Saturday, May 9, 2009

CUỘC TIẾP XÚC GIỮA ĐỖ NAM HẢI VÀ ĐẠI SỨ MỸ

Kỹ sư Đỗ Nam Hải gặp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
Gửi vào ngày Thứ Bảy, 09 Tháng 5, 2009.
http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=7460

Vào lúc 11 giờ 30 trưa, ngày thứ tư, 6/5/2009, kỹ sư Đỗ Nam Hải, thành viên Ban điều hành Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - ông Michael Michalak. Địa điểm của cuộc gặp gỡ là quán cafe Lối Về - số 438 đường Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Nơi đây chỉ cách nhà kỹ sư Đỗ Nam Hải khoảng chừng 60 m. Cùng dự còn có ông Tham tán chính trị - Tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn và một phiên dịch.
Được biết rằng trước đó, ngày 4/5/2009 hai viên chức ngoại giao Hoa Kỳ nói trên cũng đã có cuộc gặp gỡ với bác sỹ Nguyễn Đan Quế, một nhà đấu tranh dân chủ kiên cường và bền bỉ tại nhà riêng của ông ở đường Nguyễn Trãi, quận 5, Sài Gòn. Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên một vị Đại sứ của nước ngoài đã trực tiếp gặp những nhà đấu tranh dân chủ ở ngay tại Việt Nam.

Đại sứ Hoa Kỳ M.Michalak
http://i38.photobucket.com/albums/e113/diendantudodanchu/nhan_vat2/0267ff8a.jpg

kỹ sư Đỗ Nam Hải
http://i38.photobucket.com/albums/e113/diendantudodanchu/nhan_vat2/64739d6e.jpg

Đáp lại sự quan tâm của đoàn, kỹ sư Đỗ Nam Hải đã trình bày sơ lược về sự phát triển của phong trào dân chủ Việt Nam nói chung và của Khối 8406 nói riêng. Đồng thời nêu lên những sự vi phạm nhân quyền của Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Đặc biệt là đối với những người dám dũng cảm đứng lên đấu tranh để đòi một nền tự do, dân chủ thực sự; đòi một thể chế chính trị dân chủ, đa nguyên, đa đảng và pháp trị cho dân tộc Việt Nam. Đó là những giá trị phổ quát, quý báu của nhân loại, mà cho đến nay dân tộc Việt Nam vẫn chưa hề được hưởng.

Kỹ sư Đỗ Nam Hải nói tiếp: trong khoảng hơn 3 năm trở lại đây, phong trào dân chủ Việt Nam đã có những bước phát triển mới rất tích cực cả về lượng lẫn về chất. Bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006 (Tuyên ngôn 8406) ra đời vào ngày 8/4/2006 đã căn bản nói lên được ý chí và nguyện vọng tha thiết của đại đa số dân tộc Việt Nam hôm nay là: cần phải dân chủ hóa thực sự đất nước. Tuyên ngôn 8406 cũng đã vạch ra được một đường lối đúng đắn, rõ ràng và triệt để cho tiến trình dân chủ ấy. Bất chấp mọi sự đàn áp khốc liệt của Nhà cầm quyền, phong trào dân chủ Việt Nam và Khối 8406 vẫn tồn tại và đang vững vàng tiến lên phía trước.

Kỹ sư Đỗ Nam Hải nhấn mạnh: dân tộc Việt Nam chúng tôi hôm nay rất cần xây dựng và phát triển về tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, ngoại giao; rất cần chất xám, công nghệ, tiền vốn, v.v… từ nước ngoài, kể cả từ Hoa Kỳ. Nhưng trước hết và trên hết là dân tộc chúng tôi cần phải cải tổ chính trị, mà cụ thể là phải đấu tranh để thay thế được một cách triệt để thể chế chính trị hiện nay, từ độc đảng toàn trị sang đa đảng tiến bộ. Nếu không, mọi sự phát triển ở trong các lĩnh vực khác do nhân dân chúng tôi tạo ra được, sớm muộn gì cũng sẽ bị chính cái thể chế chính trị độc đảng toàn trị tai hại hiện nay triệt tiêu hết mà thôi. Sự phát triển nếu có là không thể bền vững và rất mong manh, dễ vỡ. Thực tiễn Việt Nam đã và đang chứng minh rất rõ điều này.

Chúng tôi cũng luôn xác định rằng: lực lượng để thực hiện cuộc cách mạng dân chủ triệt để ấy chính là tuyệt đại bộ phận dân tộc Việt Nam hôm nay, bao gồm hơn 3 triệu đồng bào Việt Nam ở ngoài nước và hơn 85 triệu đồng bào trong nước, kể cả nhiều người đã và vẫn còn đang làm việc trong bộ máy cầm quyền ở Việt Nam. Đồng thời, xin chân thành cảm ơn mọi sự ủng hộ và giúp đỡ đầy nhiệt tình, cụ thể và ngày càng có hiệu quả của thế giới dân chủ đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa này của chúng tôi, trong đó có chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.

Cách đây 20 năm, các nước Đông Âu đã thực hiện được thắng lợi cuộc cách mạng dân chủ của đất nước họ. Biến các nước này từ chế độ độc tài cộng sản sang chế độ dân chủ, đa nguyên, đa đảng và pháp trị bằng con đường hòa bình, bất bạo động. Đó chính là những tấm gương, những kinh nghiệm quý giá; đồng thời cũng là những động lực mạnh mẽ để phong trào dân chủ Việt Nam chúng tôi noi theo. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng: Đông Âu hôm nay chính là ngày mai của Việt Nam và bằng mọi khả năng có thể, chúng tôi sẽ truyền niềm tin tất thắng ấy cho dân tộc mình.

Đại sứ Hoa Kỳ M.Michalak nói đại ý: “Chúng tôi xin bày tỏ sự cảm thông và lòng ngưỡng mộ đối với mọi nỗ lực và những khó khăn mà ông và những người như ông đã và đang phải vượt qua. Đồng thời, xin rất cám ơn về những điều ông vừa trình bày với chúng tôi. Trách nhiệm của chúng tôi là tập hợp mọi ý kiến đó lại và khi có điều kiện sẽ nêu vấn đề với chính phủ Việt Nam. Bởi vì, Hoa Kỳ và Việt Nam hiện nay là hai quốc gia có mối quan hệ toàn diện về tất cả các mặt. Chúng tôi cũng hy vọng rằng ông sẽ không phải gặp thêm những khó khăn mới sau cuộc gặp gỡ hôm nay với chúng tôi.”

Kỹ sư Đỗ Nam Hải đáp: Tôi xin chân thành cám ơn ông về cuộc gặp gỡ hôm nay và cũng xin rất cám ơn ông về những lời chia sẻ trên. Sáng nay, khi tôi mở cửa bước ra đường thì lần đầu tiên trong suốt bao năm qua, tôi không hề thấy bóng dáng của bất cứ một viên công an mặc thường phục nào đứng chốt xung quanh nhà tôi như mọi ngày nữa. Hàng ngày, tôi vẫn thường di chuyển bằng xe gắn máy và mỗi khi xe phải dừng lại thì thậm chí, giữa tôi với họ chỉ cách nhau có một sải tay mà thôi. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định với các ông rằng: chỉ ngay chiều nay thôi, khi cuộc gặp gỡ này kết thúc thì mọi chuyện trên sẽ lại trở về như cũ. Đây chính là “lối đánh du kích” mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn thường áp dụng. Chẳng những là “đối nội” với chúng tôi, mà họ còn áp dụng một cách rất thành thạo và có hệ thống trong công tác đối ngoại nữa.

Thế nhưng, hai viên chức Hoa Kỳ, cô phiên dịch và kỹ sư Đỗ Nam Hải, cả nhóm bốn người ấy cũng không phải chờ đợi lâu đến vậy. Và chuyện bất ngờ đã xảy ra: Khi mọi người đang mải nói chuyện thì một người đàn ông trung niên khoảng trên dưới 40 tuổi ở bàn bên cạnh chợt đứng lên. Ông ta nói to bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh một cách rất lộn xộn, đại loại như sau: “Tôi xin lỗi vì đã cắt ngang câu chuyện của mọi người, nhưng từ nãy đến giờ tôi nghe ông này (chỉ vào kỹ sư Đỗ Nam Hải) nói là ở Việt Nam hiện nay không có tự do dân chủ, là chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền, v.v… Vì vậy, là một công dân bình thường, tôi cảm thấy rất bức xúc. Tôi không thể hiểu một người Việt Nam được đất nước mình nuôi dưỡng trưởng thành mà lại không có lòng tự hào dân tộc, mà lại đi nói xấu đất nước mình, dân tộc mình với những người nước ngoài như vậy, ...”.

Là người đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với bộ máy công an trị Việt Nam nên kỹ sư Đỗ Nam Hải chỉ cần nghe qua những lời trên là đã thấy “quen quen” rồi! Ngay lập tức, anh nhận định: Đây chính là một màn kịch vụng về và rồ dại của công an Việt Nam và người đàn ông đang huyên thuyên này chỉ là một “diễn viên” đang “vào vai” mà thôi. Tuy nhiên, ý thức được trách nhiệm của mình lúc này là không thể để cho vấn đề diễn biến xấu hơn, nên kỹ sư Đỗ Nam Hải đã ôn tồn nói với ông ta: “Tôi xin giới thiệu với ông, đây là những viên chức ngoại giao Hoa Kỳ và ông này là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam hiện nay. Những điều ông vừa nói, tôi cũng đã hàng trăm lần phải đấu tranh với công an Việt Nam tại nhiều đồn công an ở Việt Nam rồi. Vì vậy, nếu ông muốn thì tôi cũng sẵn sàng đối thoại với ông nhưng phải là lúc khác chứ không phải là lúc này, khi mà tôi đang tiếp khách của mình. Theo tôi, bây giờ tốt hơn hết là ông nên quay trở về bàn của ông và hãy để cho chúng tôi được yên”.

Nhưng sau đó ông ta vẫn tiếp tục “bức xúc”! Người phụ nữ đi cùng với ông ta, khoảng trên dưới 30 tuổi cũng có cùng “lòng tự hào dân tộc” như ông ta và phụ họa theo bằng những lời tương tự. Đại sứ Hoa Kỳ M.Michalak sau khi được nghe dịch lại đã nói với mọi người, kể cả với người đàn ông và người phụ nữ kia một cách rất ngoại giao, đại ý như sau: “Không sao, tôi cho rằng đây cũng là một cơ hội tốt để tôi có thể nghe được thêm những ý kiến khác biệt nữa.”. Kỹ sư Đỗ Nam Hải nói: “Tôi đồng ý với ông Đại sứ rằng trong cuộc sống thì cần phải chấp nhận sự đa nguyên ý kiến. Nhưng phải là trong những điều kiện hoàn cảnh thích hợp mà người ta sẽ có sự trao đổi, đối thoại với nhau, chứ không phải như cái cách mà ông này đang làm: Khi chúng ta đang nói chuyện riêng với nhau và không hề làm ảnh hưởng gì đến ông ta thì ông ta lại nhảy xổ vào như thế này. Tôi cho rằng đó là một hành động rất mất lịch sự.”.

Một người khách trong quán cafe được chứng kiến câu chuyện cũng đã thẳng thắn góp ý với người đàn ông kia là không nên nói thêm gì nữa và hãy trở về bàn của mình. Có lẽ lúc ấy ông ta nhận thấy mình không nhận được sự ủng hộ của mọi người xung quanh và điều quan trọng hơn cả là: “kịch bản” vạch ra cũng chỉ cho phép ông ta “diễn” đến đấy thôi. Nếu “vào vai” mà nhiệt tình quá lố thì chắc chắn ông ta sẽ bị cấp trên kỷ luật. Cuối cùng, ông ta đành phải quay về bàn mình ngồi. Toàn bộ sự việc trên chỉ diễn ra trong khoảng 5 phút thôi nhưng nó đã nói lên được rất nhiều điều.

Trên đoạn đường tiễn hai viên chức ngoại giao Hoa Kỳ từ trong ra ngoài cửa quán, nơi có chiếc xe hơi mang biển số ngoại giao đang đứng chờ, kỹ sư Đỗ Nam Hải nói: “Theo tôi, sự việc xảy ra vừa rồi mới đầu tưởng là rủi mà cuối cùng lại hóa thành may. Bởi vì người Việt Nam chúng tôi thường hay nói: trăm nghe không bằng mắt thấy và hôm nay các ông đã được thấy”. Ông Đại sứ Hoa Kỳ nói: “Chúng tôi đã hiểu thêm về những khó khăn của các ông và hy vọng là trong tương lai mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.”.

Sài Gòn ngày 7/5/2009
Phóng viên dân chủ Khối 8406


No comments: