Sunday, May 3, 2009

MỐI NGUY CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM (Phần I)

Suy nghĩ về mối nguy của dân tộc Việt Nam (I)
Minh Võ
02-05-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6271

Trước những nguy cơ của nhân loại suy nghĩ về mối nguy của dân tộc Việt Nam

Trong bài thế chiến III và chủ nghĩa dân tộc được phổ biến vào giữa tháng 3– 2009, trong phần kết luận, chúng tôi đã viết một cách tổng quát, “Ngày nay, khối cộng đã tan rã. Không còn nguy cơ trước mắt như trước 1991.” Ở đây chúng tôi xin nói thêm cho rõ hơn.
Từ 1991 mối nguy nhân loại bị diệt vong vì chủ nghĩa cộng sản (CS), hay bị đẩy lùi về thời kỳ đồ đá đã hết. Nhưng sau đó nhân loại đã đứng trước một nguy cơ khác là nạn khủng bố toàn cầu khai mào từ biến cố 911. Ngay lúc ấy chúng tôi đã lên tiếng báo động một thế chiến IV đã ló dạng. Mấy tháng sau Giáo Sư Tiến Sĩ Robert Strausz–Hupé đã tiên đoán nó sẽ là một cuộc trường kỳ chiến mới (A New Protracted Conflict). Ông dùng chữ mới để nhắc lại nhan đề cuốn sách cũ nổi tiếng của ông 43 năm về trước. Đó là tác phẩm Protracted Conflict, xuất bản năm 1959. Lần này, chỉ vài tuần trước khi qua đời, ông không minh thị gọi đó là thế chiến IV như chúng tôi. Nhưng vì trong cuốn Protracted Conflict ông đã gọi đó là thế chiến III rồi, nên phải hiểu cuộc “Xung Đột Kéo Dài Mới” này theo ý ông chính là thế chiến IV.
Trước mắt nhân loại còn đang đứng trước một mối nguy khác nữa là sự suy thoái trầm trọng về kinh tế toàn cầu mà các nhà lãnh đạo nhóm G20 (giữa tháng 04/2009) đang bàn thảo để cố đưa thế giới thoát khỏi cơn khủng hoảng này. Nhưng hy vọng rất mong manh do những quyền lợi quá xung khắc của các đại cường.
Nhưng mối nguy quan trọng hơn cả đang đe doạ nhân loại là môi sinh trái đất càng ngày càng xấu đi với mức báo động đỏ. Đáng ngại là vì nó có vẻ còn xa và lại thuộc về khoa học ít được quan tâm từ trước, nên xem ra chưa có cố gắng nào đáng kể hầu ngăn chặn. Mà liệu có cách nào ngăn chặn không? Có người đã tiên đoán năm 2070 thảm hoạ diệt vong sẽ hiện rõ vô phương cứu vãn.
Đó là xét về mặt toàn cầu, của nhân loại. Nhưng nếu thế chiến III chấm dứt đã khiến mối nguy nhân loại bị diệt vong vì tà thuyết CS không còn nữa, thì trái lại mối nguy của nó đối với dân tộc Việt Nam lại vẫn còn đó và càng ngày càng trầm trọng hơn. Lý do là các đảng CS hãy còn thống trị Việt Nam và còn làm mưa làm gió ở phương Bắc, tại một lãnh thổ mênh mông với trên một tỷ ba trăm ba mươi triệu người từng là kẻ thù truyền kiếp của dân tôc Việt Nam. Tuy ngày nay chủ nghĩa CS đã phá sản, khối Cộng đã tan rã, và các đảng CS còn sót lại không còn tin tưởng gì ở Mác nữa, thậm chí họ cũng đã đi theo xu hướng kinh tế thị trường, tức kinh tế tư bản rồi. Nhưng nếp sống vô văn hoá, đồi trụy, dối trá, gian manh, xảo quyệt, những phương pháp tàn ác, dã man mà CS áp dụng qua nhiều thập niên đã trở thành tập quán trong cách hành xử hàng ngày. Những cái đó khiến dầu sao, người CS vẫn là người CS và luôn luôn vẫn là mối đe doạ đối với truyền thống và tương lai của dân tôc ta.
Nhiều đảng phái, tổ chức, nhân sĩ, chuyên gia người Việt Hải Ngoại gần đây đã tố giác, cảnh báo, kêu cứu, vận động bằng mọi hình thức về các vấn đề Trung quốc lấn đất, lấn biển, khai thác mỏ quặng bô– xít ở Tây Nguyên, vấn đề hàng hoá, thực phẩm ô nhiễm từ bên Tầu tràn sang Việt Nam. Nhưng ảnh hưởng quyết định về chính trị của Trung Cộng trên đa số đảng viên cao cấp Việt Nam thì khó lường và không có cách gì tránh khỏi. Vì nó đã thành một kẻ nội thù được gieo mầm và bén rễ gần một thế kỷ. Mối đại hoạ đó đã nhen nhúm khỉ sự từ rất lâu, nhưng đáng kể nhất là từ đầu cuộc “chiến tranh Việt Nam”.
Ở đây chúng tôi không dám bàn đến những mối đại hoạ của nhân loại, của thế giới liên quan đến khủng bố, suy thoái kinh tế và môi sinh. Đã có các nhà lãnh đạo các cường quốc và các nhà khoa học thế giới đang tìm cách giải quyết. Chỉ xin có vái ý kiến về những cố gắng của người Việt Hải Ngoại nhằm cứu lấy dân ta, nước ta khỏi mối nguy vong quốc trước mắt.
Trước tiên xin qúy độc giả hãy coi đây chỉ là ý kiến của một người nghiên cứu thuần túy dựa trên tài liệu lịch sử và tư duy cá nhân. Chúng tôi không phải người hoạt động chính trị nên không dám đề nghị một giải pháp cụ thể. Mà chỉ đưa ra những sự kiện và nhận xét riêng về cuộc chiến Việt Nam và lý do tại sao chúng ta đã thua, và tại sao người Mỹ đã thất bại, không bảo vệ được miền Nam Việt Nam. Những hậu quả vô cùng tai hại của sự thất trận đó là trách nhiệm của thế hệ chúng ta nay đang đổ lên đầu những thế hệ con cháu chúng ta. Chấp nhận hay không, giải quyết hay không và giải quyết bằng cách nào, xin để các nhà hoạt động chính trị quyết định.
Vào cuối thập niên 50 thế kỷ trước, tuy chưa được đọc tác phẩm vô cùng quan trọng chỉ với 150 trang sách khổ nhỏ của Giáo Sư Tiến sĩ Robert Strausz–Hupé, chúng tôi đã nghĩ tới một cuộc thế chiến đang diễn ra lúc ấy, và năm 1961 đã viết ra cuốn Sách Lược Xâm Lăng Của CS để kéo chú ý của độc giả và các nhà chính trị đương thời về những chiến lược, sách lược hoàn toàn mới của CS mà thế giới tư do phải đương đầu. Lúc ấy ở Việt Nam chưa có cuốn sách nói trên của Strausz–Hupé. Nhưng vì chính quyền Đệ Nhất Cộng Hoà đã có rất nhiều tài liệu về CS và khuyến khích phổ biến và dịch những tác phẩm chống Cộng nổi tiếng (1) cho nên những ai quan tâm đến thời cuộc (hoặc chỉ vì tò mò như chúng tôi), đều có cơ hội nghiên cứu về bản chất cuộc chiến chống Cộng toàn cầu, và các chiến lược, sách lược (hay chiến thuật) của nó. (2)
Một cơ may hãn hữu đã cho chúng tôi được tiếp cận với những tài liệu ấy tại Thư Viện Quân Đội thuộc quyền quản lý của Phòng Tài Liệu nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Quốc Phòng. Mãi gần nửa thế kỷ sau chúng tôi mới được biết rằng chính thủ tướng Ngô Đình Diệm, ngay khi mới về nước năm 1954 đã ra lệnh cho tổng lãnh sự Bùi Công Văn ở Hồng Kông mua càng nhiều càng tốt những tài liệu mà nhiều người cho là “đồ quốc cấm” đó. Vì nó bao gồm những tác phẩm bằng Anh hay Pháp ngữ của Mác, các bộ toàn tập của Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông (Mao Zedong), lịch sử các đảng Cộng Sản Liên Xô, Trung Quốc và các tác phẩm quân sự của Lâm Bưu (Lin Biao), Bành Đức Hoài (Peng Dehoai), Chu Đức (Zhu De), Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying), v.v...
Và dĩ nhiên có sách báo CS miền Bắc do Sở Nghiên Cứu Chính Trị Phủ Tồng Thống là một trong những cơ quan công quyền đã phối hợp với toà tổng Lãnh Sự Hồng Kông để mua những tài liệu thuộc loại tình báo chiến lược vô cùng cần thiết này từ nhiều nơi khác.
Bộ Mao Trạch Đông Toàn Tập đã cho chúng tôi biết họ Mao đã khinh chê thế giới Tự Do lúc ấy chẳng biết gì về đối thủ.
Càng tìm đọc thì càng thấy họ Mao không lộng ngôn, phách lối. Vì cuộc chiến mà CS phát động đã lâu không có gì giống như những cuộc thế chiến trước đó. Những “vũ khí” mà CS dùng hầu hết không có gì giống thứ vũ khí thông thường được xử dụng trong chiến tranh cổ điển. Nó là một thứ vũ khí bí mật, môt thứ ám khí lợi hại tương tự như bom bay V1, V2 của Đức Quốc Xã tấn công Luân Đôn những năm đầu thập niên 1940, hay như hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Trường Kỳ (Nagasaki) và Quảng Đảo (Hiroshima) ở Nhật đầu tháng 8 năm 1945, trước khi thế chiến II kết thúc. Ác một điều là nó không có hình thù, cân lượng và sức phá hoại vật chất. Cho nên, với con mắt thịt, ít người có thể nhận thấy, Dĩ nhiên trừ những nhà nghiên cứu chuyên môn cần cù sau một thời gian làm việc vất vả.
Khi cuốn sách của Strausz–Hupé ra đời (1959) rồi Giám Đốc Trung Ương Tình Báo Mỹ Allen Dulles cất tiếng kêu gọi tìm hiểu về Cộng Sản (1960), các nhà lãnh đạo thế giới Tự Do mới quan tâm hơn đến bản chất và chiến pháp mới của phía Cộng. Nhưng vẫn còn nhiều trí thức, nhất là báo giới hãy còn bị chủ nghĩa Mác duy vật vô thần mê hoặc. Họ vẫn cho rằng chủ nghĩa Cộng Sản chẳng những không có gì nguy hiểm mà còn là niềm hy vọng và tương lai của hành tinh, là cứu cánh của giới thợ, dân nghèo đang khắc khoải dưới ách đế quốc tư bản.
Chính xu hướng tạm gọi là tả phái này đã là nguồn gốc sự mê muội và đã hướng dẫn dư luận thế giới theo ý các lãnh tụ Cộng Sản. Và vì thế thế giới đã súyt rơi vào vực sâu, hố thẳm diệt vong.
Cộng sản đã thắng ở Việt Nam cũng chính vì thế.
Chính vì báo chí “thiên tả” Mỹ đã hướng dẫn sai lạc dư luận Mỹ và thế giới và chi phối các chính khách và các nhà lập pháp Mỹ cho nên nhân dân Mỹ và dư luận thế giới lúc ấy mới coi Hồ Chí Minh là anh hùng cứu quốc, còn Ngô Đình Diệm là tay sai đế quốc.
Cho nên đã nhiều lần chúng tôi yêu cầu hãy đặt cuộc chiến Việt Nam vào trong bối cảnh chiến tranh ý thức hệ hay quỹ đạo chiến tranh ý thức hệ CS. Nói một cách nôm na dễ hiểu: Hãy đặt cuộc chiến Việt Nam vào trong (khuôn khổ) cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu của Cộng Sản. Vì thực ra, ngày nay nhìn lại, cuộc chiến Việt Nam chỉ là một bộ phận, một tiền đồn của cả một mặt trận rộng lớn trên khắp các lục địa.
Xét một người, một việc trong dĩ vãng, người ta thường nói, muốn công bình phải đặt người hay việc đó vào trong bối cảnh lịch sử. Điều này đã thành thói quen. Ai cũng có thể hiểu một cách dễ dàng.
Nhưng khi nói về chiến tranh Việt Nam hay những nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm, thì cái bối cảnh lịch sử có nhiều điểm mới lạ, nghiêu khê. Chứ không đơn sơ giản dị. Đó là hoàn cảnh lịch sử đặc biệt tạo nên bởi chủ thuyết Cộng Sản, cũng gọi là chủ nghĩa Mác Lênin lúc ấy còn đang chi phối và làm đảo lộn cả thế giới trong thời gian gần một thế kỷ.
Vì vậy, khi viết cuốn Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp (2003) chúng tôi đã có lúc yêu cầu người đọc hãy đặt ông Hồ vào trong quỹ đạo chủ nghĩa Mác Lênin. Khi dùng mấy từ quỹ đạo, chúng tôi đã liên tưởng tới từ satellite tức vệ tinh. Từ này từng được các nhà báo và sử gia trong quá khứ dùng để chỉ những nước chư hầu của Liên Xô. Và khi nói đến vệ tinh thì dễ hình dung ra một từ khác là quỹ đạo. Vì vệ tinh luôn xoay chung quanh một hành tinh như mặt trăng xoay quanh trái đất, hay một hành tinh như trái đất xoay quanh mặt trời. Quỹ đạo là cái con đường mà một vệ tinh hay hành tinh xoay chung quanh thiên thể mẹ của nó.
Chẳng những hai từ quỹ đạo bắt nguồn từ hai từ vệ tinh, mà còn được chúng tôi dùng nhằm nói lên sự linh động của chủ nghĩa Cộng Sản với biện chứng duy vật na ná như dịch lý của Đông Phương. Vì vậy bối cảnh lịch sử của thời đại Cộng Sản, không phải chỉ là một tấm phông tĩnh. Mà là cả một bối cảnh linh động luôn luôn chuyển động không ngừng. Trái đất xoay trên trục của nó, đồng thời xoay chung quanh mặt trời. Mặt trời tuy được gọi là định tinh. Nhưng thực ra nó cũng di chuyển theo một quỹ đạo vô cùng rộng lớn khác.
Như vậy xét về chiến tranh Việt Nam và con người Hồ Chí Minh cũng cần phải dựa trên một sự suy luận linh động căn cứ vào tính thiên biến vạn hoá của cuộc chiến toàn cầu mà Cộng Sản chủ trương nhắm bá chủ thế giới bằng những hình thức chiến lược sách lược linh động và tàn bạo. Nói tàn bạo vì CS tin tuyệt đối vào cứu cánh của họ là giải phóng toàn thể nhân loại khỏi sự mê tín của tôn giáo (sic), khỏi sự bóc lột tận xương tủy của bọn đế quốc tư bản (sic). Cho nên đối với họ, bất cứ phương tiện nào, dù tàn bạo đến mấy, giúp đạt được cứu cánh đó đều tốt. Cứu cánh biện minh cho phương tiện là vậy (La fin justifie les moyens).
Để có thể đặt cuộc chiến VN vào trong lòng cuộc chiến toàn cầu của Cộng Sản, dĩ nhiên phải hiểu rõ về cuộc chiến toàn cầu đó. Bản chất nó là gì, nó có những đặc tính gì? Nó được phát động và điều hành ra sao, theo những quy luật chiến tranh loại nào?
Sau đây chúng tôi xin nêu lên một vài sự kiện lịch sử thế giới làm ví dụ để trả lời một cách hết sức tóm tắt mấy câu hỏi nêu trên.
Khi chủ thuyết Cộng Sản của Mác và Ăng Ghen ra đời đầu năm 1848 không ai ngờ đó chính là phát súng lệnh khởi đầu cho một cuộc chiến tranh chống lại toàn thể nhân loại. Chiến tranh của sự ác đánh thẳng vào sự Thiện. Điều này chỉ mới gần đây loài người mới nhận ra. (3)
Cho mãi đến hơn một thế kỷ sau, năm 1959, hai năm sau khi Liên Xô phóng thành công vào vũ trụ phi thuyền không gian Sputnik, mới có một nhà nghiên cứu, đồng thời cũng là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, lên tiếng cảnh báo thế giới và nhất là các nhà lãnh đạo thế giới tự do rằng phe Cộng đang đánh chúng ta đấy. Mà chúng ta cứ tưởng mình đang hưởng hoà bình. Vì vậy cho nên chúng ta – tức thế giới tự do, tức đại bộ phận nhân loại – mới đang thua đấy.
Người lên tiếng cảnh báo đó là Giáo Sư Tiến sĩ Robert Strausz–Hupé nói trên. Ông là một người Mỹ gốc Áo, người đã sáng lập Học Viện Nghiên Cứu Chính Sách Đối Ngoại của Hoa Kỳ (FPRI= Foreign Policy Research Institute), và là tác giả chính của cuốn Protracted Conflict (Cuộc Xung Đột Kéo Dài) mà chúng tôi đã mô phỏng theo cách Trường Chính dịch cuốn Trì Cửu Chiến Luận của Mao Trạch Đông để chuyển ngữ thành Cuộc Trường Kỳ Chiến.
Tác giả viết chung với 3 nhà nghiên cứu khác. Ông sinh ngày 25 tháng 3 năm 1903 và mất ngày 24 tháng 2 năm 2002, thọ gần 99 tuổi.Trước khi ông mất mấy tuần ông đã viết một bài quan trọng nói về cuộc chiến ý thức hệ mới mà ông gọi là A New Protracted Conflict. Qua cái nhan đề đó ông đã tiên tri rằng cuộc chiến chống khủng bố sẽ là một cuộc chiến kéo dài. Mà thực sự nó đã kéo dài gần 8 năm rồi. Ông không nói đến một thế chiến thứ tư phát khởi từ vụ 911. Nhưng liền ngay sau khi biến cố 911 xảy ra, nghĩa là trước khi Strausz–Hupé viết bài A New Protracted Conflict mấy tháng, chúng tôi đã viết một bài dài 37 trang nhan đề Khủng Bố 911 và viễn ảnh thế chiến IV. Bài này viết xong ngày 01/10/2001 và đã được nhiều báo ở Mỹ đăng tải trong tháng 10, 2001, trước tiên là bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong.
Ý niệm về cuộc thế chiến IV này sở dĩ thành hình trong đầu người viết là nhờ câu nói bất hủ của Strausz–Hupé trong Protracted Conflict (1959)
“Đúng lúc này đây chúng ta đang ở vào giữa cuộc thế chiến III. Cộng Sản đang thắng bởi vì họ biết họ ở trong cuộc thế chiến đó. Còn chúng ta thì đang thua vì chúng ta không biết chắc chúng ta đang lâm chiến hay đang hưởng hoà bình.”
Thời điểm 1959 là lúc CS đã chiếm được một phần ba nhân loại. Đáng kể nhất là toàn thể Liên Xô với 15 nước “Cộng Hoà Xô Viết”, toàn thể khối Đông Âu gồm Ba Lan, Tiệp Khắc (Czechslovakia cũ), Albany, Hungary, Bulgaria, Romania, Nam Tư (Yugoslavia cũ). Á châu thì toàn thể lục địa Trung Hoa, rồi một nửa Triều Tiên, một nửa Việt Nam. Và khi Fidel Castro đánh đuổi lãnh tụ Batista khỏi Cuba và lên làm thủ tướng vào năm 1959 thì coi như Cộng sản đã đâm thẳng vào cạnh sườn Mỹ.
Đồng thời với việc thôn tính những nước trên, CS đã lập được 87 đảng CS và rất nhiều chi bộ CS trên khắp thế giới. Những đảng CS và những chi bộ CS lẻ tẻ này đang là mầm mống đe doạ từng ấy quốc gia sẽ có thể bị CS thôn tính trong một tương lai gần. Trong số 87 đảng CS này có 2 đảng của Ý ở Âu Châu và của Nam Dương (Indonesia) ở Á Châu có tới trên 1 triệu và gần hai triệu đảng viên.
Thời gian đó cũng là thời gian ở Pháp nữ sĩ Suzane Labin đưa ra lời cảnh báo cuối cùng với tác phẩm “Nước đã đến trôn” (4) xuất bản cũng vào khoảng cuối thập niên 50 đầu thập niên 60.
Và cũng vào thời gian đó (1961) bào đệ ngoại trưởng Foster Dulles là Allen Dulles, Giám Đốc Trung Ương Tình Báo Mỹ (CIA) đã đưa ra lời kêu gọi cần phải tìm hiểu về Cộng Sản, nếu muốn thắng CS.
Chúng tôi rất tâm đắc về mấy từ thế chiến III của Strausz–Hupé. Vì chúng nói lên một cách chính xác nhất về một cuộc chiến toàn cầu giữa các người Cộng Sản và Thế Giới Tự Do. Sở dĩ lúc ấy, và cả sau này, vẫn còn rất ít người gọi nó như vậy là vì người ta vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của nó, và vẫn còn suy nghĩ một cách hẹp hòi, thiển cận rằng đã là chiến tranh thì phải có bom rơi đản nổ. Cho nên một số nhà báo và sử gia vẫn còn tự mãn vói mấy từ Chiến Tranh Lạnh. Lạnh hay nóng thì vẫn là chiến tranh. Nếu thế chiến II đã làm chết trên 50 triệu người, kể cả thường dân, thì thế chiến III đã làm chết trên 100 triệu. Một cuộc tranh chấp – gọi là chiến tranh lạnh—xảy ra trên khắp các châu lục và gây ra từng ấy cái chết không đáng gọi là một cuộc đại chiến, thế chiến sao?
Trước Strausz–Hupé, Allen Dulles và Suzane Labin trên ba chục năm, lãnh tụ Tầu Cộng là Mao Trạch Đông đã trưng dẫn Tôn Tử để rồi chê đối phương – không phải chỉ có Trung Hoa Quốc Dân Đảng, mà cả phe Thế giới Tự Do – chẳng tri bỉ tri kỷ gì cả. Đó là năm 1937, tại Diên An. Vậy mà mãi đến cuối thập niên 50 đầu thập niên 60, khi “nước đã đến trôn”, phe thế giới Tự Do mới quan tâm để tìm hiểu địch. Nhưng trễ còn hơn không.
Ngày nay quay lại khúc phim lịch sử ấy, ta thấy mục tiêu chiến lựoc tối hậu của CS là bá chủ thế giới để thiết lập một chế độ đại đồng, trong đó sẽ không còn biên giới quốc gia, dân tộc nữa. Nhưng một trong số những mục tiêu sách lược giai đoạn quan trọng hàng đầu của nó là hô hào các dân tộc bị trị nổi lên chống lại các đế quốc để làm suy yếu các cường quốc Tây Phương. (5)
Vì không hiểu được bản chất của chủ nghĩa Cộng Sản, cũng như thế nào là mục tiêu chiến lược, sách lược phi quân sự, và mưu sâu của các chiến lược gia CS, nên các dân tộc nhược tiểu và/hoặc bị trị dễ mắc mưu.
Về kỹ thuật tác chiến của CS, họ Mao cũng chê đối phương chẳng biết gì. Đó là CS tiến hành chiến tranh, phần lớn, không phải bằng cách xua quân xâm lăng trắng trợn (trừ trường hợp Triều Tiên đầu thập niên 50) như Đức Quốc Xã hay Phát Xít Nhật đã làm trong thế chiến II. Cộng Sản đã dùng nhiều hình thức thôn tính phi vũ trang rất đa dạng để thôn tính các nước chư hầu một cách êm thắm, khiến cho các nước nạn nhân còn có cảm tưởng mình được giải phóng một cách hoà bình lạ lùng. Dĩ nhiên phải trừ trường hợp Bắc Triều Tiên, với sự quân viện ồ ạt của Trung Công vừa mới thôn tính được Hoa Lục, đã công khai xua quân đánh chiếm miền Nam. Nhưng bằng hình thức xâm lăng vũ trang ngoại lệ này họ đã rước lấy thất bại.
Không nên lý giải một cách phiến diện – theo quan niệm chiến lược quân sự thuần túy – rằng ở Triều Tiên Hoa Kỳ đã thắng vì đã đánh nhanh đánh mạnh và vì địa thế Triều Tiên không hiểm trở như ở Việt Nam. Mà phải lưu ý đến nhiều yếu tố khác quan trọng hơn như:
– Sự xâm lăng trắng trợn công khai của Bắc Hàn với quân viện dồi dào và cũng công khai của Trung Cộng.
– Hoa Kỳ nhân danh Liên Hiệp Quốc, dĩ nhiên được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chấp thuận, đẩy lui cuộc xâm lăng.
- Chiêu bài giải phóng dân tộc mà Hồ Chí Minh dùng một cách hữu hiệu ở Việt Nam không có tác dụng thực tế ở Triều Tiên, vì Nhật đã bại trận trong thế chiến II không có thể trở lại Nam Hàn như Pháp thắng trận, được Anh ngầm giúp đã có thể trở lại Việt Nam.
– Ở Nam Hàn lúc ấy đã không có sự kiện một lãnh tụ Quốc Gia bị hãm hại, và một nền Cộng Hoà hợp hiến hợp pháp bị lật đổ nhằm mục đích để cho Hoa Kỳ có thể đưa đại quân vào làm mưa làm gió sau đó, khiến cho dư luận lên án vì cho rằng đó là cuộc chiến tranh của Mỹ bắt nạt một nước nhỏ. Hơn nữa việc Mỹ ồ ạt đem quân vào VN không được LHQ chấp thuận như ở Triều Tiên. (6) Cho nên chiến cuộc Triều Tiên đã không bị dân chúng Mỹ và dư luận thế giới lên án. Còn chiến cuộc Việt Nam thì bị dư luận lên án gắt gao.
Nếu ta để ý đến các nhân tố khác liên quan đến chiến lược sách lược đặc biệt của Cộng Sản thì càng thấy không thể so sánh chiến tranh Việt Nam với chiến tranh Triều Tiên được. Nhưng đó là những tiểu tiết không cần bàn thêm.
Nhiều người coi Yalta là nơi sinh của “chiến tranh lạnh”, có nghĩa là thế chiến III sinh ra tại hội nghị Yalta giữa ba lãnh tụ siêu cường Anh, Mỹ, Nga (7)
Và như vậy ngày 04/02/1945 là ngày khai mạc hội nghị này cũng có thể gọi là ngày sinh của thế chiến III.
Trong cuốn Victory Without War tổng Thống Richard Nixon bảo “thế chiến III bắt đầu khi thế chiến II sắp kết thúc”. Có lẽ ông cũng muốn nói nó ra đời vào ngày này.
Nhưng theo quan niệm chiến tranh ý thức hệ của chúng tôi thì trước đó từ lâu đã có nhiều hành động chiến tranh của khối Cộng rồi. Chẳng hạn khi Stalin chiếm đóng 3 nước vùng Ba Nhĩ Cán (Balkan) là Lithuania, Latvia và Estonia ngày 23 tháng 7 năm 1940. Hay trước đó nữa, ngay sau khi ký với Đức Quốc Xã hiệp ước bất tương xâm (8) Stalin đã cho quân vào Ba Lan ngày 17 tháng 9 năm 1939, chỉ 17 ngày sau khi Đức đã xâm lăng nước này, và đúng hai tuần sau khi Đồng Minh Anh, Pháp, Úc, Tân Tây Lan tuyên chiến với Đúc, mở màn thế chiến II, v.v...
Nếu cứ cho cuốn phim thời gian quay ngược chiều thêm nữa, thì sẽ thấy thời điểm quan trọng nhất của chiến tranh ý thức hệ CS là ngày 6 tháng 11 năm 1917. Lúc ấy thế chiến I còn chưa kết thúc. Nhưng nó đã báo hiệu trước thế chiến III rồi. Ngày 06/11/17 là ngày mà tất cả các nước CS, các đảng CS khắp thế giới không được phép quên. Ngày được mệnh danh là Cách Mạng Tháng Mười. Nhưng thực ra đó chỉ là ngày đảng Bolshevik (đa số) của Lênin cướp chính quyền từ nhóm Menshevik (thiểu số) của Kerensky. (9)
Chiến thắng này đã khuyến khích Lênin nuôi mộng bá chủ thế giới với chiêu bài cách mạng vô sản và thế giới đại đồng, giấc mộng hão huyền của Mác và Ăng Ghen. Đệ Tam Quốc Tế ra đời ngày 06/03/1919, đặt trụ sở tại thủ đô Nga là tổng hành dinh lớn nhất của mặt trận rộng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Chẳng bao lâu mà đã có 87 đảng CS (năm 1960) được thành lập theo nội quy và chịu một kỷ luật thép của Lênin, kẻ đã khai sinh ra QTCS.
Nhưng tổng hành dinh ấy, mặt trận ấy không mấy người nhận thấy. Cho nên năm 1959 mới có lời cảnh báo khẩn cấp của người sáng lập Viện Nghiên Cứu Chính Sách Ngoại Giao (FPRI), trong tác phẩm bán chạy nhất của ông, được những nhà chính trị và ngoại giao nổi tiếng như Dean Acheson, Henry Kissinger (lúc ấy còn là giáo sư đại học Havard) tán thành và khuyên mọi người nên đọc để hiểu về Cộng Sản.
Đi sâu và xa hơn nữa, nếu đã gọi là chiến tranh ý thức hệ, thì đúng ra ngay từ khi Mác và Ăng Ghen đưa ra tuyên ngôn Cộng Sản đầu năm 1848 nó đã bắt đầu rồi. Nó đánh thẳng vào các nguyên lý cơ bản về mọi vấn đề tư tưởng, luân lý, xã hội của loài người và đã bị một số nhà tư tưởng và lãnh đạo tinh thần phản kháng kịch liệt. Nhưng những người này chỉ nghĩ đó là một cuộc bút chiến, hay tranh luận về tư tưởng. Chứ chưa biết đó là một cuộc thế chiến về toàn bộ các vấn đề tư tưởng, học thuyết, xã hội, văn hoá, chính trị, v.v...
Trong số những người sớm nhìn ra mối hoạ CS, phải kể đến giáo chủ Công giáo Paul IX với thông điệp (hay Tông Huấn, Papal Encyclical) Qui Pluribus, ban hành ngày 06/11/1846. Nhìn vào ngày ban hành này người ta không khỏi ngạc nhiên rằng trong khi Mác và Ăng Ghen còn đang cưu mang bản tuyên ngôn CS, thì nhà lãnh đạo Công Giáo đã nhìn thấy bản chất xấu xa của nó, và mối nguy nó sẽ có thể gây ra cho toàn thể nhân loại. Có thể nói thế chiến III đã nhen nhúm từ đó.
Trong thông điệp này có câu sau đây: “Cái tà đạo được mệnh danh là chủ nghĩa CS này hoàn toàn trái với luật tự nhiên. Nó không thể thành lập mà không làm đảo lộn mọi quyền lợi và ích lợi là nguồn gốc mọi của cải và cả xã hội” (10)
Trở lại hội nghị Yalta. Tại sao nó được một sồ người coi là nơi sinh của “chiến tranh lạnh”? Phải chăng vì những vấn đề chính được nêu lên trong chương trình nghị sự đã cho thấy một cách rõ rệt những mâu thuẫn, xung khắc, nếu không nói là xung đột, giữa hai khối Đông và Tây. Tỷ dụ như vấn đề chia cắt và chiếm đóng nước Đức bại trận. Vấn đề cho Liên Xô tham gia mặt trận Á châu chống Nhật vào giờ phút chót (Ngày 8 tháng 8 năm 1945), sau khi quả bom nguyên tử của Mỹ đã thả xuống Hirosima hai ngày trước, và quả bom thứ hai chỉ còn 1 ngày nữa cũng sẽ thả xuống Nagasaky, khiến cho Nhật phải đầu hàng vô điều kiện ngày 15/08/1945. Đây là một thất bại của thế giới Tự Do chuốc lấy bởi chiêu bài hoà đàm hay “vũ khí hội nghị” của Stalin.
Người ta chê trách – đồng thời cũng gián tiếp bào chữa cho – Tổng Thống Franklin D. Roosevelt, vào lúc cuối đời, tinh thần và thể lực suy kiệt đã để mình mắc mưu CS. Kết quả là Liên Xô đã lợi dụng sự có mặt tại mặt trận Á châu trong lúc kết thúc chiến tranh để tái chiếm những phần đất đã bị mất vào tay Nhật sau thất bại của cuộc chiến Nga Nhật trước đây và chiếm thêm được những vị trí khác ở Mãn Châu.
Thất bại thứ hai cũng xảy ra tại hội nghị này là vấn đề chiếm đóng Ba Lan sau thế chiến. Liên Xô đã không tôn trọng hiệp ước đã ký về bầu cử tự do với nhiều thành phần dân chúng Ba Lan trong một chính phủ liên hiệp đoàn kết quốc gia. Trái lại đã tiếp tay cho đảng CS Ba Lan chiếm độc quyền cai trị. Nhớ lại, khi mở đầu thế chiến II, Stalin đã vội cho quân vào Ba Lan chí it ngày sau khi Đức xâm lăng nước này: Stalin đã lợi dụng hiệp ước bất tưong xâm vừa ký với Đức để làm việc đó. Nay kết thúc thế chiến II, Liên Xô lại lợi dụng sự có mặt của hồng quân tại Balan để thôn tính nước này một cách gian lận, xảo trá.
Đó là ngón sở trường của CS: Dùng hội nghị để đấu tranh giành phần hơn, phần thắng. Không tôn trọng những thoả ước đã ký cũng để giữ phần hơn, phần thắng. Trong cuốn Sách Lược Xâm Lăng của CS, chúng tôi đã xếp mánh lới gian xảo này trong số các hình thức xâm lăng phi vũ trang của CS.
Chỉ xin nêu vài ví dụ nhỏ đó để cho thấy tại sao người ta đã bảo chiến tranh lạnh phát sinh tại Yalta. Còn nếu muốn nói rõ hơn nữa về các phương pháp chiến tranh thiên biến vạn hoá của CS thì phải cần cả một cuốn sách lớn. (11)

30/04/2009
(Còn tiếp)
© DCVOnline

----------------------------

(1) Như “Đêm Giữa Ban Ngày (Darkness At Noon), và Từ Số Không Đến Vô Cực (De Zéro à L’Infini) của Arthur Koestler, hay Tôi Chọn Tự Do (J’ai Choisi La Liberté) của Victor Kravchenko, hay Bác Sĩ Jivago (Doctor Jivago) của Boris Pasternak, hay J’ai Vécu dans L’Enfer Communiste Du Nord Vietnam Et J’ai Chosi La Liberté của Gerard Tongas, hay Bí Danh (The Secret Name) của Lâm Ngữ Đường, hay những tiểu thuyết Trại Súc Vật (The Animal Farm) và 1984 của George Orwell v.v...
(2) (chúng tôi đã phân tích mấy thuật ngữ này trong nhìều bài viết và sách của MV trước đây)
(3) Khi Tổng Thống Mỹ Ronald Reagan chỉ đích danh Cộng Sản là sự ác.
(4) Il est moins cinq, nghĩa đen là Đã kém 5 rồi, hay Chỉ còn 5 phút nữa. Nước đã đến trôn là cách dịch vừa sát nghĩa, vừa bóng bảy và văn vẻ của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn.
(5) Tại phiên họp Ủy Ban Tung Ương của Đệ Tam Quốc Tế, tức QTCS, Zinoviev, một trong những lãnh tụ Nga Cộng, lúc ấy thay Lênin giữ chức vụ Tổng Bí Thư QTCS, đã tuyên bố: “Điểu mà các đảng CS chúng ta bắt buộc phải làm là tìm cách xử dụng các phần tử dân tộc (chúng tôi viết nghiêng) để chống giai cấp tư sản. Các đảng CS phải thúc đẩy các phần tử bất mãn chống lại chế độ, như đảng CS Nga đã xử dụng người dân tộc Ukraine vào đảng CS Nga. Chúng ta chỉ lợi dụng sự bất mãn của họ để phục vụ cuộc Cách Mạng Vô Sản.” Đảng CS Việt Nam đã noi gương Lênin dùng các phần tử dân tộc và giữ đúng lời dậy của Zinoviev chỉ lợi dụng họ cho mục tiêu cuối cùng là Cách Mạng Vô sản, cho nên tờ Thanh Niên của DCS, khi còn là Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (do HCM biến Tâm Tâm Xã của một số đồ đệ của cụ Phan Bội Châu mà thành) số ra ngày 20– 12– 1926 đã viết một cách minh thị: “Chủ nghĩa ái quốc là một điều nguy hiểm”.
(6) TT Lý Thừa Vãn chỉ bị Mỹ lật (nhưng không bị giết) vào mấy năm sau khi Mỹ đã đem quân vào đánh đuổi quân xâm lăng Bắc Hàn,.
(7) Yalta thuộc bán đảo Crimea, của Ukraine, trên bờ Hắc Hải là nơi họp hội nghị thượng đỉnh tam cường gồm thủ tướng Winston Churchill (1874– 1965), Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt (1882– 1945) và chủ tịch Liên Xô, thống chế Joseph Stalin (1879– 1953).
(8) Hiệp ước bất tương xâm được ký kết tại Moscow bởi ngoại trưởng Đức Joachim Ribbentrop và ngoại trưởng Nga Vyacheslav Molotov ngày 14/08/1939, nửa tháng trước khi thế chiến II bắt đầu.
(9) Cũng giống như Hồ Chí Minh đã dùng mánh lới cướp micro, cướp diễn đàn, trưng biểu ngữ, hô khẩu hiệu của Mặt Trận Việt Minh để biến cuộc míttinh của công chức ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc “khởi nghĩa của toàn dân” (sic) vào ngày 19/08/1945.
(10) Nguyên văn bản Anh Ngữ (đoạn 32): “It is wholly contrary to Natural Law itself, nor could it establish itself without turning upside down all rights, all interests, the source of property and society itself.”
(11) Chúng tôi đã tóm lược hết sức cô đọng trong cuốn Sách Lược Xâm Lăng Của Cộng Sản viết đầu năm 1961, xuất bản, tái bản tại VN năm 1963, 1970 và tái bản tại Hoa Kỳ năm 1007. Tưởng cũng nên giải thích tại sao viết xong năm 1961 mà đến tháng 5 năm 1963 mới xuất bản: Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Quốc Phòng vì thấy sách hay nên đã mua tác quyền để đứng ra xuất bản để cán bộ đọc, Nhưng liền sau đó có sự thay đổi chức vụ giám đốc, nên cấp thừa hành vì quên, hay vì ý đồ gì khác không trình cuốn sách lên ông tân giám đốc. Tác giả thấy để lâu sợ mất thời gian tính nên đích thân đến xin lấy lại để tự đứng ra xuất bản.


No comments: