Tuesday, May 12, 2009

MỘT CHUYỆN KHÔNG BÌNH THƯỜNG

Có một “chuyện không bình thường”
Lê Minh
Gửi vào ngày Thứ Ba, 12 Tháng 5, 2009.
http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=7474

Mới đây trong phần mục Bạn đọc trên báo Tuổi Trẻ Online có đăng phần chia sẻ của một vị đọc giả mang tên Đinh Văn Tư nào đó ở Q. Phú Nhuận, Sài Gòn. Qua phần chia sẻ mang tựa đề “
Chuyện không bình thường”, vị đọc giả này muốn “chia sẻ đến bạn đọc” của báo Tuổi Trẻ một câu chuyện không bình thường xảy ra vào “khoảng hơn 11g trưa thứ tư ngày 6-5-2009, tại quán cà phê Lối Về, trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận“.

Câu chuyện được thuật lại rằng trong lúc ngồi tại quán cà phê Lối Về trò chuyện cùng vài người bạn thì ông ta thấy một đoàn khách gồm “mấy ông Tây ăn mặc lịch sự, chỉn chu vừa đi vào lôi cuốn sự chú ý của quán”. Ông Tư này chỉ thật sự chú ý khi “nghe loáng thoáng” tiếng của “một người đàn ông trạc 50 tuổi” nói về dân chủ nhân quyền.

Quán cà phê Lối Về
http://i38.photobucket.com/albums/e113/diendantudodanchu/tudodanchu/a8b8f605.jpg

Thì ra “chuyện không bình thường” mà ông Tư này muốn nói đến chính là việc ông Michael Michalak Đại Sứ Mỹ tại VN gặp gỡ ông Đỗ Nam Hải tại quán cà phê Lối Về vào sáng thứ Tư 6/05/2009. Nhưng phải khen cái đôi tai thính của ông Tư vì chỉ nghe “loáng thoáng” mà ông ta biết rõ “mấy người khách Tây đặt câu hỏi mang tính áp đặt và gợi ý về tình hình dân chủ, nhân quyền ở VN”.

Nói chung lại, ông Tư này cho rằng chuyện ông Đại sứ Mỹ gặp một thường dân Nam bộ trong quán cà phê là “chuyện không bình thường” tí nào và càng không bình thường nữa khi ông Đại sứ chỉ tìm hiểu “về tình hình dân chủ, nhân quyền ở VN”. Thay cho cái suy nghĩ này thì ông Tư đã gợi ý (suggest) là ông Đại sứ nên “đến thăm và làm việc với các cơ quan đoàn thể chính thống của VN” để “tìm hiểu về đất nước và con người VN”.

Khá khen cho ông Tư đã làm đọc giả trung thành của báo Tuổi Trẻ “hơn 20 năm qua”. Nhưng cũng tội nghiệp, chỉ vì chuyên đọc báo “đi lề bên phải” nên mặc dầu “nay tuổi cũng lớn, hiểu biết tương đối”,.... kém nên ông Tư không biết gì về cái thế giới của báo chí “đi lề bên trái”.

Thưa ông Tư, ông Đại sứ cũng rất muốn vào tận nhà thăm ông Đỗ Nam Hải, nhưng liên tiếp có quá nhiều “chuyện không bình thường” xảy ra cho bản thân ông Đỗ Nam Hải và thân nhân. Quanh nhà ông Hải thì quanh năm suốt tháng công an mật vụ ngồi canh gác, “giữ gìn an ninh” dùm, cho nên chẳng có ai có thể dễ dàng bước vô nhà ông Hải. Công an lục soát nhà ông Hải liên miên, và đã nhiều lần thu điện thoại di động và 7 lần tịch thu máy tính cá nhân. Nhiều lần trước đây một số nhà hoạt động nhân quyền phương Tây cũng từng bị ngăn cản khi muốn đến thăm ông Hải tại tư gia. Sự việc xảy ra gần đây nhất là vào ngày 20/05/2008, khi bà Katia Bennett, Tuỳ viên Chính trị của tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn có hẹn gặp ông Đỗ Nam Hải tại quán cà phê gần nhà. Vì đoán biết trước nên bà Katia đã đến trước giờ hẹn, và nhờ vậy mà bà đã mục kích cảnh 10 công an lôi kéo ông Đỗ Nam Hải, chận lại không cho bước qua đường gặp bà.

Ông Ðỗ Nam Hải bị chận đường "hỏi thăm"
http://i38.photobucket.com/albums/e113/diendantudodanchu/dissidents/DNH.jpg

Đọc kỹ lại
bản tin tường thuật của phóng viên Khối 8406 về buổi gặp gỡ giữa ông Đại sứ Michael Michalak và ông Đỗ Nam Hải ngày hôm đó thì mới thấy có “chuyện không bình thường”. Đó là ngày hôm ấy có “một người đàn ông trung niên khoảng trên dưới 40 tuổi ở bàn bên cạnh chợt đứng lên. Ông ta nói to bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh một cách rất lộn xộn,...”. Cùng đi theo với người đàn ông này còn có một người phụ nữ khoảng trên dưới 30 tuổi. Hai người này đã tìm cách phá rối cuộc đàm đạo, nhưng không được khách có mặt trong tiệm lúc đó ủng hộ nên đã phải bỏ dở vở kịch dàn dựng vụng về.

Phải chăng vị khách trạc 40 tuổi này chính là ông Đinh Văn Tư, người chia sẻ câu “chuyện không bình thường” trên báo Tuổi Trẻ. Ông Tư và vị khách nữ trạc 30 tuổi kia chắc chắn là những công an được phái đến nghe lỏm cuộc đàm đạo và dàn dựng vở kịch tồi đó. Đọc giả báo Tuổi Trẻ có lẽ đã một phen được công an viên Đinh Văn Tư cù lét cười đến chết qua vở kịch “chuyện không bình thường”.

Những hành động vi phạm nhân quyền đã và đang xảy ra khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Chính vì vậy trong buổi điều trần về nhân quyền tại Thụy Sĩ hôm 8 tháng 5 vừa qua, 15 thành viên của Hội đồng Nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích nhà nước CSVN vi phạm nhân quyền, giới hạn tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, dùng bạo lực đàn áp các cộng đồng người dân tộc thiểu số và tùy tiện bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến.

Lê Minh
Sydney - 12/05/2009

No comments: