Monday, May 25, 2009

NHỮNG SUY NIỆM CHÍNH TRỊ CỦA TRIỆU TỬ DƯƠNG

Những suy niệm chính trị của Triệu Tử Dương: Trích dịch từ Người tù của nhà nuớc
Trần Thiện Huy
25.05.2009
http://damau.org/archives/6313

LTS: Trong 16 năm bị quản thúc tại gia cho đến ngày ông mất vào tháng Giêng năm 2005 vì bệnh viêm phổi, Triệu Tử Dương đã dùng nhiều thì giờ suy nghiệm về khuynh huớng chính trị của ông cũng như những cải tổ mà ông đã thi hành hoặc dự định cho Trung Quốc trước biến cố Thiên An Môn. Những tư tưởng này đuợc ông bí mật thu âm vào 30 cuộn băng cassettes trong hai năm 1999-2000, đã được xuất bản với tên Người Tù của Nhà Nước (Prisoner of the State) (chủ biên Adi Ignatius cùng dịch giả Bao Pu và Renée Chiang).

Người Tù của Nhà Nước được nhà xuất bản Simon & Schuster phát hành tại Hoa Kỳ ngày 19 tháng 5 vừa qua để đánh dấu ngày này 20 năm về trước ông Triệu đã xuất hiện ở Thiên An Môn với loa kêu gọi các sinh viên nên chấm dứt tuyệt thực và giải tán cuộc biểu tình vì ông đã phản đối nhưng biết rằng chính quyền đã quyết tâm dùng sức mạnh quân đội để đàn áp nếu sinh viên không tự giải tán. Ngày 19 tháng 5 năm 1989 vì thế là thời điểm chuyển hướng đời Triệu Tử Dương và cũng là lần cuối ông được quần chúng biết tới với cương vị Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Để biết thêm về ký ức Thiên An Môn từ quan điểm của những sinh viên đã tham dự, cùng dư luận quần chúng và phản ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay sau khi Triệu Tử Dương qua đời vào mùa Đông năm 2005, xin bạn đọc vui lòng bấm vào tựa
Out of Mao’s Shadow (Thoát Khỏi Hình Bóng Mao) (tác giả Philip Pan, dịch giả Phương Quỳnh và Đinh Từ Bích Thúy, xuất hiện ở mục Trên Kệ Sách Da Màu tháng 8 năm 2008).

Nếu muốn nghe những đoạn thu âm giọng nói tiếng Trung Hoa của Triệụ Tử Dương, hay đọc bản sao bằng tiếng Hoa hoặc đã chuyển ngữ sang tiếng Anh của những đoạn trích dịch dưới đây, xin vui lòng bấm vào bài,
Excerpts from Zhao Ziyang’s ‘Prisoner of State’ (Những Đoạn Trích Từ Quyển ‘Người Tù của Nhà Nước) đăng trên tờ New York Times ngày 15 tháng 5 năm 2009.


Hình bìa quyển Người Tù của Nhà Nước, với Dương Thượng Côn (trái), Triệu Tử Dương (giữa), và Đặng Tiểu Bình (phải)
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/NhngsuynimchnhtrcaTriuTDngTrchdchtNgitca_12E31/prisonerofthestatecover_thumb.jpg

Phần 4, Chương 4: ‘Sửa Soạn cho một Diễn Biến Quan Trọng (tr. 205-206):

Dù sao đi nữa, chúng ta cũng đã thực hiện nền chủ nghĩa xã hội hơn ba mươi năm nay. Với những người chủ trương tuân thủ những nguyên tắc xã hội chính thống, chúng ta giải thích việc này cho họ thế nào? Có thể giải nghĩa rằng chủ nghĩa xã hội đã được thiết lập quá sớm, và chúng ta cần phải thu hẹp và tái khởi sự nền dân chủ. Một cách khác là Trung Quốc đã thiết lập chủ nghĩa xã hội mà không trải qua chủ nghĩa tư bản trước, nên cần phải tái du nhập một liều lượng chủ nghĩa tư bản.
Cả hai cách lập luận ấy đều không phải là hoàn toàn vô lý, nhưng chúng có khả năng làm dấy lên những tranh cãi nghiêm trọng về lý luận, và dẫn đến hỗn loạn. Ngoài ra, những lập luận như thế này sẽ không bao giờ được chấp thuận về mặt chính trị. Trong trường hợp xấu nhất, chúng còn có thể làm cho cuộc cải cách bị bóp chết từ trứng nước.
Trong thời gian chuẩn bị cho báo cáo trước Đại hội Đảng thứ 13, tôi đã bỏ rất nhiều thời gian suy nghĩ về vấn đề này. Cuối cùng tôi cho rằng khái niệm “giai đoạn sơ khởi của chủ nghĩa xã hội” là ý hướng tốt nhất, và không phải chỉ vì nó chấp nhận và diễn tả quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội suốt mấy thập kỷ qua của chúng ta dưới ánh sáng tích cực nhất; cùng lúc, nhờ cách định nghĩa hoàn cảnh của chúng ta là “giai đoạn sơ khởi”, chúng ta vượt ra khỏi những ràng buộc của các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa chính thống. Nhờ đó, chúng ta có thể đi ngược lại vị thế trước đây và tiến hành những chính sách cải tổ thích hợp hơn với Trung Quốc.

Phần 3, Chuơng 4: “Tìm Kiếm Một Đường Lối Mới (tr. 112-113):


Lý do tôi để tâm sâu xa đến chuyện cải tổ kinh tế và dành hết nỗ lực vào việc tìm cách thực hiện công cuộc cải tổ này là vì tôi đã quyết tâm phải xóa bỏ căn bệnh trầm kha của kinh tế Trung Quốc từ gốc rễ. Nếu không hiểu biết rõ về những khuyết điểm của hệ thống kinh tế này, tôi đã không tha thiết mạnh mẽ như vậy với chuyện cải tổ.
Dĩ nhiên, cái nhìn ban đầu của tôi về phương cách xúc tiến cải tổ vẫn còn nông cạn và mơ hồ. Rất nhiều những đường hướng mà tôi đề đạt chỉ có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng; chúng không đả động gì được đến những vấn đề căn bản.
Nhận định quan trọng nhất tôi có được về việc trừ bỏ những khuyết điểm của kinh tế Trung Quốc chính là toàn hệ thống phải chuyển hướng sang thành kinh tế thị trường, và vấn đề với tư hữu phải được giải quyết. Nhận định đó được đi đến qua kinh nghiệm thực tiễn, sau khi đã phải trải qua một chuỗi dài những bước tiến rồi lùi.
Nhưng vấn đề căn bản thật ra là gì? Đầu tiên, tôi không nhìn thấy rõ lắm, chỉ cảm nhận đại khái là cần phải làm sao chấn chỉnh hiệu suất. Sau khi tới Bắc Kinh, nguyên tắc chủ đạo của tôi không phải là chuyên chú theo đuổi những số liệu sản xuất, hay tốc độ phát triển kinh tế, mà là tìm cách nào cho người dân Trung Quốc nhận được những thu hoạch cụ thể, rõ rệt từ lao động của họ. Đó chính là điểm khởi đầu của tôi. Chỉ số phát triển 2-3 phần trăm ở các nước tư bản phát triển thì đã được coi là tuyệt vời, nhưng trong khi kinh tế nước ta phát triển với chỉ số 10%, mức sống của người dân vẫn chưa tiến triển gì hơn. Còn về việc làm thế nào định nghĩa đường hướng mới này, tôi cũng không có một mô hình hay tư tưởng hệ thống nào định sẵn trong đầu. Tôi bắt đầu chỉ với ước nguyện muốn cải tiến hiệu suất kinh tế. Điều xác tín này vô cùng quan trọng. Điểm khởi đầu là từ hiệu suất cao hơn, và cho người dân được thấy những lợi ích thiết thực. Lấy đó làm mục tiêu, cuối cùng rồi một con đường thích hợp cũng phải tìm ra được, sau khi phải lần dò nhiều. Lần lần, chúng ta đã vạch ra con đường đúng.

Phần 3, Chương 7: “Đi Mỗi Lần Mỗi Bước” (trang 236)


Để tóm lược, có hai yếu tố: một là khu vực thị trường nằm ngoài hệ thống kế hoạch trung ương, và cái kia là khu vực kinh tế theo chỉ đạo kế hoạch. Khi chúng ta mở rộng khu vực kinh tế thị trường, chúng ta cắt giảm đi từ khu vực theo chỉ đạo. Khi cả hai khu vực cùng tồn tại, không thể tránh khỏi chuyện bên này lớn lên thì bên kia rút lại. Cùng với việc khu vực chỉ đạo thu nhỏ lại và yếu đi, khu vực thị trường khuếch trương và mạnh hơn lên.
Vào thời điểm đó, những thành phần chính của khu vực thị trường gồm có nông nghiệp, sản phẩm thôn quê, công nghệ nhẹ, vải vóc, và các sản phẩm tiêu thụ. Những sản phẩm liên quan đến phương tiện sản xuất đa phần đều bị kiểm soát trong tay những cơ sở quốc doanh.
Nếu những cơ sở kiểm soát phương tiện sản xuất không bị suy yếu đi hay thu giảm lại, nếu một phần không bị cắt ra để nuôi khu vực thị trường, phát triển kinh tế sẽ không thể cứ tiếp tục cho khu vực này. Nếu không có gì trong số phương tiện sản xuất được phép bán trực tiếp trên thị trường tự do; ví dụ, nếu những cơ sở nhỏ sản xuất than hay bêtông đều nằm dưới sự kiểm soát từ trung ương, khu vực thị trường đang phát triển sẽ gặp nhiều vấn đề khó khăn vì thiếu vật tư và nguyên liệu. Do đó, trong hơn mười năm trời, mặc dù không có thay đổi gì căn bản đến hệ thống kinh tế tập trung chỉ đạo và hệ thống cơ sở quốc doanh, những thay đổi ngày càng lớn trong quá trình chuyển biến từ kinh tế tập trung sang thị trường đã đem lại những tác động tích cực.

Phần 6, chương 5 “Con Đường Đi Tới’ (trang 270)

Dĩ nhiên, trong tương lai, một hệ thống chính trị cấp tiến hơn nền dân chủ đại nghị sẽ có thể xuất hiện. Nhưng đó là chuyện tương lai. Hiện tại bây giờ, không có hệ thống nào được như vậy cả.
Dựa trên điều đó, ta có thể nói rằng nếu một quốc gia muốn hiện đại hóa, không những nó phải thiết lập một nền kinh tế thị trường, nó còn phải áp dụng nền dân chủ hiến pháp vào thành hệ thống chính trị của mình. Nếu không, quốc gia đó sẽ không thể có một nền kinh tế thị trường lành mạnh và hiện đại, mà cũng không thành được một xã hội hiện đại pháp trị. Thay vào đó, nó sẽ sa vào những tình cảnh đã xảy ra ở vô số những quốc gia đang phát triển, bao gồm Trung Quốc: nạn thương mại hoá quyền hành, tham nhũng lan tràn, một xã hội bị phân cực giữa giàu và nghèo.

Phần 3, chương 3: Đau Lòng Mở Cửa Ra Thế Giới (trang 107)

Nhìn lại, không phải là dễ dàng mà Trung Quốc thực hiện được công cuộc cải cách và mở cửa. Bất cứ khi nào có vấn đề về những liên hệ với người ngoại quốc, dân chúng đều e sợ, và có nhiều lời cáo buộc nhắm vào những người cải cách: dân chúng sợ bị bóc lột, chủ quyền bị chèn ép, hay quốc gia bị sỉ nhục.
Tôi đã nêu ra điều khi nước ngoài đầu tư tiền vào Trung Quốc, thì họ mới sợ chính sách của Trung Quốc sẽ thay đổi. Nhưng chúng ta thì có gì để sợ?

------------------------------------------------

bài đã đăng của Trần Thiện Huy:

Những suy niệm chính trị của Triệu Tử Dương: Trích dịch từ Người tù của nhà nuớc - 25.05.2009
The articulate body - Some quick thoughts on reading Nguyễn Thúy Hằng - 13.11.2008
Góc độ thân thể trong văn chương đồng tính - 28.10.2008
Con Ve Sầu - 09.08.2008
Cái Ác - 07.06.2008
Gà Chọi - 13.12.2007
Điểm “Blog” MỘT Danna – đôi điều cần nói về văn chương Blog - 30.05.2007
Cảm Nhận Tiểu Thuyết "Đẻ Sách" của Đỗ Quyên - 09.04.2007


No comments: