San
hô ở Việt Nam trước thảm họa tẩy trắng hàng loạt
Thanh Phương
- RFI
Đăng
ngày: 19/08/2024 - 12:05
Theo
các cơ quan bảo tồn sinh vật biển, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều
loài san hô đa dạng nhất thế giới. Tuy nhiên, hệ sinh thái rất quan trọng này
đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng, chất lượng, do tác động từ các
hoạt động của con người ( du lịch, ô nhiễm biển ), cũng như do tác động của biến
đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu đáng lo ngại hơn cả là hiện tượng tẩy
trắng hàng loạt các rạn san hô.
HÌNH
:
Ảnh
minh họa: San hô bị tẩy trắng do tác động của biến đổi khí hậu ở ngoài khơi bờ
biển Texas, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 16/09/2023. AP - LM Otero
Vùng
biển Việt Nam hiện đang tập trung khoảng 340 loài san hô trong tổng số 800
loài của thế giới, phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam. Rạn san hô biển tập
trung với mật độ cao ở vùng biển Nha Trang, Trường Sa, Hoàng Sa, biển
Hòn Mun (Khánh Hòa). Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tổng cục Biển đảo Việt
Nam, hiện Việt Nam chỉ còn 1% trong số 1.300km2 rạn san hô dọc bờ biển đang
trong tình trạng rất tốt; 26% các rạn san hô trong điều kiện tốt; 41% các rạn
san hô trung bình, còn lại 31% là các rạn san hô nghèo.
Ðiều
đáng lo ngại đó là hiện có 96% các rạn san hô trên khắp vùng biển cả nước đang
hứng chịu tác động từ các hoạt động khai thác của con người, trong đó gần 75%
các rạn có mức độ rủi ro cao và rất cao bởi tình trạng khai thác mang tính hủy
diệt. Đi cùng với sự suy thoái của san hô là sự biến mất của nhiều loài sinh vật
biển quý.
Lê Chiến,
nhà sáng lập Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA, một tổ chức phi chính phủ tại
Việt Nam chuyên giải cứu các sinh vật biển và hồi sinh các rạn san hô bị hư hại
tại bờ biển miền trung Việt Nam, cho biết về hiện trạng của san hô Việt Nam, đặc
biệt là hiện tượng tẩy trắng hàng loạt ( mass bleaching ):
“Mass
bleaching, tẩy trắng hàng loạt, có nghĩa là tẩy trắng trên một diện rất rộng
trên một số loài, đặc biệt là loài tạo dạng quan trọng, những loài có mật độ rất
lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành rạn tại Việt Nam, cũng như tại
châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Hiện
tại rất nhiều nơi ở Việt Nam, san hô đã bị tẩy trắng hàng loạt. Đấy chính là
nguy cơ lớn nhất, chứ còn bây giờ vấn đề phá hoại bởi du lịch không còn là trọng
tâm nữa. Hiện chúng tôi ghi nhận hiện tượng tẩy trắng hàng loạt ở một số tỉnh
Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận và vịnh ở Côn Đảo, vịnh Thái Lan, Phú
Quốc. Đó là ghi nhận trong khả năng của chúng tôi. Có thể có những tỉnh khác
cũng bị như vậy, nhưng chúng tôi chưa có điều kiện để đi khảo sát. Rất may là ở
khu vực Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ thì chưa thấy bị ảnh hưởng, nhưng nhiệt
độ nước biển thì hiện cũng khá là cao.”
Cũng
theo anh Lê Chiến, về mặt lý thuyết, có những phương pháp giúp đảo ngược tình
trạng tẩy trắng hàng loạt san hô ở Việt Nam, nhưng trên thực tế không đơn giản
chút nào:
“Trong
những phương pháp tái tạo san hô, có việc gây dựng vườn ươm con giống san hô (
coral garden ), nếu không thì chỉ là transplantation, tức là di chuyển san hô từ
điểm A sang điểm B. Giống như trên hai cánh rừng, một cánh rừng trọc và một
cánh rừng xanh. Nếu chúng ta lấy cây bên rừng xanh trồng bên rừng trọc thì hai
bên sẽ trở lại một bên là rừng xanh, một bên là rừng trọc. Nếu không có vườn
ươm thì sẽ không có con giống để cung cấp. Vườn ươm đó có nhiều yếu tố, thứ nhất
là khai thác con giống. Hai là người ta có thể dùng nhiều phương pháp để khiến
cho san hô stress liên tục để kích thích nó thích nghi với biến đổi khí hậu
toàn cầu. Trên lý thuyết là như vậy, nhưng có rất ít nơi làm được việc đó.
Chúng
ta có thể dùng công nghệ, kỹ thuật và sức người để đảo ngược xu thế, nhưng đó
là một việc rất là khó. Trong đợt tẩy trắng san hô vừa rồi, nước Úc đã gánh chịu
một cảnh vô cùng thảm hại, khi hàng trăm ngàn km vuông bị tẩy trắng. Về mặt lý
thuyết thì chúng ta có thể thích ứng được, nhưng thực tế rất khó mà triển
khai.
Hiện
tại chúng tôi cũng đang làm một số mô hình thí điểm cứu hộ san hô bị tẩy trắng,
cũng như giúp cho san hô vượt qua được mùa “heat stress”, tức là giai đoạn mà
nước biển nóng lên từ 2 tuần đến 1 tháng hoặc 2 tháng. Chúng ta có thể gây dựng
những vườn ươm hoặc di dời những vườn ươm. Về mặt kỹ thuật thì có thể, nhưng
trên thực tế, trở ngại lớn nhất là kinh phí. Kinh phí cho việc này quá lớn, thậm
chí nước Úc còn không làm được, Việt Nam lại càng khó làm.
Trên
lý thuyết, chúng ta có thể di dời toàn bộ rạn san hô đến một địa điểm khác để
dưỡng chúng, qua thời điểm nước nóng lên thì chúng ta tái cấy vào khu vực đã dời
đi. Nhưng để di chuyển 1 km2, 5 km2, 10 km2 hay hàng trăm km2 là rất khó. Trên
thế giới hiện giờ người ta đã lập ra các vườn ươm. Nếu đó là vườn ươm với quy
mô nhỏ thì có thể di dời được đến khu vực biển mát hơn hoặc di dời vào khu vực
bễ nhân tạo và dùng những thiết bị, những công cụ làm mát nước, duy trì nhiệt độ
nước ổn định”.
Trước
quy mô quá lớn tình trạng san hô bị suy thoái, những tổ chức phi chính phủ như
SASA từ nhiều năm qua đã nỗ lực tham gia tái tạo các rạn san hô bị suy thoái,
nhưng phạm vi hoạt động của họ rất giới hạn, theo lời anh Lê Chiến:
“Công
việc chính của chúng tôi vẫn là tái tạo các rạn san hô. Về kinh phí thì chúng
tôi là một tổ chức nghiên cứu và hoạt động thực hành khoa học một cách độc lập,
không có tư cách pháp nhân để nhận tài trợ hay hỗ trợ. Toàn bộ kinh phí là do
chúng tôi tự chi trả.
Hiện
chúng tôi đang làm tại Đà Nẵng và Phú Quốc. Như tôi đã nói ở trên, rất may là
miền Trung Trung Bộ, bao gồm cả Đà Nẵng, Quảng Bình…, chưa bị ảnh hưởng bởi hiện
tượng tẩy trắng hàng loạt. Chúng tôi đã hoạt động ở Đà Nẵng từ 10 năm rồi, còn ở
Phú Quốc thì chúng tôi mới triển khai được khoảng hơn 1 năm. Vấn đề ở đây là
không phải nơi nào bị thiệt hại thì chúng tôi mới đến đó, hay là nơi nào cần
thì chúng tôi đến, mà chúng tôi đi được ở đâu thì chúng tôi đi. Nơi nào cũng cần
cả. Rạn san hô trên thế giới thì đang ở mức độ suy thoái từ 40 đến 60% một năm.
Ở đâu chúng ta cũng đều phải làm cả!”
Ngay
cả việc phục hồi san hô bị tác động của ô nhiễm biển cũng không phải là đơn giản.
Theo báo chí trong nước, 8 năm sau sự cố môi trường ảnh hưởng đến hệ sinh thái
biển miền Trung Việt Nam, dự án phục hồi rạn san hô ở vùng biển này vẫn chưa được
triển khai xong.
Sự
cố môi trường biển miền Trung xảy ra vào năm 2016 do Công ty Formosa Hà Tĩnh
gây ra đã làm cho hệ động thực vật biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị
và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các rạn san hô nhiều nơi bị chết,
suy thoái mạnh, cần phải được nhanh chóng tái tạo.
Dự
án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản, mặc dù theo
quy định phải hoàn thành vào tháng 12/2022, nhưng nay vẫn chưa triển khai thi
công. Mãi đến tháng 4/2024, tỉnh Thừa Thiên - Huế mới được thủ tướng phê
duyệt cấp 170 tỉ đồng để triển khai dự án thả rạn san hô nhân tạo và trồng, phục
hồi rạn san hô. Thật ra đây là lần đầu tỉnh này thực hiện dự án như vậy cho nên
gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tìm ra đủ nguồn giống để trồng
và phục hồi san hô.
Do
phương tiện và khả năng còn hạn chế, Việt Nam phải cần đến sự hỗ trợ của quốc tế,
chẳng hạn như của Úc, quốc gia cũng đang hứng chịu thảm nạn san hô bị tẩy trắng
hàng loạt. Úc vốn nổi tiếng với rạn san hô Great Barrier, hệ thống rạn san
hô lớn nhất thế giới, bao gồm khoảng 3.000 rạn san hô riêng rẽ và vịnh san hô.
Do đó, các chuyên gia nước này có rất nhiều kinh nghiệm trong hoạt động bảo vệ
rạn san hô trước tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, đánh bắt cá
quá mức.
Theo
báo chí trong nước vào tháng 04/2024, các chuyên gia Úc sẽ đào tạo, hướng dẫn
cho 20 nhà khoa học và cán bộ các khu bảo tồn biển Việt Nam nâng cao năng lực,
kỹ năng giám sát và quản lý rạn san hô bằng cách ứng dụng công nghệ mới
ReefCloud và thiết bị ReefScan. ReefScan là một hệ thống camera dùng để nắm
bắt hiện trạng rạn san hô để bảo tồn chúng một cách hiệu quả hơn. Còn ReefCloud
là bộ cơ sở dữ liệu lớn dạng mở để quản lý các dữ liệu về rạn san hô.
Không
chỉ đối với Việt Nam mà đối với cả thế giới, việc phục hồi, bảo tồn ngày càng cấp
thiết, do tình trạng san hô suy thoái, nhất là hiện tượng san hộ bị tẩy trắng
hàng loạt, đã trở nên hết sức nghiêm trọng, sẽ ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại,
theo cảnh báo của những nhà nghiên cứu như anh Lê Chiến:
“Trong
vòng 50 năm qua, chúng ta đã đẩy những rạn san hô của chúng ta đến bờ vực suy
thoái nghiêm trọng. Nhiều hệ quả có thể xảy ra. Nó chỉ mới là giả thuyết khoa học,
chưa xảy ra, nhưng chúng ta có thể dùng các luận cứ khoa học, dẫn chứng khoa học
để có thể đưa ra một số dự đoán.
San
hô cung cấp sự sống và dung dưỡng sự sống cho từ 25% đến 40% sinh vật từ đáy đại
dương. Khi không còn san hô nữa thì 25% cho đến 40% sinh vật này có thể biến mất
và điều này sẽ làm sụp đổ toàn bộ mạng lưới thức ăn dưới đáy đại dương. Về sự sụp
mạng lưới thức ăn dưới đáy đại dương, lịch sử của hành tinh này đã trải qua 5 lần
đại tuyệt chủng. Nó xuất phát từ nhiều lý do, nhưng một trong những hiện tượng
đó là sụp đổ chuỗi thức ăn, dẫn đến đại tuyệt chủng dưới đáy đại dương.
Đại
dương của chúng ta không còn là một cái máy tạo oxy nữa, không còn là bộ phận
quan trọng trong chu trình carbon của hành tinh này nữa, mà có thể nó trở thành
một bể chứa tảo độc. Rạn san hô biến mất là một điều vô cùng nghiêm trọng cho cả
nhân loại, chứ không chỉ vấn đề kinh tế của người này, người kia hay nước này,
nước kia.
Đại
dương không chỉ là nguồn cung cấp thức ăn, mà nó còn là một cỗ máy sinh học lớn
nhất trên hành tinh này để vận hành khí hậu. Nếu không có chu trình carbon dựa
trên mạng lưới thức ăn vô cùng phức tạp của các đại dương, thì các đại dương sẽ
trở thành một cỗ máy tạo ra CO2 và từ đấy thì nhiệt độ của bầu khí quyển sẽ
tăng lên rất là nhiều, Trái đất sẽ nóng lên rất nhanh. Sau quá trình nóng lên rất
nhanh như vậy là quá trình dẫn đến kỷ băng hà. Đấy là quy trình gần như là bất
biến trong các kỳ đại tuyệt chủng đã từng xảy ra.”
No comments:
Post a Comment