Wednesday, August 21, 2024

VÌ SAO PHI ĐẠN AIM-174B CỦA MỸ CÓ THỂ THAY ĐỔI CÁN CÂN LỰC LƯỢNG VỚI TRUNG QUỐC TẠI BIỂN ĐÔNG (Trọng Thành / RFI)

 



Vì sao tên lửa AIM-174B của Mỹ có thể thay đổi cán cân lực lượng với Trung Quốc tại Biển Đông

 Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 20/08/2024 - 15:27Sửa đổi ngày: 20/08/2024 - 20:31

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240820-v%C3%AC-sao-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-aim-174b-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-c%C3%B3-th%E1%BB%83-thay-%C4%91%E1%BB%95i-c%C3%A1n-c%C3%A2n-l%E1%BB%B1c-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%A1i-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

 

Trong những tuần lễ gần đây, báo chí quốc tế và khu vực có nhiều bài viết về loại tên lửa mới của Mỹ, mang mã số AIM-174B, được đánh giá là có khả năng làm thay đổi ‘‘cán cân lực lượng với Trung Quốc’’ tại Biển Đông và khu vực Đài Loan. Vì sao nhiều kỳ vọng được đặt vào tên lửa AIM-174B như vậy ?

 

HÌNH :

Hình chụp ngày 07/03/2024 do Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc công bố: Chiến đấu cơ Air Force KF-16 của Hàn Quốc khai hỏa tên lửa không-đối-không AIM-9M trong một cuộc diễn tập thường niên với quân đội Mỹ. AFP - HANDOUT

 

Tên lửa AIM-174B, với tầm bắn tối đa hơn 400 km, hiện là tên lửa không-đối-không có tầm bắn xa nhất từng được lực lượng không quân của Hải quân Mỹ triển khai. Loại tên lửa, do công ty Raytheon chế tạo, được phát triển dựa trên mô hình tên lửa phòng không SM-6. Theo trang mạng chuyên về quân sự Pháp Zone militaire (Opex 360), SM-6 là loại tên lửa rất linh hoạt, loại hỏa tiễn ‘‘đa năng duy nhất’’ của quân đội Mỹ.

 

Tên lửa đối không, đối địa, đối hải… và có tầm bắn vượt trội

Ngoài khả năng tấn công các mục tiêu trên không, hỏa tiễn này còn có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển, và đồng thời bắn chặn được các hỏa tiễn đạn đạo. Theo một số nguồn tin quân sự Mỹ, trong lần thử lửa đầu tiên hồi cuối 2023, SM-6 đã bắn hạ được tất cả các tên lửa đạn đạo của lực lượng nổi dậy Houthi, Yemen, tấn công các chiến hạm Mỹ tại khu vực Biển Đỏ.

 

Tên lửa AIM-174B của Hải quân Hoa Kỳ – phiên bản mới của SM-6 – lần đầu tiên chính thức xuất hiện trong cuộc tập trận hải quân đa quốc gia RIMPAC, tây Thái Bình Dương cuối tháng 6, đầu tháng 7/2024. Tên lửa AIM-174B được trang bị cho oanh tạc cơ F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ có thể giúp Quân đội Mỹ khắc phục được điểm yếu trầm trọng hiện nay là thiếu các hỏa tiễn có tầm bắn đủ xa. Trả lời Reuters, nhà nghiên cứu Yết Trọng (Chieh Chung), nhóm dự báo chiến lược Association of Strategic Foresight, có trụ sở ở Đài Bắc (Đài Loan), nhận định : với AIM-174B, tầm bắn tối đa hơn 400 km, vượt xa tầm bắn của tên lửa PL-15 của Trung Quốc, các chiến đấu cơ Mỹ có thể tấn công ‘‘các mục tiêu quân sự Trung Quốc’’ ở khoảng cách an toàn.

 

AIM-174B có thể buộc Trung Quốc ‘‘thay đổi hành xử’’ tại Biển Đông

Trong nhiều thập niên, kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trong lĩnh vực tên lửa không quân, Mỹ chiếm thế thượng phong. Tuy nhiên gần đây, sự ra đời của chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc, và đặc biệt là tên lửa PL-15, với tầm bắn hơn 250 km, đang thách thức ưu thế quân sự của Mỹ. Một chiến đấu cơ của Trung Quốc nằm ngoài tầm bắn của một máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ thì điều đó có nghĩa là phía Trung Quốc có thể khai hỏa trước, và ‘‘thật khó mà không làm mồi’’ cho một phi cơ di chuyển với tốc độ gấp bốn lần tốc độ âm thanh (Mach 4), theo chuyên gia Kelly Grieco, trung tâm Stimson. 

 

Một chuyên gia kỹ thuật quốc phòng cấp cao Mỹ xin ẩn danh cho biết ‘‘điều quan trọng là loại hỏa tiễn mới này (AIM-174B) cho phép Hoa Kỳ tiến sâu hơn một chút vào Biển Đông’’, một khi xung đột xảy ra. Vũ khí mới này ‘‘có khả năng buộc Trung Quốc phải thay đổi hành xử’’, cụ thể là không để các loại phi cơ lớn, di chuyển chậm tiếp cận sát vùng tranh chấp, bởi ‘‘sẽ gặp rủi ro lớn’’. Nếu tên lửa AIM-174B buộc Trung Quốc từ bỏ ý định đưa đến gần khu vực chiến sự một phần ''các phương tiện quân sự trên không trị giá cao'' (tức ‘‘high value airborne assets’’ – gọi tắt là HVAA), như máy bay cảnh báo sớm, phi cơ chiến đấu điện từ, phi cơ trinh sát, máy bay mang tên lửa chống hạm tầm xa, thì như vậy phía Mỹ sẽ có nhiều ưu thế hơn khi tham chiến tại Biển Đông.

 

Tên lửa: Cuộc chạy đua ngày càng gay gắt

Trang mạng Forbes, dẫn nhận định của giáo sư Justin Bronk, chuyên gia về không quân thuộc Viện Royal United Services Institute (RUSI), Na Uy, cho hay dự án tên lửa AIM-174B của quân đội Mỹ nằm trong một kế hoạch lớn, phát triển các loại tên lửa không-đối-không tầm xa hơn hẳn hỏa tiễn AIM-120, loại tên lửa tầm xa chủ yếu của không quân Mỹ hiện nay, chỉ có tầm bắn tối đa khoảng 150km. AIM-174B có thể giúp lấy lại ưu thế của Mỹ, ‘‘bị Trung Quốc thách thức những năm gần đây với loại hỏa tiễn PL-15’’.

 

Hiện tại quân đội Mỹ từ chối trả lời câu hỏi về việc loại tên lửa này có được cung cấp cho các đồng minh hay không, liệu có được tích hợp với các máy bay khác ngoài F/A-18 Super Hornet hay không, và Hải quân Mỹ dự kiến sẽ đặt hàng bao nhiêu tên lửa AIM-174B mỗi năm. Cho đến nay, tên lửa này chỉ được ra mắt trên chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet của Hải quân Mỹ, do quân đội Mỹ và Úc điều khiển. Mỹ coi Úc là đồng minh trục cột, và là bàn đạp để triển khai lực lượng tại Biển Đông. Washington đang đầu tư hàng trăm triệu đô la vào cơ sở hạ tầng quân sự tại đây. Bộ Quốc Phòng Úc cho biết ‘‘phối hợp chặt chẽ với Mỹ’’.

 

Cuộc chạy đua công nghệ tên lửa Mỹ-Trung hứa hẹn sẽ gay gắt trong thời gian tới. Theo giới quan sát, nền công nghiệp quốc phòng nói chung, và công nghệ tên lửa nói riêng của Trung Quốc thường xuyên tiếp nhận các công nghệ phương Tây. Trung Quốc cũng có nhiều tiếp xúc với các hoạt động tác chiến trên không của phương Tây, hoặc gián tiếp qua tình báo, hoặc trực tiếp chẳng hạn qua các cuộc tập trận với Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO. Theo một số chuyên gia, đối thủ đáng gờm nhất hiện tại của lực lượng Không quân Hải quân Mỹ không còn là hỏa tiễn PL-15, mà là tên lửa không-đối-không PL-17 đang được phát triển, có tầm bắn hơn 400 km, dường như đã được triển khai từ cuối năm ngoái. 

 

 

 





No comments: