Sunday, September 1, 2024

SO SÁNH QUAN ĐIỂM CỦA HARRIS và TRUMP về CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI (Council on Foreign Relations / Nghiên Cứu Quốc Tế)

 



So sánh quan điểm của Harris và Trump về chính sách đối ngoại

Nguồn: The 2024 Candidates on Foreign Policy,” Council on Foreign Relations, 26/08/2024

Tạ Kiều Trang, biên dịch

30/08/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/08/30/so-sanh-quan-diem-cua-harris-va-trump-ve-chinh-sach-doi-ngoai/#more-58118

 

Tài liệu này điểm qua mười lĩnh vực chủ chốt trong chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris.

 

Phó Tổng thống Kamala Harris đang tranh cử tổng thống trong khi chính quyền Biden – Harris đang đối mặt với nhiều vấn đề về chính sách đối ngoại, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine và Dải Gaza, tình trạng di cư gia tăng, và căng thẳng với Trung Quốc.

 

Cựu Tổng thống Donald Trump đang tranh cử để có thêm một nhiệm kỳ nữa nhằm tiếp tục chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông, đánh dấu một sự khác biệt rõ rệt với các chính quyền tổng thống Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trước đây.

 

VIDEO :

So sánh quan điểm của Harris và Trump về chính sách đối ngoại  

https://www.youtube.com/watch?v=D42qMP7HGCg

 

Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ

 

Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến các nhà phân tích dự đoán sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong địa chính trị. Trong khi đó, TikTok và các công ty công nghệ nước ngoài khác tiếp tục gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách, những người e ngại rằng các công ty này có thể là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

 

Bà Harris cho rằng Washington cần có nhiều động thái hơn để đảm bảo các công ty sử dụng các công cụ AI một cách có trách nhiệm. Bà đã điều hành các nỗ lực ban đầu nhằm thiết lập một cách tiếp cận cấp độ liên bang đối với việc quản trị bằng trí tuệ nhân tạo, và chính quyền Biden – Harris cũng áp dụng các biện pháp để làm chậm sự phát triển công nghệ tiên tiến của Trung Quốc.

 

Khi còn là tổng thống, ông Trump đã công bố các chiến lược quốc gia đầu tiên về những lĩnh vực mới nổi như an ninh mạng AI. Ông đã mô tả sự phát triển của trí tuệ nhân tạo như một cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc, trong khi cũng đang có những bất đồng với chính các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ đang dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ.

 

Trung Quốc

 

Cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc – hiện là một trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bên cạnh Mỹ – sẽ là một trong những thách thức chính sách đối ngoại quan trọng nhất mà chính quyền tổng thống kế nhiệm phải đối mặt. Chính quyền này sẽ phải xử lý mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Bắc Kinh về cả vấn đề thương mại lẫn an ninh.

 

Bà Harris cho rằng Mỹ cần phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền và các hành động “bóp méo” nền kinh tế toàn cầu, nhưng cũng cần hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các thách thức toàn cầu.

 

Ông Trump đã tìm cách đối đầu với Trung Quốc về những gì ông cho là một loạt các hành vi lạm dụng kinh tế. Ông cho rằng các hành động quyết liệt là cần thiết để bảo vệ người lao động Mỹ và giảm thâm hụt thương mại lớn giữa hai nước.

 

Biến đổi khí hậu

 

Trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ra thiệt hại ngày càng tăng trên toàn cầu. Khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng với tốc độ đáng báo động, khả năng xảy ra hạn hán nghiêm trọng, mưa quá mức, bão dữ dội và cháy rừng lớn đang gia tăng. Các chuyên gia cảnh báo rằng sự thay đổi trong các mô hình khí hậu sẽ tạo điều kiện cho sự lây lan của dịch bệnh và góp phần vào tình trạng thiếu hụt thực phẩm và nước.

 

Bà Harris cho rằng khủng hoảng khí hậu là một “mối đe dọa sống còn” đối với nhân loại. Bà đã ủng hộ nhiều chính sách khí hậu của Biden, bao gồm quyết định tái gia nhập Hiệp định Paris, và bà đã bỏ phiếu quyết định để thông qua dự luật đầu tư vào năng lượng sạch và khí hậu lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

 

Trong khi đó, ông Trump nhiều lần đặt nghi vấn về cơ sở khoa học của biến đổi khí hậu và bày tỏ sự nghi ngờ về việc liệu hoạt động của con người có phải chịu trách nhiệm cho sự biến đổi này hay không. Ông cam kết mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước, xem xét lại các sáng kiến năng lượng sạch của Biden, và rút Mỹ khỏi các nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu quan trọng.

 

Quốc phòng và NATO

 

Chiến lược quốc phòng của Mỹ đã chuyển hướng sang cạnh tranh với các cường quốc như Trung Quốc và Nga, sau gần hai thập kỷ tập trung vào các cuộc triển khai quân sự ở Afghanistan và Iraq. Với việc quân đội Mỹ hiện diện tại 178 quốc gia, vai trò của quân đội và các liên minh của Mỹ ngày càng trở nên gây tranh cãi.

 

Bà Harris đã khẳng định mình là một người ủng hộ mạnh mẽ hợp tác đa phương và NATO. Bà nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với Ukraine và thúc đẩy chính sách không gian quốc gia trong vai trò chủ tịch Hội đồng Không gian Quốc gia của Nhà Trắng.

 

Ông Trump lại chỉ trích NATO và đe dọa rút khỏi liên minh này. Trong thời gian làm tổng thống, ông đã tăng cường đáng kể chi tiêu quốc phòng và điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ để tập trung vào Trung Quốc và Nga.

 

Chính sách tài khóa và nợ quốc gia

 

Sức khỏe của nền kinh tế là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng của Mỹ trong việc tác động đến các sự kiện quốc tế. Mặc dù nền kinh tế vẫn vượt trội so với các nước khác, nhưng nhiều nhà kinh tế vẫn chỉ ra những dấu hiệu đáng lo ngại: mức nợ đang tăng vọt, lạm phát vẫn ở mức cao, và các công ty Mỹ đang tụt lại trong việc tạo ra một số công nghệ tiên tiến.

 

Bà Harris cho rằng chính sách kinh tế của bà tập trung vào việc tạo thêm cơ hội cho tầng lớp trung lưu. Chính quyền Biden – Harris đã chú trọng đến các khoản đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh, chống lại sự hợp nhất độc quyền, và tăng thuế đối với các tập đoàn và những người Mỹ giàu có nhất để chi trả cho gia tăng chi tiêu.

 

Trong thời gian làm tổng thống, ông Trump nhấn mạnh việc cắt giảm thuế và nới lỏng các quy định kinh tế, điều mà ông cho rằng đã thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và tạo việc làm. Ông cho rằng chi tiêu của chính phủ cần phải “cắt giảm mạnh mẽ” để giảm lạm phát.

 

Sức khỏe toàn cầu và phòng ngừa đại dịch

 

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những thay đổi sâu rộng về kinh tế và xã hội trên toàn thế giới, đồng thời làm dấy lên lo ngại về khả năng sẵn sàng đối phó của toàn cầu trước các mối đe dọa sinh học hoặc virus quy mô lớn trong tương lai. Những chia rẽ chính trị từ việc phản ứng với đại dịch gây ra có thể đang đe dọa tương lai của các chương trình sức khỏe toàn cầu của Mỹ, vốn trước đây nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai đảng.

 

Bà Harris đã đặt ưu tiên cho các vấn đề chăm sóc sức khỏe quốc gia và quốc tế. Bà luôn là một người ủng hộ mạnh mẽ quyền sinh sản và hứa sẽ khôi phục quyền phá thai bị tòa án tối cao bác bỏ. Bà cũng đã tham gia vào các nỗ lực của chính quyền để đối phó với đại dịch thuốc giảm đau gây nghiện opioid.

 

Ông Trump đã giám sát phản ứng của liên bang trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, phê duyệt hàng nghìn tỷ đô la để kích cầu nền kinh tế và thiết lập quan hệ đối tác công – tư để phát triển vắc-xin. Ông đã rút Washington khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và áp dụng quy định cấm các tổ chức nhận tài trợ từ Mỹ sử dụng bất kỳ khoản viện trợ nước ngoài nào cho các mục đích liên quan đến phá thai.

 

Nhập cư

 

Cuộc tranh luận gay gắt về nhập cư đã trở thành tâm điểm của nền chính trị trong nước khi dòng người di cư đến biên giới Mỹ – Mexico tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên các nguồn lực địa phương và liên bang. Chính sách an ninh biên giới và tị nạn ngày càng gây ra nhiều tranh cãi, và các nỗ lực để cải cách toàn diện hệ thống nhập cư đã liên tục thất bại tại Quốc hội.

 

Bà Harris ủng hộ việc cải cách vấn đề nhập cư một cách toàn diện. Bà được giao nhiệm vụ dẫn đầu các nỗ lực liên bang nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư từ Trung Mỹ, mặc dù những bình luận của bà Harris khuyến cáo những người muốn di cư không nên đến Mỹ đã gây ra tranh cãi.

 

Chính sách nhập cư và biên giới vẫn là những vấn đề chính của Trump, và chương trình nghị sự của đảng trong năm 2024 tái khẳng định cam kết của ông trong việc thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm giảm mạnh số người nhập cư hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Điều này bao gồm việc tiếp tục các hành động đã thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump nhằm định hình lại một cách triệt để chính sách về tị nạn, biên giới và trục xuất.

 

Trung Đông

 

Trung Đông tiếp tục thu hút sự chú ý toàn cầu và đặt ra thách thức đối với Mỹ khi các cuộc tấn công của nhóm nổi dậy Houthi đe dọa chuỗi cung ứng và cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn về cách đối phó với hành động gây bất ổn từ Iran. Trong khi đó, cuộc chiến giữa Israel và Hamas kéo dài – với số lượng người thương vong ngày càng tăng – khiến triển vọng hòa bình lâu dài trong khu vực dường như ngày càng xa vời.

 

Bà Harris ủng hộ ngừng bắn và thỏa thuận giải cứu con tin trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Bà cũng kêu gọi giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel – Palestine. Khi còn là thượng nghị sĩ, bà đã ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran và bỏ phiếu ủng hộ các hạn chế đối với việc bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út.

 

Cách tiếp cận của ông Trump đối với Trung Đông đã được xác định bởi sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel và Ả Rập Xê Út, cùng với lập trường đối đầu với Iran. Ông đã từ bỏ sự đồng thuận lưỡng đảng lâu nay bằng cách tuyên bố rằng mình không quan tâm đến việc một nhà nước Palestine riêng biệt được thành lập.

 

Nga – Ukraine

 

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, cuộc chiến tàn khốc nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, đã làm gia tăng căng thẳng đáng kể giữa Nga và các nước phương Tây, những nước đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt lên Moscow. Mỹ và các đồng minh đã cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho chính phủ Ukraine, điều này đã gây ra tranh cãi tại Washington.

 

Bà Harris cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các nỗ lực phòng thủ của Ukraine chống lại Nga “cho đến khi nào đạt được mục tiêu” để đối phó với mối đe doạ có thể gây ra cho phần còn lại của châu Âu nếu để Nga chiến thắng. Bà đã đại diện cho Mỹ trong các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine và khuyến khích Quốc hội cung cấp hàng chục tỷ đô la hỗ trợ tài chính cho Kyiv.

 

Ông Trump cho rằng ông sẽ không cam kết phê duyệt thêm viện trợ của Mỹ cho Ukraine nếu tái đắc cử. Khi còn là tổng thống, ông đã xây dựng mối quan hệ ấm áp hơn với Nga, mặc dù ông Trump cũng đã mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Moscow vì việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine vào năm 2014 và rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng với Nga.

 

Thương mại

 

Trong nhiều thập niên qua, Mỹ đã dẫn đầu phong trào tự do hóa thương mại toàn cầu, dựa trên niềm tin rằng các thị trường mở và vận hành dựa trên nguyên tắc sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng và gia tăng ảnh hưởng của Washington. Trong những năm gần đây, gia tăng bất bình đẳng thu nhập, Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ và sự suy giảm của ngành công nghiệp Mỹ đã làm dấy lên sự nghi ngờ ngày càng lớn về mô hình này trong cả hai đảng

 

Bà Harris cho rằng các thỏa thuận thương mại quan trọng nên bao gồm các biện pháp bảo vệ người lao động và môi trường. Bà chỉ trích thuế quan nhưng lại cho rằng Mỹ nên tìm phương án “giảm thiểu rủi ro” khi giao thương với Trung Quốc. Chính quyền Biden-  Harris đã quản lý việc tạo ra các chương trình trợ cấp khổng lồ cho năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng và công nghệ.

 

Ông Trump lập luận rằng hệ thống thương mại toàn cầu đã bị thao túng theo hướng chống lại lợi ích của Mỹ và là nguyên nhân gây ra các thâm hụt thương mại lớn, suy giảm trong ngành chế tạo, và khiến người Mỹ mất việc làm do công việc bị chuyển ra nước ngoài. Chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa năm 2024 cam kết đưa Mỹ trở lại vị thế “siêu cường chế tạo của thế giới” bằng cách “cân bằng lại cán cân thương mại” theo hướng sản xuất trong nước.

 

Nguồn: The 2024 Candidates on Foreign Policy,” Council on Foreign Relations, 26/08/2024

 

 

 

 



No comments: