Monday, September 16, 2024

"DRONE RỒNG PHUN LỬA" : VŨ KHÍ MỚI CỦA UKRAINE CHỐNG QUÂN NGA (Thùy Dương / RFI)

 



« Drone rồng phun lửa » : Vũ khí mới của Ukraina chống quân Nga

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 16/09/2024 - 08:04

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240916-drone-r%E1%BB%93ng-phun-l%E1%BB%ADa-v%C5%A9-kh%C3%AD-m%E1%BB%9Bi-c%E1%BB%A7a-ukraina-ch%E1%BB%91ng-qu%C3%A2n-nga

 

Báo chí Pháp nửa đầu tháng 9 cho biết trên nhiều mạng xã hội đã liên tiếp xuất hiện các hình ảnh về loại vũ khí mới Ukraina đưa ra chiến trường, « drone rồng phun lửa », được trang bị vũ khí gây cháy với sức nóng lên tới 2.200 độ C, không thể dập tắt, có thể tiếp tục cháy ngay cả trong nước. Không chỉ phá hủy các thiết bị kim loại, gây thương tích, "drone rồng" còn là một loại vũ khí đánh vào tâm lý của đối phương.

 

HÌNH :

Ảnh tư liệu : Một lính cứu hỏa Nga nói chuyện qua bộ đàm, phía sau là một kho chứa xăng dầu bốc cháy do bị drone Ukraina tấn công. Sébastopol, Crimée, ngày 29/04/2023. AP

 

Qua một video đăng tải trên mạng X, bộ Quốc Phòng Ukraina hôm 04/09/2024 xác nhận đang triển khai « drone rồng » khạc lửa thiêu cháy các thiết bị quân sự mà các lực lượng Nga giấu dưới các lùm cây. Những chiếc drone với sức tàn phá khủng khiếp « là đôi cánh báo thù của chúng tôi, với hỏa lực trực tiếp dội xuống từ trên trời », binh lính Ukraina thuộc đơn vị drone của lữ đoàn cơ giới số 60 đang triển khai drone rồng tuyên bố trên mạng xã hội Facebook, được La Croix ngày 12/09 trích dẫn.

 

Còn theo Le Monde ngày 06/09, việc Ukraina sử dụng loại vũ khí này đã được phía Nga xác nhận, chẳng hạn trong video công bố ngày 05/09, một người lính Nga kể lại hậu quả của một cuộc tấn công bằng drone trang bị vũ khí nhiệt nhôm. Từ một vị trí ẩn náu trong một khu rừng thông, người lính giải thích rằng đơn vị của anh thuộc trung đoàn xe tăng 59 « đã mất hết trang bị, vũ khí, đạn dược, phương tiện cơ giới, máy phát điện, đồ dùng cá nhân, tài liệu, mọi thứ đều đã bị đốt cháy ». Người đàn ông có khuôn mặt bị làm mờ để che giấu danh tính, yêu cầu được « viện trợ nhân đạo ». Xung quanh người lính này, đất cát phần nào đã bị cháy thành than, xung quanh lửa vẫn bốc cao.

 

Theo nhóm tình báo nguồn mở Owl Osint, trung đoàn xe tăng số 59 của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga (FAFR) được triển khai ở phía đông bắc thành phố Kreminna, vùng Luhansk, ngay phía trước lữ đoàn cơ giới số 60 của Lực lượng Vũ trang Ukraina (FAU).

 

Ngày 04/09, kênh Telegram « Voenny Osvedomitel » của Nga (Người cung cấp thông tin quân sự), có 620.000 người đăng ký, đã cho biết : « Việc lực lượng vũ trang Ukraina sử dụng drone trang bị vũ khí nhiệt nhôm để đốt thảm thực vật diễn ra ồ ạt. Việc sản xuất là ở quy mô công nghiệp (…). Thật đáng tiếc là Lực lượng vũ trang Liên bang Nga vẫn cứ chờ đợi, chúng tôi sẽ phải sản xuất không chỉ loại drone tương tự của riêng mình mà còn phải tìm ra các biện pháp đối phó ».

 

Sức mạnh của drone rồng đến từ thermite - hợp chất hóa học gây cháy - hỗn hợp oxit sắt và bột nhôm. Phản ứng nhiệt nhôm - phản ứng hóa học giữa oxit sắt và bột nhôm tạo ra nhiệt độ cao tới 2.200°C, cao gấp đôi so với mức nhiệt 1000 độ C của bom Napalm mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam trong những năm 1960. Mức nhiệt độ cao đến 2.200 độ C làm tan chảy bất kỳ loại kim loại nào và xuyên thủng xe bọc thép hoặc bong-ke. Không gì có thể dập tắt được ngọn lửa do phản ứng hóa học tạo ra, thậm chí lửa vẫn tiếp tục cháy trong nước, theo trang mạng Popular Mechanics, được France 24 trích dẫn hôm 09/09. Chính những đặc tính đó khiến từ hơn 1 thế kỷ nay thermite được giới quân sự tìm kiếm rất nhiều để áp dụng vào vũ khí gây cháy.

 

 

Vũ khí nhiệt nhôm đầu tiên được sử dụng ?

 

Ngược dòng lịch sử, tình cờ được nhà hóa học người Đức Hans Goldschmidt phát hiện ra năm 1893, chất đốt này ban đầu được dùng để cắt kim loại, rồi sau đó được giới quân sự dùng để chế tạo vũ khí gây cháy. Khí cầu Zeppelin của Đức đã dội bom nhiệt nhôm xuống Vương quốc Anh vào năm 1915, trong khi cả hai phe trong Đệ nhị Thế chiến đều sử dụng bom nhiệt nhôm một cách ồ ạt. Ví dụ, quân Đồng minh đã thả hơn 30 triệu quả bom nhiệt nhôm xuống Đức.

 

Bom nhiệt nhôm sau đó được sử dụng ở Việt Nam vào những năm 1960 và gần đây hơn là ở Syria, theo báo cáo của Human Rights Watch hồi năm 2023.

 

Nhưng chính Ukraina đã đổi mới bằng cách « trang bị » bom nhiệt nhôm cho drone. Vicky Karyoti, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế và sự xuất hiện của các công nghệ mới trong các cuộc xung đột, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển, giải thích : « Họ gắn chúng vào các drone bán trên thị trường ». Chuyên gia của Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển cho rằng việc biến drone thành « rồng phun lửa » « dễ thực hiện hơn và rẻ hơn so với việc Ukraina phải phát triển hoặc mua bom nhiệt nhôm ». Việc oanh kích bằng drone trang bị bom nhiệt nhôm cũng kín đáo hơn, do drone không gây nhiều tiếng ồn và và bay thấp hơn so với máy bay nên khó bị radar phát hiện hơn.

 

 

Gây thương tích rất khủng khiếp và đau đớn

 

La Croix ngày 12/09 trích dẫn báo cáo hồi năm 2020 của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW), theo đó các vết thương gây do vũ khí gây cháy, trong đó đương nhiên có vũ khí nhiệt nhôm, gây ra cho con người là vô cùng đau đớn và khó chữa trị. Những vết bỏng có thể sâu đến tận xương, gây tổn thương đường hô hấp, gây nhiễm trùng, các chấn thương và chứng suy nội tạng. Chính vì thế, việc sử dụng vũ khí nhiệt nhôm bị cấm, trừ phi không thể sử dụng vũ khí ít gây hại hơn để triệt tiêu khả năng gây hại của kẻ thù.

 

 

Tổn hại về tâm lý 

France 24 ngày 09/09 cho biết Ukraina dùng drone rồng lửa như một loại « vũ khí tâm lý » đánh vào đối phương. Frank Ledwidge, chuyên gia về các vấn đề quân sự Liên Xô tại Đại học Portsmouth của Anh, nhấn mạnh là binh sĩ đối phương sẽ bị chấn động trước « nguy cơ bị thiêu sống » một cách khủng khiếp.

 

Đối với chuyên gia này, việc Ukraina đăng tải và cho lan truyền các video « drone rồng phun lửa » cũng là một chiêu tuyên truyền của Kiev : « Đó là cách để quân đội Ukraina nói với kẻ thù : ‘Hãy nhìn mà xem, chúng tôi cũng có thể tàn bạo giống như các anh đấy nhé’ ». Trên thực tế, quân Nga từng bị cáo buộc sử dụng vũ khí gây cháy, đặc biệt là trong chiến dịch tấn công vào Bakhmut của Ukraina.

 

Đây cũng là cách Kiev để xoa dịu dư luận Ukraina. Vicky Karyoti, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế và các công nghệ mới trong các cuộc xung đột, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển, nhấn mạnh : « Tinh thần của quân đội và người dân Ukraina không ở trạng thái tốt nhất và đây là cách chứng minh rằng quân đội có khả năng gây thiệt hại cho lực lượng Nga ». Đối với chuyên gia Karyoti, các « drone rồng » cũng minh họa sự phát triển trong cách Ukraina sử dụng drone. Ban đầu chủ yếu được sử dụng cho các nhiệm vụ trinh sát, sau đó drone được các lực lượng Ukraina trang bị chất nổ để tấn công vào các mục tiêu của Nga. Và đến giờ, drone lại được trang bị chất gây cháy, biến thành « rồng phun lửa ».

 

Nicholas Drummond, nhà phân tích về công nghiệp quốc phòng, chuyên về chiến tranh trên bộ, và  cũng là cựu sĩ quan quân đội Anh, được La Croix trích dẫn, cũng tin rằng mục tiêu của việc triển khai drone nhiệt nhôm ở tiền tuyến Ukraina là nhằm gây bất ổn tâm lý, đe dọa lực lượng Nga ở Ukraina.

 

 

Loại vũ khí bị luật pháp quốc tế quản lý chặt chẽ?

 

Theo báo Pháp Libération ngày 10/09, các loại vũ khí gây cháy, vốn đã gây ra những thiệt hại lớn trong Đệ nhị Thế chiến, nhất là ở Tokyo, Nhật Bản ngày 10/03/1945, đã được luật pháp quốc tế quản lý chặt chẽ kể từ những năm 1980. Còn theo France 24, chính những hậu quả đau thương mà bom Napalm mà Mỹ thả xuống Việt Nam cũng đã thúc đẩy cộng đồng quốc tế thông qua Nghị định thư về cấm và hạn chế sử dụng vũ khí gây cháy tại Genève, Thụy Sỹ, ngày 10/10/1980.

 

Ukraina và Nga là hai trong số các nước phê chuẩn. Vũ khí gây cháy bị cấm sử dụng nhắm vào dân thường và tài sản dân sự cũng như các khu dân cư. Việc dùng máy bay phóng vũ khí gây cháy tấn công vào một mục tiêu quân sự nằm bên trong khu dân cư cũng bị cấm. Tương tự, việc dùng vũ khí gây cháy để tấn công các khu rừng và thảm thực vật cũng không được phép, trừ khi những khu vực tự nhiên này tự cấu thành mục tiêu quân sự, hoặc bị sử dụng làm nơi che chắn, hoặc ngụy trang cho các chiến binh hoặc các mục tiêu quân sự khác.

 

Tuy nhiên, theo Vicky Karyoti, Ukraina dường như không vi phạm quy định quốc tế bởi vì họ chỉ oanh kích vào các nơi bị xem như « vị trí quân sự của kẻ thù », tức là chủ yếu gồm các cấu trúc quân sự và xe cơ giới, chẳng hạn xe tăng.

 

Tuy nhiên, Frank Ledwidge chuyên gia về các vấn đề quân sự Liên Xô tại Đại học Portsmouth của Anh, khẳng định việc Ukraina tuyên bố sử dụng loại vũ khí gây tranh cãi này lại « có nguy cơ thúc đẩy kẻ thù làm điều tương tự », thậm chí thúc đẩy Nga phản ứng mạnh hơn. Hiện nay, các nhà bình luận quân sự Nga đã kêu gọi Nga tự sản xuất drone rồng phun lửa. Càng nhiều drone rồng thì nguy cơ các trung tâm đô thị hứng hỏa lực càng cao.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - HÀ LAN

Amsterdam cho phép Ukraina dùng vũ khí Hà Lan viện trợ tấn công các mục tiêu quân sự Nga

 

MỸ - UKRAINA - TÊN LỬA

Lãnh đạo Anh, Mỹ hoãn quyết định cho phép Ukraina dùng tên lửa phương Tây để tấn công Nga

 

ĐIỂM BÁO

Ukraina kiên trì kêu gọi phương Tây cho phép đánh sâu vào lãnh thổ Nga

 

 





No comments: