Tuesday, September 10, 2024

CHUYẾN THĂM MỸ CỦA BỘ TRƯỞNG PHAN VĂN GIANG : VIỆT NAM CÓ THỂ MUA CHIẾN ĐẤU CƠ MỚI (RFA)

 



Chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Phan Văn Giang: Việt Nam có thể mua máy bay chiến đấu mới?

RFA
2024.09.10

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/minister-phan-van-giang-visit-to-the-us-can-vietnam-buy-new-fighter-planes-09102024165837.html

 

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang từ ngày 6 đến 11 tháng chín diễn ra ngay trước chuyến làm việc của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, có thể từ 22 đến 24 tháng 9 năm 2024. Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 9 tháng Chín năm 2024 cho biết trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và người đồng cấp Hoa Kỳ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc, hai bên thống nhất tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm phát triển "thương mại quốc phòng,” tăng cường “khả năng phục hồi của nền tảng công nghiệp” và “chia sẻ thông tin”. Hai bên đã ký “Bản cập nhật Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng Hoa Kỳ - Việt Nam” để vạch ra lộ trình cho tương lai của quan hệ đối tác quốc phòng giữa hai nước. Đây là bản cập nhật của bản đầu tiên, được hai bên kí năm 2015, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ khi đó là Ashton Carter. Chuyến làm việc dài ngày của Tướng Phan Văn Giang tại Hoa Kỳ trước chuyến làm việc của ông Tô Lâm ở New York, mặc dù chỉ được công bố thông tin sơ sài, được một số nhà quan sát cho là chỉ dấu cho thấy quan hệ quốc phòng hai nước đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

 

Hợp tác quân sự tầm cao mới

 

Vào tháng trước, từ ngày 18 đến 20 tháng tám, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thăm Trung Quốc và ký 14 thỏa thuận hợp tác. Chuyến làm việc tại Liên Hiệp quốc của ông Tô Lâm trong tháng chín được một số nhà quan sát cho là đang đàm phán để có thể kết hợp thăm chính thức Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt, mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam với cả hai siêu cường này sẽ quan hệ với nhau như thế nào.

 

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, Australia, cho rằng đối với Việt Nam, mặc dù cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều là “đối tác chiến lược” ở cấp cao nhất, mối quan hệ với hai siêu cường đi theo hai hướng khác nhau. Một bên nằm trong khung khổ “cộng đồng chung tương lai” do Trung Quốc đề xướng, còn một bên trong nằm khung khổ “đối tác chiến lược toàn diện”. Ông phân tích:

 

“Cái định nghĩa về hợp tác trong khuôn khổ “cộng đồng chung tương lai” giữa Việt Nam và Trung Quốc và “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam với Mỹ thì nhấn mạnh vào hai yếu tố khác nhau. Cộng đồng chung tương lai nhấn mạnh nhiều vào yếu tố chính trị, còn “đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ thì nhấn mạnh vào kinh tế, giáo dục, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mảng quốc phòng an ninh bị chìm xuống dưới.

 

Chuyến thăm của ông Phan Văn Giang tới Mỹ có thể là một bước đi thăm dò của cả hai bên. Chúng ta đã lên “đối tác chiến lược toàn diện” rồi thì hai bên nâng cấp hợp tác quốc phòng trong tương lai thế nào để xứng đáng với mối quan hệ này.

 

Mỹ và phương Tây rất tò mò xem Việt Nam mong muốn gì mà muốn nâng cấp đến mức độ nào, những hoạt động mới nào. Quan hệ quốc phòng trước đây chỉ loanh quanh giải quyết các di sản chiến tranh. Còn ở giai đoạn “đối tác toàn diện” trước đây thì việc Mỹ tặng tàu cho Việt Nam là đã lớn lắm rồi. Hoặc Mỹ gửi tàu đến thăm viếng hai năm một lần. Như thế là lớn lắm rồi.

 

Còn ở giai đoạn mới này, “đối tác chiến lược toàn diện”, thì Mỹ có thể muốn thúc đẩy những hoạt động đó mạnh mẽ hơn, có ý nghĩa hơn. Những hoạt động thăm dò là cần thiết để hai bên đẩy quan hệ quốc phòng lên một bậc mới, tương xứng với các quan hệ kinh tế, công nghệ, đổi mới sáng tạo.”

 

Hầu hết các nhà quan sát đều đồng tình với nhận định rằng mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiến triển lên một mức độ cao hơn. Điều đó không chỉ tương xứng với “tên gọi” của mối quan hệ mà còn do sự thúc đẩy của các chuyển động an ninh trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông.

 

Trao đổi với RFA, Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, Canada, nhận định rằng nếu thông tin về chuyến thăm Hoa Kỳ dự kiến của ông Tô Lâm nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới là chính xác, mục đích chuyến thăm có thể xoay quanh nhiều vấn đề chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó có nhiều chỉ dấu cho thấy hồ sơ Biển Đông, an ninh và quốc phòng có vẻ khá nặng ký. Riêng về tiềm năng hợp tác về an ninh, Luật sư Vũ Đức Khanh nói: 

 

“Ông Tô Lâm từng là người từng đứng đầu Bộ Công an, và sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh nội địa cũng có thể là một điểm thảo luận quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hai bên đang mở rộng quan hệ chiến lược. Việt Nam có thể tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, công nghệ và nâng cao năng lực trong việc bảo vệ an ninh nội địa.”

 

 

Việt Nam có thể mua máy bay nào?

 

Về hợp tác quân sự, Reuters mới đây đưa tin rằng Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đang bàn về khả năng mua máy bay vận tải C-130 với lý do rằng đòn thử này có thể tiết giảm sự giận dữ từ Bắc Kinh vì C-130 được xem là máy bay vận tải chứ không phải là vũ khí tấn công.

Vẫn theo Reuters, bên cạnh C-130, Việt Nam cũng có thể xem xét mua các thiết bị khác như các loại máy bay giám sát, tuần tra hoặc thậm chí máy bay chiến đấu như F-16. Nếu Việt Nam có kế hoạch mua máy bay chiến đấu F-16 hoặc máy bay vận tải C-130 của Hoa Kỳ, đây sẽ là một bước tiến lớn trong hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt. Điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi chiến lược, khi Việt Nam trước đây thường phụ thuộc vào vũ khí của Nga.

Theo quan sát của Luật sư Vũ Đức Khanh, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đến Washington từ ngày 6 đến 11 tháng Chín có thể là một bước chuẩn bị, thảo luận về các vấn đề liên quan đến hợp tác quân sự, bao gồm cả khả năng bán vũ khí này.

 

Theo nhà nghiên cứu Trần Bằng ở Đại học Paris II, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều mảng, không giới hạn trong mua bán vũ khí, trang bị. Tuy nhiên, mảng mua bán được quan tâm nhiều vì nó đem lại lợi ích ngắn hạn cho cả hai: lợi ích kinh tế cho bên bán và tăng cường năng lực quân sự cho bên mua, cũng như lợi ích cho các bên trung gian thúc đẩy đàm phán, kí kết hợp đồng và giao hàng.

 

Nhà nghiên cứu Trần Bằng cho biết Việt Nam đã cho về hưu toàn bộ loạt máy bay vận tải hạng nhẹ nguồn gốc Liên Xô An-26. Như vậy, ngoài số máy bay vận tải cánh quạt hai tầng cánh rất cũ An-2 cũng nguồn gốc Liên Xô thì Việt Nam vận hành máy bay vận tải hệ châu Âu, ba chiếc C-295 và năm chiếc C-212, trong đó có ba chiếc trong biên chế Cảnh sát biển.

Vị chuyên gia về kỹ thuật quân sự ở Đại học Paris II cho biết, về tải trọng, so với máy bay C-212 (có tải trọng 4,5 tấn tối đa cho cả nhiên liệu và hàng hóa), C-295 (tải trọng khoảng 10 tấn tối đa cho nhiên liệu và hàng hóa), và An-26 trước đây (tải trọng chín tấn gồm nhiên liệu và hàng hóa) thì máy bay C-130 của Mỹ có tải trọng lớn hơn (khoảng 36 tấn tối đa cho nhiên liệu và hàng hóa, trong đó có 19 tấn cho hàng hóa). Như vậy, C-130 sẽ giúp linh hoạt hơn cho nhu cầu vận tải.

 

Tuy nhiên, về chi phí, nếu Việt Nam mua C-130, quân đội nước này sẽ vận hành cùng lúc các máy bay của châu Âu và Mỹ. Chi phí hậu cần, kĩ thuật sẽ cao hơn so với dùng một loại thống nhất, nhà nghiên cứu về kỹ thuật quân sự ở Đại học Paris II nhận định.

 

Trong trường hợp Việt Nam muốn mua máy bay chiến đấu (tiêm kích, cường kích) của Mỹ, theo nhà nghiên cứu Trần Bằng, F-16 sẽ được lựa chọn ở thời điểm này. Bởi lẽ, Mỹ không bán F-22 cho bất cứ nước nào, chỉ dùng nội địa. Đối với F-35, Mỹ chỉ bán cho đồng minh thân cận. Tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chỉ có Nhật, Hàn Quốc, Úc và Singapore được mua F-35. Vì vậy, Việt Nam sẽ không mua được loại máy bay này.

 

Ngoài ra, nếu tính chi phí vận hành, hệ thống hỗ trợ thì Việt Nam hiện nay cũng không đủ năng lực, do đó chắc chắn không có kế hoạch trang bị loại máy bay thế hệ 5 này. F-16 có thể là lựa chọn của Việt Nam vì Việt Nam có thể mua. Mặt khác, Việt Nam có xu hướng mua các loại vũ khí đã qua kiểm nghiệm thực tế. Có thể việc F-16 tham chiến tại Ukraine sẽ giúp Việt Nam đánh giá chính xác hơn loại máy bay này, nhà nghiên cứu Trần Bằng nhận xét.  

 

Chuyến thăm dài ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đến Hoa Kỳ vừa qua và chuyến thăm được cho là có thể diễn ra sắp tới của Tổng Bí thư Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đối mặt với sức ép phải nâng cấp năng lực quốc phòng. Nhà nghiên cứu Trần Bằng lưu ý rằng từ khoảng sau 2040, các cường quốc khu vực sẽ trang bị đại trà máy bay thế hệ 5 và có thể sẽ chuẩn bị đưa vào trang bị máy bay thế hệ 6. Để tránh sức ép không đáng có, theo nhà nghiên cứu Trần Bằng, có lẽ Việt Nam cũng cần phải trang bị các máy bay chiến đấu (tiêm kích và cường kích) có các tính năng tiệm cận thế hệ 5.

 

-----------------------------------------------

 

Tin, bài liên quan

Thời Sự

 

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đi Hoa Kỳ: hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ theo hướng nào?

Mua bán dao dài trên 20 cm phải khai báo có hợp lý?

Kế hoạch hiện đại hoá quân đội của Việt Nam đang “dậm chân tại chỗ”

Có nên đưa dao vào danh mục vũ khí?

Ý kiến trái chiều về đề xuất Công an được nổ súng vào phương tiện giao thông

 

 





No comments: