Tuesday, September 3, 2024

PHẢI THỐNG NHẤT NHẬN THỨC. . . (Nguyễn Khắc Mai / Báo Tiếng Dân)

 



 

Phải thống nhất nhận thức…

Nguyễn Khắc Mai

03/09/2024

https://baotiengdan.com/2024/09/03/phai-thong-nhat-nhan-thuc/

 

Phải thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân, của nước. Tôi rất thích câu này, vì thế lấy nó làm đầu đề bài viết.

 

Đúng là phải thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới. Nhiều bạn bè bảo với tôi rằng, nói thế là muộn. Có người bảo muộn còn hơn không. Tôi nghĩ khác: Lịch sử thì không muộn mà cũng không sớm, lịch sử là lịch sử.

 

Có thể người Nhật hay người Hàn họ bảo, “chúng mày là muộn”. Nhưng tôi là người Việt, tôi cho rằng vấn đề của chúng ta là nghĩ cho rõ, cho ra thế nào là cái khởi điểm lịch sử mới của chúng ta mà thôi.

 

Thế nào là kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân, của Nước? Ai cũng biết câu nói này là của Tô Tổng Chủ. Gần đây ông đã nhắc lại trong phát biểu tại lễ kỷ niêm 79 năm ngày 2-9.

 

Người Việt trong thời đại mới đã nhiều lần có khởi điểm mới. Năm 1945, rồi 1954, rồi 1975, 1986 và nay. Nhưng phải nhận rằng, mình đã có một tật xấu cố hữu, đến mức nó trở thành cốt tính mà không hay. Đó là tình “hời hợt”.

 

Hời hợt là một tính xấu, mà những cố đạo nước ngoài đã phát hiện khi họ đến Đàng ngoài vào thế kỹ 16-17. Nó cũng là một nhận xét chết người của cố nhà văn vĩ đại Vũ Trọng Phụng, khi Vũ tiên sinh bảo rằng người Việt mình có một tính xấu (những tư tưởng gì cao siêu ở đâu hễ cứ đưa vào Việt nam mình thì đều hư hỏng, thối nát cả). Đến mức ông bạn quá cố Hoàng Ngọc Hiến của tôi đã phải kêu lên “cái nước Việt nó thế!”.

 

Tôi mạo muội nghĩ rằng, người Việt đã nhận thức những khởi điểm đó vừa hời hợt mà làm cũng hời hợt. Nhưng mà thôi, “cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” mà làm gì. Hãy nghĩ xem cái khởi điểm lịch sử, cái kỷ nguyên mới của Việt nam mình hiện là gì? Và làm gì? (Que Faire?) Đó là một câu hỏi của Liệt Ninh hay Lý Ninh, tên của Lenin mà người mình phiên âm vào đầu thế kỷ trước. Tuy thế, Lý Ninh cũng không trả lời được câu hỏi hóc búa của mình, lại để bọn Nga ngố hiện nay trả lời một cách bênh hoạn.

 

Để hiểu, biết và làm được cho đúng cái khởi điểm lich sử, cái kỷ nguyên mới của mình, phải đi từ cái then chốt, nhận thức cho đúng cái thời đại của mình. Về vấn đề này, người Mỹ La Tinh có hai phát kiến vĩ đại.

 

Thứ nhất, họ đã đề cập đến một cố tật của nhân loại mới: Sự đánh tráo khái niệm. Họ đã viết một cuốn sách nhan đề: “Sự Tráo Trở của Phương pháp luận”.

 

Thứ hai, họ đã viết “Trăm Năm Cô đơn” và chỉ rõ nhân loại đang tiến hóa ngược, nghĩa là con người đang mọc trở lại cái đuôi ở khúc xương cụt. Con người đang mọc đuôi, trở lại thành thú vật! Nhiều nhà nước đang đối xử với những quốc gia dân tộc khác như thú vật. Thật hết biết!

 

Thế thì không dông dài mà lạc đề. Xin nói ngay vào câu chuyện. Chủ tịch – Tịch Tô – có một cách đặt vấn đề đúng. Giờ đây phải thống nhất với nhau, Đảng và Dân về cái khởi điểm lịch sử mới, tức là cái kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam.

 

Năm 1945, ông Hồ lúc bấy giờ những người cộng sản gọi là “cha già của dân tộc”, từng mơ tưởng Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Ngày nay không những không thể sánh vai được, mà cả sánh vế còn khó. Tuy nhiên, vận nước hôm nay đã có Đổi Mới, mặc dầu tiếng kèn vẫn ngập ngừng. Dẫu sao một cơ ngơi mới đã hình thành. Có điều như cách anh Trọng từng nói, thì đó là do “Định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tôi không nghĩ thế. Định hướng XHCN chỉ là cái tên bề ngoài mà thôi. Phải suy tư như Lão Tử “danh khả danh phi thường danh”. Cho nên những của nả mà chúng ta đang có trong tay, như buôn bán hai chiều Việt – Mỹ, Việt – Trung đã lên tới hàng trăm tỷ đô la, có đến 500 tấn vàng đang là của dân…. tất tần tật chính là giá trị gia tăng mà chủ nghĩa tư bản để lại, cố nhiên cái phần lớn thì họ đã chuyển về nước họ rồi. Chỉ thế, ta cũng đã đổi đời.

 

Hãy nhìn thẳng vào sự thật để tránh tự lựa dối mình. Chính ông Mã khắc Tư (tên của Các Mác phiên âm theo kiểu Tàu, một thời ta vẫn dùng) từng bảo: “Một khi chưa có nền kinh tế sản xuất hàng hóa dồi dào trên cơ sở kỹ thuật cao (hight tech, mà nay thì còn là kinh tế tri thức, kinh tế tin học, kinh tế trí tuệ nhân tạo…) chưa có con người phát triển toàn diện, thì pháp quyền tư sản dẫu là hạn hẹp cũng không thể vượt qua”, và khuyên những người cộng sản hãy bắt chước những thực tế tiên tiến của những dân tộc hiện đại mà làm chính sách. Cớ chi ta cứ nhảy cẩng lên, nào là tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Rốt cuộc lại phải đổi mới (buộc tráo trở phương pháp luận) để làm chủ nghĩa tư bản hoang dã và thân hữu. Những nước thức thời như Nhật, Hàn, Đài, Sing, Brazil, Ấn Độ mà cả Trung Hoa nữa, đều đàng hoàng làm chủ nghĩa tư bản một cách thành tâm, văn minh, họ đều vươn mình cất cánh, khiến vào thập niên 60 của thế kỷ trước họ cũng chỉ cùng ta một niveau, vậy mà sau 40-50 năm họ đã là bậc thầy của ta rồi.

 

Hãy mở mắt để nhìn sự thật này, Hàn Quốc chỉ trong vòng hơn 5 năm là đã nâng gấp đôi tổng sản phẩm quốc gia của họ. Còn Việt thì sao (dẫu Việt nghĩa là vượt lên) mà ta chỉ bò băng bước sên nên theo thống kê của Harvard, Việt phải bò gần 25 năm mới nâng được gấp đôi tổng sản phẩm của mình.

 

Ông Tô nói đúng, mọi điều ngày nay phải dựa vào dân. Hãy để dân mở miệng (lời cụ Hồ), hãy để dân thật sự là ông chủ. Không than thở như Ăng-ghen (Engels): Cớ sao những đảng viên thường thay vì coi đám quan chức (thời ấy Ăng-ghen chưa dùng từ leader, lãnh tụ như hiện nay) là đầy tớ để bảo ban và phê bình, lại quay ra coi họ là một đám quan liêu không bao giờ mắc sai lầm.

 

Tôi cho rằng không có định nghĩa nào hay hơn, vừa cay đắng vừa đúng đắn. Hãy để dân làm kinh tế tư nhân (đây mới thật sự là yêu nước thương dân). Hãy xin dân làm kinh tế thị trường, cớ sao vẫn giữ tâm thức ăn xin như thuở trước, xin cầu phong, xin chỉ đạo, rồi cáp rá đi xin mua rẻ thức ăn họ nuôi gia súc về phân phát cho dân, thậm chí tôi biết có cuộc lễ 40 năm kỷ niệm Hoàng Sa mà Thành ủy Đà Nẵng, đã chuẩn bị phải dừng vì thiên triều chỉ thị!

 

Nay thì đi xin cơ chế thị trường. Tại sao không dám xin dân? Một khi dân đã làm kinh tế thị trường hỏi cần gì đi xin ai nữa. Nếu thật sự để cho dân làm chủ đất nước, thật sự Lập quyền Dân, như một khẩu hiệu văn hóa năm 1945, thì không nhất thiết phải dựng một cái lò tôn bức bối và đau đớn để rồi phải tống vào đó những đồng chí bị lộ. Cái lò này không có triết lý mục tiêu. Người ta làm lò để nung vôi, để đun nước sưởi ấm, để làm chum vại, để luyện kim. Dẫu ngờ nghệch như Mao thì cũng để nông dân đúc gang, rồi chất đống không biết để làm gì. Dẫu sao cũng là tuyên bố để cho đặng bằng Anh quốc. Ở ta dựng lò chỉ là để chặt và đốt.

 

Cho nên người dân mới ca cẩm, ông Trọng mới xây lò. Ông chặt, ông đốt những cây ông trồng. Người ta bảo dân Việt không có triết học, có lý chăng?

 

Hãy Lập quyền Dân. Nói như cụ Hồ, “mọi quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân”. Làm cho Dân có quyền hành, có giàu mạnh, có dân trí, thì đố ai muốn làm quan mà không chịu nâng cao quan trí của mình. Xưa cụ Tản Đà có câu: “Cũng bởi dân ta ngu quá lợn. Cho nên chúng nó dễ làm quan”. Cụ Hồ cũng từng bảo vì dân dại nên quan tham.

 

Hãy tạo điều kiện mở ra cánh cửa thênh thang cho dân có trí có khôn, thì dân sẽ mạnh giàu, nước cũng sẽ mạnh giàu. Tôi thấy anh Tô Lâm từng nói điều này với báo chí sau khi vừa được bầu làm Tổng Bí thư. Có điều xin đừng chỉ nói đạo lý suông. Cái chính là phải có tư duy chính sách. Những người lãnh đạo cộng sản rất giỏi nói đạo lý, nhưng chỉ có tư duy chính sách mới đưa được đạo lý trở thành cuộc sống.

 

Có một vấn đề ở tầm quan trọng chiến lược, đó là quan hệ chiến lược toàn diên Việt – Mỹ. Phải thừa nhận đây là công của ông Trọng. Chính ông đã dũng cảm quyết định nâng lên tầm cao mới mối quan hệ này. Trong tất cả những quan hệ chiến lược mà Viêt Nam đang có, thì đây là tầm chiến lược toàn diện quan trọng và đặc biệt hơn hết. Phải để tâm, trí, minh triết đặng suy nghĩ và thực hiện nó. Bỏ lỡ thời cơ này là có tội lớn.

 

Tuy thế, tôi không thấy ông Trọng đưa ra trung ương và cho toàn dân bàn, cho đến nơi đến chốn về mối quan hệ chiến lược này. Thế nào là chiến lược, thế nào là toàn diện? Khoa học và giáo dục làm gì? Kinh tế, các ngành làm gì? v.v… Tôi van vái mọi người, hãy dành tâm huyết cho việc này. Không dễ đâu. Chuyện Fulbright đang xảy ra thì rõ. Còn lắm kẻ đang thò tay lông lá phá bỉnh!

 

Gần đây, báo chí nói nhiều về Di chúc của Hồ chí Minh. Phải chăng đang có ý định sửa đổi tư duy chính trị, để nó hợp lý hơn, bớt cường điệu cứng nhắc, bớt giáo điều. Hồ Chí Minh không ráo riết nói giai cấp nói cộng sản, thậm chí ông còn bảo chớ dán nhãn cộng sản lên trán mà người ta sợ. Ông nói nhiều về dân chủ, về độc lập, thống nhất, thậm chí còn nói, có độc lập thống nhất mà dân không có hạnh phúc tự do thì cũng chẳng nghĩa lý gì.

 

Người ta bình luận tràng giang đại hải. Nhưng có câu này hay thì không dám nói. Di chúc có câu, cần có một cuộc chiến để xóa bỏ hư hỏng, cũ kỹ, kiến tạo những tốt tươi đẹp đẽ. Đổi mới năm 1986 có đem lại sự thay đổi về tư duy kinh tế, nhưng những hư hỏng, cũ kỹ về Đảng, về chính trị thì lại càng hư hỏng, cũ kỹ nhiều hơn. Vẫn là câu hỏi mà Lý Ninh đã nêu ra cho cộng sản Nga là: “Que Faire?” –  Làm gì?

 

Muốn làm gì thì phải hỏi như dân. Tự những người cộng sản quả thật họ đang không thể có những câu trả lời đúng đắn và đứng đắn.

 

Tôi chỉ viết những điều này như những nguyện ước của một người đã đến cõi, đang bước tới ngã ba vào Văn điển. Chỉ tha thiết mong rằng những người lãnh đạo thế hệ mới, hãy làm như người Hàn, người Sing, phục vụ cho cuộc vươn mình của nước họ. Hãy bắt chước Trường Chinh và vượt Trường Chinh, dám xé cái cương lĩnh hư hỏng, cũ kỹ để viết một cương lĩnh Đổi Mới. Hãy làm như Trần Nhân Tông mách bảo, mỗi lần nêu ra là một lần mới.

 

Xin thành tâm cầu mong cuộc đổi mới lần thứ hai được thực hiện để thực sự có cuộc vươn mình ngoạn mục của Dân, của Nước. Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn dư địa để sám hối, để làm người tử tế. Hãy đi theo vết xe thành tựu của những đảng Dân chủ-Xã hội châu Âu một thời, hãy thành tâm học gương của Nhật, của Hàn, của Sing, của Đài. Họ đều là hậu duệ của người Việt cổ cả đấy.






No comments: