Saturday, September 7, 2024

VNG (Dương Ngọc Thái | Báo Tiếng Dân)

 



VNG

Dương Ngọc Thái  |  Báo Tiếng Dân

07/09/2024

https://baotiengdan.com/2024/09/07/vng/

 

Một trong những vấn đề của ngành công nghệ Việt Nam là không có IPO. Không IPO được thì không thể tạo ra một lớp người giàu nhờ công nghệ. Thiếu lớp người giàu nhờ công nghệ dẫn tới thiếu một lớp nhà đầu tư giàu có và hiểu biết.

 

Người ta thường chỉ dám đầu tư cái gì người ta hiểu, vì khả năng thành công sẽ cao hơn. Ai làm giàu bằng “phân lô bán nền”, họ sẽ tái đầu tư vào “phân lô bán nền”. Ai làm giàu bằng công nghệ, họ mới dám đổ tiền vào công nghệ.

 

Ở Silicon Valley, mỗi một startup thành công tạo ra cả ngàn triệu phú mới. Ở những tập đoàn hùng mạnh như Apple, Google, Meta, Microsoft hay Amazon, con số triệu phú lên đến trăm ngàn người. Giàu có, hiểu biết, họ đem tiền tái đầu tư vào công nghệ, tạo ra hàng ngàn, hàng vạn công ty mới.

 

Ngoại trừ những người sáng lập, lãnh đạo cấp cao ở những “kỳ lân” công nghệ Việt Nam còn phải sống bằng tiền lương thì làm sao có tiền tái đầu tư. Nếu có quá ít người làm giàu bằng công nghệ thì tất nhiên nguồn tiền và chất xám đổ vào công nghệ cũng sẽ hạn chế. Thiếu cả vốn và tri thức thì rất khó phát triển.

 

Cho nên những tin tức gần đây về VNG là tin buồn cho cả ngành công nghệ Việt Nam. Tưởng chừng VNG đã có thể IPO ở Mỹ, tạo ra một lớp người giàu mới, ai dè bây giờ chỉ mong tai qua nạn khỏi. Không biết “ở trỏng” có Zalo không?

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/09/2-3.jpeg

Ảnh: Hàng trăm cảnh sát xuất hiện ở Công ty Cổ phần VNG. Nguồn: Ảnh này xuất hiện từ các bài báo trong nước, hiện đã bị gỡ bỏ.

 

Ngoại trừ những rủi ro về riêng tư, tôi thấy Zalo rất tốt, mượt mà, dễ xài. Ở Việt Nam không có ai làm công nghệ được như Zalo đâu. Tôi không muốn người ta nói “thấy sang bắt quàng làm họ”, nhưng người đứng đầu Zalo là một lãnh đạo công nghệ xuất chúng của Việt Nam.

 

Nếu VNG không qua khỏi đại nạn này, nếu những lãnh đạo tiên phong của ngành công nghệ Việt Nam phải vào tù, sẽ còn rất lâu Việt Nam mới có thêm một “kỳ lân” đủ tiêu chuẩn IPO.

 

Tôi hy vọng người ta sẽ rất cân nhắc, trước khi “xử” VNG vì bất cứ lý do gì.

 

_______

Bài liên quan: 

 

Bloomberg nói kỳ lân công nghệ VNG bị công an điều tra; báo Việt Nam gỡ tin khám xét công ty (VOA).

 

 Kỳ lân công nghệ VNG bất ngờ bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc mới (TCTG).

 

Trước ‘biến động’, kỳ lân công nghệ VNG (VNZ) kinh doanh ra sao? (Thương Trường).

 

 

=======================================================

 

 

Bloomberg nói kỳ lân công nghệ VNG bị công an điều tra; báo Việt Nam gỡ tin khám xét công ty 

VOA Tiếng Việt

06/09/2024

https://www.voatiengviet.com/a/bloomberg-noi-ky-lan-cong-nghe-vng-bi-dieu-tra-cac-bao-viet-nam-goi-tin-kham-xet-cong-ty/7774197.html

 

Công ty khởi nghiệp kỳ lân của Việt Nam, VNG Corp, vốn từng có kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ, hiện đang bị cảnh sát Thành phố Hồ Chí Minh điều tra, theo một tuyên bố qua email của công ty gửi tới Bloomberg.

 

https://gdb.voanews.com/3d6f6d9f-8376-4327-ae3f-bba31abe6153_cx0_cy5_cw92_w1023_r1_s.jpg

Trụ sở VNG Campus của công ty ở Quận 7, TPHCM. Các trang tin chính thống của Việt Nam đưa tin công an đã khám xét địa điểm này nhưng sau đó gỡ bỏ thông tin này.

 

Thông tin này dường như đã được đăng tải trên các trang báo mạng chính thống của Việt Nam, trong đó có Tuổi Trẻ, VietNamNet, Dân trí và Lao Động, nhưng hiện đã không thể truy cập được.

 

Theo Bloomberg, VNG không tiết lộ bản chất của cuộc điều tra hay cuộc điều tra sẽ kéo dài bao lâu nhưng cho biết họ “tiếp tục tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng” trong quá trình điều tra đang diễn ra. Vẫn theo hãng tin tài chính có trụ sở ở Mỹ, công ty, vốn sở hữu mạng xã hội Zalo, nói rằng hoạt động của họ vẫn bình thường.

 

VNG là doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên ở Việt Nam được định giá trên 1 tỷ USD vào năm 2019. Một doanh nghiệp như vậy được gọi là "kỳ lân."

 

Khi tìm kiếm thông tin về cuộc điều tra đối với VNG, các tiêu đề như “Công an TP.HCM kiểm tra Công ty VNG” của Tuổi Trẻ, “Trăm cảnh sát phong tỏa, khám xét ở tòa nhà Công ty VNG tại TPHCM” của VietNamNet, “Trăm cảnh sát xuất hiện ở Công ty Cổ phần VNG” của Dân Trí hay “Công an có mặt tại trụ sở Công ty VNG ở TPHCM” của Lao Động xuất hiện trên Google.

 

Các bản tin được đăng tải khoảng vài giờ trước đó trong ngày 6/9. Tuy nhiên các đường link này dẫn đến trang chủ hoặc xuất hiện thông điệp “không tồn tại” sau khi nhấn vào.

 

Việc các thông tin được đăng tải trên các báo mạng do nhà nước Việt Nam quản lý rồi sau đó bị gỡ bỏ đã xảy ra trước đây. Các nhà báo và cơ quan truyền thông ở Việt Nam cũng thường tự kiểm duyệt các nội dung của mình.

 

Một bản tin của VietTimes với tựa đề “VNG nói gì về việc cảnh sát xuất hiện tại trụ sở”, hiện còn truy cập được, cho biết công ty này nói trong một thông cáo phát đi chiều ngày 6/9 rằng “Công an TPHCM đã đến thanh tra đột xuất” trụ sở VNG Campus của công ty ở đường 13, phường Tân Thuận Đông thuộc Quận 7. Theo tạp chí điện tử của Hội truyền thông số Việt Nam, VNG cho biết công tác thanh tra vẫn đang diễn ra và công ty vẫn đang phối hợp với cơ quan công an cũng như cho biết rằng các hoạt động kinh doanh và vận hành của họ vẫn diễn ra bình thường.

 

VNG, được xem là một trong những công ty khởi nghiệp công nghệ triển vọng nhất của Việt Nam, đã rút đăng ký IPO tại Mỹ hồi tháng 1. Theo Bloomberg, công ty có trụ sở ở TPHCM cho biết vào thời điểm đó rằng họ quyết định không tiến hành chào bán IPO như đã đăng ký nhưng có kế hoạch nộp đơn đăng ký mới trong tương lai. Công ty không cung cấp bất kỳ khung thời gian nào hay lý do cho việc rút lui.

 

Trong bối cảnh có thông tin VNG bị công an điều tra, một bản tin của VietNamNet đăng tải hôm 6/9 cho biết cổ phiếu VNZ của công ty lao dốc sau khi áp lực bán bất ngờ tăng vọt vào đầu giờ chiều cùng ngày, làm mất 77.000 tỷ đồng, tương đương gần 15%, xuống 473.800 đồng/cổ phiếu.

 

Theo tờ báo này, vốn hóa của VNG, do ông Lê Hồng Minh làm tổng giám đốc, tụt giảm xuống còn 12.500 tỷ đồng trong khi vào thời đỉnh cao, con số này đạt 55,900 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,3 tỷ USD.

 

Theo VietNamNet, khi giá cổ phiếu lên cao, ông Minh từng lọt top 30 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam và xếp thứ 2 trong top doanh nhân công nghệ giàu nhất, chỉ sau ông Trương Gia Bình, chủ tịch FPT và hiện có 11.600 tỷ đồng.

 

Tiền thân là VinaGame, VNG Corp. được biết là công ty phát hành các trò chơi điện tử từng chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam. Trên trang web chính thức, VNG cho biết công ty sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập vào ngày 9/9. Công ty có 14 văn phòng trên khắp châu Á, gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Đài Bắc, Bangkok và Singapore.

 

Theo VietTimes, trong hệ sinh thái của VNG, Công ty Cổ phần ZION là đơn vị phát triển và vận hành ZaloPay, nền tảng ví điện tử và hệ thống thanh toán trực tuyến, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán.

 

====================================================

 

 

VNG lên tiếng về việc cảnh sát xuất hiện ở trụ sở, khẳng định vẫn hoạt động bình thường

Phước Nguyên  |  Tạp Chí Thương Gia

07/09/2024 4:12

https://thuonggiaonline.vn/vng-len-tieng-ve-viec-canh-sat-xuat-hien-o-tru-so-khang-dinh-van-hoat-dong-binh-thuong-post554497.html

 

Cho tới thời điểm hiện tại, các hoạt động kinh doanh và vận hành của VNG vẫn đang diễn ra bình thường. Công ty vẫn đang tích cực hợp tác và tuân thủ mọi yêu cầu từ cơ quan chức năng...

 

Liên quan tới các thông tin về việc lực lượng công an đến trụ sở Công ty Cổ phần VNG (mã chứng khoán: VNZ) để thanh tra đột xuất vào sáng 6/9, phía công ty đã có thông tin cập nhật sự việc. VNG cho biết công ty cam kết sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo ổn định mọi hoạt động kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tác, cổ đông và các bên liên quan.

 

"Cho tới thời điểm hiện tại, các hoạt động kinh doanh và vận hành của VNG vẫn đang diễn ra bình thường. Công ty vẫn đang tích cực hợp tác và tuân thủ mọi yêu cầu từ cơ quan chức năng", VNG khẳng định.

 

Đại diện VNG cho biết sẽ tiếp tục cập nhật tới báo chí các thông tin tiếp theo.

 

Thông tin về cuộc thanh tra đã tác động mạnh mẽ đến giá cổ phiếu VNZ trên sàn UPCoM. Có thời điểm trong phiên, cổ phiếu VNZ giảm sàn về 437.800 đồng/cổ phiếu nhưng nhanh chóng thoát sàn và đóng cửa tại 480.000 đồng/cổ phiếu, giảm 6,8%.

 

Trong dòng chảy thông tin liên quan, VNG mới đây đã phát đi thông tin về việc thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Kelly Wong, Phó Tổng Giám đốc VNG sẽ đảm nhiệm vị trí quyền Tổng Giám đốc VNG.

 

Ban giám đốc VNG khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ông Kelly Wong trên cương vị mới, đảm bảo các hoạt động của công ty tiếp tục vận hành ổn định và hiệu quả.

 

Theo giới thiệu, ông Kelly Wong là Phó Tổng Giám đốc Khối trò chơi trực tuyến tại VNG. Ông có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc ở nhiều mảng kinh doanh khác nhau tại Việt Nam, từng giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, Chủ tịch điều hành Red Wok Investment (RWI), Giám đốc điều hành khối tư vấn tài chính doanh nghiệp Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (mã chứng khoán: HSC).

 

Bên cạnh đó, ông Kelly còn được biết đến với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị của tổ chức phi lợi nhuận SEO Việt Nam và Chủ tịch Phòng Thương mại Canada.

 

Ông Kelly từng theo học tại Đại học British Columbia ở Vancouver (Canada), và đã nhận bằng Quản lý châu Á - Thái Bình Dương của Học viện Quản lý McRae tại Đại học Capilano (Canada).

 

Trước đó, báo cáo quản trị bán niên năm 2024 của VNG cho biết Tổng Giám đốc VNG là ông Lê Hồng Minh. Hồi đầu năm 2023, ông Lê Hồng Minh đã rời chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG.

 

Ông Lê Hồng Minh, sinh năm 1977 tại Hà Nội. Ông từng theo học chuyên ngành tài chính ngân hàng tại Đại học Monash (Australia). Năm 2001, ông Lê Hồng Minh quyết định trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp với công việc đầu tiên là nhân viên tín dụng tại Công ty Vina Capital.

 

Năm 2003, ông Minh cùng một vài người bạn quyết định thành lập một quán game với một vài dịch vụ đi kèm. Năm 2004, ông Lê Hồng Minh và cộng sự thành lập nên Công ty Cổ phần Vinagame và đến năm 2009 đổi tên Vinagame thành Công ty Cổ phần VNG như hiện tại.

 

VNG được biết đến là một "kỳ lân công nghệ" của Việt Nam và là một trong những nhà phát hành sản phẩm công nghệ trực tuyến hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Các sản phẩm, dịch vụ của hãng có thể chia thành 4 mảng chính gồm Trò chơi trực tuyến (game), Zalo và AI (trí tuệ nhân tạo), Tài chính và Thanh toán, Chuyển đổi số. Trong đó, game và Zalo là 2 sản phẩm được biết đến rộng rãi nhất, với số lượng người dùng đông đảo hàng đầu.

 

Tiền thân là một công ty game nên mảng kinh doanh trò chơi trực tuyến vẫn luôn là một trong những chủ lực của VNG tới nay. Hãng cung cấp game ở 2 nền tảng chính là di động và PC, trong đó những cái tên nổi tiếng có thể kể đến như IP game Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế, các trò chơi thuộc chủ đề tiên hiệp, kiếm hiệp. Bên cạnh việc mua lại bản quyền và Việt hóa, phát hành tại Việt Nam, công ty cũng có đội ngũ phát triển game.

 

Mảng này còn có ZingPlay - cổng game giải trí đa nền tảng đầu tiên tại Việt Nam, tập hợp các các game tự phát triển bởi đội ngũ kỹ sư VNG để phục vụ khách hàng trên nhiều thị trường khác nhau.

 

Về hệ sinh thái Zalo bao gồm các nền tảng di động và ứng dụng phục vụ người dùng trong hoạt động hằng ngày như liên lạc (Zalo), tin tức (Bao Moi), nghe nhạc (Zing MP3), giải trí (Zing TV), tiếp thị di động (Adtima) và Trợ lý tiếng Việt (Kiki).

 

Zalo là ứng dụng được biết đến nhiều hơn cả, hiện đứng số 1 về thị phần ứng dụng liên lạc trực tuyến tại Việt Nam, vượt qua những "tên tuổi" ngoại như Messenger, WhatsApp (cùng thuộc Meta), Viber, Telegram... Cùng với Zalo, dịch vụ như Bao Moi (Báo Mới), Zing MP3, Zing TV đều nổi tiếng ở lĩnh vực của mình, được lòng phần đông người dùng và có thể cạnh tranh ngang ngửa với dịch vụ trực tuyến của nước ngoài.

 

 

 




No comments: