Thống
nhất Phật giáo Việt Nam thời hậu chiến - một thiên bi sử
August
05 202412:03 PM
https://www.luatkhoa.com/2024/08/thong-nhat-phat-giao-viet-nam-thoi-hau-chien-mot-thien-bi-su/
“Đạo
Pháp - Dân tộc” và chủ nghĩa xã hội.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/08/Pha--t-gia-o.png
Đồ họa:
Shiv/ Luật Khoa.
Theo Sách
trắng Tôn giáo công bố năm 2022, Việt Nam có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm
khoảng 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và hơn
29.600 cơ sở thờ tự. Trong số này, Phật giáo có 14 triệu Phật tử và hơn 18.500
cơ sở thờ tự. [1] Điều này cũng nói được sự mến mộ của người dân Việt Nam đối với
tôn giáo này.
Thực tế,
suốt chiều dài lịch sử, sự đa dạng của các tổ chức, hệ phái chính là vẻ đẹp văn
hóa và là thế mạnh của Phật giáo, nó thích ứng với các nhu cầu đạo đức và tâm
linh ở từng vùng miền. Nhưng dưới cái nhìn của nhà cầm quyền, sự đa dạng này đã
từng là một nguy cơ hiện hữu.
Ngày nay,
sự phát triển hoành tráng của chùa chiền cũng không mấy nói lên được sức mạnh,
thực lực của Phật giáo như xưa. Nói đúng hơn, đấy chỉ là sự trang hoàng lộng lẫy
cho một nền Phật giáo đã bị khuất phục bởi chính quyền.
Lịch sử Phật
giáo gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ 1945 đến nay, Phật giáo trải qua
rất nhiều trang sử đau thương. Nhà cầm quyền đã từng công khai bắt bớ, giam cầm,
phá hoại Phật giáo.
Sau năm
1975, Đảng Cộng sản nắm quyền mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, xã hội, cho tới
văn hóa, v.v. Trong đó, việc thâu tóm tôn giáo ở miền Nam được xem là vấn đề trọng
yếu phải thực hiện để củng cố chế độ toàn trị.
Song, vấn
đề tôn giáo ở miền Nam không giống như ở miền Bắc.
Ở miền Bắc,
chính quyền đã thiết lập Ban Tôn giáo vận Trung ương, do ông Trần Xuân Bách làm
trưởng ban từ 1955 - 1965 [2] và ban này đã thành công trong việc san bằng tất
cả các hoạt động tôn giáo nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Không có bất
kì một nỗ lực kháng cự nào đáng kể từ phía giáo dân, Phật tử. Hệ thống tôn giáo
đã trở nên rất đỗi yếu ớt sau nhiều đợt bố ráp hoạt động, bắt bớ tăng ni tín đồ,
đập phá chùa chiền, nhà thờ.
Trong hồi
ký “Thống nhất Phật giáo" của tác giả Đỗ Trung Hiếu, [3] có nói: “Hầu
hết chùa, nhà thờ ở miền Bắc mà tôi đã đến thăm đều rêu phong tàn tạ. Các nhà
sư (sư ông, sư bà) lẩm cẩm sợ sệt, một báo cáo cụ, hai báo cáo cụ. Các linh mục,
giám mục đóng kín cửa, lạc hậu với thời cuộc, Phật tử gần như không còn gì nữa,
chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín, cúng bái linh tinh và rất e dè trước khách lạ.
Tín đồ Thiên Chúa giáo thì khổ cực, hằn sâu trong mắt họ những nét u uất thâm
nghiêm, nhưng rực lửa và sẵn sàng bốc cháy khi có mồi. Đó là mối nguy lớn, chứ
không phải thành công của tôn giáo vận”.
Trong khi
đó, miền Nam có sự phát triển thăng hoa về Phật học; có những cái tên được giới
tăng ni, Phật tử hết sức cung kính như Thích Đôn Hậu - Chánh Thư ký Viện Tăng
thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thích Trí Thủ - Viện trưởng Viện
Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thích Minh Châu - Viện trưởng
Viện Đại học Vạn Hạnh, v.v. Tất nhiên, sự đa dạng về tổ chức và lòng mến mộ Phật
giáo của người dân, cũng đặt ra sự nan giải cho chế độ khi có chủ trương thống
nhất họ.
Nhà cầm
quyền đứng trước một thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, nếu chọn ngay những nhà
sư là đảng viên Đảng Cộng sản thì không thu phục được hết nhân tâm của tăng ni
và Phật tử. Mặt khác, nếu mời các vị uyên thâm Phật học, đã có chỗ đứng trong
giới tu hành và công chúng, thì chính quyền không thể dễ dàng sử dụng quân bài
mang tên “phải trung thành” với chế độ để áp đặt kỷ cương lên họ.
Vấn đề đặt
ra tại thời điểm đầu thập niên 1980 là làm thế nào để đưa tất cả các tổ chức và
hệ phái Phật giáo vào bàn tay cai trị của chính quyền. Nói cách khác, nhà cầm
quyền muốn giữ mạng cho một số vị chức sắc có uy tín thu phục đệ tử, nhưng
không để bất kỳ ai lọt lưới kiểm soát.
Trước thời
điểm hợp nhất năm 1981, Việt Nam có chín tổ chức, hệ phái Phật giáo chính tồn tại,
gồm: Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (ở miền Bắc); Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất (Ấn Quang); Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP. Hồ Chí Minh;
Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam; Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam;
Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ (Phật giáo Nam tông Khmer); Giáo phái
Khất sĩ Việt Nam; Tông Thiên Thai Giáo Quán tông; Hội Phật học Nam Việt.
Theo Đỗ
Trung Hiếu, mặc dù bên ngoài, cuộc thống nhất Phật giáo lần này do các hòa thượng
gánh vác, nhưng thực tế mọi hoạt động đều do Đảng Cộng sản điều hành, tất cả nhằm
biến Phật giáo thành một tổ chức bù nhìn.
Lập
trường của các vị sư
Những vị
cao tăng lúc bấy giờ đứng trước một thử thách lịch sử khi các khối Phật giáo đối
diện một thế lực chính trị luôn sẵn sàng dùng “chuyên chính vô sản" để đè
bẹp mọi lập luận.
Trong hồi
ký, Đỗ Trung Hiếu ghi: Hòa thượng Thích Đôn Hậu (Chánh Thư ký Viện Tăng thống
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) nhất mực giữ vững lập trường, không hề
lay chuyển cho đến ngày viên tịch 23/4/1992. Hòa thượng từng thoát ly vào chiến
khu trong Tết Mậu Thân 1968, tham gia Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ
và Hòa bình Việt Nam với tư cách phó chủ tịch. Thậm chí, Thích Đôn Hậu từng gửi
kiến nghị Tổng bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Quốc hội
Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc thống nhất Phật giáo Việt Nam rằng:
“Khi đất nước bị xâm lược tôi làm nghĩa vụ công dân, nay đất nước độc lập,
tôi trở lại chu toàn việc Đạo, và trước hết là vận động cho công cuộc thống nhất
Phật giáo Việt Nam”, tức là thống nhất Phật giáo miền Bắc và miền Nam, còn
mọi việc của Giáo hội thì hàng giáo phẩm, tăng ni và đồng bào Phật tử tự quyết
định.
Tất nhiên,
các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản không đồng tình. Họ gán Hòa thượng Thích Đôn Hậu
là chống đảng - nhà nước.
Hay đối với
Viện Hóa đạo, Thượng tọa Huyền Quang, Quảng Độ chống quyết liệt. Chính quyền
bèn quản thúc họ lần lượt ở Bình Định và Thái Bình.
Trong khi
đó, Hòa thượng Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP. Hồ Chí
Minh, muốn trở thành Giáo chủ của Phật giáo Việt Nam. Vị này cũng là đảng viên
Đảng Cộng sản, tự nguyện chấp hành những điều đảng đề ra và thực hiện những chủ
trương về thống nhất Phật giáo của Đảng một cách nghiêm túc. Còn Hòa thượng
Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam cũng thế
và Giáo hội Phật giáo cổ truyền mặc cảm thua kém về nhiều mặt, cũng không mấy
hài lòng, nhưng không dám cãi lại ý đảng.
Riêng đối
với Hòa thượng Thích Trí Quang, người có danh tiếng vì hoạt động xã hội tích cực,
[4] chấp nhận việc thống nhất, nhưng đưa ra quan điểm cứng rắn: (1) về mặt Đạo,
thống nhất Phật giáo tức là phát huy bản sắc duy nhất của đạo Phật là Giác ngộ
– Giải thoát, và tôn trọng phương tiện tu hành của mỗi hệ phái. (2) Các hệ phái
được quyền giữ phương tiện tu hành riêng, nhưng phải nằm trong và chịu sự lãnh
chung của một tổ chức. (3) Về mặt xã hội, thống nhất Phật giáo tức là mọi hoạt
động xã hội đều phải tuân theo sự lãnh đạo của Trung ương Giáo hội, độc lập và
phù hợp với Giáo lý Đức Phật. (4) Về nhân sự là các vị cao tăng đức độ được
tăng ni phật tử cả nước tín nhiệm, cung thỉnh và suy cử, chứ không phải sự thỏa
thuận hoặc áp đặt theo yêu cầu chính trị.
Mặc dù tác
giả Đỗ Trung Hiếu đã ghi nhận lại những lời tâm huyết như trên đây từ Hòa thượng
Thích Trí Quang, nhưng thực tế kết quả Đại hội thống nhất Phật giáo vẫn diễn ra
theo ý của các lãnh đạo Đảng Cộng sản.
Bài
toán thực sự
Ngày
12-13/2/1980, ông Nguyễn Văn Linh, ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Dân vận
Trung ương mời 20 vị đại diện của chín tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam họp
tại TP. Hồ Chí Minh.
Cuộc họp bầu
chọn ra Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, do Hòa thượng Thích Trí Thủ
làm trưởng ban và hai hòa thượng Thích Đức Nhuận, Thích Đôn Hậu làm cố vấn. [5]
Từ đây,
coi như đảng đã thắng thế. Chính quyền đưa ra chủ trương thống nhất Phật giáo
Việt Nam, tức là đoàn kết tất cả các tổ chức Phật giáo trên cả nước. Nhưng nhìn
lại trong số các khối Phật giáo, chỉ có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
là một tổ chức lớn nhất, hoạt động quy củ, có uy tín với quốc tế và có nhiều
tăng ni uyên thâm Phật học, có khả năng, kinh nghiệm hoạt động cả trong đạo và
ngoài đời.
Do đó, chủ
trương thống nhất Phật giáo Việt Nam thực chất là bài toán thâu tóm được Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Đại hội thống
nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra ngày 4/11/1981. Kết quả, đại hội cho ra bản hiến
chương, cơ cấu tổ chức, cơ cấu nhân sự, đúng như ý đảng đã vạch ra.
Sự kiện
năm 1981 cũng được xem là cuộc chấn hưng lần thứ ba của Phật giáo (hai lần trước
diễn ra vào năm 1932 khi sư Giác Tiên và cư sĩ Tâm Minh sáng lập ra An Nam Phật
học và vào năm 1951, khi Tổng liên hội Phật giáo Việt Nam ra đời). [6]
Cụm từ “chủ
nghĩa xã hội" được gắn vào câu định hướng của Phật giáo, thành “Đạo Pháp -
Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Cơ cấu tổ chức Phật giáo bắt đầu đổi theo hình
tháp ngược, tức lấy chùa, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường làm cơ sở,
thay cho quần chúng, Phật tử.
Tác giả Đỗ
Trung Hiếu ghi lại suy nghiệm của mình: Khi tiếp xúc với Ban Bí thư,
tôi mới hiểu rõ từ “tập thể” trong đảng là tương đối. [...] Bộ Chính trị là một
“tập thể” mỗi người làm mỗi cách theo ý của tổng bí thư.
Ông cũng kể
lại rằng mình đã nói với ông Nguyễn Chính, lúc bấy giờ là lãnh đạo Ban Tôn giáo
Chính phủ và ông Nguyễn Ngọc San, trưởng Ban Tôn giáo TP. Hồ Chí Minh: Nếu
làm giám đốc một công ty, sai, bị lỗ đôi ba tỷ đồng, gây đau khổ đấy. Nhưng,
các anh có thể làm giỏi kiếm tiền bù lại. Còn lĩnh vực này (vấn đề thống nhất
Phật giáo), sai, ít nhất gây buồn phiền đau khổ cho biết bao nhiêu triệu con
người, lớn hơn là làm cho nhiều người bị tù đày chết chóc. Điều đó không lấy gì
và làm sao bù đắp được. [...] Các anh nhớ đừng làm gì để họa cho dân tộc, gây
đau khổ cho đồng bào các tôn giáo. Nghiệp báo đời đời”.
---------------
Chú
thích
[1] Lương
Hoàng tổng hợp/ Báo Giác Ngộ. (2023, March 9). Sách trắng công bố Việt Nam
có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, trong đó Phật giáo hơn 14 triệu người. Giác
Ngộ Online; Giác Ngộ Online. https://giacngo.vn/sach-trang-cong-bo-viet-nam-co-265-trieu-tin-do-ton-giao-trong-do-phat-giao-hon-14-trieu-nguoi-post66060.html
[2] https://nvsk.vnanet.vn.
(2020). Trần Xuân Bách. Vnanet.vn. https://nvsk.vnanet.vn/
[3] Theo
một số thông tin từ Thư viện Hoa sen, Đỗ Trung Hiếu quê ở Khánh Hòa, là nguyên
giáo sư của Trường Trung học Bồ Đề ở Nha Trang trước 1975. Ông từng tham gia
phong trào đấu tranh của Phật giáo chống lại Chính phủ Ngô Đình Diệm. Sau ngày
30/4/1975, ông trở thành một quan chức cấp cao của Ban Tôn giáo Chính phủ, được
lãnh đạo đảng giao nhiệm vụ thống nhất các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam. Tuy
nhiên, sau đó, ông bất đồng chính kiến và ra khỏi đảng. Năm 1994, ông hoàn
thành cuốn hồi ký ngắn “Thống nhất Phật giáo". Xem thêm: Uyên Nguyên.
(2018, October 12). Đỗ-Trung-Hiếu: Thống Nhất Phật Giáo. https://uyennguyen.net/2018/10/11/do-trung-hieu-thong-nhat-phat-giao/
[4] Năm
1964, hoà thượng tổ chức “GHPGVNTN cứu lụt”, Hội đồng Nhân dân cứu quốc
đòi chính phủ dân sự và phong trào “Cầu nguyện hòa bình” năm 1965.
[5] Hòa
thượng Thích Đôn Hậu đã cáo mệt và không tiếp tục dự hội nghị nữa, mặc dù bên Đảng
Cộng sản đã nhiều lần mời.
[6] Phong
trào chấn hưng Phật giáo qua vai trò của Hội An Nam Phật học (1932 - 1945).
(2012, December 17). Phatgiao.org.vn. https://phatgiao.org.vn/phong-trao-chan-hung-phat-giao-qua-vai-tro-cua-hoi-an-nam-phat-hoc-1932--1945-d8937.html
---------------------
Đọc
thêm:
Khởi
điểm suy đồi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Những
biểu hiện suy đồi của giáo hội là thứ không còn bị che đậy nữa.
Luật
Khoa tạp chí - Trần Phương
40
năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 4 vấn đề giáo hội không muốn nhắc đến
Những
phần lịch sử bị lãng quên của Phật giáo Việt Nam.
Luật
Khoa tạp chí - Thái Thanh
No comments:
Post a Comment