Tuesday, May 12, 2009

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA, MỘT BÀI HỌC CHO XỨ NHƯỢC TIÊỦ

Hoàng Sa - Trường Sa, một bài học cho xứ nhược tiểu
Dũng Vũ
13/05/2009 12:10 sáng
http://www.talawas.org/?p=4363

Bài viết “
Láng giềng hữu nghị” của ông Dương Danh Huy đăng trên talawas ngày 08.05.2009 và bản tin “TQ phản đối hồ sơ đăng ký của VN” đăng trên trang BBC tiếng Việt cùng ngày cho biết, Việt Nam và Mã Lai đã đồng nộp đơn lên Liên Hiệp Quốc đăng ký thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông trong khi Trung Quốc ra sức chống việc này.
Thái độ Trung Quốc chống là lẽ đương nhiên.

Bất kỳ ai theo dõi về mối xung đột Hoàng Sa và Trường Sa bấy lâu nay đều có thể nhìn thấy trước một hậu quả bất công, rằng cái lý luôn thuộc về kẻ mạnh.
Lịch sử nhân loại đã nhắc nhở chúng ta biết bao lần như thế. Chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản là những ví dụ còn nóng hổi: Mạnh được yếu thua.
Thử ngẫm nghiệm, giả sử sau kỳ nộp đơn xin quốc tế công nhận vùng lãnh thổ trên Biển Đông, Việt Nam thành công, nghĩa là những gì đòi hỏi trên danh nghĩa lý thuyết đã thuộc về mình, thế nhưng câu hỏi thực tế lớn nhất vẫn là, Việt Nam có dám bảo đảm Trung Quốc không xâm phạm chủ quyền của mình không? Quốc tế có dám bảo đảm những gì họ công nhận không?
Chắc chắn là không.

Iraq là một nước có chủ quyền, Mỹ đánh Iraq, ai làm gì được Mỹ? Tây Tạng là một nước có chủ quyền, Trung Quốc chiếm, ai làm gì được Trung Quốc? Việt Nam cũng có chủ quyền được thế giới công nhận, nhưng mai mốt Trung Quốc đến chiếm, thì ai làm được gì Trung Quốc? Có ai dám bỏ xương máu bảo vệ Việt Nam trước mộng bá quyền của Trung Quốc không? Chắc chắn là không, nếu không có lợi.
Không ai lạ gì, “chủ nghĩa có lợi” từ lâu đã được các cường quốc phương Tây tôn vinh như một thứ chủ nghĩa thực dụng hạng nhất và được lấy làm triết sống. Đối với triết sống này, “đạo đức” chỉ là một khái niệm lạ. Mọi thứ khác không có lợi cho cái Tôi đều bị loại ra ngoài. Cuối cùng, cái còn lại không có gì khác hơn là lòng vị kỷ. Ai có lợi thì chơi. Thế thôi.
Đối diện trước một cái “thế thôi” lãnh đạm của kẻ mạnh như thế, Việt Nam thấy mình và Trung Quốc, ai là người có lợi cho kẻ đó? Ai là người đáng được kẻ đó lựa chọn? Dĩ nhiên là Trung Quốc.

Tôi không phải là người đi quảng cáo thuyết tiến hóa của Darwin, nhưng - cũng như mọi người vào lúc này - biết rõ một điều: con thằn lằn Trung Quốc đang từ từ hóa thân thành con khủng long của thế giới. Anh Đại Hán nhà quê rách rưới hôm qua chỉ là chuyện cũ, hoàn toàn khác với anh Đại Hán hôm nay đang làm chủ một kho bạc khổng lồ đầy Đô-la, Euro và nhiều thứ hấp dẫn khác đối với đám chủ nghĩa có lợi. Anh ta có thể làm nhiều chuyện không ai biết trước được.
Dẫu sao đi nữa phải công bằng mà nói, Trung Quốc trong nhiều thập niên qua đã muốn xóa bỏ thật nhanh tai tiếng lạc hậu để trở thành một nước hùng cường. Việt Nam cũng có đủ điều kiện nhưng làm quá chậm. Sự thành công không gây ấn tượng bằng căn bệnh kinh niên “làm ít, nói nhiều”, cường điệu đến lố bịch.

Cái khẩu hiệu “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” đã dội lên đầu người dân suốt mấy chục năm liền, cuối cùng vẫn không chỉ được cho ai thấy mặt mũi “xã hội chủ nghĩa” là gì. Chán quá, người ta bèn thay thế nó bằng một khẩu hiệu mới “Toàn Đảng, toàn dân với trí tuệ ưu việt tiến vào thế kỷ 21″ rồi lại đem trưng trên đường phố.

Chín năm trôi qua, nó vẫn chưa làm cho bộ mặt Việt Nam có trí tuệ hơn chút nào. Dưới sự lãnh đạo của người CSVN hôm nay, Việt Nam vẫn là một nước yếu kém, chỉ giỏi đem sức lao động rẻ mạt đi bán, trồng lúa bán, nuôi tôm cá bán, đào mỏ bán, đào được gì bán đó. Đã vào thế kỷ 21 rồi, tại sao Việt Nam vẫn chưa tự chế được một chiếc xe đạp hoàn hảo đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc bán khắp thế giới, dù việc đó chỉ cần loại trí tuệ tầm thường, đừng nói gì ưu việt.

Tựa vậy, những khẩu hiệu “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chí Minh cũng được đem ra dạy dỗ các đồng chí CSVN và người dân triền miên suốt nửa thế kỷ nay. Quả là một việc làm phí công và thừa thãi. Chẳng cần dạy dỗ, mỗi công dân đều ý thức được chuyện đó. Những cuộc xuống đường của người dân trong nước gần đây phản đối hành vi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa - Trường Sa là một ví dụ điển hình. Không phải dân mà chính Đảng CSVN đã không nghe lời “Bác” dạy, đã mặc nhiên chấp thuận cho ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký công hàm gửi CS Bắc Kinh công nhận Hoàng Sa - Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.
Cho nên không hẳn là
ông Trương Nhân Tuấn không có lý khi cho rằng cái công hàm ô nhục kia là một yếu tố quan trọng được Trung Quốc khai thác tối đa để xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa.

Tất nhiên tôi luôn ủng hộ tinh thần giải quyết vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa một cách hòa bình và minh bạch theo quy ước quốc tế, như các vị Phạm Quang Tuấn, Dương Danh Huy đã đề ra. Chỉ có điều đáng tư lự là giải pháp lý tưởng ấy có khả thi không; nói cách khác là Trung Quốc có chấp nhận giải quyết vấn đề theo “luật quốc tế” hay không?
Riêng cá nhân tôi, tôi không tin điều đó. Bằng cớ là vấn đề tranh chấp Biển Đông chưa được đặt lên bàn, Trung Quốc đã chống vụ Việt Nam và Mã Lai gửi hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng lên Liên Hiệp Quốc rồi, nhu đã biết.
Rõ ràng Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề trên tư thế kẻ mạnh. Điều đó đặt cho chúng ta một câu hỏi đáng bi quan rằng cái “luật quốc tế” có thắng nổi cái “luật rừng” Trung Quốc hay không. Có lẽ câu trả lời có xác suất cao nhất là không.

Mối xung đột Biển Đông ngày càng gay gắt. Các nước Đông Nam Á ngày càng bị Trung Quốc lấn ép. Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ ra rằng toàn khối ASEAN họp lại vẫn là một tập thể yếu ớt và thiếu đoàn kết, huống gì tập thể vài ba nước thành viên của nó đang có mối quan tâm chung về vấn đề Trường Sa họp lại. Làm sao Việt Nam có thể đặt niềm tin vào đó?

Đối với Việt Nam nói riêng, vấn đề bây giờ là tìm đâu ra sức mạnh để chống lại con khủng long hung hãn kia đang muốn nuốt sống mình. Mà phải làm thật nhanh, vì nên nhớ, “chạy đua 100 thước” với thế giới là chủ trương của Trung Quốc hiện thời.
Có lẽ chỉ còn một giải pháp bất đắc dĩ cuối cùng là làm thế nào nắm được sức mạnh nguyên tử.

Stuttgart, 05.2009
© 2009 Dũng Vũ
© 2009 talawas blog


------------------------------------------------------

Phản hồi

Dương Danh Huy nói:
13/05/2009 lúc 3:27 sáng
Không ai nghĩ rằng nếu có biện pháp ngoại giao, pháp lý thì chủ trương và những hành động xâm lăng của TQ sẽ bỗng nhiên lăn quay ra chết.
Không ai nghĩ (nếu có thì không nên nghĩ) rằng nếu TQ đánh đảo biển VN thì sẽ có nước nào đánh TQ để giúp VN.
Nhưng những khía cạnh ngoại giao, pháp lý cũng có trọng lượng trên cán cân “đánh hay không” của TQ. Nếu không có trọng lượng thì TQ đã đánh từ lâu rồi. Điều cần làm là tăng tối đa trọng lượng đó. Có thể ngày nào đó trọng lượng tối đa vẫn không đủ, nhưng cũng phải tăng tối đa khi có thể.
Nếu những biện pháp ngoại giao, pháp lý đang được cổ động không khả thi thì tham vọng cái lưỡi bò liếm ngang còn không khả thi hơn nhiều.
Ngoài ra, còn khía cạnh danh dự. Giả sử TQ có chiếm thêm biển đảo của VN đi nữa thì người Việt nào có thể thì cũng nên nói “Đó là của Việt Nam” thay vì nói “Sức mạnh bao giờ cũng đúng” và im lặng để TQ nói là “Đó là của TQ, Việt Nam chiếm bất hợp pháp, bây giờ TQ lấy lại”.

Dương Danh Huy nói:
13/05/2009 lúc 2:37 sáng
Việt Nam mà phát triển vũ khí hạt nhân trong giai đoạn này là đi vào đường cùng. Sẽ thành international pariah. Sẽ bị cô lập. Sẽ bị cấm vận. Sẽ thiệt hại cho kinh tế, quân sự (vũ khí công ước).
Mà cũng không dùng được vũ khí hạt nhân để phục vụ tranh chấp HSTSBĐ. Có dám bắn TQ không? Giết 10 triệu dân TQ cũng chỉ là 1% dân số nước này. TQ trả đũa gấp 10 chắc giết 90% dân VN.

No comments: