong rừng hoang; nghĩa trang Quân Đội bị bỏ hoang; hàng trăm tướng sĩ tự tử để khỏi lọt vào tay địch khi có lệnh đầu hàng, hàng nghìn sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ đã tuẫn tiết hay cố liều kháng cự đến hơi thở cuối cùng hay ngã gục trước mũi súng của Cộng quân, hàng triệu con em thân nhân gia đình tử sĩ lang thang rách rưới, đói khát không nhà không cửa, suốt trong nhiều năm, sống vất va vất vưởng. Vân Vân và vân vân... Nhìn lại những cảnh tình ấy có phải là thành tích của những chiến công oanh liệt của chúng ta đó không? Hay chỉ tại vì ta và đồng minh đã thất trận?
Và còn nhiều nữa, những bất công đàn áp, những cảnh đàn bà con gái kẻ cả thiếu nữ, thiếu nhi 8, 9 tuổi bị bán ra ngoại quốc làm điếm, hay lao động không ngày về, hay làm vợ hờ, làm con sen, người ăn người làm với đồng lương không đủ sống tại Đài Loan, Mã Lai, Hàn Quốc và những nước xa xôi...
Tất cả những cái đó có phải là hậu quả đau xót của sự thất trận của chúng ta không?
Nhưng vẫn còn có người ngụy biện rằng ta tuy thua mà thắng... để tự lừa dối và dối gạt dư luận, nhất là giới trẻ đáng thương, không được chứng kiến hay biết nhiều về sự thất bại của cha ông. Thử hỏi tất cả những gì mà nhân dân ta đang phải chịu dưới chế độ CS ngày nay có phải là tại chúng ta đã chiến bại không. Và hiện nay trong nước tình hình đã có gì khả quan để gọi rằng chúng ta đã giành lại phần thắng?
Người khác thì ngụy biện rằng ta không thua, ta chỉ bị Mỹ bỏ rơi. Họ liên tiếp thuật lại những trận đánh oai hùng của những đơn vị tác chiến đã không ngừng chiến đấu oanh liệt để dành những thắng lợi vang dội khắp thế giới. Vì họ không biết thế nào là thế chiến III, nên cũng không tin rằng ta và cả Mỹ đã thua. Ta thua không phải về quân sự mà thua vì những “vũ khí phi quân sự”. Vì ta đã để cho trong hàng ngũ của ta có những nhà báo, nhà viết sử thiếu kiến thức về một thứ chiến tranh hoàn toàn mới.
Cho nên, theo chúng tôi, nếu muốn có hy vọng con cháu chúng ta sẽ có ngày dành lại phần thắng, để cứu dân cứu nước khỏi hiểm hoạ bị Tầu thôn tính, đồng hoá, trước tiên phải thành thực nhận rằng phe ta đã thua. Ta đây là gồm cả siêu cường Mỹ. Sau đó ăn năn sám hối, tự hạ mình để tìm hiểu nguyên do vì đâu mà mình thất trận.
Bao lâu còn nghĩ mình không thua chỉ bị bỏ rơi, hay tuy thua mà thắng, vì CS trên toàn thế giới đã thua, thì bấy lâu con cháu chúng ta không được soi sáng để nhận chân được sự thực hầu tìm ra đúng con đường để đi.
Karl von Clausewitz, một Tôn Tử của Tây Phương đã viết trong On War đại ý, sau một thất bại lớn, bên thua thường cãi nhau về lý do thất trận. Chỉ đến khí nào đồng ý được với nhau về lý do thất trận, thì lúc ấy mới có thể tập họp lại tàn quân hầu phản công hữu hiệu.
Nếu hiểu chiến tranh theo nghĩa thông thường, nghĩa là quân sự thuần túy, thì cuộc thất trận ngày 30 tháng tư đã kết thúc chiến tranh. Hơn nữa thời gian dã quá lâu, gần 35 năm rồi. Mọi hy vọng đã hết. Nhưng nếu hiều theo chiến tranh ý thức hệ trường kỳ, thì thực ra cuộc chiến vẫn đang tiếp tục. Năm 2000 trong một bài nói chuyện tại San Jose dài 70 phút, chúng tôi đã phân tách và chứng minh “cuộc chiến còn đang tiếp diễn với đoàn quân phản tỉnh phản kháng xung trận”. Theo ý đó ngày nay nó cũng vẫn còn đang tiếp tục. Và phe thua vẫn còn hy vọng thắng trận cuối cùng. Với điều kiện phe thua thành thực nhận lỗi lầm trong quá khứ để sửa sai và thay đổi lối đánh, từ tư duy đến hành động.
Nguyên nhân sự thất trận
They started with me on Diem, you remember? That he was corrupt and he ought to be killed. So we killed him. We all got together and got a goddamn bunch of thugs and assassinated him. Now we’ve really had no political stability since then. (Điện đàm giữa TT Johnson và Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthy, 02/01/1966)
Nói một cách tổng quát thì ta thua vì không biết địch mà chúng tôi đã phân tích sơ qua ở những trang trên. Nói vào chi tiết, ta thua vì nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng nhất là ta đã lật đổ và giết một nhà ái quốc hiểu các độc kế của Cộng Sản hơn ai hết.
Chúng tôi vừa dùng đại từ “ta” ở câu trên. Mà không nói Nguyễn Văn Nhung, Dương Văn Minh, hay các tướng lãnh nghe lệnh Mỹ, hay chính người Mỹ đã lật và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Chữ ta chỉ phe thua nói chung – Trong đó có cả người viết và tất cả những người ủng hộ hay chống đối, những kẻ thưong cũng như kẻ ghét ông Diệm. Tất cả chúng ta đã thua, kể cả đồng minh Mỹ thật vĩ đại.
Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm nhiều hay ít, không trực tiếp thì gián tiếp trong việc đệ nhất Cộng Hoà bị lật đổ, đưa đến hỗn loạn và chia rẽ trầm trọng lâu dài, mãi cho đến ngày nay. Ngày nay là ngày dân tộc ta đứng trước hiểm hoạ vong quốc, mặc dù nói cho cùng từ ngày 30 tháng tư năm 1975 nước đã coi như mất rồi. Nếu đã hiểu mục đích của chiến tranh ý thức hệ CS, thì nghe nói như vậy chẳng có gì lạ tai cả.
Trước khi đưa mấy ví dụ chứng tỏ ông Diệm hiểu rõ các độc chiêu của CS nhất, chúng tôi tự hỏi không biết có nên cho ông cùng đứng chung với đại từ “ta” trên đây không? Vì thực ra ông cũng góp phần gián tiếp vào việc bại trận tháng tư năm 1975. Xử dụng và tin cẩn những tay như Trần Thiện Khiêm, Đỗ Mậu... để bị họ làm phản chẳng phải là một lỗi lầm quan trọng sao. Hoặc giả quá nhân từ, không chấp thuận cho lực lượng của Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống đem xe tăng thiết giáp tấn công tổng hành dinh của nhóm tướng đảo chánh tại bộ Tổng Tham Mưu để rồi bị bọn này giết có phải là thái độ quân tử Tầu không nhằm lúc không?
Dù ở Tuyền Đài hay Thiên Cung, có lẽ ông Diệm cũng có lúc nhỏ lệ hay cau mày trước những cảnh ngược đời trên quê hương, dân oan mà không dám kêu oan, dân khổ mà phại gượng cười, mất nước đến nơi mà cứ phải ca tụng kẻ bán nước là anh hùng vĩ nhân.
Nhiều người trách ông sao không mềm dẻo hơn với Mỹ. Người khác lại bảo ông cố bám lấy người em là Cố Vấn Ngô Đình Nhu, không chịu nghe theo đề nghị của ông này là hai anh em tách ra mỗi người đi một hướng thì có lẽ đã không bị tóm gọn, chết chùm. Và còn nhiều ý kiến khác nữa. Những vấn đề này chúng tôi đã lý giải trong hai cuốn sách về Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Và đã có nhiều tác gỉa khác bình luận rồi.
Sau đây là mấy ví dụ chứng tỏ ông Diệm thấu hiểu các mưu sâu thế hiểm của CS.
Trước hết là việc liên hiệp quốc cộng. Như đã nói ở trên, sau khi cướp được chính quyền ngày 19/08/1945, Hồ Chí Minh rất cần được sự ủng hộ của các đảng phái Quốc Gia để chứng tỏ với nhân dân trong nước và quốc tế rằng ông ta là nhà ái quốc, đại diện toàn dân. Ông ta đã mời một số nhân vật thuộc các đảng Việt Cách và Việt Quốc tham gia chính phủ Liên Hiệp. Ngoài ra còn tặng không cho các đảng này 70 ghế trong cái gọi là Quốc Hội đầu tiên. Nhận những ghế trong chính phủ và Quốc Hội của ông Hồ là đã mắc bẫy của ông ta. Khi nhắc lại việc để các đảng Quốc Gia tham gia chính phủ và Quốc Hội Liên Hiệp, ông Hồ và cả Võ Nguyên Giáp đã sỉ nhục các nhân vật Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh của VNQDĐ và Nguyễn Hải Thần của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh bằng cách ví họ với phân bón.
Ông Diệm cũng được Hồ Chí Minh mời giữ chức bộ trưởng Nội Vụ trong chính phủ Liên Hiệp. Nhưng ông đã từ chối. Vì ông biết rõ đó là cái bẫy. Nguyên sự việc đó chứng tỏ ông đã hơn hẳn các lãnh tụ đảng phái khác.(14)
Có lẽ ông đã học được bài học liên hiệp giữa Tầu Cộng và Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tôn Dật Tiên rồi của Tưởng Giới Thạch. Đợt đầu từ 1924 đến 1927 và đợt sau từ khi chiến tranh Trung Nhật xảy ra. Tầu Cộng đã lợi dụng thời gian chung sống “hoà bình” bất đắc dĩ này để tìm hiểu, xâm nhập, lũng đoạn, tuyên truyền, lôi kéo các phần tử quốc dân đảng đi theo CS, ngấm ngầm đánh phá những cơ sở Quốc Dân Đảng. Để rồi cuối cùng đánh đuổi phe Quốc Dân Đảng khỏi Hoa Lục, lập nên chính quyền Cộng Sản “Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa” vào ngày 01/10/1949. (15)
Vấn đề thứ hai là vấn đề trung lập hoá Ai Lao. Đối với CS, trung lập đồng nghĩa với cô lập. (16) Hiệp ước Genève về trung lập hoá Ai Lao vào tháng 7 năm 1962 đã cô lập nước này, để cho CS mặc tình thôn tính bằng cách gian lận không thi hành đúng theo những điều khoản đã ký kết trong hiệp ước. Để rồi dần dần CS tha hồ dùng lãnh thổ nước này làm đường xâm nhập vào miền Nam. Vì hiểu trước âm mưu đó, nên ông Diệm đã cực lực phản đối khi thứ trưởng ngoại giao Averell Harriman theo lệnh Tổng Thống Kennedy tới xin chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cùng ký. Cuộc tranh luận gay go lớn tiếng đã khiến đại diện Mỹ thù oán ông, và quyết tâm hạ ông. Ở trên chúng tôi đã bàn qua.
Vấn đề thứ ba là chiêu bài chủ nghĩa dân tộc. Đây là vấn đề quan trọng nhất trong sách lược đấu tranh của Lênin được Hồ Chí Minh coi như cẩm nang, sách ước thần diệu. Với chiêu bài này Hồ CHÍ MINH đã chẳng những đánh lừa được nhân dân Việt Nam nói chung, mà cả các nhà trí thức, các lãnh tụ đảng phái quốc gia. Và cả dư luận thế giới nữa. Cho đến ngày nay (năm 2000) hai từ điển Bách Khoa Anh và Mỹ đều ghi “Hồ Chí Minh là nhà ái quốc, nhà giải phóng, người đã xướng xuất phong trào chống thực dân sau thế chiến II.” (17)
Người ta đã lầm vì không hiểu biết về chiến lược sách lược đấu tranh của CS. Còn Ngô Đình Diệm thì ngay từ đầu đã hiểu rõ Hồ Chí Minh không thể nào là nhà ái quốc, mà chỉ dùng chiêu bài ái quốc để lừa mị mà thôi. Vì Ngô Đình Diệm đã hiểu rõ từ nguồn ngạch rằng người CS không có tổ quốc. Vì vậy muốn thắng CS, đưa dân tộc thoát sự thống trị của Hồ Chí Minh, không có cách nào khác hơn là lấy lòng yêu nước thực sự, như một chính nghĩa dân tộc để bóc trần mặt nạ hay chiêu bài dân tộc giả dối của Hồ Chí Minh. Điều cần thiết trước tiên là từ tận tâm can, ông phải là người yêu nước thương dân thực sự. Dĩ vãng của ông, cuộc đời ông đã chứng tỏ điều đó.
Tiếp đến phải tranh đấu bằng mọi cách để lấy lại độc lập hoàn toàn cho dân tộc từ tay thực dân Pháp. Ông đã bao lần khuyên nhủ, bày vẽ cho Quốc Trưởng Bảo Đại phải tranh đấu với cao ủy Pháp Bolaert như thế nào. Và Bảo Đại cũng đã cử ông thương thảo vói Bolaert, tranh luận với ông ta một cách quyết liệt đòi Pháp phải trả lại độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. Nhưng ông đã không thành công. Vì vậy khi Bảo Đại mời ông làm thủ tướng để ký bản thông cáo chung Vịnh Hạ Long, ông đã từ chối.
Ngay cả sau khi đã ký được với Tổng Thống Pháp Vincent Auriol hiệp ước Élysée ngày 08/03/1949 Bảo Đại lại mời ông một lần nữa, ông vẫn từ chối. Ông thấy với hiệp ước đó Pháp vẫn còn nắm quá nhiều quyền về ngoại giao và quốc phòng, chưa cho ông đủ cái thế mạnh để đương đầu với chiêu bài dân tộc của Hồ Chí Minh.
Chỉ đến khi tình thế đã tuyệt vọng, sau chiến thắng Điện Biên của CS, Bảo Đại khẩn khoản yêu cầu ông đứng ra cứu nước, thậm chí phải kêu gọi lòng yêu nước của ông, nói với ông những lời tha thiết “vì sự tồn vong của đất nước, ông không được từ chối”. Lúc đó ông mới nhận lời. Và chỉ sau mấy tháng ông đã vượt qua mọi trở ngại, nguy nan, ổn định được miền Nam. Quân Pháp cuối cùng đã rút khỏi việt Nam. Cao ủy Pháp, tướng Paul Ély đã cùng với ông đứng trước dinh Norodom từng tượng trưng cho quyền cai trị của Pháp trên đất nước này để hạ quốc kỳ Pháp xuống, thượng quốc kỳ Việt Nam lên, để từ nay dinh này được mang tên mới là Dinh Độc Lập và các tên đường mang tên danh nhân Pháp được đổi thành tên các danh nhân Việt Nam. Lúc đó nước nhà mới thực sự hoàn toàn độc lập về mọi phương diện.
Để đi tới kết quả đó ông đã tốn bao công sức, đã phải tranh đấu với nạn thập nhị sứ quân, với người Pháp và tay sai, với đại diện toàn quyền của Mỹ tướng Joe Lightning Collins và cả với những người từng ủng hộ ông, nhưng đến khi thấy ông lâm nguy không còn mấy hy vọng có thể tồn tại, đã quay mặt hay rời bỏ ông, như một số nhà trí thức trong nhóm Caravel hay như (tướng) Nguyễn Văn Xuân (từng là thủ tướng đầu tiên ký thông cáo chung Vịnh Hạ Long với cao ủy Bolaert năm 1948) đã nhận làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng. Nhưng chỉ một tuần sau do áp lực của Pháp đã rút lui, gây khó khăn cho thủ tướng. Hay cả với những đảng viên Đại Việt đã được ông dành cho cai trị tỉnh Quảng Trị, nhưng đến lúc thấy trong Nam Bình Xuyên và bọn tướng tá thân Pháp theo lệnh Pháp tấn công dinh thủ tướng, thì nhóm đảng viên Đại Việt này cũng ly khai, lập chiến khu làm loạn tại Ba Lòng. Nhưng nhờ lòng dũng cảm như một anh hùng ông đã thắng tất cả để trở thành vị Tổng Thống tiên khởi của một Việt Nam Cộng Hoà. Thành tích đó đã được nhiều nhà báo quốc tế, kể cả thân cộng coi như phép lạ. Tổng Thống Mỹ Dwight Eisenhower gọi ông là con người của phép lạ. Thực ra cũng chẳng phải phép lạ gì mà ví ông là một chính khách có tài phi thường về chính trị như sử gia Pháp Deviller đã ca ngợi ông.
Chính thành tích to lớn này đã cho ông cái lợi thế để tranh đấu thắng lợi với Hồ Chí Minh. Chứng cớ thì nhiều. Nhưng chỉ xin trưng dẫn hai tài liệu trên giấy trắng mực đen: Trong cuốn After The War Was Over (1999), Neil Sheehan, một trong 3 nhà báo trẻ đã từng đả kích kịch liệt ông Diệm khi anh ta phục vụ tại Saigon cùng với David Halberstam đã ghi rằng chính Tổng Bí Thư Cộng Đảng Nguyễn Văn Linh đã thú thực với anh ta rằng thời ông Diệm Việt Cộng đã tổn thất đến 75 phần trăm cán bộ. Còn Văn Tiến Dũng thì đã viết trong cuốn Về Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước (trang 16, phần cước chú) con số đó không phải chỉ 75 phần trăm mà là trên 90 phần trăm. Hay rõ hơn, trước có 60,000, nay chỉ còn 5000. (18)
Kết quả đó là nhờ những chiến dịch chống cộng, tố cộng đi song song với chiến dịch chiêu hồi chứ không phải bằng máy chém như CS vu cáo. Cái máy chém thời ông Diệm chỉ sử dụng một lần duy nhất trong vụ xử án Ba Cụt Lê Quang vinh.
Cảnh thanh bình, phồn vinh ở nông thôn cũng như thành thị đã được chính những người chống đối ông Diệm như Hồ Sỹ Khuê hay Trần Văn Đôn mô tả và chúng tôi đã ghi lại trong hai cuốn sách viết về ông Diệm.
Từ ngày sang Mỹ chúng tôi chỉ viết được có 6 cuốn sách. Thì 4 cuốn trong số đó đã dành cho hai nhân vật Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm. Vì thực sự tôi nghĩ chỉ có hai người đó xứng đáng là đối thủ của nhau. Muốn hiểu về cuộc chiến Việt Nam phải xét hành động của hai người đó.
Tiếc rằng mấy nhân viên ngoại giao cấp nhỏ và vài nhà báo Mỹ ở tuổi ngoài 20 đã làm hỏng đại sự bằng cách lươn lẹo, xảo trá tạo nên những sự kiện làm cho dư luận hiểu lầm đi đến việc lật đổ và giết một lãnh tụ can đảm nhất có bản lãnh nhất có thể đương đầu với Hồ Chí Minh. Chỉ có trong một cuộc chiến ý thức hệ CS mới có cảnh huống phi lý, không ai ngờ như vậy. Vì chỉ có những lãnh tụ CS cỡ Stalin mới hiểu thấu đáo câu nói “mỗi ngòi bút là một sư đoàn” mà ông ta đã nói.
Ngày nay biết bao tài liệu giải mật và những tác phẩm của những chính khách lỗi lạc và nhà nghiên cứu đứng đắn đã bắt đầu làm cho dư luận chung thay đổi thuận lợi về ông Diệm. Hầu như không còn ai tin rằng ông Diệm kỳ thị tôn giáo hay đàn áp Phật Giáo. Phái đoàn 7 nước (19) của Liên Hiệp Quốc đã phúc trình là không có đàn áp Phật Giáo.
Nhưng phần đông giới truyền thông của người Việt Quốc Gia Hải Ngoại và đặc biệt là một số đãng viên của mấy đảng cách mạng từng nổi tiếng một thời vẫn còn tiếp tục chỉ trích ông Diệm là độc tài gia đình trị, đàn áp đối lập, không chịu mở rộng chính phủ cho các đảng phái tham gia rộng rãi.Vì vậy chúng tôi xin có một vài ý kiến về vấn đề này.
Thú thực khi đề cập vấn đề này tôi rất do dự, vì nể nang. Tôi có nhiều bạn là đảng viên Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Duy Dân. Cha tôi khi còn sinh thời từng là đảng viên Việt Nam Quôc Dân Đảng. Tôi còn nhớ, trong năm 1946 ông ít khi dám về nhà, thường lẩn trốn ở những nhà bạn thân, nay đây mai đó. Vì thế tôi ngại mích lòng. Nhưng nếu cứ tiếp tục im lặng không nói lên sự thực, thì về sau con cháu chúng ta không sao có được những nhận xét chính xác về thời cuộc, về lịch sử, hầu rút ra những bài học có ích cho công cuộc xây dựng đất nước, nếu có cơ hội, hay những bài học cần thiết cho việc cứu nước, khi nước nhà lâm nguy.
Ông Diệm dầu sao cũng đã chứng tỏ là một nhà ái quốc có đạo đức và có một đường lối chống cộng sáng suốt, hiểu rõ các mưu mô mánh lới của Hồ Chí Minh. Thời ông cầm quyền, tuy miền Nam tương đối thanh bình —chỉ tương đối thôi— nhưng thật ra vẫn đang có chiến tranh, cái thứ chiến tranh thuộc về thế chiến III, chiến tranh bằng khủng bố, bằng du kích chiến, bằng xâm nhập, tình báo, tuyên truyền, v.v...Vì thế, tuy trên nguyên tắc, chính thể là chính thể Cộng Hoà theo tổng thống chế kiểu Mỹ, nhưng trên thực tế ông Diệm đã dành cho mình nhiều quyền hành để đối phó với tình trạng chiến tranh. Vì thế ông bị phê bình là “độc tài”
Nhưng cứ nhìn vào hai nội các đầu tiên của ông Diệm thì thấy ông cũng đã dùng một số trí thức tên tuổi như Trần Văn Đỗ, Nguyễn Tăng Nguyên, Lê Quang Luật, Phan Khắc Sửu... Sau này các ông này từ chức, trở thành đối lập trong nhóm Caravel. Ngoài ra trong nội các cải tổ đầu tiên trong số 22 bộ đã có tới 8 vị bộ trưởng thuộc hai Tôn giáo Cao Đài Hoà Hảo là các ông Nguyễn Thành Phương, Phạm Xuân Thái, Nguyễn Mạnh Bổng, Nguyễn Văn Cát, Lương Trọng Tường, Nguyễn Công Hầu, Huỳnh Văn Nhiệm, và Trần Văn Soái (tức tướng Năm Lửa). Phía Việt Nam Quốc Dân Đảng thì có ông Lê Ngọc Chấn giữ chức bộ trưởng phụ tá Quốc Phòng cho đến khi vụ xích mích giũa ông và tướng Nguyễn Văn Hinh, khiến cả hai đều phải sang Pháp.
Riêng đảng Đại Việt người ta lấy làm lạ là những nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Tôn Hoàn, Phan Huy Quát đã không có mặt. Thực ra hai ông này đều đòi làm tổng trưởng Quốc Phòng, chứ không muốn giữ một bộ nào kém quan trọng. Điều này thì ông Diệm không thoả mãn đựợc. Hơn nữa ông Diệm coi các ông như là những con bài đã cháy trong các nội các của Bảo Đại trước đây. Nhất là bác sĩ Phan Huy Quát, từng làm tổng trưởng Quốc Phòng mà thành tích của bộ QP là quân đội dưới quyền ông không những đã thua Việt Minh, mà còn không được ký thua với địch thủ. Việt Minh chỉ ký với Pháp.
Bởi vì suốt thời gian từ 1948 đến 1954 các trận đánh giữa Quốc Gia Việt Nam và Việt Minh toàn do quân Pháp, với số lượng đông gần gấp 10 số lượng quân Việt Nam, hoạch định và tiến hành, dưới sự chỉ huy của các danh tướng Pháp từ Carpentier qua Salan, Navare đến De Lattre De Tassigny là anh hùng thế chiến II, chứ không do một tướng lãnh nào của ông Phan Huy Quát chỉ huy. Bởi vì nền độc lập do Pháp trả lại cho Quốc Trưởng Bảo Đại lúc ấy, đối với ông Diệm chỉ có trên giấy tờ, chứ thực ra khi Việt Nam độc lập mà còn nằm trong Liên Hiệp Pháp, thì Pháp còn nắm quá nhiều quyền về ngoại giao và Quốc Phòng. Nền độc lập què quặt ấy không thể cho phía người việt Quốc Gia một chính nghĩa dân tộc đủ mạnh để đương đầu với chiêu bài dân tộc của Việt Minh Cộng Sản. Đó là một sự kiện đặc biệt do chiến tranh ý thức hệ CS tạo ra. Không hiểu chiến lược sách lược của Lênin thì không thể nhìn ra được.
Lại thêm một lý do nữa để ông Diệm không muốn và không dám dùng các ông Dại Việt là vụ Ba Lòng, Quảng Trị. Ông Diệm mới về nước đã tin cậy các chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt nên đã trao quyền hành chánh tỉnh Quảng trị cho Đại Việt và 2 tỉnh Quảng Nam Quảng Ngãi cho Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhưng các ông Đại Việt Hà Thúc Ký và Trần Điền (tỉnh trưởng) đã tổ chức ly khai lập chiến khu để làm loạn hòng chiếm chính quyền. Sự việc xảy ra lại vào đúng lúc tân thủ tướng đang bị nhóm phản loạn Nguyễn Văn Hinh và Bình Xuyên tấn công tới tấp với sự yểm trợ của quân Pháp. Ai có thể tin dùng những phần tử phản loạn như vậy. Nếu có nghi Đại Việt vào hùa với các tay sai của Pháp để nhằm lật đổ chính phủ thì cũng chẳng oan. Tuy vậy chỉ có vài người cầm đầu bị truy tố về tội phản nghịch còn thuộc hạ cũng chỉ bị kỷ luật nhà binh mà thôi. Liệu ở Bắc Việt của Hồ Chí Minh các ông Đại Việt làm loạn có được “bị đàn áp” như vậy không? Sau khi ông Diệm đổ rồi, có người viết sách bào chữa cho Đại Việt, nói rằng họ nổi dậy là vì ông Diệm độc tài. Nhưng lúc ấy ông Diệm còn là thủ tướng, địa vị còn bếp bênh, lại tứ bề thọ địch, làm sao đã có thể có hành động gì gọi là áp chế, độc tài được.
Xin quý bạn trẻ thuộc lớp đàn em của Đại Việt chưa từng nghe nói về vụ Ba Lòng này nên hiểu rõ như vậy. Cũng mong rằng các bậc đàn anh sẽ cởi mở nói lên sự thật để đàn em tin, như cố bác sĩ Đặng Văn Sung, đồng chí thân thiết và có thể coi như quân sư của bác sĩ Quát, đã thổ lộ với người em thúc bá của mình rằng “ông Nhu tuy nhiều mưu mô nhưng không dùng thủ đoạn tàn ác. Ông ấy tuy biết anh Quát và anh không đồng chính kiến nhưng vẫn để sống tự do, không đàn áp hay bắt bớ”.
Và sau chót, nhưng không phải là kém quan trọng nhất. Ông Diệm đã chứng kiến việc các đảng phái quốc gia bị Việt Minh đánh lừa và dụ vào cái thế “liên hiệp” giả tạo hồi cuối năm 1945, đầu năm 1946, để rồi bị chúng đánh cho tan tác, không biết bao nhiêu đồng chí bị Việt Minh tàn sát hay thủ tiêu bí mật, bỏ vào bao bố có đá bên trong để thả xuống sông Đáy ở miền Bắc. Đó là một thất bại nặng nề do lãnh tụ VNQDĐ thiếu suy nghĩ và kém tài, chứng tỏ Nguyễn Tường Tam không phải là Nhất Linh. Ngày nay ông Diệm có quyền nói với các chính đảng đã bị lừa một cách dễ dàng như vậy rằng, các anh đã có nhiều cơ hội, cờ đã đến tay mà không biết phất, đã chuốc lấy thất bại ê chề. Vậy thì nay hãy để chúng tôi theo sách lược riêng của chúng tôi mà hành động. Xin đừng nhúng tay vào để làm hỏng việc nước
Riêng về ông Nguyễn Tường Tam, như lãnh tụ của VQ, xin có thêm vài ý kiến. Với bút hiệu Nhất Linh ông đã được cảm tình của đại đa số độc giả. Chúng tôi chẳng có văn tài, nên khi còn đi học càng thích văn ông. Nhất là khi đọc những tác phẩm ông viết chung với Khái Hưng là thần tượng của tôi. Ngay bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị Phủ Tổng Thống, hay thẩm phán Lê Nguyên Phu, ủy viên chính phủ thuộc toà án quân sự đặc biệt cũng mến tài của Nhất Linh. Nhưng với cương vị lãnh tụ Việt Quốc ông đã tỏ ra yếu kém như đã nói trên. Ông lại không khôn tham dự vào cuộc đảo chính hụt của Vương Văn Đông và Nguyễn Triệu Hồng tháng 11 năm 1960 cùng với những đàn em như Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương, v.v… Nhờ có sự can thiệp đặc biệt và bảo lãnh của một nước bạn, ông chỉ bị thẩm vấn qua rồi được trả tự do. Nhưng đến tháng 7 năm 1963 nhân xử vụ binh biến 11/11/60, ủy viên chính phủ toà án quân sự Đặc Biệt là thẩm phán Lê Nguyên Phu cho mời ông đến để “lấy khẩu cung”. Theo lời ông Phu thì trong 3 tiếng đồng hồ đàm đạo thân mật hơn là tra vấn, ông Tam đã nhiều lần khẩn khoản xin ông Phu đừng đưa ông đối chất với những đàn em đã nêu trên. Ông Phu không dám hứa vì còn tùy sự quyết định của chánh thẩm và luật sư của các bị can khác. Và ông Phu cho rằng khi biết mình khó tránh được sự đối chất với các đảng viên đàn em, ông Tam đã tự tử để khỏi phải ra toà và bị đàn em làm nhục, mất thể diện và uy tín lãnh tụ.
Với câu viết trối trăng chỉ có lịch sử xử được tôi, lãnh tụ Nguyễn Tường Tam không muốn để bị xét xử bởi toà án chế độ Ngô Đình Diệm. Nhưng thực ra khi tới phòng dự thẩm của toà án Quân Sự Đặc Biệt để ông Dự thẩm thẩm vấn thì ông ta đã bị toà này xét xử rồi. (20) Hơn nữa, nếu các đảng viên VNQDĐ không làm được gì để cho chế độ Cộng Sản gian dối cứ tồn tại mãi, thì lịch sử do kẻ thắng (CS) viết có khỏi ghi những lời sỉ vả của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, coi ông và các ông Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần như phân bón không? (21)
Trở lên chúng tôi đã nhân mối nguy của dân tộc truớc dã tâm của Trung Cộng phân tích sơ qua về các chiến pháp quái lạ của CS trên thế giới để chứng minh rằng miền Nam Việt Nam và cả Đồng Minh Hoa Kỳ đã thua trong chiến tranh Việt Nam vì không sớm biết sự lợi hại của những vũ khí chiến tranh ý thức hệ CS. Chúng tôi cũng chứng minh rằng trong số các nhà lãnh đạo phía người Việt Quốc Gia chỉ có ông Ngô Đình Diệm am tường về những vũ khí bí mật ấy. Cho nên khi một số người Mỹ đã lật và giết hai anh em ông Diệm để đem đại quân vào thì chúng ta mất một lãnh tụ tài ba đức độ, đồng thời mất chính nghĩa. Đó là lý do quan trọng nhất của sự thất trận.
Chúng tôi cũng đã bác bỏ luận điệu cho rằng ông Diệm bị lật vì độc tài gia đình trị, không chịu chia sẻ quyền hành với các đảng đối lập mà còn đàn áp.
Chúng tôi ước mong rằng nếu người Việt Quốc Gia không xoá được thành kiến tạo nên bởi báo chí thiên tả ngoại quốc rằng chúng ta không có được nhà lãnh đạo nào có thể so sánh với Hồ Chí Minh, thì ít nhất chúng ta đừng tiếp tay với họ để bôi nhọ gương mặt một lãnh tụ được coi là sáng giá nhất của miền Nam Việt Nam trước đây, đúng ra còn vượt trội hơn hẳn Hồ Chí Minh.
Sau cùng chúng tôi tha thiết mong mỏi giới trẻ trong và ngoài nước sẽ noi gương cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm dùng chính nghĩa dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn của tuổi xuân làm vũ khí sắc bén chống lại dã tâm xâm lược Việt Nam bằng những thủ đoạn tinh vi nhưng tàn ác của Phương Bắc. Trước mắt là hành động lấn đất, lấn biển và kế hoạch khai thác Bô–xít tại Tây Nguyên như đã nói ở trên. Dã tâm của Bắc Kinh đang gây xôn xao, lo lắng của một số nhà trí thức còn biết lo đến vận mệnh đất nước. Nhưng những cuộc vận động giới trẻ trong nước đang bị bức màn dối trá che mắt sẽ không đi đến đâu, nếu ở hải ngoại chúng ta hãy còn vì quyền lợi phe phái, hay tự ái cá nhân mà không dám nói lên những sự thực liên quan đến vấn đề hệ trọng trong quá khứ.
Vì đề tài quá rộng lớn không thể trình bày cặn kẽ trong một bài báo, nên có thể còn những chỗ độc giả thấy chưa được hoàn toàn thuyết phục. (22)
Dầu sao chúng tôi cũng cám ơn qúy vị đã đọc bài này và hy vọng sẽ nhận được những lời phê bình chỉ giáo chân thành xây dựng.
Ngày 30/04/2009
© DCVOnline
----------------------------------------------
(12) Theo Suzane Labin, trong “Nước Đã Đến Trôn”.
(13) Xin đừng bảo ông Diệm vì tham quyền bính nên đã có ý nhận lời mời của Hồ Chí Minh giữ chức bộ trưởng nôi vụ, nếu như ông Hồ đồng ý cho ông Diệm quyền hoạch định chính sách như Giáo Sư Edward Miller đã thuật lại. Vì cái điều kiện hoạch định chính sách trong một chế độ độc tài CS của Hồ CHÍ MINH, mà ông Diệm đưa ra với Hồ CHÍ MINH, cũng chẳng khác bao nhiêu điều kiện toàn quyền dân sự và quân sự mà sau này ông ta đưa ra với ông Bảo Đại 9 năm sau.
(14) Có người như Giáo Sư Edward Miller cho biết trước khi từ chối, ông Diệm đã đặt điều kiện phải để ông nắm quyền hoạch định chính sách. Nắm quyền hoạch định chính sách là nắm toàn quyền rồi còn gì. Cho nên điều kiện đó bị ông Hồ bác bỏ. Do đó ông Diệm từ chối mà không bị hại.
(15) Chúng tôi đã nói kỹ hơn về vấn đề này trong cuốn Sách Lược Xâm Lăng của Cộng Sản (lần in thứ 3) từ trang 36 đến trang 41. xin ghi lại đây cước chú số 1 trang 41 để độc giả thấy vai trò của Borodine là kẻ mà Hồ Chí Minh đã cùng làm việc để mở rộng ảnh hưởng và phát triển cơ sở của QTCS tại Trung Hoa và Á Châu:
(1):Vào khoảng đầu năm 1927, nhà cầm quyền Trung Hoa Quốc Gia tại Bắc Kinh bắt được một bức thư của toà đại sứ Nga gửi cho Trung Cộng xúi dục:
“Dùng mọi biện pháp thúc đẩy quần chúng bài ngoại, khiêu khích cho người ngoại quốc trả thù. Muốn đạt được mục đích này không được lùi bước trước bất cứ thủ đoạn nào ngay cả cướp bóc, tàn sát. Và khi có sự xô xát giữa người Âu và người Trung Hoa thì cần phải phóng đại ra để khuấy động lòng dân cho rối loạn.”
Sau đó Quốc Dân Đảng lại chận bắt được một mật điện của Borodine gửi cho ủy viên quân sự Nga là Dorosky, ra lệnh cho y phá hoại kế hoạch Bắc Tiến
(16) Trong cuốn Sách Lược Xâm Lăng Của CS, chúng tôi đã nói chi tiết về ý nghĩa của thứ vũ khí chiến tranh ý thức hệ CS này từ trang 104– 108.
(17) Xin xem Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp của Minh Võ chương 42.
(18) Những điều chúng tôi ghi tóm tắt trong hai trang này và những trang sau đều đã được ghi đầy đủ chi tiết với bằng chứng nơi các chú thích của cuốn Ngô Đình Diệm Và chính Nghĩa Dân Tộc xuất bản tháng 11/2008 và tái bản tháng 1, 2009.
(19) Afganistan, Brasil, Costa Rica, Ceylon (Tích Lan, Sri Lanka), Dahomey, Maroc và Nepal.
(20) Trong tác phẩm nêu trên thẩm phán Lê Nguyên Phu đã viết:
“Nguyễn Tường Tam sau khi bị điều tra sơ khởi tại nha Cảnh Sát, nha An Ninh Quân Đội và thẩm vấn sau cùng tại toà án quân sự Đặc Biệt, đã được đại tá Lê Văn Khoa, ủy viên chính phủ, phóng thích ngay, không bị giam giữ một ngày nào. Trong biên bản do chính đại tá Lê Văn Khoa thẩm vấn, NTT khai thực sự không biết gì nội vụ, không có tổ chức căng biểu ngữ, rải truyền đơn chống chính phủ trước dinh Độc Lập, những sự việc này hoàn toàn do đám em út của ông (Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương, v.v... tự động làm ra, ông ngăn không nổi. Ông thỉnh cầu đại tá Khoa đừng đem ông đối chất với đám thuộc hạ. Sự thỉnh cầu này được ghi rõ nơi cuối biên bản thẩm vấn. Đại tá Lê Văn Khoa chấp nhận lời thỉnh cầu, nên trong hồ sơ không có biên bản đối chất, mặc dầu thuộc hạ của ông khai ngược lại là đã hành động theo lệnh của ông. Các thuộc hạ của Nguyễn Tường Tam đều bị đại tá Lê Văn Khoa tống giam, chỉ một mình NTT được tại ngoại hầu tra. Do đó các thuộc hạ của ông đều tỏ ra bất bình và bất mãn với ông....” (xin đọc tiếp nơi sách đã dẫn các trang 189–194.)
Tại phiên toà từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 7 năm 1963, vì ông Tam đã chết nên công tố quyền tiêu diệt, (từ ngữ pháp lý thẩm phán Lê Nguyên Phu đã dùng) toà án Quân Sự Đặc Biệt không xử đến, chứ không phải được trắng án, như ông Đoàn Thêm đã ghi sai.
(21) Về chuyện họ Hồ và họ Võ sỉ nhục các nhân vật này, xin xem Những Năm Tháng Không thể Nào Quên của Võ Nguyên Giáp do nxb Quân Đội Nhân Dân phát hành lần đầu năm 1970, các trang 31 và 100-102. Và cuốn Những mẩu chuyện về đờihọat động của Hồ Chủ Tịch tác giả Trần Dân Tiên (tức Hồ Chí Minh). Nơi trang 141 cuốn này Hồ CHÍ MINH đã viết:
Hồ chủ tịch đã tìm ra một giải pháp: nhường cho Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam bảy mươi (70) ghế mà chúng sẽ chia nhau hoặc bán cho người nào xuất tiền mua. (xin lưu ý mấy chữ bán và mua – MV)
Đối với bọn này, nhân dân rất khinh bỉ. Người ta hỏi tại sao lại để những hạng người này ở trong quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam? Đây là một sự nhục nhã cho chế dộ dân chủ mới, v.v… Hồ chủ tịch rất hiểu lòng tức tối của nhân dân đối với các “nghị viên” này.
Hồ chủ tịch giải thích cho nhân dân một cách rất giản đơn. Chủ tịch nói: “Muốn giồng khoai, giồng lúa, người ta phải dùng phân....”
Khi trưng dẫn những hàng trên người viết chỉ có ý nhắc các đảng phái nên chĩa mũi nhọn phê bình, chỉ trích và lên án về phía Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp… là những kẻ đã tàn sát các đồng chí của quý vị và sỉ nhục các lãnh tụ của qúy vị, chứ đừng chĩa vào ông Ngô Đình Diệm là người không độc ác và chưa bao giờ mạt sát sỉ vả các lãnh tụ của quý vị như thế.
(22) Các ý kiến và tài liệu đầy đủ hơn đã được chúng tôi trình bày trong cuốn Sách Lược Xâm Lăng Của CS và 4 cuốn về Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm, đặc biệt là cuốn Ngô Đình Diệm Và Chính Nghĩa Dân Tộc xuất bản tháng 11 năm 2008 và tái bản tháng 1 năm 2009.
No comments:
Post a Comment