Phong trào 'Mặc áo trắng ngày 4/6' để tưởng niệm vụ Thiên An Môn
VOA - 25/05/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-05-25-voa9.cfm
Trong khuôn khổ của những hoạt động đánh dấu kỷ niệm 20 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, các nhân vật tranh đấu cho dân chủ Trung Quốc đã phát động phong trào 'mặc áo trắng' để tưởng niệm các nạn nhân của vụ đàn áp chấn động thế giới này. Một trong những người xướng xuất phong trào áo trắng là nhà văn Hồ Bình, chủ biên tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh ở New York. Ông cho đài VOA biết rằng ngoài mục đích tưởng niệm những người bỏ mình vì sự nghiệp dân chủ, phong trào này còn có mục đích tạo cơ hội để quảng đại quần chúng tham dự vào việc bày tỏ thái độ đối với chế độ độc tài hiện nay ở Bắc Kinh. Mời quí vị theo dõi Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.
Thưa quí thính giả, nhà văn Hồ Bình, chủ biên tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh ở New York, là một trong những nhà lý luận nổi tiếng của phong trào vận động dân chủ ở Trung Quốc hồi đầu thập niên 1980. Ông cũng chính là người đã xướng xuất phong trào mặc áo trắng lần đầu vào ngày 4 tháng 6 năm 1990 để tưởng niệm một năm ngày xảy ra vụ đàn áp đẫm máu ở Quảng trường Thiên an môn nhắm vào các sinh viên biểu tình đòi dân chủ, thường được gọi là 'Biến cố Lục Tứ'. Mới đây, trong khuôn khổ của những hoạt động đánh dấu kỷ niệm 20 năm vụ thảm sát chấn động thế giới này, ông Hồ Bình và các nhà dân chủ Trung Quốc lại phát động phong trào toàn dân mặc áo trắng để tạo cơ hội cho dân chúng trong nước bày tỏ thái độ đối với chính quyền độc tài hiện nay ở Bắc Kinh. Ông cho biết như sau về mục tiêu của phong trào này.
Ông Hồ nói: "Chúng tôi kêu gọi đồng bào trong nước mặc áo trắng vào ngày mồng 4 tháng 6 để bày tỏ sự thương tiếc đối với những người thiệt mạng và bày tỏ sự phản kháng đối với nhà cầm quyền. Như quí vị đã biết, cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên an môn năm đó là cuộc biểu tình đòi dân chủ có qui mô lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc; với sự tham dự của hàng trăm ngàn người. Sau vụ thảm sát mồng 4 tháng 6 nhiều người đã bày tỏ thái độ phản kháng. Tuy nhiên, trong những năm sau này vì sự đàn áp khốc liệt của chính phủ Cộng Sản Trung Quốc nên nhiều người đã không dám bày tỏ một cách công khai. Phong trào mà chúng tôi xướng xuất là một trong nhiều phương cách để người dân công khai bày tỏ thái độ mà không gặp mối nguy bị đàn áp."
Theo ông Hồ Bình, tháng 6 là mùa hè ở Bắc Kinh, là lúc mà nhiều người mặc quần áo màu nhạt, nên cho dù nhà chức trách biết được là dân chúng mặc áo trắng để phản đối vụ thảm sát Thiên An Môn thì họ cũng không có cớ gì để ra tay trấn áp.
Ông Hồ nói thêm: "Chúng tôi biết rằng nhiều người trong nước rất can đảm. Họ viết bài chỉ trích chính phủ. Họ mặc áo đen hay áo có hình vẽ hoặc chữ viết về biến cố 'Lục Tứ'. Họ là những người anh hùng, những người đi tiên phong trong cuộc vận động dân chủ. Đương nhiên là cuộc vận động dân chủ nào cũng cần tới những người như vậy. Nhưng để có thể thúc đẩy cho phong trào tiến lên chúng ta phải cần tới sự tham gia của đông đảo quần chúng; và để có được sự tham gia như vậy, chúng ta phải làm thế nào để giảm tới mức tối thiểu mối rủi ro mà họ có thể gặp phải. Nếu như ngày 4 tháng 6 tới đây chúng ta nhìn thấy nhiều người mặc áo trắng thì điều đó sẽ có một ý nghĩa tượng trưng rất lớn và khiến cho mọi người cảm thấy phấn, cảm thấy có sức mạnh."
Khi được hỏi về triển vọng thành công của phong trào áo trắng lần này, nhà văn Hồ Bình cho biết có nhiều cơ hội thành công hơn vì tình hình hiện nay đã khác.
Ông Hồ cho biết: "Trước đây, năm 1990 chúng tôi cũng từng xướng xuất phong trào mặc áo trắng. Bên cạnh đó chúng tôi cũng kêu gọi dân chúng tới Quảng trường Thiên an môn tản bộ vào ngày 4 tháng 6. Lúc đó mọi việc đều khó khăn hơn so với bây giờ. Vì loại hoạt động này phải dựa vào sự phổ biến thông tin để thành công mà lúc đó chưa có mạng internet. Chúng tôi đã phải tìm kiếm số máy fax của những người ở Trung Quốc, bất kể là của tư nhân hay của cơ quan chính phủ, rồi gởi cho họ biết về chiến dịch áo trắng và tản bộ. Sau đó tôi được bạn bè ở Bắc Kinh kể lại là cấp lãnh đạo của họ bảo họ không được tới Quảng trường Thiên an môn vào ngày 4 thang 6. Nhờ đó mà chúng tôi thấy rõ tâm trạng run sợ khiếp đảm của chính quyền Cộng Sản đối với kế hoạch của mình."
Cũng tương tự như những lần kỷ niệm trước đây, lần này những nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc cũng yêu cầu chính quyền xác định lại tính chất của cuộc biểu tình năm 1989 mà Bắc Kinh cho là một 'vụ bạo loạn phản cách mạng'. Một số người ở Trung Quốc nói rằng mục tiêu của các sinh viên biểu tình lúc đó là bảo vệ hiến pháp, đòi hỏi đảng Cộng Sản sửa đổi để có thể duy trì quyền lãnh đạo đất nước chứ không hề có ý lật đổ chế độ Cộng Sản. Trong khi đó, cũng có người cho rằng ý định thật sự của các sinh viên là hủy bỏ thể chế Cộng Sản để thực thi dân chủ và mọi người không nên chỉ dựa vào những bài hát ca tụng Cộng Sản mà người biểu tình đã hát để nói rằng họ ủng hộ chế độ Cộng Sản.
Ông Hồ Bình cho rằng hai nhận định có vẻ trái ngược nhau này đều hợp lý.
Ông Hồ giải thích: "Cả hai nhận định đó đều có lý. Lúc đó những sinh viên xuống đường biểu tình quả thật là không hề nghĩ tới việc lật đổ thể chế Cộng Sản. Cũng tương tự như đòi hỏi của Hiến Chương 08 công bố cuối năm 2008, điều mà họ đòi hỏi là nhà cầm quyền phải thực thi những điều khoản trong hiến pháp về việc tôn trọng các quyền tự do của người dân, như tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do lập hội, và những quyền cơ bản của con người. Nếu nhìn từ khía cạnh này thì việc cho rằng các sinh viên phạm tội phản cách mạng, chống lại chủ nghĩa xã hội, lật đổ chính phủ chỉ là một sự vu cáo trắng trợn. Tuy nhiên, xét từ một khiá cạnh khác thì chúng ta sẽ thấy rằng chế độ Cộng Sản mặc dù họ rêu rao là tự do, là dân chủ; nhưng trên thực tế họ phải dựa vào việc tước đoạt, hoặc hạn chế các quyền tự do để có thể tồn tại. Khi nào các nước Cộng Sản ngưng chà đạp các quyền tự do đó thì chính phủ nước họ sẽ tự động sụp đổ. Cũng chính vì thế mà ông Đặng Tiểu Bình đã quyết định dùng xe tăng và súng ống đàn áp người biểu tình để bảo vệ chế độ."
Trong cuốn hồi ký mới xuất bản ở Hồng Kông hồi gần đây, cố Tổng bí thư Triệu Tử Dương – người đã bị truất quyền vì có thái độ thông cảm với các sinh viên biểu tình, cho biết rằng ông tin là các sinh viên biểu tình ở Thiên an môn là những người có ý tốt, và họ chỉ muốn cho đảng Cộng Sản sửa đổi chứ không hề có ý định lật đổ chính quyền. Ông Triệu Tử Dương nói thêm rằng ông phản đối chủ trương dùng vũ lực để giải tán cuộc biểu tình vì ông không muốn trở thành 'ông Tổng bí thư nổ súng giết dân'.
Nhà văn Hồ Bình cho biết những sự tiết lộ của ông Triệu Tử Dương chứng tỏ rằng guồng máy chính quyền Cộng Sản là một guồng máy được vận hành bằng bạo lực và sự bách hại chính trị; và những ai không muốn nhúng tay vào những hành động giết người và đàn áp sẽ không được nắm quyền điều khiển guồng máy này.
No comments:
Post a Comment