‘Ngôn
ngữ mạng’ có đang phá hỏng tiếng Việt?
Thụy Vũ -
Saigon Nhỏ
22
tháng 8, 2024
https://saigonnhonews.com/thoi-su/ca-ke-chu-nghia/ngon-ngu-mang-co-dang-pha-hong-tieng-viet/
Nếu
thường xuyên sử dụng mạng xã hội và chỉ cần để ý một chút, có lẽ bạn sẽ nhận ra
tiếng Việt của chúng ta đã và đang bị “biến dạng” một cách đáng ngại
(Hình
minh họa: Marvin Meyer/Unsplash)
Những
dạng biến thể, “cách tân” của tiếng Việt được các cư dân mạng nâng lên thành
“ngôn ngữ mạng” để trò chuyện, nhắn tin, bình luận, livestream trên các ứng dụng
như Zalo, Facebook, Instagram, Twitter, Whatsapp, Viber, Snap Chat… Có thể nhận
diện vài nguyên nhân chính khiến tiếng Việt bị “biến dạng” như sau:
Tạo các
xu hướng ngôn ngữ bằng tiếng Việt
Đó
là những từ ngữ mang tính nhất thời, thường xuất hiện sau một sự kiện hay phát
ngôn của một nhân vật nổi tiếng nào đó có sức ảnh hưởng đáng kể đến cộng đồng
(các KOL, hot Facebooker, influencers, TikToker…) Dù chỉ tồn tại trong một thời
gian ngắn “ăn theo” các sự kiện hay nhân vật đó nhưng các “trend” này cũng đủ để
lôi kéo một đám đông không nhỏ hưởng ứng theo, đặc biệt là giới trẻ, đối tượng
dễ bị tác động và dẫn dắt nhất bởi những hiện tượng đang diễn ra trong xã hội.
Có
thể điểm qua một số từ như “trẻ trâu,” “u là trời,” “xịn sò,” “chanh sả,” “ố dề”…
Thói
quen ‘chêm’ ngoại ngữ vô tiếng Việt
Nhiều
nhất là tiếng Anh được các cư dân mạng “mượn” để chen vô các câu tiếng Việt của
mình. Để khoe trình độ ngoại ngữ, khả năng hội nhập hay thể hiện đẳng cấp gì đó
không rõ nhưng khi sử dụng ngôn ngữ theo kiểu nửa nạc nửa mỡ như thế này chỉ
cho thấy tâm lý sính ngoại, sự thiếu chuyên nghiệp, thậm chí là thiếu khả năng
sử dụng tiếng Việt thuần, chuẩn của người nói hay viết.
Cố tình
tạo ra phiên bản lỗi của tiếng Việt thuần, gốc
Điều
này đôi khi xảy ra với chính những người giỏi tiếng Việt hơn ai hết như giới
phóng viên, nhà báo, giáo viên, những người có vị trí nhất định trong xã hội…
nhằm mục đích hài hước cho vui, tạo sự thân thiện, gần gũi, gây ấn tượng… Họ cố
tình viết sai chính tả, chế, nhại, bẻ từ gốc ra thành từ mới như “vui vẻ” thành
“dzui dzẻ,” “mệt,” thành “mệch,” “chắc… chết” thành “chắc… chớt,” “cực chất”
thành “cực trất,” “yêu” thành “iu”…
Người
viết sử dụng tiếng Việt sai cách
Đó
là cách dùng từ trùng lắp, dư nghĩa mà nhiều người thoạt tưởng là sành sõi tiếng
Việt lắm khi vẫn bị sai. Có thể thấy qua các ví dụ như “an yên” (“an” và “yên”
là hai từ đồng nghĩa), “ngành nghề” (“ngành” và “nghề” là hai từ đồng nghĩa),
“nhé ạ” (“nhé” với “ạ” là hai từ cảm thán đồng nghĩa), “đi du lịch” (“du lịch”
đã mang nghĩa là đi chơi, sao còn kết hợp với “đi”?), “cặp đôi” (cả hai từ đều
chỉ số “2” sao lại đứng cùng nhau?)
Những từ
mới vô nghĩa
Nhiều
năm sau này, tiếng Việt liên tục xuất hiện những từ mới thoạt nghe qua rất vang
nhưng lại chẳng mang ý nghĩa cụ thể nào. Có thể thấy những từ như “chênh chao,”
“hoang hoải,” “chông chênh,” “chao chát,” “riết róng,” “đắng đót,”…
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/08/Ngon-ngu-tren-mang-ImagesFX.png
(Hình
minh họa: ImagesFX)
Teen
code, chữ viết tắt
Mới
đọc qua, nhiều người không biết cứ tưởng đó là những mật mã hay ký hiệu gì đó
như kiểu dùng mã telex trong việc trao đổi thông tin của bưu điện vậy. Các cư
dân mạng ngày nay (đa phần là giới trẻ) “sáng tạo” ra nhiều cách viết mới gọi
là teen code không tuân theo một quy tắc ngôn ngữ, văn hóa nào khiến cho những
“kẻ ngoại đạo” nếu không tìm hiểu về teen code sẽ không thể hiểu được người ta
đang nói gì với nhau trên cõi mạng.
Có
thể điểm qua các từ tiêu biểu như vk (thay cho “vợ”), ck (thay cho “chồng”),
hok (thay cho “không”), cmnr (thay cho “chết mẹ nó rồi”), bựk (thay cho “bực”),
qtqđ (thay cho “quá trời quá đất”), tứk (thay cho “tức”)…
Dùng tiếng
lóng, văng tục
Nhiều
từ lóng được các cư dân mạng dùng để chửi bậy, mạt sát nhau là những từ tả hành
động hoặc từ tượng hình được viết tắt từ tên của các bộ phận trên cơ thể. Nhiều
từ được giới trẻ “khai sinh” như “vcl,” “vcc,” “vcđ,” “đú trend,” “bú fame,”… đủ
khiến ai đó đỏ mặt vì ngượng khi phát ngôn hoặc tò mò tìm hiểu ý nghĩa là gì.
Đáng
ngại hơn khi các “dị thể” của tiếng Việt không chỉ phổ biến trên thế giới mạng
mà còn “xâm thực” vào đời sống qua việc người ta sử dụng để đặt tên hàng quán
nơi phần đông khách hàng là giới trẻ, đặt tên món ăn dành cho tuổi teen, quảng
cáo, đưa vào âm nhạc (đặc biệt là nhạc rap)… khiến những ai không vững tiếng Việt
dễ lầm tưởng đây là ngôn ngữ Việt chính thống.
Không
phủ nhận hiệu ứng “vui là chính” cũng như khả năng sáng tạo không giới hạn của
các nhà “ngôn ngữ… mạng” nhưng việc bóp méo tiếng Việt, dù vô tình hay cố ý,
khi đã tạo thành thói quen cho người sử dụng đều để lại những hậu quả khó lường
với hậu thế, nhất là với những người còn trẻ vốn chưa đủ kiến thức lẫn kinh
nghiệm để phân biệt đâu là tiếng Việt thuần, tiếng Việt gốc với thứ tiếng Việt
bị lai căng, biến thể.
Việc
làm dụng ngôn ngữ mạng theo hướng tiêu cực có khi khiến giới trẻ ngộ nhận rằng
mình là người sành điệu, bắt kịp các xu hướng (trend) của xã hội. Chưa kể việc
sử dụng các thể loại ngôn ngữ mạng như nói trên dễ gây tác dụng ngược khi bị
xem là thiếu tôn trọng người đọc, người nghe trong một số tình huống nghiêm túc
hay với người lớn tuổi, người có vai vế cao hơn.
Một
đối tượng khác cũng bị ảnh hưởng gián tiếp là các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở
hải ngoại nhưng muốn duy trì việc sử dụng, gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Khi
phải dùng tiếng Việt ở một nơi khác không phải quê hương của mình, có thể nói
các em đã chịu thiệt thòi. Nếu phải tiếp xúc với thứ ngôn ngữ bị biến tấu lệch
lạc trên mạng, các em dễ ngộ nhận dẫn tới hiểu sai và sử dụng sai theo.
Chính
vì giới trẻ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất nên rất khó để họ có thể vô tư sử
dụng ngôn ngữ mạng mà vẫn bảo đảm dùng đúng chính tả tiếng Việt trong những
tình huống cần nói/viết nghiêm túc.
Nếu
những người lớn trong gia đình như ông bà, cha mẹ của các em ở cả Việt Nam lẫn
hải ngoại không chú ý điều chỉnh, uốn nắn, hậu quả sẽ là các em lớn lên với vốn
tiếng Việt xấu xí, “dị dạng.”
Để
làm gương cho con, em mình, đã tham gia mạng xã hội, kể cả người lớn không nên
lạm dụng ngôn ngữ mạng, bảo tồn sự trong sáng, thuần khiết của tiếng Việt, cũng
như cần trang bị đủ kiến thức để nhắc nhở lớp trẻ nhận diện nhiều thứ đẹp – xấu,
đúng – sai, phải – trái trên không gian mạng, chứ không chỉ riêng tiếng Việt!
No comments:
Post a Comment