Saturday, August 10, 2024

VIỆC ĐẦU TIÊN CỦA TÂN TỔNG BÍ THƯ : “THAY MÁU” BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (Đặng Đình Mạnh / Facebook)

 



VIỆC ĐẦU TIÊN CỦA TÂN TỔNG BÍ THƯ : “THAY MÁU” BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

Đặng Đình Mạnh

9-8-2024   22:28    

https://www.facebook.com/manhdang001/posts/pfbid02Dh3Y1XGQGQHmafTsQiD7xQG6qWVn6KqN9aAkh36pqzHAhNsbrEkcTuMiJHoxbCGTl

 

Khi vừa trở thành tân Tổng Bí thư, ông Tô Lâm khẳng định: “Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không ngừng nghỉ”. Điều này khiến cho nhiều nhà quan sát thời cuộc cho rằng ông Tô Lâm sẽ vẫn tiếp tục duy trì công cuộc “đốt lò” để chống tham nhũng được phát động từ cả một thập kỷ qua và là di sản của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư vừa qua đời vào hạ tuần tháng 7/2024 để lại.

 

Tôi nghĩ đánh giá của các nhà quan sát là đúng, nhưng chưa đầy đủ.

 

Đúng, vì một mặt ông Tô Lâm cần tiếp tục việc chống tham nhũng để khẳng định tính chính danh của người kế thừa sự nghiệp của ông Nguyễn Phú Trọng, vốn là một lãnh đạo được cả hệ thống tuyên truyền khổng lồ của chế độ bơm thổi, tô hồng như một vị á thánh “kiệt xuất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ, giản dị…”. Đồng thời, trước vấn nạn tham nhũng trầm kha như hiện nay, với tư cách là người đứng đầu, ông ấy cũng không thể thoái thác được trách nhiệm phải chống tham nhũng. Do đó, dù tâm ý có thế nào đi nữa, thì về phương diện hình thức, ông Tô Lâm không thể tuyên bố ngừng hoặc giảm mức độ chống tham nhũng được.

 

Mặt khác, đánh giá ấy cũng chưa đầy đủ, vì lẽ, vị tân Tổng Bí thư có “món nợ” cần phải đòi thanh toán “sạch sẽ”.

 

Tưởng nên nhắc lại, dịp họp Hội nghị Trung ương 9 vào trung tuần tháng 05/2024 để giải quyết vấn đề nhân sự cấp cao sau khi ông Võ Văn Thưởng bị hạ bệ chức vụ Chủ Tịch nước, đồng thời, cũng cần bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị. Khi ấy, dù không muốn, ông Tô Lâm vẫn phải ngồi vào chiếc ghế Chủ Tịch nước. Thế nên, ông ấy cần có thuộc cấp thân tín ngồi ngay vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an mà ông buộc “chia tay” để bảo đảm sinh mạng chính trị của chính mình sau khi phải rời chiếc ghế Bộ trưởng “siêu bộ” đó.

 

Theo đó, ông Tô Lâm đã đề cử Thứ trưởng Bộ Công an là ông Lương Tam Quang, thuộc cấp thân tín làm một trong số ứng viên cần bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Vì theo thông lệ bất thành văn, tuy Bộ Công an thuộc Chính phủ, dưới quyền Thủ tướng. Thế nhưng, trong thực tế thì Bộ Công an là một “siêu bộ”, vì với chức năng bảo vệ chế độ, nên Bộ này được giao thẩm quyền hầu như vô hạn. Nhờ tính cách đặc biệt đó, cho nên, chỉ có Ủy viên Bộ Chính trị mới có thể được cử làm Bộ trưởng Bộ Công an.

 

Thế nhưng, khi bỏ phiếu thì ông Lương Tam Quang đã không đủ túc số phiếu bầu của các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng để vào Bộ Chính trị. Buộc lòng, Bộ Công an phải làm một việc vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Đảng Cộng sản là triệu tập Hội nghị Đảng ủy Trung ương Bộ Công An, gồm lãnh đạo từ 63 tỉnh thành về họp tại Hà Nội. Nhân dịp đó, hội nghị ra nghị quyết đề cử Thứ trưởng Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Bộ Công an.

 

Trước sự đã rồi, ông Nguyễn Phú Trọng, với cương vị Tổng Bí thư phải muối mặt đành chấp nhận gởi hồ sơ cho Quốc hội phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an cho ông Lương Tam Quang. Theo đó, ông Lương Tam Quang trở thành Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản không phải là Ủy viên Bộ Chính Trị.

 

Sự việc đã qua, nhưng món nợ từ Hội nghị Trung ương 9 vẫn còn nguyên đó, với ít nhất đa số ủy viên đã công khai ra mặt “chống” lại yêu sách của ông Tô Lâm. Điều đó không khác gì một cái tát tai trực tiếp vào mặt ông Tô Lâm. Dĩ nhiên, món nợ nhục nhã này cần phải đòi thanh toán sạch sẽ!

 

Do đó, lúc này, khi đã thành tựu tham vọng nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư đầy quyền lực trong tay, ông Tô Lâm có cơ hội tốt hơn bao giờ hết để thanh trừng, đòi thanh toán món nợ đối với số Ủy viên Trung ương Đảng không ăn cánh, đồng thời, “thay máu” nhân sự để bảo đảm một Ban Chấp hành Trung ương Đảng thuần khiết gồm toàn cánh hẩu, chấp nhận mọi chủ trương, chính sách của ông ấy đưa ra. Vì ông ấy không thể điều hành Đảng suôn sẻ nếu bên cạnh có một Ban Chấp hành Trung ương Đảng với đa số Ủy viên lúc nào cũng chằm hăm bác bỏ các yêu sách của Tổng Bí thư.

 

Thế nên, tiếp tục chính sách chống tham nhũng là phương cách để ông Tô Lâm thanh trừng, đòi thanh toán món nợ đối với các con nợ và là để “thay máu” trong nội bộ Đảng. Việc này khá đơn giản, bởi lẽ, leo cao đến Ủy viên Trung ương Đảng, hầu hết ủy viên tay đều dính chàm, không bê bối tài chính thì cũng tham nhũng. Rờ đến đâu, tội phạm dính đến đó… Việc thanh trừng chỉ còn là thời gian.

 

Không chỉ thế, tiếp tục chính sách chống tham nhũng còn giúp khẳng định tính chính danh của ông Tô Lâm trong Đảng và trước công chúng. Thật là, nhất cử lưỡng tiện.

 

Bên cạnh đó, còn phải tính đến số “con nợ” của ông Tô Lâm. Họ cũng không thể ngây thơ đến độ cứ ngồi yên chờ số phận đen đủi rớt xuống đầu mình. Tất cả họ đều xem ông Tô Lâm là kẻ thù cả. Khi có cơ hội trừ khử, thì sao lại họ lại không ra tay “tiên hạ thủ vi cường”?

 

Cho nên, chính trường xứ này sẽ chẳng còn những ngày yên ả, trái lại, vẫn còn tiếp tục nóng tanh mùi máu trong những ngày sắp tới là điều khó tránh khỏi.

 

DC, ngày 09/08/2024

Đặng Đình Mạnh

 

HÌNH : https://www.facebook.com/photo/?fbid=8829331543749965&set=a.811310442218822

 

.

40 BÌNH LUẬN    

 

 





No comments: