Sunday, September 15, 2024

VÌ SAO TRUNG QUỐC HUNG HĂNG VỚI PHILIPPINES NHƯNG KHÔNG GÂY HẤN VỚI VIỆT NAM? (BBC News Tiếng Việt)

 



Vì sao Trung Quốc hung hăng với Philippines nhưng không gây hấn với Việt Nam?

BBC News Tiếng Việt

15 tháng 9 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3ejekl78l4o

 

Trong khi tranh chấp hàng hải kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines đã leo thang đáng kể trong những tháng gần đây với với hàng loạt vụ va chạm tàu trên nhiều khu vực của Biển Đông, chưa có ghi nhận nào về việc Bắc Kinh cản trở hoạt động bồi đắp đảo của Hà Nội tại quần đảo Trường Sa.

 

Chỉ trong hai tuần cuối tháng 8/2024, đã có ít nhất ba lần tàu Trung Quốc va chạm với tàu Philippines và cả hai bên đều cáo buộc bên kia cố tình đâm vào tàu mình.

 

Vào ngày 19/8/2024, một số tàu của Trung Quốc và Philippines đã va chạm gần bãi cạn Sa Bin ở quần đảo Trường Sa, điểm nóng mới sau Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scarborough.

 

Một đợt va chạm thứ hai cũng tại bãi Sa Bin đã diễn ra hôm 25/8, với việc cả hai bên một lần nữa đổ lỗi cho nhau.

 

Đến ngày 31/8, hải cảnh Trung Quốc tố tàu Philippines cố tình kéo mỏ neo đụng tàu Trung Quốc, trong khi tuần duyên Philippines tố tàu Trung Quốc cố tình đâm vào tàu của mình.

 

 

·        Đối phó Trung Quốc trên Biển Đông: Việt Nam cần 'rõ ràng, sòng phẳng' như Philippines?27 tháng 6 năm 2024

·        Bãi cạn Sa Bin: Điểm nóng tranh chấp mới giữa Trung Quốc và Philippines28 tháng 8 năm 2024

·        Viện nghiên cứu Trung Quốc nói Việt Nam bồi đắp các đảo 'chiếm đóng trái phép', báo Việt Nam phản công17 tháng 5 năm 2024

 

 

Trong khi đó, Việt Nam đã âm thầm đẩy nhanh quá trình bồi đắp đảo trên một số rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, với tiền đồn lớn nhất là bãi Thuyền Chài (tên tiếng Anh là Barque Canada) mà Philippines, Malaysia và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

 

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) được công bố vào ngày 7/6/2024 cho biết trong sáu tháng đầu năm, Việt Nam đã tăng tốc bồi đắp đảo với diện tích gần bằng tổng hai năm trước đó (tức năm 2022 và 2023) cộng lại.

 

Điều đáng lưu ý là không có những hoạt động cản trở của Trung Quốc đối với Việt Nam được ghi nhận.

 

Một động thái phản đối hiếm hoi gần đây của Trung Quốc với Việt Nam về vấn đề Biển Đông là khi Hà Nội nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông lên Liên Hợp Quốc vào tháng 7/2024.

 

Các nhà quan sát cho biết sự khác biệt về thái độ của Bắc Kinh đối với hai quốc gia Đông Nam Á do nhiều yếu tố, bao gồm mối quan hệ chính trị Việt Nam - Trung Quốc và liên minh Philippines - Mỹ.

 

Ngoài ra, việc giải mã logic đằng sau hành vi của Trung Quốc được cho là cũng giúp các nước liên quan có thể bảo vệ tốt nhất lợi ích của họ ở Biển Đông và xa hơn nữa.

 

VIDEO : Tàu Trung Quốc và tàu Philippines va chạm Tại Bãi Sa Bin

              https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3ejekl78l4o

 

 

Mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

 

Một trong những lý do mà các học giả nhắc đến đầu tiên là mối quan hệ lâu năm giữa Việt Nam và Trung Quốc.

 

Nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill từ trường Đại học De La Salle ở Manila (Philippines) nói với BBC rằng Việt Nam có mối quan hệ sâu sắc, và rất thận trọng khi hoàn toàn không can thiệp vào hệ thống chính trị của nhau, vì số lượng các đảng cộng sản trên thế giới hiện nay ít hơn nhiều so với khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

 

"Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gửi những tín hiệu ôn hòa hơn tới Bắc Kinh," ông Gill đánh giá.

Các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ đưa quan hệ song phương trở thành ưu tiên ngoại giao và cam kết cải thiện lòng tin và hợp tác lẫn nhau.

 

Tháng trước, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, hai bên đã nhất trí cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua "các cuộc tham vấn hữu nghị" và cho biết đã có sự đồng thuận "cấp cao" về nhu cầu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

 

Cựu đại tá không quân Raymond M. Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Stanford (Mỹ), cho biết ông không ngạc nhiên khi ông Tô Lâm chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên.

 

"Trung Quốc vẫn là mối quan hệ đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam vì mối liên hệ chặt chẽ giữa hai đảng cộng sản, sự hội nhập kinh tế, sự tương đồng, nhưng chủ yếu là vì mối đe dọa an ninh lớn mà Trung Quốc gây ra," ông giải thích.

  

XEM TIẾP >>>>>  

 






BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH CHÍNH SÁCH '4 KHÔNG', KÊU GỌI 'TÔN TRỌNG CHỦ QUYỀN' TẠI DIỄN ĐÀN HƯƠNG SƠN (VOA Tiếng Việt)

 



Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khẳng định chính sách ‘4 không’, kêu gọi ‘tôn trọng chủ quyền’ tại Diễn đàn Hương Sơn

VOA Tiếng Việt

13/09/2024

https://d3b3zrdseqdlj1.cloudfront.net/a/bo-truong-quoc-phong-viet-nam-chinh-sach-4-khong-ton-trong-chu-quyen-dien-dan-huong-son/7783227.html

 

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang khẳng định Hà Nội nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập và kiên định chính sách “4 không” của mình cũng như kêu gọi các nước tôn trọng độc lập chủ quyền khi phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh ở Trung Quốc hôm 13/9, theo truyền thông trong nước.

 

VIDEO :  https://d38m9eot84nxcx.cloudfront.net/d722b5d9-d3b3-4052-87f6-838dcebe88fe_tv_w1023_r1.jpg

Diễn đàn Hương Sơn: Việt Nam khẳng định chính sách ‘4 không’, kêu gọi ‘tôn trọng chủ quyền’

 

Ông Giang tái khẳng định lại điều mà các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam từng nhiều lần nói trước đây về chính sách quốc phòng và đối ngoại của Việt Nam nhằm cân bằng giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, trong bài phát biểu mà Quân đội Nhân dân nói là “quan trọng” và Tuổi Trẻ cho biết đã “nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự diễn đàn”.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nằm trong số những người phát biểu tại phiên toàn thể của buổi khai mạc hôm 13/9 tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, một đối thoại an ninh khu vực thường niên mà Trung Quốc thiết lập từ năm 2016. Diễn đàn năm nay, có sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng và quan chức từ hơn 100 nước, có chủ đề là “Cùng xây dựng hòa bình, cùng chia sẻ tương lai.”

 

Khẳng định rằng Việt Nam là một nước yêu chuộng hòa bình, ông Giang nói rằng Hà Nội nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ” và “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ” của mình, theo Quân đội Nhân dân.

 

Chính sách đối ngoại đa phương hóa của Việt Nam được thể hiện mạnh mẽ trong ngoại giao “cây tre” mà quốc gia Đông Nam Á thực hiện trong những năm qua, với việc chính quyền Hà Nội gần đây đưa Mỹ và các đồng minh của Washington, gồm Nhật Bản và Úc, lên thành đối tác quan trọng bậc nhất ngang hàng Trung Quốc và Nga.

 

Trong bài phát biểu cũng được Tuổi Trẻ trích dẫn, ông Giang nhắc tới sự kiên định của Việt Nam trong việc thực hiện chính sách quốc phòng “4 không” và nhất quán không liên kết với nước này để chống nước kia.

 

Ông Giang cũng nêu rõ rằng tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ, nhất là chủ quyền trên biển, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, còn nan giải như nhiều nơi trên thế giới. Nhưng trước sau như một, theo ông Giang, Việt Nam kiên trì giải quyết mọi vướng mắc, bất đồng bằng biện pháp hòa bình và thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, theo Quân đội Nhân dân và Tuổi Trẻ.

 

Trong khi nói rằng Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của các nước tại khu vực vì mục đích hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam kêu gọi các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như phản đối mọi hành động làm gia tăng căng thẳng, phức tạp hay cản trở sự thịnh vượng và ổn định của mỗi quốc gia.

 

Ông Giang không đề cập trực tiếp cụ thể đến nước nào nhưng Việt Nam có tranh chấp chủ quyền nhiều nhất với Trung Quốc trên Biển Đông và đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh đưa tàu thuyền xâm phạm lãnh hải của mình.

 

Chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam cũng được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến nhắc đến khi gặp mặt Quốc vụ khanh Quốc phòng Vương quốc Anh và Bắc Ireland Vernon Coaker tại Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Anh hôm 13/9 tại Hà Nội, theo VietNamNet.

 

Trong buổi đối thoại, ông Chiến nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên định chính sách “4 không” – trong đó không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự và không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế – và thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa.

 

Theo VietNamNet, Đối thoại diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Anh được quan tâm thúc đẩy và hợp tác quốc phòng tiếp tục là thành tố quan trọng.

 

 




GIỚI PHÂN TÍCH : CHUYẾN ĐI CỦA ÔNG PHAN VĂN GIANG ĐẾN MỸ CÓ THỂ MỞ ĐƯỜNG CHO THỎA THUẬN C-130 (VOA News)

 



Giới phân tích: Chuyến đi của ông Phan Văn Giang đến Mỹ có thể mở đường cho thỏa thuận C-130

VOA News

13/09/2024

https://d3b3zrdseqdlj1.cloudfront.net/a/7783244.html

 

Các nhà phân tích cho biết chuyến thăm Washington tuần này của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang cho thấy những tiến bộ trong hợp tác giữa hai nước, bất chấp chủ nghĩa dân tộc Việt Nam đang gia tăng cho thấy cảm tính chống Mỹ có thể đang gia tăng ở Việt Nam.

 

https://d38m9eot84nxcx.cloudfront.net/aec650a9-6afb-4237-be06-b462583b0773_cx0_cy9_cw0_w1023_r1_s.jpg

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (phải) chào đón Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Tướng Phan Văn Giang (trái) đến Lầu Năm Góc, vào ngày 9/9/2024.

 

Một nhà phân tích có trụ sở tại Hoa Kỳ nói với VOA hôm thứ Năm (12/9) rằng chuyến đi của ông Giang đã đặt nền tảng cho việc Hà Nội có khả năng mua máy bay vận tải quân sự từ Hoa Kỳ năm nay.

 

Ông Giang đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc vào thứ Hai (9/9). Cả hai nhà lãnh đạo “tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam”, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố, và lưu ý đến kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ của hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện, cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao của Hà Nội.

 

Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giải quyết những tác động lâu dài của cuộc chiến Việt Nam. Ông Austin tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ lập ngân sách 65 triệu đô la trong 5 năm tới để hoàn thành việc khử nhiễm dioxin tại căn cứ không quân Biên Hòa, nâng tổng số tiền chi ra từ bộ này lên 215 triệu đô la. Căn cứ không quân này là nơi nhiễm chính chất độc màu da cam trong Chiến tranh Việt Nam và vẫn là mối nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng đối với những người sống gần đó.

 

Ông Andrew Wells-Dang, người đứng đầu Sáng kiến Di sản và Hòa giải Chiến tranh Việt Nam tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, nói với VOA qua điện thoại vào ngày 5/9 rằng các chuyến thăm ngoại giao là chìa khóa để thúc đẩy những nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, bao gồm tìm kiếm và xác định hài cốt của những người lính mất tích. Ông cho biết cùng với chuyến thăm Hoa Kỳ của Thứ trưởng Quốc phòng Võ Minh Lương vào tháng 7, các chuyến thăm của các quan chức đã tạo ra “cơ hội cho họ có được sự hỗ trợ cấp cao”.

 

Ông Zachary Abuza, giáo sư tại Học viện Chiến tranh Quốc gia ở Washington và là chuyên gia về Đông Nam Á, nói các nỗ lực hòa giải chiến tranh chung cũng đặt nền tảng cho hợp tác quốc phòng nói chung.

 

“Hoa Kỳ rất hài lòng với sự phát triển trong quan hệ quốc phòng song phương. Nó bắt đầu từ mức rất thấp và được xây dựng dựa trên các sứ mệnh nhân đạo”, ông Abuza cho biết trong cuộc gọi ngày 29/8.

 

“Chúng ta chỉ tiếp tục xây dựng trên cơ sở đó”, ông nói thêm.

 

Máy bay vận tải

 

Reuters đưa tin vào tháng 7 rằng Hà Nội đang cân nhắc mua máy bay vận tải Lockheed Martin C-130 của Hoa Kỳ, theo các nguồn tin giấu tên.

 

Nhà phân tích có trụ sở tại Hoa Kỳ, người yêu cầu giấu tên vì ông chưa được phép thảo luận về chủ đề này, cho biết thỏa thuận C-130 đã được thảo luận nhưng chưa được hoàn tất trong chuyến thăm của ông Giang. Nhà phân tích cho biết thỏa thuận đã bị trì hoãn bởi “bộ máy quan liêu [của Hoa Kỳ]” và vì việc thúc đẩy thương vụ trong chuyến thăm Washington sẽ là “quá kích động đối với Trung Quốc”.

 

Ian Storey, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, lưu ý đến hành động cân bằng ngoại giao tinh tế của Việt Nam, được minh họa bằng hành trình công tác của ông Giang trước chuyến đi Washington.

 

“Việt Nam đặt mục tiêu duy trì mối quan hệ cân bằng với các cường quốc”, ông viết trong email ngày 30/8. “Vì vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã đến thăm Nga và Trung Quốc vào tháng 8”.

 

Ông Storey nói thêm rằng việc mua máy bay C-130 sẽ không gây ra mối đe dọa đối với Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển với Việt Nam.

 

“Máy bay C-130 sẽ cho phép Việt Nam vận chuyển quân đội và vật tư đến các đảo san hô do nước này đang kiểm soát ở Biển Đông, nhưng những tài sản này không mang tính chiến lược và sẽ không thay đổi động lực ở Biển Đông”, ông viết.

 

Ông Nguyễn Thế Phương, một chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học New South Wales Canberra, cho rằng việc mua máy bay C-130 sẽ là một “động thái mang tính biểu tượng”.

 

“Việt Nam sẽ cố gắng khai thác nhiều lĩnh vực hợp tác an ninh và quốc phòng hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để nâng cấp lên một cấp độ cao hơn, có ý nghĩa hơn”, ông nói với VOA vào ngày 30/8. “Máy bay C-130 sẽ là biểu tượng của mối quan hệ đang phát triển đó”, ông nói.

 

Ông Phương cho biết máy bay C-130 có thể là điểm khởi đầu vì vẫn còn sự ngờ vực giữa hai cựu thù về vũ khí sát thương và thỏa thuận này sẽ không khiến Trung Quốc quá tức giận.

 

“Điều này có thể khá có lợi cho Việt Nam”, ông nói về khả năng mua máy bay C-130. “Việt Nam có thể cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ và đồng thời, chúng không thể khiến Trung Quốc tức giận vì Việt Nam chỉ mua vũ khí không gây sát thương”.

 

Chủ nghĩa dân tộc gia tăng

 

Mặc dù có những dấu hiệu tích cực cho thấy mối quan hệ Hà Nội-Washington đang được cải thiện, nhưng cũng có những trường hợp gần đây cho thấy cảm tính chống phương Tây có thể cản trở mối quan hệ giữa hai nước, ông Phương cho biết.

 

Đại học Fulbright Việt Nam, nơi nhận được sự hậu thuẫn đáng kể từ Hoa Kỳ, đang phải đối mặt với cáo buộc kích động một “cuộc cách mạng màu”, tương tự như các cuộc nổi dậy của người dân ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

 

Vào ngày 21/8, Đài truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã phát sóng một bài phê phán Fulbright vì cáo buộc không treo cờ Việt Nam tại một buổi lễ tốt nghiệp và tạo điều kiện cho một cuộc cách mạng màu.

 

Bản tin đã bị gỡ xuống, nhưng ông Phương nói vấn đề Fulbright và các sự cố gần đây khác cho thấy sự căng thẳng giữa các phe phái bảo thủ và tự do của Việt Nam.

 

“Đó là sự thể hiện của cuộc đấu tranh liên tục giữa các phe phái khác nhau, phe bảo thủ và phe tự do”, ông Phương nói.

 

Theo ông Abuza, chính quyền Việt Nam có thể đang cố gắng thắt chặt kiểm soát trước thềm kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975.

 

“Tháng 4 năm sau là kỷ niệm 50 năm ngày Sài Gòn sụp đổ”, ông nói. “Người Việt Nam muốn kiểm soát câu chuyện đó 100%. Có rất nhiều điều nhạy cảm”.

 

Cùng với sự cố Fulbright, ông Phương chỉ ra sự náo động gần đây xung quanh những nghệ sĩ Việt Nam bị chụp ảnh với lá cờ Việt Nam Cộng Hòa khi đi du lịch đến Hoa Kỳ. Ngoài ra, câu chuyện một học sinh trung học Việt Nam đã phải đối mặt với nạn bắt nạt trên mạng và bị công an triệu tập sau khi đăng bài vào tháng 9 rằng em muốn rời khỏi đất nước và “có lẽ sẽ không bao giờ nhìn thấy [Đảng Cộng sản] một cách tích cực nữa”.

 

“Hiện tại, có chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Việt Nam”, ông Phương nói. “Nó chống lại các giá trị phương Tây”.

 

--------------------------------

LIÊN QUAN

Bộ trưởng QPVN Phan Văn Giang thăm Mỹ, tăng cường lòng tin chiến lược, hợp tác song phương thế nào?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Việt Nam hội đàm, ký kết tuyên bố tầm nhìn chung

 

 

 




THƯ GỬI MIỀN BẮC! (VietTuSaiGon / Blog RFA)

 



Thư Gửi Miền Bắc!

VietTuSaiGon  

Thứ Năm, 09/12/2024 - 10:44 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/8157

 

Gửi đến miền Bắc thương yêu với tất cả tấm lòng của tôi!

 

Tôi còn nhớ những năm sau 1975, cha tôi đi vắng, mẹ tôi nói rằng cha sẽ đi rất lâu, chưa biết sống chết ra sao và cũng chưa biết bao giờ cha được về. Hai chữ “cải tạo” như một bóng ma ám ảnh lấy chúng tôi. Thế rồi cha về, cái địa danh Cổng Trời xa xôi nào đó làm tôi thấy sợ miền Bắc, điều đó như một thứ lực cản vô hình.

 

Và những ngày tôi đến trường, trong lúc vắng cha, những bài học đầu của tôi có gì đó mang âm hưởng miền Bắc xa xôi ấy, với “Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi/ Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt/ Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát/ Chuyến phà rào rạt bến nước Bình Ca...”. Lúc ấy, trong sâu thẳm tâm hồn tôi, miền Bắc như một bức tranh, vừa thân quen vừa xa lạ, vừa chứa chan yêu thương lại vừa ma quái và chết chóc. Bởi nơi ấy đẹp, nhưng cũng chính nơi ấy, đang giam giữ cha tôi.

 

Nhưng rồi, lý lịch của tôi đã chặn đứng con đường học hành của tôi, tôi lại một lần nữa thấy miền Bắc đẹp và thơ mộng ấy có gì đó làm tôi sợ, làm tôi buồn và làm tôi thất vọng... mơ hồ!

 

Và miền Bắc, mỗi khi chú tôi nhắc về, nói về, nghe có gì đó sợ hãi, mệt mỏi, để rồi cuối cùng chú đã lên thuyền, quyết định cuối cùng của chú đã theo cùng chú vào lòng biển, vĩnh viễn không trở về. Cùng với hàng triệu con người khác.

 

Miền Bắc, hai chữ ấy, tôi còn nhớ như in hình ảnh bà Loan, một người con dâu phía ngoại của tôi, đã đến thăm gia đình tôi trong lúc vắng cha, đã cho mẹ tôi mười ký gạo, những ký gạo đã bốc múi ẩm mốc, được gói kĩ lưỡng, mang từ ngoài Bắc vào, để dành cho người miền Nam. Bà Loan nói rằng trước khi vào Nam, bà nghe nói miền Nam khổ lắm, chịu ách kìm kẹp, đàn áp của Mỹ Ngụy nên dân không có gạo mà ăn, không có nhà mà ở và bị hà hiếp đủ điều.

 

Dường như ai cũng dành một ít gạo mang vào cho miền Nam. Thế rồi ai cũng bất ngờ, ai cũng chưng hửng vì miền Nam giàu có, trù phú, tự do và hoa lệ, đâu có thấy miền Nam, Sài Gòn nào bị đàn áp, đói khổ đâu...

 

Có lẽ bà Loan là chiếc cầu nối giữa tôi và miền Bắc trở nên gần gũi và thân thương hơn. Sở dĩ miền Bắc đáng sợ trong tôi là vì những người nói giọng Bắc đã mang cha tôi đi cải tạo, những người nói giọng Bắc đã đẩy nhiều gia đình chúng tôi ra đường và những người nói giọng Bắc dường như đã lấy mất niềm hi vọng, tương lai của chúng tôi.

 

Thế rồi, theo thời gian, tôi làm ăn, đi lại ở miền Bắc, có một số gia đình trở nên thân thiết với tôi, trong đó gồm vài gia đình tại Cao Bằng, những người từng giúp cho cha tôi có chỗ ăn, chỗ làm việc tạm bợ để kiếm tiền độ nhật, đón xe về quê sau khi ra trại.

 

Càng về sau, tôi càng cảm giác rằng miền Bắc cũng giống như miền Nam, cũng có những con người chân chất, mộc mạc, quanh năm bám miếng ruộng nhỏ, rảnh rỗi thì đi làm thuê, làm đầu tắt mặt tối và đôi khi buồn quá, chán nản quá, cũng chửi thề, chửi vào một thứ gì đó không rõ, tiếng chửi thề như một tiếng thở dài.

 

Thế rồi theo thời gian, tôi hiểu ra rằng trong hàng ngàn dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, người miền Bắc nhiều lắm, và khi thành dân oan, Bắc hay Nam đều chung một nhà. Tôi đã từng đến thăm, từng chứng kiến những chiếc lều bằng vải dù, vải bạc trên vệ cỏ, những nồi niêu tạm bợ, mọi thứ tạm bợ đã gắn kết giọng nói bi thương của hai miền Nam - Bắc ngồi lại với nhau. Trong một bữa cơm màn trời chiếu đất, tình thương, nỗi bi thống của kiếp người hiện trên gương mặt từng người, hiện trên khóe miệng nhai cơm vội vã và hiện trong ánh mắt vô vọng Bắc - Nam!

 

Cũng từ khoảnh khắc ấy, tôi thấy miền Bắc và miền Nam là một nhà, miền nào cũng có người tốt, kẻ xấu, miền nào cũng có kẻ cơ hội, người trung kiên, miền nào cũng có kẻ ăn trên ngồi trốc làm ông nội thiên hạ và có người khiêm nhu, biết nhường cơm sẻ áo. Chúng ta đã nhầm, tôi đã nhầm đánh tráo một thứ gì đó với vùng miền, và chúng ta đã sống trong vết thương nhầm lẫn ấy, ngày càng sâu đậm. Chỉ khi nước mắt rơi, chỉ khi mạng người ngã xuống, chúng ta mới kịp nhận ra sự nhầm lẫn của mình, tuy đã quá muộn màng!

 

Như những ngày này, hình ảnh những đồng loại, đồng bào của tôi phải oằn mình chống chọi với đói lạnh, với đau đớn, với kinh hoàng, dường như không có nỗi đau nào ghê gớm hơn. Đang ngủ, đang ăn cơm, đang ngồi mơ tưởng về một ngày mai tốt đẹp hơn, đang nghĩ về đồng lúa trĩu hạt, hứa hẹn một mùa giáp hạt ấm bụng hơn, đang nghĩ về những bài học của con cái, của chính mình và tin rằng mình sẽ thay đổi, sẽ bớt cực khổ... Mọi giấc mơ chưa kịp khép màn thì đâu đó tai ương ập đến, mọi thứ trả về màn trắng, không còn gì, đau đớn, tang tóc phủ lên khắp mọi nơi!

 

Tôi đã  nhìn thấy một em bé chết vùi trong bùn non nhão nhoét, tôi đã nhìn thấy một người cha khóc gào tìm con, tìm vợ, tôi đã nhìn thấy một biển nước mênh mông và mỗi ngôi nhà nhỏ xíu, mong manh giữa biển nước ấy như một cánh lục bình, tôi đã nhìn thấy những tiếng kêu đau đớn, tuyệt vọng trên mạng xã hội, tôi đã nhìn thấy một nghĩa trang bị bứng tung vì lũ, tôi đã nhìn thấy một ngôi làng bị san bằng như bình địa, tôi đã nhìn thấy nước mắt và máu của đồng bào tôi nhỏ xuống mặt đất này...!

 

Bắc - Nam dường như chỉ là biên kiến, bởi tôi biết, trước đây mấy trăm năm, ông bà tôi đã giã từ miền Bắc, vào miền Nam khai cơ lập nghiệp, và dù có tưởng tượng kiểu gì, cách gì chăng nữa, ông bà chúng ta cũng không thể tưởng tượng ra được rằng sau này, con cháu sẽ tự vạch hai miền bằng cái vĩ tuyến 17 nào đó và tự ném đá, ném đạn bom, ném tang thương vào nhau để bảo vệ một thứ chủ thuyết xa lạ, lai căn nào đó. Đơn giản, với ông bà ta, cùng màu da, cùng vị nước mắt, cùng giọng nói và cùng trên một dải đất, tức là người một nhà.

 

Cũng như bây giờ, nỗi đau của miền Bắc chính là nỗi đau của miền Nam, nỗi buồn của miền Nam chính là nỗi buồn của miền Bắc, chúng ta phải yêu thương nhau và bóc bỏ toàn bộ những thứ vỏ chủ nghĩa, hiềm khích hay định kiến bên ngoài chiếc bánh chưng mà chúng ta đã gửi tặng nhau. Trong những ngày này, chúng ta thấu hiểu cái lạnh của nhau và chảy nước mắt vì điều ấy, bởi chúng ta yêu thương nhau vì màu da, tiếng nói, chúng ta chưa bao giờ yêu thương nhau vì một thứ chủ nghĩa xa lạ nào.

 

Những ngày qua, đối với miền Bắc thật khủng khiếp, chúng ta chưa bao giờ mường tượng được sẽ có một ngày bi khốn như vậy, tang thương ngút trời và mất mát, tai ương vẫn chưa chịu dừng. Dường như chúng ta đang bước vào một thời kì mới, thời kì mà chúng ta phải cởi bỏ đi các định kiến mà lâu nay chúng ta đã khoác trên mình, thậm chí khoác trên mặt đất, núi đồi, để rồi hôm nay, các thứ định kiến ấy bục vỡ, tạo thành dòng chảy chết chóc và cuốn xô mọi thứ, mọi giấc mơ.

 

Đã đến lúc chúng ta cởi bỏ, và trả về cho mặt đất này tình yêu thương với đầy đủ sự rộng lượng, bao dung, trắc ẩn của nó. Đã đến lúc chúng ta ngồi lại với nhau, để nghe nỗi đau của nhau, nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày, nhiều đời, nhiều kiếp... Và lắng nghe tiếng khóc, nước mắt của nhau... như những dòng sông đang lắng nghe tiếng nói của mây trời!

 

Xin cầu nguyện với tất cả lòng thương yêu, gửi đến miền Bắc niềm hi vọng bình an và chóng vượt qua gian khó, tang thương...!

 

 VietTuSaiGon's blog

 

 

 




CHÓ HÙA - CHUYỆN ĐỜI NAY (Nam Gia / Blog RFA)

 



Chó hùa - Chuyện đời nay (phần 3)

Nam Gia   |  Blog RFA

Thứ Năm, 09/12/2024 - 02:24 — nam gia

https://www.rfavietnam.com/node/8155

 

Dạo vài ba năm gần đây, trên mạng xã hội, người ta bắt gặp câu "nhờ 500 anh em..." cho một việc gì đó cần huy động để tấn công người khác khi gặp chuyện, mà người nhờ cậy cho là bị xúc phạm phẩm giá - danh dự hoặc để cùng làm những chuyện mang tính cá nhơn v.v... . Tưởng chuyện vui đùa chốc lát nhưng cái "500 anh em" đó lại truyền nhiễm như một bịnh dịch, để trở thành "bầy chó hùa" (!).

 

Trong các nghề chuyên môn, giới nghệ sĩ thường nhận lãnh hậu quả "chó hùa" nhiều nhứt. Ngày 23 tháng Tám năm 2024, báo Người Lao Động cho biết, ca sĩ Tóc Tiên bộc bạch [1] "... Tiên chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ có bất kỳ liên hệ nào với các tổ chức chống phá quê hương mình. Sự tham gia của Tiên vào các sự kiện đó chỉ đơn thuần là những màn trình diễn phục vụ nghệ thuật cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại với các bài hát hoàn toàn về tình yêu đôi lứa...". Cùng ngày, trang báo Công Thương có bài [2] "Phan Đinh Tùng nói gì về việc hát trước cờ ba sọc?", trong đó nói rõ, nam ca sĩ này xin lỗi về việc không cố tình hát dưới Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Trang Công Thương còn cho biết thêm "... Mấy ngày qua, vụ việc ca sĩ Phan Đinh Tùng biểu diễn tại Mỹ mà đằng sau có cờ ba sọc khiến mạng xã hội vô cùng bức xúc...". Không chỉ hai ca sĩ này, nghệ sĩ hề Việt Hương và ca sĩ Phạm Khánh Hưng cũng "tự động và tự nguyện" xin lỗi về việc này (!).

 

Trước đó, vợ chồng nghệ sĩ Quốc Nghiệp - Ngọc Mai chỉ vì một hình ảnh có lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ cũng bị "bầm dập" hoặc nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chỉ vì cái huy hiệu anh đeo trên ngực, gọi là "huy hiệu lạ" đã bị phạt 27,5 triệu đồng và bị cấm biểu diễn trong 9 tháng theo quyết định, do bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TPHCM ký vào ngày 10 tháng Bảy năm 2024.

 

Tất cả những dẫn chứng trên, đều xuất phát từ cái gọi là "dư luận bức xúc" (?!). Người quan sát không hiểu "dư luận" từ đâu mà vu vơ - vớ vẩn như vậy. Còn cơ quan công quyền kỷ luật ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, dựa trên Nghị định 38/2021/NĐ-CP ban hành ngày 29/3/2021, vốn chỉ "QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA VÀ QUẢNG CÁO", không có một điều khoản nào nói về "tính chính trị", kể cả cái huy hiệu đã được xác định là "huy hiệu lạ" hoàn toàn mù mờ không ai hiểu "lạ là lạ làm sao" (?!). Hóa ra, UBND TPHCM xử phạt chỉ vì... "dư luận bức xúc" (!). Đây là cách làm việc "chánh trị hóa nghệ thuật", vốn càng khiến cho giới nghệ sĩ "mất ăn mất ngủ", lẽ ra họ không đáng phải gánh chịu.

 

Gọi "dư luận bức xúc" cho... sang nhưng thực chất "lũ chó hùa" đã thành công, ít nhứt đối với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Yêu ghét cá nhơn được "pháp luật hóa", tưởng rằng xã hội bình an nhưng nó chính là điểm khởi đầu của một xã hội tao loạn. Bởi khi chính trị chen vô và chiếm trọn đời sống dân sự, lúc đó, bất cứ kẻ nào cũng được và chỉ cần "nhờ 500 anh em", cùng đồng loạt nhân danh "yêu nước" và "chống bọn phản động" tấn công một cá nhơn là... xong! Thử hỏi, có bất cứ nhà nước nào trên toàn thế giới  đặt ra "tiêu chuẩn yêu nước" để người dân tuân theo? Yêu nước? Không có một dân tộc nào trên toàn cầu không yêu nơi họ được sanh ra và lớn lên. "Yêu nước kiểu chó hùa" là một thứ nhập nhằng, nhằm cố tình dùng đám đông ô hợp - hung hãn để hãm hại người đang bị ghét dơ bằng cách để bụng, rồi soi mói, rình mò từ những cặp mắt cú vọ - như thời "Cải Cách Ruộng Đất" và bọn "Cách Mạng Ba Mươi Tháng Tư" một thuở - để đạt được sự khoái trá của "một lũ chó hùa" mà thôi!

 

Người dân co cụm và e dè trước nạn "chó hùa" đã đành. Người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, với sự sợ hãi bám đầy trong tâm tưởng cùng mỗi câu nhạc hát lên, mỗi bộ trang phục phải rụt rè, mỗi hành vi đứng dưới "cờ này cờ kia" cũng dễ dàng tạo ra "tai bay vạ gió" v.v... Như vậy "hồn nghệ thuật" có còn chỗ nào trong giới nghệ sĩ, để thỏa sức cống hiến đam mê cho khán giả?

 

Khi "lũ chó hùa" thành công có nghĩa, việc toa rập hãm hại người khác đã được nhà nước CHXNCNVN công nhận gián tiếp. Vậy thử hỏi, còn gì là "thượng tôn pháp luật"?

 

Thói tánh "chó hùa" khiến con người ta mất hết liêm sỉ - "dục thùng rác" danh dự, biến con người ngày càng trở nên ti tiện và hèn đớn. Thói tánh "chó hùa" khiến con người ta bất phân phải trái  - không kể tình thâm, chỉ cần thỏa mãn bản thân. Thói tánh "chó hùa" nảy nở tràn lan, tức là tự thân mình biến thành nô lệ mà không hay biết, vì chỉ biết "sủa hùa" theo con chó đầu đàn. Đã là nô lệ tức không phân biệt trắng - đen, không màng lễ giáo, đánh mất lương tri. Đã là nô lệ tức chỉ tuân lịnh chủ nô một cách tuyệt đối. Xã hội hỗn loạn từ đây mà ra.

 

Một xã hội dung chứa nạn "chó hùa" lan tràn là một xã hội tan nát nhơn tâm. Một xã hội tan nát nhơn tâm đừng bao giờ nghĩ về "đoàn kết".

 

Một nhà nước để  mặc nhiên cho "bọn chó hùa" sanh con đẻ cái ngập tràn và thậm chí đồng lõa với "lũ chó hùa" bằng những quyết định xử phạt phi đạo lý - vô pháp luật, tức là chính tay nhà nước đó đã trực tiếp đẩy người dân của mình vào hố nô lệ.

 

[1] https://nld.com.vn/toc-tien-len-tieng-xin-loi-ve-nhung-sai-sot-trong-qua...

 

[2] https://congthuong.vn/phan-dinh-tung-noi-gi-ve-viec-hat-truoc-co-ba-soc-...

 

[3] https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/dam-vinh-hung-co-bi-phat-neu-luu-die...

 

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-38-2021-ND-CP-xu...

 

nam gia's blog

 

 

                                                       *****

 

Chó hùa - Chuyện đời nay (phần 2)

Nam Gia   |  Blog RFA

Thứ Năm, 09/05/2024 - 02:20 — nam gia

 https://www.rfavietnam.com/node/8152

 

"Chó hùa" - Chuyện Đời Nay

 

Ngót nghét 70 năm từ thuở đó, thói tánh này không hề "nguôi ngoai" chút nào với bản chất lưu manh - côn đồ, vốn có của dòng máu "dân đói thì đói nhưng nghe nói cướp chính quyền thì đi ngay”.

 

Có lẽ cũng nên phân biệt "Chó hùa" với các băng đảng ăn cướp vào lúc bấy giờ, như: Bạch Hải Đường hay Đại Cathay v.v... Bởi những người này đều được gọi là "tướng cướp", vốn dĩ vẫn có tranh giành địa bàn và thanh toán lẫn nhau nhưng họ không có thói "Chó hùa" và đặc biệt không bao giờ hiếp đáp người cô thế. Do đó, trước 1975, người dân miền Nam hầu như không có thói tánh "Chó hùa", bởi những mâu thuẫn xảy ra giữa chòm xóm, đều được giải quyết êm đẹp đúng nghĩa "tối lửa tắt đèn có nhau". Còn trong trường học, thế hệ chúng tôi đều hiểu, mọi xích mích phải được thầy - cô phân giải, trên tinh thần "học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau"  (Học Sinh Hành Khúc - nhạc sĩ Lê Thương)

 

Người dân sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, hầu hết đều sống bằng đạo đức thật và tuân thủ pháp luật. Người lớn thì như vậy. Còn con nít đang độ tuổi đi học cũng luôn được dạy dỗ về lễ giáo, song song với học chữ. Trường học cũng như trường đời, người dân miền Nam luôn biết phân biệt phải trái và cư xử với nhau bằng tình nghĩa. Thêm vô đó, trong trường học không hề có bóng dáng đảng phái - đoàn thanh niên - đội thiếu niên tiền phong - đội sao đỏ - hội cha mẹ phụ huynh học sinh v.v... Tại công sở cho tới các bịnh viện - công ty hay hãng xưởng v.v... không có bóng dáng đảng phái đã đành, cũng không hề xuất hiện những màn "đấu tố" - Đây chính là nguồn cội cho thói tánh "Chó hùa" lan truyền và lây nhiễm. 

 

Sau 1975, cả miền Nam bàng hoàng chết lặng khi Việt Nam Cộng Hòa sập đổ... Kể từ thuở ấy, người người đều xanh mặt - trắng mắt và tập quen dần, để sống theo "văn hóa XHCN" được du nhập vào, cùng cuộc di cư lặng lẽ nhưng ồ ạt của người Bắc sau 1975. Thế cho nên, người đời mới đặt tên "Bắc 54" để phân biệt với "Bắc 75" là vậy. Cũng cần nói cho rõ: Bắc 54 là "dân chạy giặc", họ vô Nam sống hòa đồng và thấm đẫm về "GIẶC". Còn Bắc 75 là "Bên Thắng Cuộc", họ vào Nam bằng tinh thần "Mỹ đã cút - Ngụy đã nhào" với "chiến lợi phẩm" là dải đất từ vĩ tuyến 17 trở vô cực Nam, trở thành "di sản" do ông cha họ trao truyền, từ cái gọi là... "chiến thắng" (!) Do đó, ứng xứ trong đời sống, người Bắc 54 cũng khác rất xa người Bắc 75.

 

Nói cho ngay, những năm đầu sau 1975, thói tánh "Chó hùa" đã có "đất sống", nó được thể hiện bằng những trận chửi rủa không tiếc lời về "văn hóa phẩm đồi trụy", cùng với việc sởn tóc - cắt quần ống loe của thanh niên Sài Gòn thời đó và nhiều biểu hiện dữ dội ghê gớm khác, khiến cho "ngụy dân Sài Gòn" cúi mặt mà đi, trên những vỉa hè mưa xối xả tựa như những dòng lệ tuôn trào từ những thân phận vong quốc...

 

Rồi hình hài "Chó hùa" với khái niệm "Cách mạng Ba Mươi Tháng Tư" cũng dần rơi vào quên lãng, do những cơn đói kèm cúp điện triền miên kéo dài. Cái đói làm người ta lo đi kiếm miếng bỏ bụng cho mình và gia đình, chẳng còn ai đủ hơi sức để... "sủa hùa" (!).

 

Coi vậy mà thời bị Mỹ cấm vận, nghèo đói thì có nghèo đói thiệt nhưng con người không đến nỗi nào, dù đều chung sống dưới "sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng" (!).

 

Hậu cấm vận - thoạt đầu ai cũng hí hửng và mừng rỡ - mới đó đã ngót nghét 30 năm... Rồi người dân xứ thiên đàng cũng tiếp cận gần như tất cả, những gì tân tiến nhứt - hiện đại nhứt của thế giới. Đặc biệt, từ khi internet có mặt tại đây, ai ai cũng hứng khởi với "sự lợi hại" truyền thông. Rồi Facebook xuất hiện vào năm 2006, mới đó cũng gần 20 năm rồi... Kéo theo facebook là các mạng xã hội khác cũng du nhập vô... 

 

Thoạt đầu, không mấy ai còn nhớ đến thói "Chó hùa" gây kinh hoàng một thuở nhưng thói tánh ghê gớm này ngày càng sanh sôi nảy nở, đến mức gây thất điên bát đảo. Mới nhứt là câu chuyện cậu học trò Chu Ngọc Quang Vinh gây sóng gió trên khắp báo chí và mạng xã hội về "tội vô ơn" với Đảng Cộng sản Việt Nam bằng phát ngôn "Đảng là thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân" (!). Dĩ nhiên vô vàn người nhân danh"yêu nước - ơn đảng" đồng loạt nhào vô xỉa xói không tiếc lời và quyết lòng tẩy chay bằng mọi cách cậu học trò tội nghiệp! Họ muốn gì? Họ muốn cô lập một cậu học trò, nói thẳng théc ra, họ muốn tước bỏ hết mọi cơ hội tiếp cận của cậu bé với đời sống xã hội và để "dạy" cho cậu bé ngẫm nghĩ và thấm thía về "sự vô ơn" trong cái bụng đói cùng manh áo rách của ông cha họ, từ thuở "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ..."! Vô số người khác phải rùng mình sởn óc khi biết tin này, bởi Cải Cách Ruộng Đất và Nhân Văn Giai Phẩm cùng thảm nạn "Đấu Tố" với thói tánh "Chó hùa" đang đội mồ sống dậy...

 

Xã hội xứ thiên đàng, tròm trèm trăm năm "đời ta có đảng" những tưởng văn minh hơn - nhơn ái hơn nhưng có lẽ, hầu hết người ta vẫn đang trong quá trình "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" chăng? Chỉ tiếc, loại "bùn tàn ác" vẫn đặc kẹo và nhão nhoẹt, còn người dân xứ thiên đàng vẫn đang loi ngoi lóp ngóp chòi đạp hoài, mà chưa hề thoát khỏi vũng lầy của thảm nạn... NHỒI SỌ.

 

Trang fanpage của RFA cho hay [*]: "Công an Yên Bái nói đã giải thích cho học sinh Chu Ngọc Quang Vinh nhận thức rõ về Đảng". Thiệt kỳ! Cậu học trò tội nghiệp này, dù 100%  "nhận thức rõ về Đảng" cũng đâu chắc giúp cho cậu bé thoát khỏi nạn "Chó hùa" vẫn đang tiếp diễn?

 

Điều đáng để cho Bộ Công an - Ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch - Bộ Giáo dục làm là chấm dứt thói tánh "Chó hùa" trong dân chúng. Bởi chưa dẹp được nọc độc "Chó hùa", chắc chắn tương lai "bịnh dại tinh thần" sẽ gia tăng nhanh chóng. Một xã hội bình an - văn minh - thượng tôn pháp luật, hẳn nhiên không thể đầy nhóc "người bị bịnh dại tinh thần"...

 

 [*] https://www.facebook.com/RFAVietnam/posts/pfbid0tA1De5HApQGjVMiqvyZZrq1y...

 

nam gia's blog

 

 

                                                             *****

 

 

Chó hùa - Chuyện đời nay (phần 1)

Nam Gia   |  Blog RFA

Thứ Ba, 09/03/2024 - 02:59 — nam gia

https://www.rfavietnam.com/node/8150

 

"Chó hùa" - Chuyện Đời Xưa

 

Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký) sanh tại Vĩnh Long vào năm 1837 và mất năm 1898, thọ 62 tuổi. Có thể gọi ông Petrus Ký là ông Tổ của nghề báo tại Việt Nam, với tờ Gia Định Báo phát hành ngày 18/4/1865 (cách đây tròm trèm 160 năm) tại Sài Gòn và là tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ.

 

Ông Petrus Ký là một nhà chính trị - học giả - nhà văn - nhà ngôn ngữ học - nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt Nam. Ngoài những tác phẩm nổi tiếng khác, ông Trương Vĩnh Ký có tập truyện "Chuyện Đời Xưa" (sáng tác năm 1886) với lối viết dung dị - hào sảng - nhẹ nhàng mà thâm thúy. Trong đó có câu chuyện với chữ "chó hùa". Trích đăng dưới đây [1]:

 

Con chó với con gà.

 

Con chó đi gặp con gà trống mới chào, rồi nói: Tôi trông cho gặp anh một chuyến mà hỏi một chuyện. Con chó mới hỏi: Trời phú tính cho anh hay, chớ phải chơi sao! Sao lại biết canh ba, lại khi gần sáng dậy mà gáy, ngày ngày cũng vậy. Con gà nói: Cái là trời đã phú tánh hễ tới chừng thì gáy.

 

Rồi con gà mới hỏi: Còn như anh làm sao anh biết có người ta đi mà sủa?

 

– Vốn cái tâm tôi thuộc đất: hễ động đất thì động tới tâm tôi, nên tôi biết.

– Mà khi anh nằm dưới đất thì làm vậy, chớ như khi anh nằm trên ván thì biết sao được mà sủa?

– Chừng tôi ở trên ván, nghe chúng sủa, thì tôi bắt chước sủa hùa theo mà thôi.

 

                                                      *****

 

Cho nên, vô số người biết chữ "chó hùa" nhưng chưa chắc nhiều người biết do ông Trương Vĩnh Ký, vốn là người đầu tiên đặt ra chữ này. Đứng trước những câu chữ quá nổi tiếng, cũng nên đi tìm gốc gác, để tránh hời hợt và không để mang tiếng ăn cắp như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy mà không màng về tác giả sáng tác theo đúng nguyên tắc của "người có ăn học", bởi câu nói "Đời người sống có một lần..." vốn trong tác phẩm Thép Đã Tôi Thế Đấy mà nhiều nhà văn - nhà giáo - nhà báo vẫn lặng im. Đó là điều nên đáng hổ thẹn!

 

Ngót nghét gần 150 năm trước, trong khi ông Petrus Ký bình dân với tên gọi "chó hùa" từ năm 1886, thì ông Phan Khôi - cách đây cũng gần 100 năm tròn - với bài bình luận [2] "Luận Về Khí Tiết" đăng trên báo Hữu Thanh vào năm 1923 diễn giải văn hoa hơn về chữ "chó hùa". Trích dưới đây: 

 

Ai mạnh thì theo, bỏ hết liêm sỉ
(Phan Khôi, Luận về khí tiết, báo Hữu Thanh, năm 1923)

 

Sĩ phong nước ta, suy đồi đi là tự đời Lê Trung Hưng về sau. Lúc bấy giờ các Vua nhà Lê vẫn cầm quyền mà họ Trịnh dám dấy lên cướp quyền, quan lại và sĩ dân trong nước đều theo họ Trịnh. Hóa nên cái tâm lý sĩ phu thời ấy có hai đàng: thờ Vua Lê để tránh tiếng phản quân, thờ họ Trịnh để kiếm đường thực lợi. Ban đầu chắc cũng có người áy náy trong lòng, về sau tập thành quen, không còn biết thế nào là sỉ nhục.

 

Một người như thế thì trăm nghìn người hùa theo, người trên như thế thì người dưới bắt chước theo, thành ra cả một nước đều bỏ mất đại nghĩa, quên mất liêm sỉ, mà đổ xô nhau vào vòng danh lợi. Từ đó về sau, người mình trở nên mềm như con bún, không biết vua là gì, không biết nước là gì, hễ ai mạnh thì theo. Lòng tự trọng của người mình như ngọn lửa đã tắt, không còn bừng lên, như hạt giống bị ẩm, không còn nứt lên được. Lại thêm cái kiểu chuyên chế từ xưa đến nay, cứ ở trên đè xuống ở dưới lên, làm cho nhân dân ngày một đê hèn ngày một yếu ớt. Lòng tham lợi mạnh hơn lòng tư kỷ thì luồn cúi lạy lục mấy cũng chẳng từ, ưa cái sống đục hơn cái thác trong, thì mặt dạn mày dày đâu có quản(ngưng trích)

 

Báo Đại Đoàn Kết ra ngày 21 tháng Tám năm 2015 có bài "Cách mạng Tháng Tám trong ký ức của người Can Lộc, Hà Tĩnh" ôn lại "lịch sử hào hùng", thoát thai để sanh ra "nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", trong có đoạn: "15h ngày 16/8/1945 lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc đồn huyện Can Lộc - nơi cướp chính quyền đầu tiên ở Hà Tĩnh trong Cách mạng tháng Tám. Những ký ức vẹn nguyên trong trí nhớ của cụ ông 100 tuổi đã nói lên khí thế hào hùng thời ấy, khi mà “dân đói thì đói nhưng nghe nói cướp chính quyền thì đi ngay” [3].

 

Trong phân tách thói tánh "chó hùa" của ông Phan Khôi về thời "vua Lê chúa Trịnh" so với bài ca ngợi "Cách mạng Tháng Tám" của báo Đại Đoàn Kết, người đọc nhận thấy có một điểm chung căn bản nhứt - dù cách nhau đến vài trăm năm -  "cướp" (!). Thế mới vỡ lẽ rằng: Chỉ có bọn giặc cướp mới thích thú và xiển dương thói tánh "chó hùa" (!)

 

Sau khi ông Hồ Chí Minh đường đường chính chính trở thành nguyên thủ của "nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", nào ai có ngờ thảm nạn Cải Cách Ruộng Đất diễn ra, gây bàng hoàng nhơn tâm bằng màn "đấu tố", đi kèm dòng máu "chó hùa" trỗi dậy mạnh mẽ, gây tán đởm kinh hồn của thuở "Trí Phú Địa Hào - đào tận gốc, trốc tận rễ". Rất đáng kinh khiếp và vô cùng hoảng sợ! Bởi thói tánh "chó hùa" chà đạp phẩm giá con người đến tận cùng, trước khi người Cộng Sản Bắc Việt ra tay giết chết cái gọi là "đồng bào" của họ. Thói "chó hùa" khiến xã hội miền Bắc lặng ngắt như tờ, người người nghi kỵ lẫn nhau, tình thâm máu mủ còn tệ bạc hơn "ao nước lã". Từ đại thảm nạn đó, sản sinh ra một xã hội bầy hầy - nhớp nhúa, tựa như một vũng lầy khổng lồ và sâu hoắm, nhấn chìm hàng triệu con người vô trỏng, buộc hàng chục triệu người dân miền Bắc phải câm lặng giữa đêm đen hoặc biến thành "chó hùa"! Ai dám nói không sợ thói "cho hùa"?!...

(Còn nữa)

 

[1] https://lichsusite.wordpress.com/2016/11/26/ve-chu-cho-hua/ 

 

[2] https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/vuong_tri_nhan-thoi_hu_tat_xa...

 

[3] https://daidoanket.vn/cach-mang-thang-tam-trong-ky-uc-cua-nguoi-can-loc-...

 

nam gia's blog

 

 





HOÀNG ĐẾ LÊ ĐẠI HÀNH và THIỀN SƯ ĐỖ PHÁP THUẬN LUẬN VỀ PHÉP TRỊ QUỐC - BÌNH THIÊN HẠ (Nguyễn Tiến Dân / Báo Tiếng Dân)

 



Hoàng đế Lê Đại Hành và Thiền sư Đỗ Pháp Thuận luận về phép Trị quốc – Bình thiên hạ (Kỳ 1)

Nguyễn Tiến Dân

15/09/2024

https://baotiengdan.com/2024/09/15/hoang-de-le-dai-hanh-va-thien-su-do-phap-thuan-luan-ve-phep-tri-quoc-binh-thien-ha-ky-1/

 

1- Trong bảng vàng vinh danh những anh hùng dân tộc của đất Việt, các triều đại sau, họ đều dành một vị trí trang trọng cho Hoàng đế Lê Đại Hành.

 

2- Người xưa nói: “Thời thế, tạo anh hùng”. Thời của Đại Hành, là thời mà đất nước bị xâu xé đến tan nát bởi các lãnh chúa phong kiến. Chỉ vì quyền và lợi, chúng gây ra những cuộc đấu đá triền miên – khốc liệt, khiến nước mạt – dân bần. Trước thảm cảnh ấy, Ngài theo Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp “loạn 12 sứ quân”, để thu giang sơn về một mối. Do có nhiều công lao, nên khi Khải hoàn, vua Đinh Tiên Hoàng đã ban chức Thập đạo tướng quân cho Ngài.

 

Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị ám sát. Đinh Toàn nối ngôi, khi mới vừa 6 tuổi. Lợi dụng hoàn cảnh đó, giặc Tống, lăm le ngoài bờ cõi – bọn phản loạn, ngóc cổ chờ bên trong. Trước cảnh “nước sôi – lửa bỏng”, Ngài không câu nệ, “nhân thời thế – thụ long bào” ngồi ngôi Thiên tử. Trước, “phá Tống – bình Chiêm”. Sau, “dẹp yên phản loạn”. Danh tiếng, lẫy lừng – Võ công, hiển hách.

 

Không chỉ thiện chiến, Đại Hành trị quốc cũng rất cừ. Để khuyến nông, Hoàng đế sai đào sông – vét kênh, nhằm “dẫn thủy – nhập điền”. Khi ruộng đất được điều hòa tưới tiêu, đồng nghĩa với mùa màng bội thu. Không những thế, hàng năm, Ngài cùng bách tính, mở hội Tịch điền dưới chân núi Đọi. Nhớ câu 非智不興 – Phi trí bất hưng, Hoàng để sai kén dụng hiền tài, mở mang trường học. Thật xứng tầm của một bậc Đế vương, có tài nhìn xa – trông rộng

 

3- Người trong thiên hạ, bất kể giàu sang – phú quý, muốn bền vững, ai cũng phải khắc cốt – ghi tâm lời dặn của tiền nhân: 居安思危 – cư an, tư nguy. Khi yên ổn trên ngai vàng, đừng nghĩ rằng, chuỗi ngày ấy sẽ kéo dài mãi mãi. Ngược lại, phải nghĩ đến những điều tồi tệ nhất, nó có thể xảy ra ngay trong ngày mai – ngày mà thù trong và giặc ngoài, chúng sẽ liên kết với nhau, để móc mình ra từ trong ống cống và sẽ lôi mình đến giá treo cổ.

 

Đại Hành cũng vậy. Trên cương vị là người điều hành trực tiếp nhiều cuộc chiến tranh và tận mắt chứng kiến hậu quả của chúng với dân – với nước, Ngài không muốn có thêm bất cứ một cuộc chiến tranh nào nữa. Khổ nỗi, “cây muốn lặng – gió chẳng đừng”. Vì thế, chiến tranh, vẫn luôn là nỗi lo thường trực.

 

4- Thông thường, đối diện với nguy cơ xảy ra chiến tranh, người ta có ba cách để lựa chọn:

– Hạ đẳng, là luồn trôn – chui háng quân thù và đem hết thịt trong nhà để cống nộp cho lũ hổ đói. Chỉ cầu xin, sự bình yên sẽ đến với mình và với bè lũ của mình. Đồng thời, “tử tế” nhường phần bị ăn đòn ấy, cho đời con – đời cháu. Bên cạnh đó, để che đi cái bản chất đê hèn của mình, chúng nại ra hình tượng cây tre can trường trước bão và đem so nó với sự “khôn ngoan” của mình. Khôn hay ngu? Xin mượn lời của cố Thủ tướng Churchill bên Anh quốc: “Một chính quyền mà né tránh chiến tranh bằng cách chịu nhục, thì chính quyền ấy sẽ phải lãnh đủ cả hai thứ, cả chiến tranh và sự nhục nhã!”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/09/1-85-1024x576.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: NKYN

 

– Trung sách, như trường hợp Ukraine đối đầu với lũ côn đồ Nga Xô hung hãn và đã mất hết tính người. Mọi mưu kế và mọi nỗ lực ngoại giao đều đã triển khai và đều thất bại. Trong trường hợp này, vì phẩm giá của mình, họ phải hưng sư động chúng  师动众 – Nghĩa là tập hợp binh sĩ, huy động dân chúng, vũ trang cho họ và gương mẫu đem cái thân vàng ngọc của mình ra để giữ nước. Tuy vậy, dẫu có bách chiến – bách thắng mà bình được thiên hạ, thì cũng chẳng nên vênh váo để làm gì. Bởi “Trạng chết – Chúa cũng băng hà”. Khi địch tan, ấy cũng là lúc mà ta sắp tử: “Đất nước, tan hoang – người hao, của hụt”.

 

– Do đó, cái thượng sách để trị quốc, bình thiên hạ 治國 – 平天下, mà Đại Hành và bao vị Chúa nhân từ luôn khát khao muốn hướng tới: Đối ngoại, bất chiến nhi khuất nhân chi binh, 战而屈人之兵. Không đánh mà khuất phục được quân của người – Đối nội, khiến dân chúng chỉ tu chí làm ăn và không ai muốn tạo phản. Nghĩa là, không mang giáo gươm: Nhẹ, thì đi làm “giặc cỏ” – nặng, thì nổi can qua, để lật đổ nhà cầm quyền.

 

5- Có lần, Hoàng đế đem nỗi khắc khoải đó ra chia sẻ với thiền sư Đỗ Pháp Thuận. Lúc bấy giờ, bậc chân tu cũng nghiền ngẫm đã ngấu về vấn đề này. Bởi thế, Pháp Thuận đưa ra đối sách, tất cả, gói gọn trong hai chục chữ. Chữ nào, cũng đáng đem vàng ròng ra đúc và treo nó ngay ngắn, trước Ngọ môn: Quốc tộ 國祚.

 

國祚如藤絡,Quốc tộ như đằng lạc,

 

南天裏太平。Nam thiên lý thái bình.

 

無為居殿閣,Vô vi cư điện các,

 

處處息刀兵。Xứ xứ tức đao binh.

 

6- Người xưa, “văn, tinh – nghĩa, thâm”. Vì thế, bài thơ “Quốc tộ”, ai đọc cũng giống ai. Có điều, ý tứ sâu xa trong đó, chỉ có thể nói rằng “bá nhân – bách tính”.

 

Có người hiểu: Quốc tộ là Vận nước và nhí nhảnh nhồi bài thơ mà họ đã dịch vào sách giáo khoa, để dạy cho bọn trẻ con nước Việt. Dịch rằng:

 

Vận nước như dây mây leo quấn quýt,

 

Ở cõi trời Nam [mở ra] cảnh thái bình.

 

Vô vi ở nơi cung điện,

 

[Thì] khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh.

 

Muốn biết bản dịch này hay ho thế nào và người giảng nó tài siêu ra làm sao, xin độc giả tự thẩm định nó qua chính bản thân mình, hỏi con em mình và hỏi những người xung quanh – tất nhiên, những người đã học hết chương trình văn học cấp 3 của Cộng sản.

 

7- Còn mình, về bản chất, chỉ là một giáo viên dạy Toán cấp 2. Mình hiểu “Quốc tộ” một cách hết sức thô thiển. Bởi thế, nếu có trình bày nó theo kiểu “2 lần 3 là 6, chứ không thể bằng 5”, mong bạn đọc thể tất.

 

– Tổ quốc mình, trải qua bao cuộc bể dâu, nhưng từ con người, thiên nhiên cho đến những giá trị truyền thống về văn hóa và đạo đức…, nó vẫn như hòn đá tảng và rất ít bị bào mòn bởi thời gian. Cái mà luân thế, chỉ là các triều đại. Tỷ như, “vận nước đã đến rồi”, thì nhà Sản, sẽ thay thế thể chế Cộng hòa. Việt Nam Cộng Hòa hoặc bất cứ chế độ nào bị sụp đổ, chung quy lại: “Phi thù trong, tắc giặc ngoài”. Muốn yên ổn, phải tìm mọi cách, để bóp chết cả hai nguy cơ này – ngay từ khi, nó còn nằm trong trứng nước. Với giặc ngoài, Pháp Thuận dành sách lược đối phó với chúng, bằng 2 câu đầu và dành cho việc nội trị, bằng 2 câu sau.

a- 國祚如藤絡 Quốc tộ như đằng lạc. (Từ điển Hán – Việt trích dẫn: –  đằng: Loài thực vật mọc thành bụi quấn quýt, như đằng tử 藤子, cây mây –  lạc: Quấn quanh, chằng chịt, triền nhiễu) – Cả nước, nắm tay đoàn kết. Giống như bụi dây mây bện chặt vào với nhau trong tự nhiên.

 

– Câu này, có lẽ Pháp Thuận lấy cảm hứng từ chương 1, điều 1 của bộ Binh pháp Tôn tử nổi tiếng: 令民与上同意也, 故可以与之死, 可以与之生, 而不畏危Lệnh dân dữ thượng đồng ý dã. Cố khả dĩ dữ chi tử, khả dĩ dữ chi sinh, nhi bất úy nguy. Tiến hành chiến tranh, thắng hay thua, phụ thuộc nhiều yếu tố. Tuy vậy, Tôn Tử xếp “cố kết nhân tâm”, đứng đầu. Chỉ cần có điều kiện tiên quyết: “Trên – dưới đồng lòng, nguyện đồng sinh – cộng tử. Cả nước, không ai sợ gian khó – nguy nan”, thì không phải ngán cha con bất cứ thằng nào. Cho dù, đó là Đặng Tiểu Bình hay Tập Cận Bình. “Chúng bay vào, sẽ không có đường ra”.

 

– Nào, chỉ có Tôn Tử. Sau này, lúc Hưng Đạo vương lâm trọng bệnh, vua Trần Anh Tông có về thăm và hỏi kế sách giữ nước. Vương trả lời vua: Muốn giữ yên biên thùy, thì: “Vua tôi, phải đồng lòng – anh em, phải hòa thuận – cả nước, cùng gắng sức – trăm họ, đều là binh”. Muốn dân không nổi loạn. thì: “Khoan thư sức dân, để làm kế sâu rễ – bền gốcHai chiến lược đó, phải song hành và phải luôn gắn kết chặt chẽ với nhau. “Thượng sách, để giữ nước”, không gì, hơn thế.

 

Minh chứng cho lời Vương, chính là thực tế đã xảy ra ở thời Trần. Thời đó, người trên: “Nếu Bệ hạ muốn hàng, hãy chém đầu tôi đi đã”. Kẻ dưới: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Còn trăm họ, tại Hội nghị Diên Hồng, cùng đồng lòng gầm lên: “Đánh!

 

Kết quả, ba lần đánh tan Nguyên Mông – đội quân thiện chiến bậc nhất thời bấy giờ. Sau ba lần đó, chúng đành đoạn tuyệt cái ý định tiếp tục gây chiến với Đại Việt. Đất nước, từ đó, thái bình.

 

– Đối nghịch với triều Trần là nhà Hồ. Để đối phó với họa xâm lăng của giặc Minh, nhà Hồ chỉ tin và tôn thờ nắm đấm. Do đó, dốc sức xây dựng thành trì kiên cố và chế tạo vũ khí tinh xảo… Trong khi “Không quan tâm đến việc khoan thư sức dân. Liên tục bắt binh lính và phu phen xây dựng thành lũy. Bất kể, đời sống người dân lúc ấy vô cùng khốn khó”. Khi dân “đồng sàng – di mộng” với triều đình, việc nhà Hồ nhanh chóng đổ sập như núi lở trước đám giặc Minh, là cái kết, đã được Hồ Nguyên Trừng báo trước: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.

 

– Cùng bản sao đó, là cái đám Cộng sản đương thời. Nền chính trị của họ, tiếng là “của dân, do dân và vì dân” (Đất nước này, dân làm chủ. Chính quyền này, phải do dân bầu ra và đến lượt mình, nó phải vì nhân dân mà phục vụ). Nhưng thực tế, từ Chính trị, Kinh tế, Văn hóa – Tư tưởng, An ninh – Quốc phòng, cho tới đối ngoại, thông qua cái gọi là điều 4 của Hiến pháp, Đảng tham lam, vơ sạch vào lòng. Nhỏ như chức trưởng thôn hay tổ trưởng dân phố, xếp vào hạng “đầu binh – cuối cán”, mặc định, chỉ có đảng viên mới được làm. Lớn hơn nữa, kể làm gì. Đại sự, như “Chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo”, Đảng ngang nhiên coi đó là công việc riêng của mình. Đảng ký kết những gì với Trung Cộng, dân không được biết. Mặc kệ, bên này sục sôi biểu tình, “không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này, để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc”. Bên kia, “bình chân như vại”, coi đó là “nổi loạn” và muốn tống tù tất cả những ai có ý nghĩ đó.

 

Quyền đã vậy, lợi thì sao?

 

Đất nước mình, nghèo đến nỗi: “Ngân sách nhà nước như dòng sông đã cạn”. Người dân, họ không có an sinh xã hội. Họ không được hưởng tí gì từ của nổi – của chìm mà Đảng đã và đang khai thác. Sưu cao – thuế nặng, tất cả nguồn lợi ấy, đều dành riêng cho Đảng. “Có, Đảng ăn – hết, dân nhịn”. Thậm chí, nhiều cán bộ cao cấp còn coi nước Mỹ là hầm trú ẩn an toàn, để gửi con cái và của cải sang đó. Trong khi chúng luôn “kiên định” dẫn dắt chúng sinh đi theo Tàu…

 

Tất cả những thứ đó, là cách dễ nhất, để đưa cả cái hệ thống chính trị ấy, đối nghịch với dân. Khi đã đối nghịch với dân, mà vẫn muốn còn Đảng, vẫn muốn còn chế độ, ho chỉ còn mỗi cách: Bên ngoài, dựa vào ngoại bang – bên trong, dựa vào “bạo lực cách mạng”.

 

Bạo lực cách mạng”, vì thế, được lên ngôi và được coi là “kim chỉ nam” cho mỗi đường đi, nước bước của họ. Nghĩ ngược, nói ngược và làm ngược với Đảng là sẽ bị “bạo lực cách mạng” nghiền cho ra bã. Cho dù, lắm lúc và lắm cái, họ sai bỏ mẹ. Động tí, là họ đem binh lính và khí tài ra, duyệt binh khoe mẽ. Thông qua đó, dọa ma – nhát khỉ. Cho đến tận bây giờ, chưa bị lật thuyền, nên họ chưa sợ. Họ vẫn u mê mà tin rằng, chỉ cần có Quân đội và Công an “đông và tinh nhuệ, về con người – nhiều và hiện đại, về vũ khí”, là thừa đủ, để đối phó với cả thù trong lẫn giặc ngoài.

 

Bằng chứng, ngay sau ngày 30-4-1975, khi đã hội đủ cả đội quân dày dặn chinh chiến, cộng với dàn vũ khí dồi dào và hiện đại của cả 2 phe, Lê Duẩn đã hoang tưởng rằng: Mình tài hơn Thần – giỏi hơn Thánh. Vì thế, nhìn đời bằng nửa con mắt. Đứng trước bàn dân thiên hạ, ông ta hùng hổ và đắc thắng gào lên: “Non sông gấm vóc Việt Nam liền một dải từ Lạng sơn tới mũi Cà mau, từ nay hoàn toàn độc lập, tự do và vĩnh viễn độc lập, tư do”. Tiếc rằng, Khơ-me Đỏ và ông “bạn vàng” Trung Cộng, họ không nghĩ thế. Khoét sâu vào sự ly tán nhân tâm – điểm yếu cố hữu sau mọi cuộc chiến tranh, họ đã dạy cho Việt Nam những bài học gì, thảm khốc ra sao, mất mát thế nào và những di chứng còn lâu mới khắc phục được của nó – thiết tưởng, không cần phải nhắc lại nữa.

(Còn tiếp)

 

                                                     *****

 

Hoàng đế Lê Đại Hành và Thiền sư Đỗ Pháp Thuận luận về phép Trị quốc – Bình thiên hạ (Kỳ 2)

Nguyễn Tiến Dân

15/09/2024

https://baotiengdan.com/2024/09/15/hoang-de-le-dai-hanh-va-thien-su-do-phap-thuan-luan-ve-phep-tri-quoc-binh-thien-ha-ky-2/ 

 

Này, ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam:

 

– Khi “bạo lực cách mạng” bị các ngài lạm dụng đến đâu, thì cái hố ngăn cách giữa lòng dân và ý Đảng sẽ bị khoét sâu đến đó. Đừng đi theo vết xe đổ của nhà Hồ nữa. Đừng trông chờ và ỷ lại vào vũ khí hiện đại nữa. Đất nước, còn nghèo. Vì thế, chỉ có thể sắm sửa được số lượng có hạn những máy bay “hổ mang chúa”, những tàu ngầm “hố đen” và những tên lửa “tân kỳ”. Nói dại mồm – dại miệng, nhỡ kẻ kia trở mặt mà đánh sang; cho dù, các ngài có đủ “dũng cảm” mà bắn hết những cơ số đạn lèo tèo đi kèm, những vũ khí kia, dù hiện đại đến đâu, chúng chỉ là những khối sắt vụn. Lúc đó, các ngài lấy gì để chống lại cái đội quân mà “mưu, chúng thâm – kế, chúng hiểm – đất, chúng rộng – người, chúng đông – quân, chúng lắm – vũ khí, chúng nhiều – kinh tế, chúng mạnh”?

 

Quay lại ve vãn dân và dựa vào họ ư? Kêu gọi họ “nhổ tre đằng ngà, vót gậy tầm vông” và mang xương máu của họ để đi bảo vệ quyền lợi cho cái Đảng của các ngài ư? Đừng có mơ. Khi mà ngày thường, các ngài luôn ỷ mạnh, để chơi sát ván với dân.

 

– Người ta nói, khi “vua tôi, đã không đồng lòng”, thì chí ít, cũng cần phải có “anh em hòa thuận”, để kéo lại. Thực tế:

 

Hãy xét từ người nông dân. Có lẽ, trừ rau quả và thịt cá mình dùng, còn lại, họ sẵn sàng sử dụng thuốc cấm, để tăng năng suất của vật nuôi và cây trồng. Không cần biết, tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam đã là 73,5% – top đầu thế giới. Đến lượt mình, họ lại đem mớ lợi nhuận bẩn ấy để cống nộp cho ngành Giáo dục và nhận về cái kết “học cuội – thi gian” cho con em mình. Họ cũng mang mớ lợi nhuận bẩn ấy, để cống nộp cho ngành Y và ngã ngửa người, khi biết, đến Bộ trưởng, cũng là một tên tội phạm. Nó và những kẻ đồng lõa, chúng sẵn sàng ăn trên thân xác của bệnh nhân – ngay cả trong đại dịch…

 

Cả xã hội, ai cũng chỉ nghĩ đến mình. Họ sẵn sàng đổi trắng – thay đen và sẵn sàng chà đạp lên đồng loại, miễn sao, giữ được “nồi cơm” của nhà mình. Khi “người trong một nước, chẳng thương nhau cùng”, đừng nói đến từ “hòa thuận”.

 

– Bây giờ, bụi mây Đại Việt đã bị ai đó chặt sát đến tận gốc. Từng thân mây – thân này là Đảng, thân này là Dân, đã bị khô héo và tách lìa khỏi nhau. Bất chấp hiện thực ấy, Đảng vẫn to còi: “Quốc phòng và An ninh, luôn được củng cố vững chắc”. Vững chắc như thế, khi “nước lạ” xâm phạm đến vùng đất, vùng trời và vùng biển của Việt Nam, có dám khẳng khái ra lệnh cho thuộc cấp: “Bắn bỏ mẹ nó đi, hỏi làm cái đ*o gì”? Không dám ra lệnh, chắc biết tỏng: “Cơ đồ mà ta xây dựng 75 năm nay” đang ở tình thế “chỉ mành treo chuông”. Rung lắc nhẹ, cũng có thể đổ sụp. Nó cũng như thân đê đã bị cả tổ mối đục ruỗng. Chỉ đợi lũ về, là “sụt toang – đê vỡ”.

 

Kẻ thù truyền kiếp của Dân tộc ta, chúng không mong gì hơn thế. Nhẽ ra, chúng phải trả tiền để có được cái cục diện này. Cay đắng thay, các ngài lại lấy tiền thuế của dân, để mua dao, rồi cầm nó mà tự chặt vào chân của mình.

 

a- 南天裏太平。Nam thiên lý thái bình. Năm 1285, sau khi quét sạch những tên xâm lược cuối cùng ra khỏi đất nước, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đưa hai vua Trần về lại kinh đô và làm bài thơ: 從駕還京師 – Tòng giá hoàn kinh sư. Trong đó, hai câu kết:

 

太平須致力,Thái bình tu trí lực. Thái bình nên gắng sức,

 

萬古此江山Vạn cổ thử giang sơn. Non nước ấy nghìn thu.

 

Trong văn cảnh này, đối với Thái sư Trần Quang Khải: Đại Việt chỉ có “thái bình” thực sự, khi nó đã sạch bóng quân thù. Do đó, câu “Nam thiên lý thái bình” của Pháp Thuận, nên hiểu “trời Nam, sạch bóng thù”.

 

Vâng, trời Nam sẽ sạch bóng quân xâm lược, đất nước sẽ thực sự thái bình, khi và chỉ khi, thực thi được vế thứ nhất “Quốc tộ như đằng lạc”. Không thực thi được nó, vận nước lúc nào cũng chỉ như “trứng để đầu đẳng”. “Ổn định” nếu có, cũng chỉ nhất thời – “bị lật đổ”, là nguy cơ tiềm ẩn và nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, chiến lược chủ động và bền vững, để đối phó với giặc ngoài mà Pháp Thuận muốn gửi đến Hoàng đế Lê Đại Hành:

 

Muôn vạn người, như một

 

Ngoại bang, không dám nhòm.

 

Nhòm còn không dám, lấy đâu ra chiến tranh. Không có chiến tranh, Đại Việt, ắt thái bình.

 

b- 無為居殿閣,Vô vi cư điện các. (無為 vô vi – tôn trọng những thuộc tính của thiên nhiên và xã hội. Thuận theo nó mà hành động. (Từ điển Hán – Việt trích dẫn:  cư – Mang chứa, giữ trong lòng. 殿 điện – nên hiểu là Vua, là Điện hạ.  các – nên hiểu, đó là cách nói tắt của từ 內閣 “nội các” – cơ quan hành chánh trung ương bậc cao nhất).

 

c- 處處息刀兵。Xứ xứ tức đao binh. Chuyện binh đao sẽ ngừng ở khắp mọi nơi.

 

Cả câu, nên hiểu là, từ Vua – Chúa, cho tới những người trực tiếp điều hành đất nước, ai cũng phải thấm nhuần và thực hành thuần thục đạo 無為 vô vi trong công việc hàng ngày. Khi người trên thuận tự nhiên, thuận xã hội, để cai trị: Mọi chống đối của dân, khắc chấm dứt. Ngược lại, “con giun xéo lắm cũng quằn”. Những cuộc khủng hoảng ở Tây Nguyên, Mường Nhé, Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm…, chính là lời cảnh tỉnh, dành cho nhà cầm quyền không ấm đầu và vẫn còn sáng suốt.

 

Ai cũng biết, vận động là bản chất của sự sống. Tuy vậy, vạn sự và vạn vật trong Tự nhiên và Xã hội, chúng đều vận hành theo những quy luật nhất định. Chỉ những kẻ khôn hơn một con bò, chúng mới dám chống lại những quy luật của trời – đất, chống lại những quy luật của Xã hội loài Người. Những ai đã hiểu khái niệm 無為 vô vi, mỗi hành động, họ đều thuận theo xu thế và thuận theo thời thế.

 

Khi máy ảnh kỹ thuật số ra đời, chỉ những kẻ điên mới “thủy chung như nhất”, để duy trì sản xuất film và giấy ảnh, dùng cho máy ảnh cơ. Khi chủ nghĩa Mác – Lê đã lỗi thời và bị cả thế giới quay lưng, hay ho gì mà cứ “kiên định” bịt mũi, để bắt “lê dân – bách tính” phải đồng hành mãi mãi cùng với cái tử thi đó. Hiểu “âm – dương hòa hợp”, người ta sẽ không hưởng quá những gì, mà tự tay mình đã làm ra và không ngồi vào vị trí, mà tâm và tầm của mình, không xứng. Lừa đảo và ăn cướp của thiên hạ để chóng giàu – chém giết không ghê tay để đoạt ngôi báu. Đó chỉ là những cách đi ngược đạo Trời, để tự chuốc họa vào thân.

 

Như dòng sông kia, bao giờ cũng từ thượng nguồn mà đổ ra biển. Khéo biết, thì “thuận nước – đẩy thuyền”. Thủy triều xuống, dong thuyền ra khơi và ngược lại. Khi đó, công sức chỉ cần bỏ ra một nửa, nhưng hiệu quả, bao giờ cũng gấp đôi so với kẻ khác. Lại nữa, nếu cần thoát nước, ngu gì mà lại đem thu hẹp dòng chảy.

 

Sinh thời, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã từng kiến nghị: “Không nên phát triển Sài gòn về hướng Nam và Đông Nam. Nếu muốn mở rộng thành phố, thì hãy mở rộng về hướng Tây và Tây Bắc. Vì hướng Nam và Đông Nam là nơi duy nhất thoát nước cho thành phố Sài Gòn”. Đảng không nghe. Một mặt, họ hùa theo một cái con dở hơi, để cổ vũ dân chúng “dùng lu chống ngập”. Mặt khác, họ ném hết chục ngàn tỷ này, đến chục ngàn tỷ nọ dành cho việc chống ngập, vào những việc đâu đâu. Kết quả, “không thành công, thì cũng thành… hồ”: Cứ mưa xuống, Sài gòn lại tự lột xác, để sánh mình với thành Venice thơ mộng. Nào chỉ Sài gòn, từ cao nguyên, đồng bằng cho tới cả những vùng đất ven biển, đâu đâu cũng thế. Cho dù, chúng ta đã chi rất đậm và chúng ta có hàng mớ, cả Giáo sư lẫn Tiến sĩ.

 

Bị dồn vào cái cục diện tồi tệ ấy, bởi Đảng ta không thuận theo cách “dùng người, theo sở trường”. Người tài năng, họ đang phải làm việc dưới sự chỉ đạo của những kẻ bất tài – ngu dốt. Lẽ ra, phải để cho 智者為之謀勇者為之鬥Trí giả vi chi mưu, dũng giả vi chi đấu. Người giỏi, lập mưu – kẻ dũng lực, chiến đấu và sản xuất.

 

như, nếu Lưu Bị để cho Trương Phi ngồi bày mưu trong trướng và bắt Khổng Minh vác bát xà mâu, chạy lông nhông ngoài trận tiền: “Ba bảy – hai mốt ngày”, kẻ thù sẽ xách cả bầy đàn nhà ông ta ra giữa chợ. Sau đó, ân cần tiễn họ về với cõi “Tây Phương cực lạc”.

 

Còn chúng ta: “bắt cá leo cây”, là cái chuyện, hết sức bình thường. Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, ông ta chỉ được đào tạo về chỉ huy quân sự. Nhưng Đảng vẫn sắp cho ông ta được quản lý cả về kinh tế, lẫn quản lý về đất đai – những thứ, mà ông ta thú nhận, mình chẳng biết cái quái gì. Hậu quả? Lên Google, mà hỏi. Chưa kinh, Đảng tiếp tục xếp cho bà Ba Hoa, à quên, bà Đào Hồng Lan, đứng đầu Bộ Y tế. Trong khi, biết rõ, bà ta không xuất thân từ ngành y. Bao giờ, “cháy nhà – chết người”, dân ráng mà chịu. Đảng vô can. Chưa sợ, Đảng bổ nhiệm tiếp ông Nguyễn Văn Thắng vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải. Trong khi, nghiệp vụ của ông này là Ngân hàng. Vì thế, tắc đường là căn bệnh kinh niên và mọi con đường mà chúng ta đi, nó đều lồi lõm như trên mặt trăng. Những đoạn tốt, nó còn hiếm hơn cả “nước trên sa mạc”. Ở đó, người ta thấy bóng dáng của tập đoàn Sơn Hải. Giỏi như thế, có lẽ họ nhận được nhiều “dự án khủng” của Quốc gia? Đi mà hỏi những ông trời con, ở bộ Giao thông – Vận tải.

 

Nói thế, vẫn chưa nguy hiểm bằng việc bổ nhiệm cái bọn “cờ – đèn – kèn – trống” vào vị trí lãnh đạo. Bọn này nhan nhản. “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo”. Riêng thực hành, “làm đâu – lỗ đó”. Lỗ thế, nhưng chẳng thấy ai nhảy lầu. Trái lại, chúng mang những khoản thua lỗ đó bổ vào đầu dân đen, bắt bù. Bù miết, năm này qua năm khác – ngành này qua ngành khác. Chửa biết lúc nào dừng. Dân kiếm 3 năm, chỉ để cho lũ này thiêu trong 1 khắc.

Ngược đời đến như thế, mà chẳng thấy dân chúng nghiến răng trèo trẹo. Nói chi, đến chuyện binh đao.

 

– Ngày xưa, có chàng tiều phu “răng chắc – cái ấy bền”. Chàng gieo quẻ và phán rằng: “Đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển”. Hết thời hạn trên, Việt Nam “nguyễn y vân”. Lúc đó, thay vì dùng lá ngón, thiên hạ thấy chàng dùng cái lá nho, có tên “bằng lý luận chính trị cao cấp”, để che đi cái khuôn mặt mốc của mình.

 

– Bây giờ, mình rất muốn ngây thơ thêm 1 lần nữa, để tin vào lời của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Việt Nam sẽ vươn mình trong kỷ nguyên mới”.

 

Vâng, đã là Giáo sư – Tiến sĩ, ắt ông phải biết chuyên “cá chép vượt Vũ môn”. Muốn hóa rồng, ngoài chuyện biết bơi, chú chép kia, phải biết bò trên mặt đất, biết tung mình vượt qua thác ghềnh. Nghĩa là, phải lượn được như một con chim trên trời cao. Nói đến chim, sực nhớ câu “chưa vỡ bọng cứt, đã đòi bay bổng”.

 

Nhắn ông, muốn vươn mình trong kỷ nguyên Tô Lâm cầm cái, Việt Nam cần thay đổi căn bản về “lượng”. Từ đó, mới mong có đột phá về “chất”.

 

Chẳng, nhiều đâu. Đầu tiên, hãy trả lại cho dân những quyền, mà chính ông Hồ đã long trọng cam kết trong Lời Tuyên ngôn Độc lập: “Quyền được Sống, quyền Tự do và quyền mưu cầu Hạnh phúc”. Không phải ngẫu nhiên, mà “quyền được Sống”, nó lại được ông Hồ đưa lên hàng đầu. Bởi, ông ta biết: Sống, mà không bằng chết – sống, mà không bằng con vật, thì Tự do và mưu cầu hạnh phúc, nào có ý nghĩa gì.

 

Phải xác quyết: Được sống trong một môi trường trong lành cả về vật chất, lẫn tinh thần – được chăm sóc về y tế và được học hành, chúng phải là quyền phổ quát của mỗi người dân. Không có lệnh của Tòa án, nửa đêm, không ai được phép thâm nhập tư gia của công dân. Nói chi đến chuyện, mổ bụng – phanh thây người ta. Không có nhân chứng – vật chứng, không ai bị kết tội. Nói chi đến chuyện, bị tuyên án tử hình. Khi Tòa xử, phải mở cửa cho dân chúng vào xem và cho phép đôi co thoải mái giữa hai bên nguyên – bị. Không được áp đặt, khiến bị cáo chỉ được phép trả lời “đúng hoặc sai – có hoặc không”…

 

Hãy trả lại cho dân, quyền làm chủ Đất nước. Khi đó, mỗi cán bộ đảng viên, họ phải trở lại đúng vai trò “người đầy tớ trung thành của Nhân dân”. Như, những gì, mà ông Hồ đã nói.

 

Đầy tớ, muôn đời nay, họ không có quyền ban phát cho ông chủ. Đầy tớ, làm không như nói, sẽ bị tống cổ về nơi sinh, để góp phần, làm trong sạch Đảng. Chuyện này, phải không có ngoại lệ. Tổng Bí thư, hãy gương mẫu đi đầu.

 

Đó, mới là phép “vô vi” đích thực. Thiền sư Pháp Thuận, ông ta cũng chỉ mong tạo được cục diện như thế, để Hoàng đế, kê cao gối mà ngủ ngon.

 

Thuận tự nhiên cai trị

 

Không ai chống lại ta.

 

Không ai chống lại ta, cần gì phải tăng quân số của Công an và cần gì phải nuôi đến “300.000 thành viên tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở”?

 

8- Nói hết phần của đối diện, thật chẳng hay chút nào. Tuyên giáo Trung ương, trước khi đá quả bóng sang sân của mấy thím Công an, các vị, hãy vào sân của lề dân, để khoe khôn – khoe khéo. Trọng tài ở đây là người dân. Luật thi đấu ở đây là “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật và đánh giá đúng sự thật”. Nói cách khác: “Thực tế, là thước đo của Chân lý”. Đề tài hôm nay, chỉ giới hạn ở “Quốc tộ”.

 

Với hai chục chữ mà Pháp Thuận đã tải được cả nội dung phong phú về chiến lược phòng, chống thù trong và giặc ngoài. Pháp Thuận nói đúng hay sai? Cốt lõi của vấn đề nằm ở đâu và “Quốc tộ” hay ở chỗ nào? Còn chủ nghĩa Mác – Lê vô địch của quí vị, nó nói sao về đề tài này?

 

Tin rằng, các ngài sẽ không làm ô danh tấm bằng Lý luận Chính trị cao cấp. Do đó, sẽ không á khẩu. Trong khi chờ đợi, lão sờ tay vào cái cằm “nhẵn như đít ếch” của mình và khe khẽ ngâm:

 

Muôn vạn người, như một.

 

Ngoại bang, không dám nhòm.

 

Thuận tự nhiên, cai trị.

 

Không ai, chống lại ta.

 

P/S: Bài sau: “Bợm rượu, luận về nồng độ cồn”.

______________

Nguyễn Tiến Dân

Tel: 038 – 50 – 56 – 430

Đia chỉ: Vì tin vào cái lũ Cộng sản đê hèn, nên bị chúng lừa đảo và cướp sạch của cải. Bởi thế, mất nhà và nhiều năm, trở thành dân du mục.

 

--------------------------------

 

Nguyễn Tiến Dân | Tiếng Dân (baotiengdan.com)

https://baotiengdan.com/tag/nguyen-tien-dan/