Monday, August 19, 2024

MỘT NĂM THƯỢNG ĐỈNH CAMP DAVID : MỸ, NHẬT, HÀN TÁI CAM KẾT SIẾT CHẶT HỢP TÁC AN NINH (Trọng Thành / RFI)

 



70 năm cuộc di cư 1954 và cải cách ruộng đất: Triển lãm góc lịch sử bị giấu kín

VOA Tiếng Việt

18/08/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7746762.html

 

Theo một số nhà nghiên cứu tại Mỹ, hiểu biết của đa số người Việt Nam về cuộc di cư năm 1954 và cải cách ruộng đất miền Bắc chỉ dừng lại ở cái tên của nó và một vài câu chuyện truyền miệng, trong khi quy mô, tác động và hệ luỵ của những sự kiện này đã kéo dài suốt 70 năm qua và vẫn ảnh hưởng đến những chính sách hiện tại và lợi ích của người dân.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-9b3b-08dcbf15be50_cx7_cy3_cw88_w1023_r1_s.png

Hình ảnh về cuộc cải cách ruộng đất miền Bắc Việt Nam (Photo: The Vietnamese Magazine)

 

Nguyên nhân dẫn đến lỗ hổng này là do phần lịch sử đen tối đã bị cố tình che giấu, trong khi những nhân chứng sống, thế hệ trực tiếp trải qua hai sự kiện trên gần như không còn nữa.

 

“Đây là hai sự kiện quan trọng của lịch sử Việt Nam và nó ảnh hưởng đến gia đình, cuộc sống của rất nhiều người Việt Nam và cả những người sau này đi qua Mỹ nữa, trong số họ có nhiều gia đình đã từng di cư từ Bắc vào Nam hoặc chịu cải cách ruộng đất”, Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị - Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ của Đại học Oregon, nói với VOA.

 

“Nó quan trọng như vậy nhưng lịch sử trong nước họ không dạy hoặc họ bỏ qua vì rõ ràng nó phô bày tính bạo lực, xấu xa của đảng Cộng sản, thành ra họ muốn che giấu, trong khi bên này thì những người lớn tuổi dần dần mất đi nên mới có nhu cầu cần phải giáo dục cho cộng đồng biết về những sự kiện này”, GS. Vũ Tường cho biết thêm về lý do trường đại học của ông cộng tác với Đại học Kỹ thuật Texas và Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt tổ chức cuộc triển lãm - thảo luận về “Cuộc di cư năm 1954” và “Cải cách ruộng đất miền bắc Việt Nam” vào hai ngày 17-18/8 tại Bowers Museum, thành phố Santa Ana, bang California, Hoa Kỳ, nhân dịp 70 năm kỷ niệm các sự kiện lịch sử này.

 

Triển lãm giới thiệu với công chúng hàng trăm tài liệu, hình ảnh, văn bản… của nhà nước Cộng sản về cuộc cải cách ruộng đất đã khiến hàng trăm ngàn người đổ máu oan uổng, cũng như những tài liệu của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cho thấy việc tiếp nhận, sắp xếp cuộc sống cho gần một triệu người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 như thế nào.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-cedb-08dcbf146b30_w650_r1_s.jpg

Poster giới thiệu chương trình triển lãm.

 

“Đây là một chương trình mà 70 năm qua chưa có một tổ chức nào làm. Viện Bảo Tàng muốn dùng cơ hội này để đưa ra ánh sáng những tài liệu mà trước giờ đã không được nhiều chú ý. Thành ra ngày hôm đó có một vở kịch ngắn của những nạn nhân là con của những ông bà, cha mẹ bị giết trong cuộc cải cách, và những người đó họ viết lại vở kịch bằng những tài liệu thật và họ đóng lại, ngay cả diễn viên là những người đã từng đóng phim cho Hollywood cũng đóng trong vở kịch”, Hoạ sĩ Châu Thuỵ, Giám đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, giới thiệu thêm về nội dung của hai ngày triển lãm.

 

Cuộc cải cách khốc liệt và hành trình di cư của những người tìm tự do

 

Cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam tổng cộng có 5 đợt, được tiến hành từ năm 1953 -1956 tại 3.314 xã, khiến hàng trăm ngàn người bị đấu tố, bị kết án oan sai. Theo thống kê chính thức của Việt Nam, tổng số người đã bị quy là địa chủ trong cuộc cải cách này là 172.008 người. Trong đó, số người bị quy sai là 123.266 người, chiếm tỷ lệ 71,66%.

 

Giáo sư Alex Thái, thuộc Trung tâm Việt Nam học của Đại học Kỹ thuật Texas, nói nếu chỉ tính trên con số mà chính quyền ở Việt Nam công bố (mà thực tế có thể nhiều hơn), thì số người chịu ảnh hưởng của cuộc cải cách ruộng đất phải gấp 4, 5 lần hoặc hơn vì mỗi gia đình thời đó đều có ít nhất 4, 5 con.

 

“Trong phần cải cách ruộng đất, chúng tôi trưng bày những văn bản của nhà nước cũng như những tư liệu liên quan để chứng mình cuộc cải cách ruộng đất này không phải là một cuộc nổi dậy bình thường do người dân uất ức, nghèo đói quá mà họ đứng dậy, mà nó là một sự phát động từ trong chính quyền nhà nước Việt Nam để gây sự hận thù giữa người dân với nhau, để rồi sách động cuộc cách mạng ruộng đất”, GS. Alex Thái nói về nội dung cuộc triển lãm.

 

Để thực hiện công tác gây sự căm hận này, theo những nghiên cứu của GS. Alex Thái, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã dùng cách thức được gọi tên là “phát động quần chúng”.

 

Ông giải thích: “Để phát động quần chúng, chính phủ phải in ấn rất nhiều tư liệu để làm sao cổ vũ người dân. Mà người dân Việt Nam vào thời kỳ đó rất thiếu học, đa phần vào thời gian đó chỉ mới học lớp 3, lớp 4 thôi, thì để cho họ có được sự căm thù đối với tầng lớp giàu có hơn, tức tầng lớp trí thức, địa chủ, phú nông, để rồi họ đứng lên, lấy số đông người dân nghèo đó để đả phá, chỉ trích, đấu tố những người thuộc tầng lớp giàu. Chúng tôi sẽ trưng bày những văn bản đó, trong đó có những văn bản nói rằng cứ mỗi 1.000 người thì phải xử tử 1 người. Xưa nay người ta hay nói cải cách ruộng đất giết chóc nhiều lắm nhưng không mấy ai hiểu cụ thể nó có những con số như vậy. Nó là một quota, và sau này có một quota nữa là mỗi xã thì phải có 5% địa chủ”.

 

Theo nhà nghiên cứu lịch sử của Đại học Kỹ thuật Texas , chính những quota mà các cán bộ xã huyện phải nằm lòng để thực hiện theo chỉ thị đã dẫn đến biết bao người dân và gia đình họ bị vu oan để đáp ứng những “chỉ tiêu” này.

 

Với chủ đề di cư, GS. Alex Thái cho biết cuộc triển lãm sẽ trưng bày những văn bản của hai nhà nước: Dân chủ Việt Nam Cộng hoà, tức nhà nước Cộng sản, và Việt Nam Cộng Hoà.

 

“Một số người Bắc ra đi năm 1975 hoặc đi vượt biên sau năm 1976 thì họ cũng là những người đã di cư từ Bắc vào Nam (năm 1954) cho nên nó có sự móc nối về lịch sử. Thứ hai, nó giúp định nghĩa chữ tự do trong lịch sử Việt Nam như thế nào”, Giáo sư Hoàng Anh Tuấn, giảng dạy về Lịch sử tại Đại học Pepperdine, Mỹ, một trong những diễn giả khách mời của hội thảo, nói về nội dung mà ông tham gia trình bày.

 

Đến xem triển lãm, người xem có dịp để tìm hiểu và hình dung việc chính phủ miền Nam tiếp nhận và quản trị gần một triệu người miền Bắc di cư vào Nam như thế nào. Họ đã phải phân chia người dân ra sao, lập ra các trại tiếp thu người, chi tiền như thế nào cho các gia đình, chia máy may, dụng cụ làm nông… ra sao để các gia đình ổn định cuộc sống ở vùng đất mới, thậm chí họ có thể dò tìm cả tên người thân nếu có trong danh sách hàng ngàn cái tên của những người di cư năm 1954 đã được chính quyền Việt Nam Cộng Hoà phân bổ về các địa phương.

 

Theo Hoạ sĩ Châu Thuỵ, cuộc triển làm chính là cơ hội để mọi người học hỏi để biết thêm “thế nào là chế độ Cộng sản”, mà ảnh hưởng của nó có thể nhìn thấy đến tận ngày nay trong chính sách đất đai hay những vấn đề tiêu cực về mặt xã hội.

 

Cho thế hệ trẻ và tương lai người Việt

 

Cuộc triển lãm và hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu về Việt Nam, kèm theo chương trình chiếu phim, diễn kịch... được mở cửa miễn phí cho công chúng.

 

Các nhà tổ chức cho biết cuộc triển lãm được thực hiện khi họ nhìn thấy những góc khuất lịch sử và nhu cầu về việc trình bày lịch sử một cách trung thực cho cộng đồng, đặc biệt cho thế hệ trẻ, nhưng người được sinh ra sau khi chiến tranh Việt Nam đã kết thúc.

 

“Sau những buổi hội thảo và các cuộc triển lãm, có đến 80-90% các em lớn lên ở đây không hề biết tại sao bố mẹ ra đi”, họa sĩ Châu Thuỵ chia sẻ. “Cách đây mấy ngày, có một nhóm bạn trẻ tới đây và thú thật là bố mẹ họ đi vượt biên nhưng hỏi thì không bao giờ nói. Có thể những người đi vượt biên, đi tù cải tạo họ bị vấn đề về tâm lý nên không muốn kể lại quá khứ đau thương của họ. Thành ra, Viện Bảo Tàng là câu trả lời cho các em”.

 

GS. Hoàng Anh Tuấn lưu ý thêm về vấn đề trình bày. Ông nói: “Người Việt Nam khi gặp nhau bên Mỹ thường chú trọng nói tiếng Việt, nhưng hội thảo này có tiếng Anh nữa, vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh nên ngôn ngữ rất thuận tiện cho các bạn trẻ. Ngoài ra, những bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam rồi qua đây du học, chính quyền đã không dạy họ về một số vấn đề lịch sử như chống Cộng, Việt Nam Cộng Hoà… nên các em cũng nên tham dự để hiểu thêm về lịch sử của mình”.

 

Đối với hoạ sĩ Châu Thuỵ và Viện Bảo Tàng, việc tổ chức triển làm là một cơ hội và cũng là trách nhiệm phải làm. Vì theo lời ông, “mình ở nước tự do và mình có thể làm được những chuyện mà các bạn trẻ trong nước không thể làm được, nên chúng ta làm cho họ”.

 






No comments: