Saturday, May 9, 2009

"TƯỜNG LỬA" CÓ CÒN LỬA ?

“Tường lửa”, liệu có còn lửa?
Alfonso Hoàng Gia Bảo
VietCatholic News (08 May 2009 15:52)
http://www.vietcatholic.net/News/Html/66986.htm
Gần đây trước tình hình nóng bỏng của giáo xứ Thái Hà có lẽ vì lo ngại các trang mạng bị nhà cầm quyền ngăn chận, nên trên website Dòng Chúa Cứu Thế thấy mới xuất hiện thêm một tiêu đề “Đã đến lúc chỉ cho nhau cách vượt tường lửa” . Vâng, đúng là đã đến lúc mọi người sử dụng máy tính cần phải biết cách vượt qua mấy cái hàng rào bờ giậu điện tử do nhà cầm quyền VN dựng lên, vì có làm như thế thì chúng ta mới thoát khỏi những thông tin một chiều trong nước để biết được đâu là sự thật và khi ‘vượt rào’ như vậy, chúng ta cũng chẳng vi phạm bất cứ điều luật nào cả. Tuy nhiên, như Chúa Jésus từng nguyền rủa cái xấu xa tệ bạc nơi con người Juda hai ngàn năm trước “chẳng thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mc 14, 21) chúng ta cũng ao ước, phải chi nhà nước đừng ‘bày trò’ tường lửa ra làm chi bởi giả dối vẫn mãi chỉ là giả dối. “Một lần mất tín vạn sự mất tin”, CSVN đã không biết bao phen ‘lừa dân dối Chúa’, ai cũng biết rành mặt họ rồi thì còn gì nữa đâu mà mà che với đậy?

Có tật giật mình!

Sự ra đời của máy tính cá nhân và sau đó là mạng internet như chúng ta đang chứng kiến đã mở toang mọi kho tri thức nhân loại, đồng thời còn cho phép kết nối hàng triệu người lại với nhau chỉ trong tích tắc, điều mà các phương tiện truyền thông cũ trước đây đã không tài nào làm nổi, vì ưu điểm vượt trội này internet đã khiến cho các chế độ độc tài sống nhờ bưng bít thông tin với bao huyền thoại dối trá tỏ ra rất khiếp sợ!
Ở VN, lẽ ra internet đã có từ cuối thập niên 80 cùng lúc với sự ra đời của luật đầu tư nước ngoài vào năm 1987, bởi đó là nhu cầu không thể thiếu đối với bất kỳ nhà đầu tư ngoại quốc nào khi họ vào VN làm ăn. Nhưng ai theo dõi tin tức hồi ấy chắc vẫn chưa thể quên, đảng CSVN vì lường trước cái ‘tai họa’ khôn lường của internet nên nhiều kẻ thủ cựu trong đảng đã cố tình làm khó bằng một câu nói rất ‘nổi tiếng’ của một ông tướng “chấp thuận cho kết nối internet là… bán nước!” mà nay khi nghe lại chúng ta không khỏi phì cười vì sự ấu trĩ và cực kỳ “phản động” của nó.
Mặc dù vậy Hà Nội cũng chỉ có thể chần chừ thêm đến năm 1995 đủ để thấy rằng, thiếu internet việc kêu gọi đầu tư nước ngoài sẽ bị phá sản. Hiệu lệnh “mở cửa hay là chết” đã buộc đảng CSVN phải miễn cưỡng mở cổng như chính ông cựu bộ trưởng Đỗ Trung Tá thổ lộ sau này trong bài “Chuyện Người mở đường cho Internet Việt Nam” (http://vietnamnet.vn/cntt/2007/02/665501/) nhân kỷ niệm 10 năm VN kết nối internet: “Chúng ta đưa Internet vào tuy chậm nhưng là phù hợp với tình hình của đất nước và cũng đã gặt hái được những thành quả nhất định thông qua quyết định đúng đắn của Trung ương lúc đó” (có để ý câu chữ các quan chức VN phát biểu mới thấy họ rất sợ làm mất lòng đảng. Có lỡ chê thì phải lo ‘vuốt đuôi’ liền tức thì. Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống chậm chân hơn thiên hạ mà lại bảo là “phù hợp’ với ‘đúng đắn’ !?).
Bởi vậy nói chẳng sợ sai. Nếu không vì mãnh lực của những đồng dollars, không vì sợ dân đói sẽ nổi loạn, CSVN bụng chưa đói để đầu gối chưa phải bò thì còn lâu dân VN mình mới có internet mà xài.
Hoàn cảnh ra đời của internet ở VN ‘éo le’ như vậy thì sự ra đời những bức tường lửa (firewall) đi kèm để hạn chế người dùng internet tiếp cận với những trang “độc hại” của thế giới tự do là lẽ đương nhiên. Cho nên những ai muốn đọc được những tin tức trung thực họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự mình mày mò học lấy cách leo trèo, luồn lách vượt qua những firewall tường lửa “khốn kiếp” này.
Những hành vi, mà nếu có dịp len lén quan sát ai đó đang thực hiện ở những nơi như công sở hay café, chắc trông cũng chẳng khác những thằng ăn trộm là mấy, bởi cũng phải thậm thà thậm thụt, bật cái này tắt cái kia, nhìn trước ngó sau vì biết đó là kiểu truy cập chẳng còn bình thường. Nhưng nếu không thực hiện nhuần nhuyễn những thao tác xa lạ với cái “nhân chi sơ tính bản thiện” ấy thì đừng có mà mong đột nhập vào được nhà các bác hàng xóm hải ngoại ‘ăn mày’ thông tin để khỏi bị đói.
Mặc dù vẫn biết điều chúng ta làm là hoàn toàn chính đáng, nhưng (đời sao mà lắm chữ “nhưng”?) đôi khi nó cũng khiến chúng ta phải tự hỏi vì sao phải sợ và ai đã buộc chúng ta phải rước những hành vi trông có vẻ mờ ám như vậy vào người?

“Tội lỗi” đều do bạo quyền !

Khỏi cần viện dẫn quyền tự do thông tin ngôn luận kẻo nhà cầm quyền lại bảo quan niệm tự do mỗi quốc gia mỗi khác, chúng ta chỉ dựa vào nguyên tắc ‘làm lành tránh dữ’ rất căn bản đạo lý mà tường lửa đang đi ngược lại cũng đã đủ để kết tội họ. Bởi từ ngày có sự hiện diện của tường lửa, nó đã buộc tất cả những công dân lương thiện vì khát khao sự thật phải mày mò, tập tành làm quen với những trò ‘ma mãnh’ leo trèo, giấu diếm IP, xóa tung tích v.v… những việc làm chẳng ai dám bảo là của con nhà đàng hoàng tử tế cả. Nếu là tốt đẹp, ắt các nhà sản xuất ra các trình duyệt Internet Explorer, Firefox, Opera, Safari đã phải tích hợp sẵn chức năng vượt tường lửa vào chúng rồi.
Do vậy vấn đề băn khoăn của chúng ta chẳng phải là sự lo lắng không vượt qua được tường lửa, bởi ‘vỏ quýt dày luôn có những móng tay nhọn’ mà là ở chỗ, mặc dù các phương tiện được cung cấp và hỗ trợ bởi các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền như Ultrasurf của UltraReach Internet Corp. (U.S.A) hay ‘Tor’ của The Tor Project, Inc v.v… nhưng rốt cuộc cái gọi ‘lợi ích’ và ‘hiệu quả’ do chúng đem lại thực ra chỉ là dạy cho con người ta ‘mánh khóe’ chứ chẳng phải ‘kiến thức’ (xin đừng hiểu lầm đây là những lời vô ơn với các tổ chức ân nhân trên).
Thay vì được thoải mái lướt web trên những xa lộ chúng ta phải chui vào những con hẻm ngoằn ngèo tối tăm, phải mắt trước mắt sau nhất là khi dùng ở công sở hoặc chỗ công cộng v.v... những sự phiền toái mà người dùng internet ở các quốc gia dân chủ chăng bao giờ phải mất công vô ích một cách ‘lãng xẹt’ như chúng ta.
Mà cũng chưa hết, chúng ta thử nghĩ xem các nhà giáo, nhà đạo đức, nhà văn nhà thơ và kể cả các vị chủ chăn như các vị Giám mục của đạo chúng ta, toàn là những con người đáng kính cả, nhưng trước những thực tế đáng buồn của đất nước như chuyện hải đảo bị TQ đe dọa, rồi hiểm họa của dự án khai thác nhôm trên cao nguyên v.v…muốn biết sự thật về những gì đang diễn ra trên đất nước mình, họ có cách nào khác hay cũng phải luồn lách leo trèo để mà xem, mà đọc như chúng ta, tội cho họ quá đi chứ?.
Mà nghĩ cũng lạ! từ ngày có firewall đến giờ cả hơn chục năm, già trẻ lớn bé ai dùng internet cũng biết rõ ràng về sự hiện hữu của chúng, ấy vậy mà bấy nhiêu năm chẳng hề thấy có vị đáng kính nào lên tiếng hỏi nhà cầm quyền sao phải làm khổ dân như thế? Chúng ta có quyền mà tại sao không ai lên tiếng? Thấp cổ bé họng, dân đen như chúng tôi nói họ chẳng chịu nghe luồn lách thôi thì cũng đành, nhưng nghĩ đến thân bao nhân sĩ tri thức cũng phải luồn lách để mà thấy mà đau thay! Cứ lấy vụ Bauxite Tây Nguyên ra mà rọi thì rõ ngay, khi có hàng trăm nhân sĩ trí thức cùng phản đối CSVN ắt sẽ phải co vòi ngay.
Chính những điều tưởng rằng bình thường mà thật ra ít nhiều gì cũng đã góp ‘công trạng’ làm nên cái bể giả dối mà người người đang phải cùng nhau lặn hụp hôm nay để rồi lại than trách vì sao đạo lý xã hội VN hôm nay suy đồi.
Trước đây tôi vẫn nghĩ chắc không có nhiều người biết cách luồn lách leo trèo qua những bức tường lửa của nhà cầm quyền, vì thấy có những chuyện động trời xảy ra đã lâu như vụ ‘Sáu Sứ - Tổng Cục II’ nhưng khi hỏi bạn bè cũng thường hay lang thang xem tin tức trên mạng thấy cũng chẳng có mấy người hay biết. Cho đến hôm dự buổi hiệp thông thắp nến cầu nguyện cho xứ Thái Hà tại dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn giữa những ngày căng thẳng tháng 9/2008 vừa qua tôi mới bị bất ngờ. Trong lúc các cha chiếu những slides kèm theo thuyết minh, một chị ngồi cạnh tôi buột miệng khoe đã xem qua tất cả những thông tin này trên mạng vài ngày trước đó. Quá ngưỡng mộ, tôi bèn làm bộ ‘giả nai’ hỏi tới chị bảo phải ‘leo qua tường lửa mới xem được và còn nhiệt tình chỉ tôi vài chiêu căn bản như dò proxy, search bằng google để đọc các file cache v.v...
Vậng, ‘leo trèo’ rành rọt cỡ như chị này quả là tài thật chứ chẳng đùa! Nếu có tổ chức nào đó đứng ra làm một cuộc thống kê về “đẳng cấp” vượt tường lửa ở các quốc gia, tôi chẳc dân VN mình nếu không đạt giải quán quân chắc cũng hạng nhì, ba trên thế giới, chỉ tiếc rằng đó lại là những loại kỷ lục “trông chẳng giống ai”!
Điều duy nhất giúp cho những ‘kỷ lục gia’ chúng ta không bị ray rức, đó là khác với những sự hí hửng bởi tiền tham nhũng của lũ bất lương cầm quyền chủ nhân của firewall này, những gì chúng ta ‘ăn trộm’ được sau tường lửa chỉ khiến thêm khổ tâm.
Làm sao hí hửng nổi khi ‘khui hàng’ chỉ toàn thấy những tin tức không mấy tốt lành về đất nước và dân tộc mình. Nào là buôn lậu ngà voi của nhân viên sứ quán VN bên Nam Phi, hàng ăn trộm của anh phi công tên Hợp ăn cắp bên Nhật, cần sa ma túy của người Việt ở Ba Lan, Séc (Tiệp Khắc), vụ ODA Nhật đang nóng lên từng ngày khắp nơi nhưng 700 tờ báo mình vẫn cứ im ỉm là tiền đi vay nước ngoài nhân danh 80 triệu người dân nhưng lại bị một nhóm thiểu số các đảng viên CSVN “móc ruột” không thương tiếc? Rồi đến vụ Bauxite Tây Nguyên trong khi ông thủ tướng bảo là “chủ trương lớn của đảng” nhưng thế giới bên ngoài lên án nặng nề vì hậu quả độc hại của nó mà các thế hệ con cháu chúng ta sau này sẽ phải lãnh đủ v.v… những ‘món hàng’ ấy làm sao khiến chúng ta hí hửng?

“Tường lửa” CSVN đang sắp… hết lửa !

Tường lửa bây giờ chẳng còn có thể làm khó dễ chúng ta như nhiều năm trước, khi ấy người sử dụng nếu không ai cho hoặc tìm thấy đâu thì phải tự như phải tự dò tìm proxy tức một server trung gian nào đó (thí dụ như với cụm từ ‘/dmirror/http/www’) sau đó tự mình gán thêm vào để làm nên một link đầy đủ như “https://tong.ziyoulonglive.com/dmirror/http/www.doi-thoai.com” . Kiểu vượt rào thủ công này rất vất vả những cũng chỉ được một thời gian, khi số người dùng tăng lên nhiều gây chú ý cho nhà cầm quyền là bị chặn lại liền.
Hiện nay phần mềm hỗ trợ vượt tường lửa tiện lợi nhất có lẽ là Ultrasurf của UltraReach Internet Corp. (U.S.A) có sẵn chức năng tự động dò tìm proxy giúp cho nguời dùng rất đỡ vất vả, vì vậy mà nó đã khiến cho cả hệ thống tường lửa của CSVN trở nên rệu rạo hơn bao giờ hết. Trên thực tế họ chỉ còn có thể ngăn được mấy em nhỏ mới làm quen với internet, nhưng oái oăm ở chỗ ở tuổi này cái cần ngăn chận là những web sex thì họ lại gần như thả cửa. (thế mới là cộng sản!)
Cũng vì thấy trước không còn có thể trông cậy kỹ thuật tường lửa hiện nay đang sắp… cạn lửa, nên cuối năm 2008 vừa qua, cùng lúc với chiến dịch chấn chỉnh báo chí, CSVN đã ban hành nghị định 97/2008/NĐ – CP "cấm xử dụng internet vào mục đích chống nhà nước và gây phương hại an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội" và tìm cách kiểm soát các blogger bằng gây áp lực (thậm chí cả mua chuộc) đối với các công ty Yahoo, Google ở VN nhưng nhiều nguồn tin cho hay yêu cầu vô lối của CSVN đã gặp phải thất bại, vì hai công ty này đều của Mỹ, sau vụ Yahoo TQ ‘bán đứng’ thân chủ của họ cho Bắc Kinh, đã buộc chính quyền Mỹ đã ‘để mắt’ đến mọi hoạt động của họ tại các quốc gia như TQ, VN, Miến Điện v.v… nhiều hơn.
Nhưng CSVN cũng đâu có dễ dàng chịu thua như vậy. Nếu ai quan tâm đến vụ việc hẳn cũng đã biết về sự xuất hiện của chuyên gia “tường lửa” Gil Shwed tại Hà Nội đến từ Tập đoàn An Ninh Mạng Check Point (Israel) hồi cuối tháng 11/2008 vừa qua. Gil Shwed là cha đẻ của "kiệt tác tin học" FireWall-1 và được mệnh danh là “vua tường lửa” trên thế giới, tất nhiên phải là người rất giỏi về lĩnh vực này.
Mặc dù mục đích chuyến đi của Gil Shweb trên danh nghĩa là để “tham gia một số hoạt động: Đào tạo về an toàn thông tin, Hội thảo – Triển lãm An toàn thông tin; giao lưu, gặp gỡ báo giới và các hội viên của Hiệp hội An toàn thông tin...” nhưng với người am hiểu ruột gan công sản và thấy hết sự lo lắng của họ về việc bất lực trước thông tin trên mạng internet, chắc chắn chẳng ai ngây thơ tin rằng chuyến đi chỉ để xã giao.
Công việc kinh doanh của Tập đoàn An Ninh Mạng Check Point chắc chắn không thể sống ra đời để đi làm mấy chuyện ‘vớ vẩn’ dựng firewall giúp các chính thể độc tài, nhưng vì có dính dáng đến lĩnh vực tường lửa, nên sau khi mua được kỹ thuật và phương tiện dụng cụ của họ rồi CSVN muốn dùng nó vào mục đích gì nào ai biết được? Hơn nữa Check Point cũng không phải là công ty trên đất Mỹ để bị ràng buộc trách nhiệm như Microsoft, Yahoo hay Google.
Việc này có thể ví như như khi ta bỏ tiền sắm chiếc xe hơi, khi có rồi thì dùng nó để chở cái gì là quyền của chủ nhân mà nhà cung cấp đâu có quyền ngăn cản.
Nhưng bất chấp việc họ sẽ chi ra vài chục đến hàng trăm tỷ đồng ra để mua sắm (và cả mua chuộc) các phương tiện lẫn chuyên gia hàng đầu thế giới để giúp họ truy lùng những ai dám vượt ra khỏi cái “lề phải”, chúng ta vẫn sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro như luôn biết cái ác luôn hiện diện cùng điều thiện, xấu đi kèm với tốt, có internet ắt phải có firewall tường lửa, có bắt bớ, xách nhiễu v.v…. chỉ có điều kẻ sợ hãi nhất lại chính là họ chứ chẳng phải chúng ta. Vì bản chất của chế độ là dối trá nên họ luôn lo sợ một khi tường lửa không ngăn được dối trá, sự thật được phơi bày sẽ khiến chẳng còn ai dám tin vào chế độ nữa và khi ấy, đổi thay là điều tất yếu phải diễn ra.

Nhưng ngày ấy là ngày nào, nó đến sớm hay muộn là còn tùy thuộc rất nhiều vào việc sẽ có thêm bao nhiêu nhân sĩ trí thức, sinh viên, công chức cùng hàng triệu người dùng internet trong nước quan tâm đến thời cuộc, vận mạng dân tộc hay chỉ dùng máy tính vào những trò giải trí vô bổ, rẻ tiền? Cũng như sẽ có thêm bao nhiêu người trong họ biết cách vượt qua sự sợ hãi của bản thân, thách đố của tường lửa để sớm nhận ra chân tướng của chế độ, việc mà các Cha DCCT, VietCatholic cùng nhiều website khác đang tích cực phổ biến hiện nay.

Sàigòn, Một chiều mưa tháng 5/2009
Alfonso Hoàng Gia Bảo

No comments: