Saturday, May 9, 2009

TẬP HỌP DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN HỌP HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG

Khi đất nước bước sang giai đoạn lịch sử thứ hai
Nguyễn Gia Kiểng
Đăng ngày 09/05/2009 lúc 04:22:47 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3752
Phạm Đỉnh: Trung tuần tháng 4 vừa qua Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã họp hội nghị trung ương tại thành phố Franfurt, Đức. Sau đây là lời khai mạc của ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

---O---
Chúng ta vừa là chí hữu vừa là anh em!
Thưa chí hữu Nghiêm Văn Thạch,
Thưa các chí hữu,

Hội nghị trung ương này của tổ chức chúng ta quan trọng, cần thiết và đúng lúc.
Chúng ta gặp nhau vào giũa lúc thế giới đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đòi hỏi những thay đổi lớn trong cách nhìn và hành động của mỗi quốc gia và trong quan hệ giữa các quốc gia.
Đất nước cũng đang đứng trước một khúc quanh lịch sử . Đảng cộng sản đang phải đương đầu với những khó khăn lớn nhất từ khi bức tường Berlin sụp đổ: chuẩn bị đại hội 11, một trong những đại hội hiểm nghèo nhất trong lịch sử của nó, vào giữa lúc kinh tế suy sụp, bất mãn trong nhân dân lên mức cao, nội bộ đảng phân hoá và xuống cấp như chưa bao giờ thấy.
Phong trào dân chủ đang đứng trước một tình trạng mới và chính tổ chức chúng ta cũng đi vào một giai đoạn đầy triển vọng nhưng cũng nhiều thử thách.
Trong ba ngày liên tục chúng ta sẽ thảo luận về bối cảnh thế giới, đặc biệt là để nhận diện cuộc khủng hoảng hiện nay và những tác động của nó lên đất nước và cuộc vận động dân chủ; về bối cảnh đất nước; về đảng cộng sản trước và sau đại hội 11; chúng ta sẽ kiểm điểm hiện tình và triển vọng của phong trào dân chủ Việt Nam nói chung và từng tổ chức đối lập nói riêng. Dĩ nhiên chúng ta dành phần quan trọng nhất để kiểm điểm chính mình để nhận định những định hướng và những công tác lớn của tổ chức trong những ngày sắp tới. Chúng ta sẽ thảo luận hoàn toàn cởi mở trong tinh thần không có ý kiến nào cấm nêu ra không có đề tài nào cấm bàn đến, tinh thần nền tảng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ ngày thành lập.

Thưa các chí hữu,

Thế giới đang ở cao điểm của một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, trên nhiều mặt còn lớn hơn cả cuộc khủng hoảng 1929-1933, mà hai nguyên nhân chính là:
- Sư thiếu vắng những qui định cần thiết cho hoạt động tài chính và những định chế giám sát đã, một mặt, khuyến khích các ngân hàng cho vay một cách không thận trọng và, mặt khác, làm nẩy sinh ra vô số dụng cụ tài chính độc hại. Trào lưu toàn cầu hoá đã khiến cho những sai lầm truyền bá nhanh chóng từ nước này qua nước khác, mỗi chính quyền cảm thấy sẽ không phải chịu đựng một mình những sai phạm của chính mình.
- Sự thiếu cảnh giác và và tầm nhìn của những nhà lãnh đạo đã để cho cán cân thương mại của nhiều nước bị mất thăng bằng quá đáng trong một thời gian quá lâu.

Đàng sau cuộc khủng hoảng kinh tế này cả quan niệm về phát triển kinh tế lẫn triết lý toàn cầu hoá phải được xét lại. Chủ nghĩa kinh tế tự do, hay kinh tế thị trường, không có trách nhiệm, trái lại chính sự vi phạm những qui luật cơ bản của nó đã tạo ra tình trạng hiện nay. Hội nghị thượng đỉnh G20 của hai mươi nước giầu mạnh nhất thế giới đầu tháng này đã đồng thanh khẳng định lại niềm tin vào kinh tế thị trường, nền tảng của dân chủ, và sự cần thiết phải tôn trọng những qui luật của nó. Phản ứng nhanh chóng và đồng thuận mạnh mẽ của các quốc gia khiến cho chúng ta có thể vững tin là cuộc khủng hoảng sẽ được khắc phục, tuy nhiên kinh tế thế giới sẽ chỉ bắt đầu thực sự phục hồi sớm lắm là cuối năm 2009 và sau đó trong nhiều năm sẽ chỉ tăng trưởng ở mức độ vừa phải.
Như vậy, trong một thời gian khá dài ưu tư của các quốc gia sẽ tập trung vào cố gắng phục hồi và tránh mọi căng thẳng. Trong khi đó thì một trong những nét đặc thù của thế giới hiện nay là sự kiện các chế độ độc tài trở thành hiền lành trong quan hệ đối ngoại, hung bạo với nhân dân mình nhưng hoà hoãn với các quốc gia khác. Trong một bối cảnh quốc tế như thế những người dân chủ không nên trông đợi nhiều vào sự yểm trợ của các chính phủ, vận động hậu thuẫn quốc tế chủ yếu là động viên sự ủng hộ của các tổ chức nhân quyền phi chính phủ.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phải bi quan. Thực ra nếu nhìn một cách thấu đáo thì tình hình hiện nay và sắp tới sẽ còn thuận lợi cho cuộc vận động dân chủ hơn trước. Với hội nghị G20 tại London, dân chủ đã được bình thường hoá như một giá trị hiển nhiên, một trật tự thế giới đã hình thành trong đó dân chủ trở thành mẫu số chung. Điều này có nghĩa là phong trào toàn cầu hoá càng tiến lên thì áp lực dân chủ hoá càng mạnh. Không phải là một sự tình cờ mà cho tới nay các chế độ độc tài bạo ngược thường gây hấn với bên ngoài; đó là nhu cầu sống còn của chúng. Sự kiện chúng không còn dám gây hấn với bên ngoài để xoa dịu các mâu thuẫn bên trong phải được hiểu là chúng đã mất đi một vũ khí tự vệ cố hữu và càng khó sống hơn trước.
Một trong những nét đậm nhất của cuộc khủng hoảng này là từ nay các quốc gia sẽ phải giữ thăng bằng cán cân thương mại. Các nước giầu sẽ không thể nhập siêu ở mức độ trước đây. Thay đổi này sẽ đặc biệt khó khăn cho những nước dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng như Việt Nam và Trung Quốc.
Chúng ta có thể nhận xét rằng cuộc khủng hoảng này đã chứng tỏ sự đúng đắn của dự án chính trị của chúng ta. Ngay từ năm 2000 vào giữa thời vàng son của những mô hình kinh tế hướng ngoại bất chấp môi trường và bóc lột tối đa công nhân để xuất khẩu, dự án
Thành Công Thế Kỷ 21 của chúng ta đã quả quyết rằng một nền kinh tế lành mạnh phải đặt trọng tâm vào thị trường nội địa, rằng một mức tăng trưởng 5% nhưng môi trường được tôn trong và cải thiện, liên đới xã hội được tăng cường còn tốt đẹp hơn nhiều lần so với một mức tăng trưởng 15% trong đó con người, môi trường và công bằng xã hội không được quan tâm.

Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn bởi vì tăng trưởng của nước ta chủ yếu dựa trên xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Cả hai nguồn này đều sẽ bị sút giảm mạnh. Bất mãn sẽ lên cao vì mức sống bị suy sụp. Việt Nam còn có thêm một đặc điểm mà các nền kinh tế hướng ngoại khác không có là tuy đặt trọng tâm vào xuất khẩu nhưng cán cân thương mại lại luôn luôn thâm thủng, do đó không có dự trữ thực. Số dự trữ ngoại tệ thực ra chỉ là một phần nhỏ của nợ nước ngoài. Việt Nam vì vậy không có khả năng kích cầu độc lập và sẽ phải nhờ cậy nhiều vào Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, và do đó sẽ phải tuân thủ những khuyến cáo của tổ chức này. Những khuyến cáo này, một cách trực tiếp hay gián tiếp đều có tác dụng tốt cho tiến trình dân chủ hoá.

ĐCS đã bắt đầu chuẩn bị cho đai hội đảng lần thứ 11. Đây sẽ là một đại hội quan trong vì diễn ra trong một bối kinh tế khủng hoảng và với nhiều vấn đề tích lũy quá lâu đã đến lúc phải giải quyết. Vấn đề nhân sự lãnh đạo sẽ đặc biệt khó khăn vì đại hội này cũng là đại hội chuyển giao lãnh đạo cho thế hệ cộng sản thứ ba, sau thế hệ 1945 và thế hệ 1975. Vấn đề nhân sự lãnh đạo sẽ rất gay gắt. Những người lãnh đạo cộng sản từ trước đến nay có thể tự cho là có một mức độ chính đáng nào đó -ít nhất trong đảng nếu không phải là đối với nhân dân- do có thành tích hay được sự đỡ đầu của những người có thành tích trong chiến đấu. Đó sẽ không phải là trường hợp của những người lãnh đạo sẽ xuất phát từ đại hội 11. Họ không có thành tích nào trước mặt đảng viên và nhân dân ngoài đóng xây dựng một chính quyền tham nhũng. Cũng không có nhân vật nào nổi bật về khả năng và nhân cách cả vì bộ máy sàng lọc của đảng đã loại trừ những thành phần có trí tuệ và tâm huyết. Nhân sự lãnh đạo xuất phát từ đại hội 11 chỉ có thể gây thất vọng.

Nền tảng chính đáng duy nhất mà những người lãnh đạo sắp tới có thể có là xuất hiện như những tác nhân của một cuộc chuyển hoá bắt buộc. Họ chỉ có sự chính đáng đó nếu tự cho mình vai trò kết thúc chế độ độc tài và mở đầu kỷ nguyên dân chủ. Không có dấu hiệu nào chứng tỏ họ hiểu điều này. Hy vọng của chế độ cộng sản là dần dần hoá thân thành một thứ "độc tài kỹ trị" với những cán bộ đã được ưu đãi gửi đi du học tại các nước tiên tiến. Nhưng đây chỉ là một hy vọng hão huyền, một chế độ không bao giờ có thể duy trì được nhờ những người technocrates. Đảng cộng sản đang làm sai lầm cuối cùng.
Cuộc chuyển giao thế hệ càng hiểm nghèo cho đảng cộng sản vì nó đến cùng một lúc với sự chín muồi của một tiến trình quan trọng khác. Trong hơn ba mươi năm qua đã diễn ra một cuộc giằng co giữa một bên là xã hội Việt Nam vùng vẫy để tự cởi trói và một bên là đảng cộng sản cố xiết lại để duy trì chế độ kìm kẹp. Cán cân lực lượng đã liên tục biến chuyển một cách thuận lợi cho xã hội dân sự và chúng ta đang ở rất gần điểm đoạn tuyệt. Trong vụ bauxit Tây Nguyên lần đầu tiên ban lãnh đạo cộng sản đã phải nhượng bộ áp lực từ xã hội. Nhượng bộ này chỉ mở đầu cho những nhượng bộ khác. Thực ra xã hội dân sự Việt Nam từ lâu đã đủ sức mạnh để tự cởi trói, sở dĩ sự phản kháng chưa mạnh là vì từ 1987 do chính sách nới lỏng kinh tế mức sống của quần chúng liên tục được cải thiện. Nhưng từ hơn một năm nay mức sống thay vì tăng lên đã giảm xuống và sẽ còn giảm sút mạnh vì cuộc khủng hoảng này. Bất mãn có thể bùng nổ. Trong một bối cảnh như vậy hy vọng duy trì ách độc tài với những người lãnh đạo mờ nhạt chỉ là một sự mù quáng. Đảng cộng sản đã tựa lưng vào tường.
Cứ trước mỗi đại hội, do sự kiện đảng cộng sản bối rối trong nội bộ, đối lâp dân chủ được một giai đoạn hoạt động thuận lợi. Cho đến nay các giai đoạn thuận lợi này đã bị bỏ lỡ vì quá nhiều sáng kiến và kết hợp ngẫu hứng được tung ra. Những sáng kiến và kết hợp này không làm được gì ngoài việc thi đua tìm mọi cách gây tiếng vang, đánh lạc sự chú ý khỏi những cố gắng nghiêm chỉnh và làm lỡ một cơ hội thuận lợi, rồi tan biến đi sau khi cơ hội đã qua.

Chúng ta phải cảnh giác mọi người dân chủ chân chính để đừng tiếp tay cho những manh động này, để hành động đúng, biến những nhượng bộ tạm thời của đảng cộng sản thành những bước tiến không thể đảo ngược được của tiến trình dân chủ hoá.

Nếu hiểu "phong trào dân chủ Việt Nam" là toàn bộ những chuyển biến trong xã hội đưa Việt Nam ngày càng tới gần dân chủ, thì phong trào dân chủ Việt Nam vẫn tiếp tục mạnh lên. Nhưng nếu hiểu "phong trào dân chủ Việt Nam" là những tổ chức và cá nhân ít nhiều có đóng góp cho tiến trình trình dân chủ hoá thì phong trào dân chủ Việt Nam đang ở trong giai đoạn u ám, số luợng không nhiều lại tản mát và chia rẽ. Chủ nghĩa nhân sĩ và ngôi sao đã là nguyên nhân đưa đến tình trạng này. Nói chung đó là vì văn hoá tổ chức còn kém, không nhìn thấy sự thực rất sơ đẳng là đấu tranh chính trị phải có tổ chức và một tổ chức chính trị đủ sức tác động lên xã hội chỉ có thể là thành quả của những cố gắng thông minh và bền bỉ trong nhiều năm.

Từ hai năm qua chúng ta đã thành lập một uỷ ban đặc nhiệm về kết hợp và hợp tác để tiếp cận và thăm dò khả năng kết hợp với các tổ chức đối lập. Kết luận đã không lạc quan, không phải vì họ không muốn hợp tác với chúng ta mà vì những lý do khách quan khác. Các chính đảng lịch sử từ lâu không còn hợp thời và vì đã trì hoãn đổi mới quá lâu không còn đổi mới được nữa. Phần lớn các tổ chức thành lập sau 1975 do thiếu lý luận và phương pháp không thể tồn tại lâu dài, tuy vậy đa số không chứng tỏ muốn tìm lối thoát. Công thức kết hợp thường được đề nghị vẫn chỉ là công thức liên minh bình đẳng và lỏng lẻo đã từng được thử nghiệm rất nhiều lần trong hơn ba thập niên qua và mỗi lần đều đã thất bại hoàn toàn. Quan điểm của chúng ta đã rất minh bạch. Chúng ta nhận định rằng các tổ chức dân chủ hiện nay đều chưa đủ tầm vóc để tham gia một liên minh đúng nghĩa. Kết hợp trong giai đoạn này chỉ giản dị là hợp nhất và chúng ta sẵn sàng hợp nhất với một hay nhiều tổ chức dân chủ khác cùng mục tiêu và phương pháp trong tinh thần nhân nhượng. Chúng ta vẫn tiếp tục thăm dò mọi khả năng kết hợp môt cách kiên nhẫn và khiêm tốn nhưng phải thực tế mà nhìn nhận rằng khó có thể chờ đợi một kết quả khả quan nào trong tương lai gần. Dù muốn hay không cố gắng trước mắt vẫn phải là phát triển Tập Hợp và con đường phát triển chính của Tập Hợp là tranh thủ các cá nhân tốt.
Chúng ta đã nghiên cứu về tiến trình hình thành của một chính đảng và đã phát triển đúng theo tiến trình đó. Tập Hợp cũng là tổ chức chính trị Việt Nam duy nhất có một tư tưởng chính trị thực sự, nhờ thế chúng ta đã tránh được những xét lại đau nhức và tiếp tục lớn mạnh thêm, đội ngũ ngày càng gắn bó hơn.
Hiện nay triển vọng phát triển của Tập Hợp trong nước rất lớn. Các cố gắng bền bỉ và đúng phương pháp đã đem lại kết quả. Tập Hợp có một khối thân hữu rất lớn ở trong nước và có thể phát triển rất nhanh chóng nếu có phương tiện.

Tuy nhiên Tập Hợp đang phải đương đầu với ba nguy cơ.

Một là nguy cơ lão hoá. Tuổi trung bình của tổ chức khá cao trong khi chúng ta chưa tìm được một công thức thích hợp để lôi kéo và tổ chức tuổi trẻ. Tuổi trẻ có cách dấn thân và hoạt động khác với những người lớn tuổi. Không thể đòi hỏi thanh niên sinh hoạt chính trị như chúng ta, Tập Hợp cần tổ chức một môi trường sinh hoạt riêng cho thanh niên.
Hai là kỹ thuật truyền thông còn kém. Một thí dụ rất cụ thể là Web Thông Luận tuy có phẩm chất rất cao mà vẫn chưa được hưởng ứng đúng mức bởi vì phần kỹ thuật còn kém. Thiếu hoạt náo và âm thanh, cách sắp xếp và truy cập chưa hoàn chỉnh. Phải khắc phục nhanh chóng khuyết điểm này.
Ba là thiếu phương tiện. Tập Hợp có thể phát triển rất mạnh nếu có đủ phương tiện, tình trạng thiếu phương tiện có thể khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội và gây thất vọng. Văn phòng ban lãnh đạo đang nghiên cứu một số phương án có khả năng giải tỏa áp lực tài chính trong khi vẫn bảo đảm tính độc lập hoàn toàn của tổ chức .

Ngay trước mắt, những công tác lớn sau đây phải được dành ưu tiên cao nhất:

Một là tu chỉnh dự án chính trị. Cương lĩnh "Thành Công Thế Kỷ 21" của chúng ta vẫn còn nguyên giá trị. Những nhận định của chúng ta, dù là về lý thuyết hay trên những vấn đề cụ thể, không những không lỗi thời mà còn được các biến cố xác nhận. Tuy nhiên gần mười năm đã trôi qua từ ngày dự án chính trị được biểu quyết. Thế giới đã thay đổi nhiều và đang ở trong một giai đoạn xét lại quan trọng, dự án vì vậy cần được tu chỉnh để đáp ứng chính xác hơn nữa với tình huống mới. Đất nước cũng sắp bước sang kỷ nguyên dân chủ và cần một tài liệu qui chiếu cho cuộc đoạn tuyệt lịch sử này. Chúng ta cũng ý thức rằng chúng ta không chỉ soạn thảo dự án chính trị cho Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, rất nhiều người dân chủ tán thành và chờ đợi những ý kiến của chúng ta. Do một sự tình cờ, dự án chính trị mới của chúng ta sẽ được công bố gần thời điểm với cương lĩnh chính trị của đại hội 11 của đảng cộng sản. Nó phải khẳng định sự hơn hẳn của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Giữa hai văn kiện này sẽ không thể có so sánh nào.
Hai là phát triển tổ chức phải đồng thời giải quyết các nhu cầu trẻ trung hoá và quốc nội hoá tổ chức, trong khi vẫn bảo đảm sự bền chắc của tổ chức. Phải đủ tự tin để tiến thêm một bước quan trọng khác, tranh thủ ngay cả những người lương thiện vẫn còn trong guồng máy đảng và không có ý định ly khai. Những người có thể góp phần quyết định cho cuộc vận động dân chủ hoá bởi vì họ tạo ra sức ép dân chủ ngay trong nội bộ. Điều mà ban lãnh đạo cộng sản sợ nhất hiện nay và gọi là "nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hoá" phải được nhìn như cơ may cho đất nước, lối thoát cho đảng cộng sản và những người cộng sản lương thiện.
Ba là cải tiến và tăng cường một cách quyết định công tác truyền thông bao gồm Web Thông Luân, báo giấy Thông Luận, các blog sẽ được lập ra và các phương tiện truyền thông khác. Khối Truyền Thông sẽ gồm những tiểu ban chuyên đề có thẩm quyền trên một hay nhiều đề mục, hoạt động một cách có phối hợp và chia sẻ những phương tiện.

Thưa các chí hữu,

Chúng ta có mọi lý do để hãnh diện và tin tưởng vào Tập Hợp.
Không phải là chúng ta đã không có những thiếu sót, cũng không phải là chúng ta đã không có những vấp váp và thất vọng, nhưng những vấp váp và thất vọng chủ yếu là do sứ mạng lịch sử chúng ta quá lớn trong khi chúng ta lại rất đòi hỏi ở chính mình. Lịch sử của dân tộc ta tuy dài và nhiều thăng trầm nhưng cho tới nay vẫn chỉ có những chế độ độc tài chuyên chính, thiết lập dân chủ thực sự như vậy là bước vào giai đoạn thứ hai của lịch sử nước ta. Đó sẽ là thay đổi lớn nhất từ ngày dựng nước, điều này chưa chắc tất cả những người đấu tranh cho dân chủ đều đã hiểu được. Chúng ta đã theo đuổi mục tiêu đó một cách có ý thức và có chuẩn bị. Một số người đánh giá chúng ta, với ít nhiều châm biếm, như là một câu lạc bộ tư tưởng hơn là một tổ chức hành động. Thực ra chúng ta đã chỉ làm đúng phương pháp. Chúng ta hiểu rằng trong mọi cố gắng đổi đời lớn tư tưởng phải đi trước hành động. Chúng ta đã đầu tư rất nhiều vào tư tưởng bởi vì chúng ta hiểu rằng tư tưởng chính trị là điều không bao giờ có thể vay mượn. Trong lãnh vực tư tưởng chúng ta đã luôn luôn đi tiên phong. Có thể nói là cuộc thảo luận chính trị hiện nay chủ yếu xoay quanh những ý kiến mà Tập Hợp đưa ra. Chúng ta cũng đã hành động đúng phương pháp, vì thế mà dù với những phương tiện ít ỏi hoàn toàn do mình, chúng ta vẫn tiếp tục mạnh lên. Trong suốt 27 năm hoạt động chúng ta chưa hề bị mang tiếng, dù chỉ một lần, là đã dối trá, hung bạo, khiếp nhược hay thiếu trí tuệ. Trong suốt 27 năm chúng ta hầu như đã không phải dùng đến kỷ luật, mục tiêu trong sáng và phong cách làm việc đứng đắn đã tạo ra cả một kỷ luật tự giác giúp chúng ta duy trì được sự gắn bó trong nội bộ. Chúng ta đang cần rất nhiều phương tiện tài chính, điều này mọi chúng ta đều biết và đều lo âu, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm chỉ dựa trên phương tiện của chính mình bởi vì chúng ta hiểu rằng tài sản quý báu nhất của một tổ chức chính trị là uy tín, và khi lịch sử sang trang thì một tương lai bắt buộc phải đến sẽ có khả năng tạo ra những phương tiện mà nó cần có. Chúng ta là hãy xứng đáng là hiện thân của tương lai đó, tương lai của một nước Việt Nam dân chủ, đa nguyên, hoà giải và hoà hợp, vĩnh viễn từ khước bạo lực như là một phương cách để giải quyết những bất đồng; một nước Việt Nam của mọi người và có chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho mọi người; một nước Việt Nam của tình anh em tìm lại, của những cố gắng chung và của thành công chung.

Thưa các chí hữu,

Dân chủ chắc chắn sẽ đến trong một tương lai rất gần trong khi xây dựng một tổ chức đúng nghĩa đòi hỏi hàng thập niên. Thời giờ còn quá ít để thành lập ra những tổ chức dân chủ có trọng lượng trước hạn kỳ dân chủ. Như thế chắc chắn Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ phải có vai trò quyết định khi đất nước bước vào giai đoạn lịch sử thứ hai.
Chúng ta đã qui tụ được những con người rất quí hiếm, những con người trong một xã hội băng hoại, chán chường và mất định hướng vẫn giữ được trọn vẹn niềm tin, lòng bao dung, lòng yêu nước và các giá trị đạo đức, vẫn quyết tâm thách thức bạo lực và lòng tham để đất nước có một tương lai xứng đáng. Những con người kiên trì, sáng suốt và dũng cảm.
Tôi đã nhiều lần bày tỏ niềm hãnh diện được là chí hữu của những con người như thế, được là thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, hôm nay tôi xin phép được bày tỏ niềm hãnh diện này môt lần nữa.

Và xin tuyên bố khai mạc hôi nghị trung ương Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên 2009.

Nguyễn Gia Kiểng
© Thông Luận 2009

No comments: