Tuesday, September 24, 2024

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO : HOA KỲ ĐI ĐẦU VỀ CÁCH TÂN, TRUNG QUỐC ƯU TIÊN ỨNG DỤNG KIỂM SOÁT XÃ HỘI (Trọng Thành / RFI)

 



Trí tuệ nhân tạo: Mỹ đi đầu về cách tân, Trung Quốc ưu tiên ứng dụng kiểm soát xã hội

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 23/09/2024 - 15:48  -  Sửa đổi ngày: 23/09/2024 - 15:56

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240923-tr%C3%AD-tu%E1%BB%87-nh%C3%A2n-t%E1%BA%A1o-m%E1%BB%B9-%C4%91i-%C4%91%E1%BA%A7u-v%E1%BB%81-c%C3%A1ch-t%C3%A2n-trung-qu%E1%BB%91c-%C6%B0u-ti%C3%AAn-%E1%BB%A9ng-d%E1%BB%A5ng-ki%E1%BB%83m-so%C3%A1t-x%C3%A3-h%E1%BB%99i

 

Trong cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra như vũ bão, mỗi cường quốc có các định hướng khác nhau. Theo nhiều nhà quan sát, nếu như Mỹ đi đầu về nghiên cứu cơ bản và các cách tân quyết định trong lĩnh vực này, Trung Quốc ít ưu tiên cho việc phát triển các công nghệ mới bằng việc áp dụng các công nghệ sẵn có với mục tiêu chủ yếu là kiểm soát xã hội, kiểm soát nền kinh tế.

 

HÌNH :

Ảnh minh họa: Tổng giám đốc nghiên cứu của tập đoàn Bách Độ, Trung Quốc, Robin Li thuyết trình về phát triển trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh, ngày 04/07/2018. AP - Ng Han Guan

 

Chuyên gia về chính sách đối nội và đối ngoại, và quan hệ Trung - Mỹ Shaoyu Yuan, Đại học Rutgers – Newark, bang New Jersey, Mỹ, có bài tổng hợp về chủ đề này với tựa đề ‘‘China leans into using AI − even as the US leads in developing it’’ (Hoa Kỳ dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo trong lúc Trung Quốc là nước ứng dụng nhiều nhất), trên The Conversation (ngày 21/08/2024). Shaoyu Yuan xem xét trước hết chiến lược về trí tuệ nhân tạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017, đặt mục tiêu vượt Mỹ để vươn lên đứng đầu thế giới vào năm 2030.

 

 

Hai mô hình đối lập

 

Chuyên gia Đại học Rutgers – Newark nhấn mạnh là chiến lược của Mỹ và Trung Quốc khác nhau đáng kể. Hoa Kỳ về mặt truyền thống ưu tiên các nghiên cứu cơ bản, các đột phá về công nghệ dựa vào các cơ sở nghiên cứu lớn như Viện Massachusetts Institute of Technology hay Đại học Stanford cùng các tập đoàn công nghệ như Google và Microsoft, đã tạo được các đột phá trong lĩnh vực ‘‘học máy’’ (machine learning).

 

Việc phát triển của trí tuệ nhân tạo tại Mỹ chủ yếu dựa vào một mạng lưới phi tập trung hóa, gồm các cơ sở đại học, doanh nghiệp tư nhân và cơ quan chính phủ, với các lợi ích rất nhiều khi khác xa nhau. Ngược lại, chiến lược của Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo thiên hẳn về chỗ do nhà nước chỉ đạo, và hướng đến các mục tiêu chính của chế độ, là kiểm soát xã hội và kế hoạch hóa kinh tế.

 

Cho đến gần đây, khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc về mặt nghiên cứu cơ bản và cách tân công nghệ vẫn được coi là lớn, theo một số nhà quan sát. Theo chuyên gia Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc, Chen Runsheng, được báo Hồng Kông South China Morning Post (30/07/2024) dẫn lại theo Global Times (một cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc), ‘‘các Mô hình Ngôn ngữ Lớn’’ (LLM - Large Language Models), được coi là các công nghệ nền tảng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sử dụng tại Trung Quốc chủ yếu dựa trên các mô hình và thuật toán do Mỹ phát triển. Trong một hội thảo mới đây, chuyên gia Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc thừa nhận ‘‘nếu chúng ta đạt được các tiến bộ trong lý thuyết cơ bản thì chúng ta mới có thể đạt được các cách tân đột phá và thực chất’’.

 

 

Lý thuyết, siêu máy tính và linh kiện: Những hạn chế của Trung Quốc

 

Ngoài lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết, hai lý do chính khác khiến Mỹ đi trước trong nghiên cứu cơ bản, theo trang mạng Le Grand Continent (của một nhóm tư vấn địa chính trị độc lập của Pháp), là việc Mỹ vẫn dẫn trước Trung Quốc về ‘‘các siêu máy tính’’, công cụ tối cần thiết để thúc đẩy phát triển ‘‘các Mô hình Ngôn ngữ Lớn’’. Trong số 10 siêu máy tính mạnh nhất hiện nay, Mỹ có 6 máy, châu Âu có 3, Nhật Bản có một. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, phát triển các máy tính có tốc độ tính toán cực nhanh đang trở thành lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt Mỹ - Trung, và hiện có rất ít thông số trong thời gian gần đây do cuộc Chiến tranh Lạnh dấy lên trong lĩnh vực này.

 

Lý do thứ hai là khiến Mỹ tiếp tục dẫn trước do Trung Quốc yếu hơn về công nghệ bộ vi xử lý, được sử dụng để huấn luyện trí tuệ nhân tạo, đặc biệt do các cấm vận của Mỹ với các linh kiện và công nghệ tối tân trong lĩnh vực này những năm gần đây.

 

 

Trí tuệ nhân tạo đưa tư tưởng Tập Cận Bình thấm sâu vào xã hội

 

Đứng sau Mỹ về lĩnh vực cách tân công nghệ cơ bản, nhưng trong việc ứng dụng các công nghệ này trong việc kiểm soát xã hội, Trung Quốc lại dẫn đầu. Chuyên gia Shaoyu Yuan dẫn ví dụ về ứng dụng quản lý thảo luận trực tuyến, với chatbot Xue Xi (Học Tập), do Đại học Thanh Hoa (Tsing Hua) nổi tiếng, Bắc Kinh, phát triển. Ứng dụng chatbot Học Tập này có mục tiêu làm cho xã hội thấm nhuần các quan điểm, các tư tưởng mà đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn tuyên truyền, và trước hết là trong đội ngũ đảng viên.

 

Khác với các mô hình trí tuệ nhân tạo phương Tây được xây dựng để tạo điều kiện cho việc các đối thoại mở, chatbot Học Tập của Đại học Thanh Hoa được hình thành chủ yếu nhằm đưa ‘‘tư tưởng Tập Cận Bình’’ xâm nhập sâu vào xã hội.

 

 

Hệ thống nhận mặt người

 

Nhà nghiên cứu Shaoyu Yuan lưu ý là, ví dụ nói trên hoàn toàn không phải là một trường hợp đơn lẻ, mà nằm trong một chủ trương rộng lớn hơn nhiều, với hàng loạt hệ thống giám sát quy mô lớn, do trí tuệ nhân tạo kiểm soát. Một trong các ví dụ là hệ thống nhận mặt người được triển khai tại khu tự trị Tân Cương, nhằm kiểm soát dân cư thuộc sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Với các mục tiêu này, vấn đề cách tân đột phá công nghệ không đặt ra, mà quan trọng là được cải tiến, thích ứng để giúp chế độ kiểm soát xã hội và ngăn chặn mọi biểu hiện bất đồng chính kiến.

 

 

‘‘Chấm điểm công dân’’: AI giúp nhà cầm quyền điều khiển từng hành vi

 

Hệ thống ‘‘chấm điểm xã hội’’ đối với mỗi công dân là một ‘‘sáng tạo’’ đặc biệt của Bắc Kinh nhằm siết chặt kiểm soát con người đến từng hành vi. Trong lĩnh vực này, trí tuệ nhân tạo góp phần quyết định. Hành vi liên quan để sử dụng tiền bạc, ứng xử trên các mạng xã hội, các hoạt động nơi công cộng… được ghi điểm và được tính sổ, để đương sự rút cục sẽ nhận được các hình thức thưởng hoặc phạt.

 

Trí tuệ nhân tạo giúp cho việc ghi nhận và xử lý những khối lượng dữ liệu khổng lồ, ‘‘theo thời gian thực’’. Hệ quả của hệ thống chấm điểm xã hội tinh vi này, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, là nhà cầm quyền gia tăng kiểm soát, trong lúc mỗi cá nhân ngày càng mất tự chủ, càng gần hơn với phận vị của một chiếc đinh ốc trong guồng máy xã hội.

 

 

Xuất khẩu mô hình toàn trị

 

Trung Quốc không chỉ sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo để siết chặt kiểm soát xã hội, mà còn đang xuất khẩu các công nghệ theo mô hình này sang nhiều nước đang phát triển. Trong dự án Con đường Tơ lụa Mới toàn cầu, các tập đoàn Trung Quốc như Huawei và ZTE đã cung cấp các hệ thống giám sát nhận mặt người, vốn bị cấm sử dụng tại châu Âu, cho chính quyền nhiều nước châu Phi, châu Mỹ Latinh, và Đông Nam Á. Chuyên gia Shaoyu Yuan nêu ví dụ của Zimbabwe, mà các công ty Trung Quốc hỗ trợ phát triển các hệ thống nhận mặt người trên quy mô toàn quốc, có thể được sử dụng để đàn áp giới tranh đấu, đối lập chính trị, như điều đã và đang diễn ra tại Trung Quốc.

 

Các hệ thống giám sát này, dĩ nhiên góp phần cải thiện an ninh tại các nước sở tại, nhưng cũng tham gia vào việc xuất khẩu mô hình độc tài, toàn trị của Trung Quốc cạnh trạnh với mô hình dân chủ phương Tây.

 

 

Lợi thế của độc tài và cuộc cạnh tranh khốc liệt

 

Chuyên gia về chính sách với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo Angela Huyue Zhang, giáo sư luật, Đại học University of Southern California, lưu ý đến lợi thế của các chế độ độc tài như Trung Quốc hay Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này (L'avantage des pays autoritaires en matière d'IA, Project Syndicate, 04/09/2024), đó là khác hẳn với các nước dân chủ, bị các quy định ràng buộc, các chế độ này rảnh tay trong việc khai thác những khối lượng dữ liệu khổng lồ của nhà nước cũng như tư nhân, để hoàn thiện các mô hình AI.

 

Chiến lược nhờ trí tuệ nhân tạo siết chặt kiểm soát xã hội và sử dụng các dữ liệu dồi dào nhờ việc siết chặt kiểm soát xã hội bằng trí tuệ nhân tạo có thể mang lại những lợi thế đáng gờm cho Trung Quốc, quốc gia hiện xếp hạng thứ hai trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sau Mỹ.

 

-------------------------

Các nội dung liên quan

 

TRUNG QUỐC - CÔNG NGHỆ - CHÍNH TRỊ

Bắc Kinh muốn nhồi chủ nghĩa xã hội vào trí tuệ nhân tạo

 

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Báo động về những nguy cơ của trí tuệ nhân tạo đối với nhân loại

 

QUỐC TẾ - TRUNG QUỐC

Trí thông minh nhân tạo: "Bước đại nhảy vọt mới" của Trung Quốc?






No comments: