Monday, May 25, 2009

BĂC HÀN THỬ BOM NGUYÊN TỬ LẦN THỨ NHÌ

Thử bom nguyên tử lần thứ nhì
Anh Vũ, Mai Vân, Tú Anh
RFI - Bài đăng ngày 25/05/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 25/05/2009 15:22 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/113/article_3632.asp
Hãng tin chính thức KNCA thông báo Bình Nhưỡng thử nghiệm thành công bom nguyên tử dưới lòng đất và tên lửa địa đối không. Hội đồng Bảo an triệu tập phiên họp khẩn cấp. Tổng thống Mỹ kêu gọi phải có phản ứng trả đũa.

Hãng tin chính thức KNCA hôm nay thông báo thử nghiệm thành công nổ bom nguyên tử dưới lòng đất và một tên lửa địa đối không, có tầm hoạt động 130 cây số. Quả bom có sức mạnh lớn hơn quả bom đầu tiên thử nghiệm hồi tháng 10/2006.
Theo bộ quốc phòng Nga, thì quả bom này có sức mạnh từ 10 đến 20 kilotones, nổ vào lúc 00giờ 54 phút giờ quốc tế ngày 25/5/09
Trong ngày hôm nay Bắc Triều Tiên cũng phóng ba tên lửa. Đầu tiên là tên lửa có tầm bắn 130 cây số loại địa đối không từ tỉnh Hamkyung ở phía bắc ra biển đông.
Seoul cho biết thêm là Bắc Triều Tiên phóng thêm hai hỏa tiễn phòng không, cũng ra biển đông vào lúc 5 giờ chiều giờ địa phương. Hồi đầu tuần truớc, Bình Nhưỡng ra lệnh cấm tàu thuyền đi lại trên vùng biển nói trên cho đến cuối tháng.

Từ Seoul, thông tín viên Thomas Olivier tường thuật :
“Rõ ràng là Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử bom hạt nhân lần thứ hai. Lúc này tại Hàn Quốc, các lực lượng quân đội đã được đặt trong tình trạng báo động. Tham mưu trưởng cũng như Bộ trưởng Quốc phòng đã cho hủy mọi cuộc gặp gỡ của họ.
Đây là một hành động khiêu khích rất nghiêm trọng từ phía Bình Nhưỡng.Nó xảy ra trong lúc mà Bắc Triều Tiên rút khỏi các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân đồng thời Bình Nhưỡng còn khẳng định sẽ xem xét lại tất cả những thỏa thuận đã đạt được trong khuôn khổ các cuộc đàm phán nói trên. Đặc biệt là Bắc Triều Tiên đã cho hoạt động trở lại cơ sở phân tách Plutonium tại Yongbyon.
Hối cuối tháng 4, Bình Nhưỡng đã báo trước rằng nếu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không chính thức xin lỗi về việc đã lên án Bắc Triều Tiên bắn tên lửa ngày 05/4, thì họ sẽ tiếp tục thêm các vụ bắn thử tên lửa và thậm chí còn tiến hành thử hạt nhân. Giờ chỉ còn chờ xem hậu qủa của hành động thách đó trên sẽ ra sao. Có thể không đến mức xấu như người ta nghi ngại. Điều nghịch lý là chính vụ thử nguyên tử đầu tiên của Bắc Triều Tiên hồi tháng 10 năm 2006 đã làm cho các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên được nối lại mau chóng ».

Bình luận về vụ thử bom, một viên chức cao cấp tại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Matxcơva đe dọa là chính quyền của ông ta có khả năng thử thêm nhiều quả bom nữa, nếu Hoa Kỳ và đồng minh của Mỹ theo đuổi “chính sách hù dọa”. Điều này cho thấy quả bom của Bình Nhưỡng là một thông điệp gởi đến tổng thống Obama.

Phản ứng quốc tế
Cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai này, ngay khi vừa được thông báo đã làm dấy lên một làn sóng phản đối. Nhiều nước đòi Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên, trong lúc tổng thống Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động trả đũa.
Nhật Bản đã thành lập một nhóm công tác khẩn cấp để đối phó với tình hình và yêu cầu Liên Hiệp Quốc triệu tập ngay một phiên họp về sự cố này. Seoul cũng cho biết sẽ yêu cầu Hội Đồng Bảo An có những biện pháp thích ứng.
Ấn Độ cũng lên án một hành động đáng tiếc. Riêng Trung Quốc lên tiếng sau cùng, tuyên bố rất chống đối cuộc thử nghiệm của Bình Nhưỡng. Theo Tân Hoa xã, trích dẫn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thì Bắc Kinh đã cảnh cáo nước láng giềng là không nên làm tình hình vốn căng thẳng, thêm nghiêm trọng hơn.
Tại New York, ông Vitali Tchourkine, đại diện thường trực Nga, nước hiện là chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An đã loan báo là định chế này sẽ họp lại ngay vào hôm nay (25/05).
Từ trước đến nay thường bệnh vực Bắc Triều Tiên, Matxcơva sáng nay đã tỏ mối quan ngại qua lời ngoại trưởng Serguei Lavrov, trong cuộc họp báo tại Beyrouth.
Về phần Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã lên tiếng yêu cầu cộng đồng quốc tế phải hành động và đưa ra những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên. Theo ông, Bình Nhưỡng đã công khai thách thức cộng đồng thế giới và hành vi của họ là một mối đe doạ cho hoà bình.
Nước Pháp cũng mạnh mẽ lên án hành động vi phạm luật quốc tế, và vi phạm ngay cả các cam kết của chính Bắc Triều Tiên trước đây. Theo lời phát ngôn viên chính phủ, ông Luc Chatel, Paris yêu cầu Hội Đồng Bảo An đưa ra những trừng phạt cứng rắn nhất đối với Bình Nhưỡng.
Liên Hiệp Châu Âu đã liên tiếp chỉ trích Bắc Triều Tiên. Tại Bruxelles, lãnh đạo ngành ngọai giao Châu Âu, ông Javier Solana, đánh giá là cần phải gởi một thông điệp rõ ràng đến Bình Nhưỡng, buộc họ phải ngồi lại vào bàn đàm phán 6 bên.
Còn tại Hà Nội, nơi diễn ra cuộc họp ngoại trưởng Á Âu, ASEM lần thứ 9, Liên Hiệp Châu Âu cũng bày tỏ mối quan ngại trước một hành động ''vô trách nhiệm'', theo lời ông Jan Kohout, ngoại trưởng Séc, nước đang là chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu.
Việt Nam, nước chủ nhà của Hội nghị ASEM, cũng lên tiếng hết sức quan ngại. Phát ngôn viên bộ ngoại giao, ông Lê Dũng, cho là hành động của Bắc Triều Tiên làm tình hình rối ren thêm, không phục vụ cho ''hoà bình và ổn định trong khu vực''. Việt Nam cũng kêu gọi các bên ngồi lại vào bàn đàm phán 6 bên.
Ngoại trưởng Nhật Nakasone, có mặt tại Hà Nội và sau khi hội ý với đồng nhiệm Hàn Quốc, đã tuyên bố là Tokyo sẽ có hành động thật cứng rắn vì không thể chấp nhận hành vi của Bình Nhưỡng.
Đây là một hồ sơ phải nói là đột nhập một cách bất ngờ vào hội nghị ngoại trưởng ASEM.

Bình Nhưỡng thử bom hạt nhân để giục Hoa Kỳ thương lượng
Tú Anh
RFI - Bài đăng ngày 25/05/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 25/05/2009 12:25 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/113/article_3628.asp
Vụ thử bom hạt nhân vào sáng ngày 25 tháng 5, có thể phản ánh sự mất kiên nhẫn của chế độ Bình Nhưỡng đang tìm đủ cách để kêu gọi Mỹ đối thoại. Kim Jong-Il cũng có thể dùng quả bom này để củng cố quyền lực đang bị sói mòn vì bệnh và tuổi cao.

Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Bắc Triều Tiên thử bom nguyên tử. (Ảnh : Reuters)
http://www.rfi.fr/actuvi/images/113/cn_250509_200.jpg

Vụ thử bom hạt nhân vào sáng nay, thứ hai 25 tháng 5, có thể phản ánh sự mất kiên nhẫn của chế độ Bình Nhưỡng đang tìm đủ cách để kêu gọi Mỹ đối thoại. Kim Jong-Il cũng có thể dùng quả bom này để củng cố quyền lực đang bị sói mòn vì bệnh và tuổi cao.
Bất chấp áp lực quốc tế, Bắc Triều Tiên hôm nay thông báo thử nghiệm thành công nổ bom nguyên tử dưới lòng đất. Đây là cuộc thử nghiệm thứ hai sau quả bom đầu tiên vào tháng 10 năm 2006 mà theo nhiều chuyên gia, không hoàn toàn như ý.
Theo giới phân tích, còn lâu lắm Bình Nhưỡng mới đủ sức trang bị một lực lượng hạt nhân tấn công hiệu quả. Nhưng tham vọng quân sự của chế độ Kim Jong-Il là một vấn đề an ninh cho cả khu vực. Khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa của chế độ khép kín này, tuy còn ở trình độ kỷ thuật thấp, vẫn là một mối nguy nếu được phổ biến.

Thiếu gạo nhưng thừa plutonium
Giới chuyên gia quân sự quốc tế thẩm định Bắc Triều Tiên đã tinh lọc đủ plutonium để chế tạo từ 6 đến 8 quả bom nguyên tử và đã làm được bom thô sơ. Bắc Triều Tiên dường như chưa biết kỹ thuật thu nhỏ để gắn bom vào hỏa tiễn. Máy bay oanh tạc của Bắc Triều Tiên trang bị từ thời Liên Xô cũ rất dễ làm bia trước hỏa lực phòng không tinh vi của Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật bản.
Nói cách khác, cho đến bây giờ, vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên chưa phải là mối đe dọa thật sự. Vấn đề là chế độ độc tài này có trong tay nhiều trăm tên lửa tầm trung và đại pháo bố trí gần vĩ tuyến 38 và bất kỳ lúc nào Bắc Triều Tiên cũng có thể tấn công vào bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Hàn Quốc hay vào một phần lớn diện tích Nhật Bản.
Tạp chí quốc phòng Jane’s Defense thẩm định Bắc Triều Tiên có thể pháo 500 ngàn quả đạn vào Hàn Quốc trong vòng một tiếng đồng hồ.
Sức mạnh quân sự có thừa, nhưng đất nước lại thiếu ăn. Tháng 9 năm ngoái, Chương trình Lương thực của Liên Hiệp Quốc kêu gọi lòng hảo tâm của các quốc gia giúp 504 triệu đô la để mua lương thực viện trợ cứu đói cho Bắc Triều Tiên. Nhưng cuối cùng chỉ nhận được có 11%, đủ nuôi 1,8 triệu người. Thế mà theo cơ quan Lương thực Liên Hiệp Quốc thì có ít nhất 10 triệu dân thiếu ăn trong những tháng tới đây. Tham vọng hạt nhân của Kim Jong-Il đã làm nguội lạnh các nhà tài trợ.

Chế độ tìm lối thoát

Câu hỏi đặt ra là tại sao Bình Nhưỡng thử bom trong lúc này ? Theo giới phân tích Hàn Quốc được AFP trích dẫn, thì vụ thử bom sáng nay phản ảnh sự mất kiên nhẫn của Bình Nhưỡng, hoặc là uy thế chính trị của họ Kim đang bị lung lay.
Giáo sư chính trị Kim Young –Hyun, đại học Dongguk lý giải : Kim Jong-Il có lẽ cảm thấy nhu cầu tìm giải pháp khẩn cấp cứu nguy chế độ. Đó là cải thiện quan hệ với Mỹ và vấn đề kế vị.
Sau vụ cho nổ quả bom thứ nhất hồi tháng 10 năm 2006, vòng đám phán 6 bên được mở ra thảo luận về việc chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bắc Triều Tiên đòi được viện trợ dồi dào về năng lượng.
Vụ thử bom sáng nay có lẽ cũng nhằm mục tiêu trắc nghiệm chính quyền Obama và nối lại đối thoại với Washington. Theo Bình Nhưỡng, thì chính quyền Obama cũng không khác gì Bush trên hồ sơ quan hệ song phương.
Còn theo chuyên gia Cheong Seong-Chang, thuộc trung tâm nghiên cứu Sejong, thì tình trạng sức khỏe của Kim Jong-Il là một trong nhiều lý do thúc giục chế độ miền Bắc phải nhanh chóng thoát khỏi bế tắc hiện nay. Một lý do nữa là Bình Nhưỡng bắn tín hiệu phản đối lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngay sau khi Bắc Triều Tiên bằn tên lữa tầm xa ngày 5 tháng 4.
Cuối cùng theo nhận định của giáo sư Yang Moo-Jin : « lãnh đạo Kim Jong-Il theo từng bước một kế hoạch đã được suy tính tỉ mỉ. Qua được trừng phạt và lên án, ông ta hy vọng dành được nhiều lợi thế trong vòng đàm phán tương lai về hạt nhân ».


Bắc Hàn thử nghiệm hạt nhân
BBC - Cập nhật: 10:07 GMT - thứ hai, 25 tháng 5, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/05/090525_korea_nucleartest.shtml
Bắc Hàn cho biết họ vừa thực hiện "thành công" một cuộc thử nghiệm hạt nhân. Tuyên bố này đã dẫn tới những lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Bắc Hàn cho biết cuộc thử nghiệm lần này còn có sức mạnh lớn hơn lần năm 2006.
Một số các cơ quan nước ngoài khẳng định đã xảy ra một vụ nổ lớn mà người ta nghi là có liên quan tới thử nghiệm hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói hành động của Bắc Hàn là một đe dọa đối với hòa bình thế giới. Các cuộc hội đàm về khủng hoảng này đang được tổ chức tại Nam Hàn.
Một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang được Nga, chủ tịch luân phiên của Hội đồng, đứng ra triệu tập.
Phóng viên ngoại giao quốc tế đài BBC, David Loyn cho biết Bắc Hàn dường như đã chuyển từ vị thế thương thuyết sang đối đầu trong vấn đề hạt nhân.

Bảo vệ chủ quyền
Một thông cáo chính thức được đọc trên Đài phát thanh nhà nước Bắc Hàn nói rằng một thử nghiệm hạt nhân ngầm dưới lòng đất đã được "thực hiện thành công... như một phần trong các biện pháp tăng cường sức mạnh tự vệ hạt nhân của nước Cộng hòa trên mọi hướng".
Bản thông cáo cho biết cuộc thử nghiệm "được thực hiện với mức an toàn cao nhất từ trước tới này trên phương diện sức mạnh của vụ nổ và mức độ kiểm soát kỹ thuật".
Thử nghiệm cũng "đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền của đất nước, dân tộc và chủ nghĩa xã hội", bản thông cáo viết.
Bắc Hàn không đưa ra chi tiết nơi thực hiện thử nghiệm nhưng các viên chức Nam Hàn nói phát hiện thấy có chấn động ở miền đông bắc gần thị trấn Kilju, nơi Bắc Hàn đã tiến hành thử nghiệm lần đầu.
Các cơ quan địa chất tại cả Nam Hàn và Hoa Kỳ nói chấn động này chỉ dấu cho thấy là một vụ nổ hạt nhân.
Các hãng thông tấn của Nga trích thuật Bộ Quốc phòng nói rằng hệ thống của họ xác định vụ nổ có sức mạnh từ 10-20.000 tấn (cỡ bom Hoa Kỳ thả xuống Hiroshima và Nagasaki hồi 1945), mạnh hơn rất nhiều so với thử nghiệm năm 2006, mà theo Hoa Kỳ thì khi đó sức mạnh của vụ nổ chỉ chưa tới 1.000 tấn.
Chỉ vài giờ sau thử nghiệm hạt nhân này, hãng thông tấn Nam Hàn đưa tin Bắc Hàn đã tiến hành bắn thử nghiệm tên lửa tầm ngắn. Trong tháng trước Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa và quả quyết đó để đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
Các nước cũng đã lên án và đó là lý do Bắc Hàn quyết định rút lui khỏi đàm phán sáu bên.

Lên án
Trong một tuyên bố với lời lẽ cứng rắn, Tổng thống Obama của Hoa Kỳ nói việc Bắc Hàn theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo là một hành động đe dọa hòa bình và "trắng trợn coi thường Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
"Mối đe dọa do những hành động đáng ngại của Bắc Hàn chắn chắn dẫn tới các hành động của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác trong các cuộc hội đàm sáu bên cùng các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong những ngày tới," ông Obama nói trong một tuyên bố.
Các nước châu Âu cũng lên tiếng phản đối vụ thử nghiệm này.
Thủ tướng Anh, ông Gordon Brown, nói ông lên án việc thử nghiệm này "với những lời lẽ mạnh mẽ nhất" và nói rằng việc làm đó "gây tổn hại tới tương lai hòa bình tại Bán đảo Triều tiên".
Trung Quốc nói họ ''dứt khoát phản đối'' vụ thử nghiệm. Tuy nhiên cả Moscow và Bắc Kinh đều thúc giục Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sáu bên và nói đó là ''giải pháp duy nhất''.
Trung Quốc là đồng minh gần gũi của Bắc Hàn và là nước chủ nhà trong các cuộc hội đàm sáu bên (bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật bản, Nga và hai nước Nam Bắc Hàn) về việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Việt Nam ''hết sức lo ngại''.
''Việc làm này sẽ gây phức tạp thêm tình hình, không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực. Chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ cấm thử hạt nhân toàn diện, không phổ biến vũ khí hạt nhân, tiến tới giải trừ hoàn toàn loại vũ khí này''.
''Việt Nam ủng hộ hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương''.
''Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, giải quyết mọi vấn đề phức tạp nảy sinh bằng biện pháp hòa bình, trong đó có việc sớm nối lại đàm phán sáu bên''.

Bản đồ nơi nghi đã xảy ra vụ nổ hạt nhân
http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/05/25/090525114320_nkorea_nuclear_test_466map.gif


No comments: