Friday, August 16, 2024

GORBACHEV - TỘI ĐỒ hay CỨU TINH? (Đoàn Bảo Châu? | Báo Tiếng Dân)

 



Gorbachev – Tội đồ hay cứu tinh?

Đoàn Bảo Châu

16/08/2024

https://baotiengdan.com/2024/08/16/gorbachev-toi-do-hay-cuu-tinh/

 

Với nhiều người Nga, Mikhail Gorbachev được coi là tội đồ.

 

Những cải cách của ông đã góp phần vào sự tan rã của Liên bang Xô viết, chấm dứt sự thống trị của Nga đối với các nước Đông Âu, và đẩy đất nước vào giai đoạn đầy biến động. Tuy nhiên, đối với nhân loại nói chung, Gorbachev lại là một vị cứu tinh sáng chói, người đã góp phần quan trọng trong việc kết thúc Chiến tranh Lạnh và loại bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

 

Con người này, chứ không phải ai khác, có sức ảnh hưởng lớn nhất tới nhân loại vào nửa cuối thế kỷ 20. Ông đã đưa ra những chính sách táo bạo và quan trọng nhất, bao gồm Glasnost (công khai) và Perestroika (cải tổ), nhằm mở cửa xã hội và cải cách nền kinh tế Liên Xô. Chính những chính sách này đã khởi đầu cho sự thay đổi lớn lao, không chỉ ở Liên Xô mà còn trên toàn thế giới.

 

Trong một cuộc phỏng vấn với AP vào năm 1992, Gorbachev nói: “Tôi thấy mình là người bắt đầu những cải cách cần thiết cho đất nước tôi, cho Châu Âu và thế giới. Tôi thường được hỏi là nếu bắt đầu lại thì tôi có làm lại những gì tôi đã làm không? Câu trả lời là tất nhiên rồi, tôi sẽ làm nhưng với sự kiên định và quyết đoán hơn thế”.

 

Dù bị chỉ trích tại Nga, nhưng ở phương Tây và nhiều nơi khác, Gorbachev được tôn vinh như một người hùng. Ông không chỉ góp phần vào việc giảm căng thẳng quốc tế mà còn cho phép các quốc gia Đông Âu thoát khỏi ách độc tài, mở ra con đường cho dân chủ và tự do. Ông đã đàm phán các hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân với Hoa Kỳ, giúp giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân, một trong những thành tựu đáng kể nhất trong lịch sử hiện đại.

 

Nhưng Gorbachev cũng không tránh khỏi những sai lầm lớn. Những cải cách của ông đã dẫn đến sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991. Nền kinh tế Liên Xô rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, với lạm phát cao, thiếu hụt lương thực, và sự sụp đổ của các cơ sở công nghiệp. Ông bị chỉ trích vì đã mất kiểm soát tình hình, không thể duy trì sự đoàn kết trong đảng và đất nước.

 

Gorbachev – một nhà lãnh đạo với tầm nhìn về sự cải cách và hiện đại hóa – là một biểu tượng của thời kỳ chuyển đổi lớn. Công lao và tội lỗi của ông phản ánh một giai đoạn đầy biến động của lịch sử, nơi thành công và thất bại đan xen lẫn nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, Gorbachev đã thay đổi cục diện thế giới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hòa bình và ổn định.

 

Xin tỏ lòng thương tiếc với một con người xuất sắc và theo tôi, đấy là một trong những cứu tinh của nhân loại.

 

HÌNH : https://www.facebook.com/photo/?fbid=10161318255843965&set=a.10150708808583965

Mikhail Gorbachev

 

.

51 BÌNH LUẬN  

 

 

Hong Son Pham

Con số 13...

 

Liên Xô sụp đổ ở đời TBT thứ 13...

 

Gorbachev- TBT thứ 13 của Liên Bang Xô Viết.

 

Công và tội của Ông đối với nhân dân Xô Viết, nhân dân Nga hậu Xô Viết, nhân dân các nước Cộng hòa độc lập từ sự tan rã của Liên Xô, nhân dân các nước Đông Âu trước đây đã từng là XHCN dưới trướng Liên Xô, và nhân loại trên toàn thế giới nói chung, đã và đang được lịch sử đánh giá.

 

Với góc độ một con người, Ông là người có TÂM, có đức độ, có lòng nhân ái. Nhưng với góc độ một nhà lãnh đạo, một chính trị gia, Ông đã không đủ TẦM để dẫn dắt công cuộc đổi mới (bằng Cải cách và Minh bạch) xã hội Xô Viết, chính quyền Xô Viết mà chính Ông là người khởi xướng. Sự không đủ TẦM của Ông đã dẫn đến sự sụp đổ không thể cứu vãn của Liên Bang Xô Viết, của toàn bộ hệ thống XHCN tại Liên Xô và các nước Đông Âu. Cái không đủ TẦM của Ông chính là bởi Ông cũng từ trong chế độ của ĐCSLX, một chế độ độc tài toàn trị gần 75 năm...Chế độ độc tài toàn trị kéo dài đó đã hủy diệt mọi lực lượng xã hội tích cực từ khi còn trứng nước, mọi trào lưu xã hội tích cực có xu hướng tiến bộ hướng tới tự do dân chủ văn minh đều bị coi là phản động chống đối và bị bóp nghẹt từ khi mới hình thành...Đó cũng chính là nguyên nhân của cái TẦM BỊ HẠN CHẾ của Gorbachop vì ông cũng trưởng thành và lên cầm quyền từ chính cái chế độ độc tài toàn trị của ĐCSLX mà ra...

 

Gorbachop có công trong việc tạo ra sự thay đổi lớn lao trong nội bộ Liên Xô và khối XHCN Đông Âu, cũng như những thay đổi trong tương quan quan hệ quốc tế. Tuy nhiên ông cũng đã thất bại trong công cuộc đổi mới thể chế Liên Xô và Liên Bang Nga sau này, ông đã không có sự chuẩn bị lực lượng xã hội tích cực và đủ sức mạnh để thay đổi tận gốc mầm mống độc tài chuyên chế của chế độ cộng sản dưới thời ĐCSLX cầm quyền, mà chỉ tạo ra sự sụp đổ không thể kiểm soát của xã hội, của chính quyền Xô Viết, tạo kẽ hở cho một nhóm người cơ hội dưới chiêu bài "tự do và đổi mới" của Yeltsin vùng lên cướp chính quyền. Nhóm người này cũng từ trong cái nôi độc tài toàn trị của ĐCSLX mà ra, chỉ là một sự biến thái đầy tính cơ hội, bỏ cái áo khoác bên ngoài của ĐCSLX, nhưng vẫn mang trên mình chiếc áo lót cộng sản, khoác cái áo khoác nhuộm màu khác mà thôi. Nhóm người này không thực sự làm cho xã hội Nga tốt hơn, tự do dân chủ hơn, mà tạo ra những nhóm lợi ích và mafia tranh giành quyền lực và xẻ thịt nền kinh tế Nga. Chính những nhóm cơ hội nhóm lợi ích này làm suy yếu nền kinh tế Nga và đe dọa cả chính quyền mới của Yeltsin. Gần cuối nhiệm kỳ đầu tiên và duy nhất của mình, Yeltsin đã bất lực trước sự kiệt quệ của Liên Bang Nga và chìm vào rượu để lẩn tránh trách nhiệm. Yeltsin lúc này nhận thấy cần có bàn tay cứng rắn và chuyên chế để duy trì chính quyền và để chính Yeltsin làm chỗ dựa để hạ cánh an toàn. Và Yeltsin nhìn thấy tố chất cứng rắn tàn bạo và độc tài của Pootin, kẻ máu lạnh được huấn luyện bài bản trong hàng ngũ KGB - một tổ chức mafia chính danh của chế độ cộng sản dưới thời ĐCSLX trước đây. Và xã hội Nga lại rơi vào tình trạng độc tài chuyên chế hơn cả thời Liên Xô, một chế độ độc tài tới mức tàn bạo phát xít của một tay KGB nòi, một biến thái nguy hiểm của gốc rễ cộng sản.

 

Dưới chế độ KGB của Pootin, Pootin không từ bất kỳ thủ đoạn nào để đầu độc, thủ tiêu, bắt giữ tất cả các đối thủ chính trị, các nhà chính kiến và cả người dân bày tỏ quan điểm tích cực...

 

Bài học tan rã của Liên Xô trước đây, và sự tan rã đó còn kéo dài đến tận ngày nay của Liên Bang Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine, cho thấy hậu quả của sự sụp đổ không có sự chuẩn bị, không có LỰC LƯỢNG XÃ HỘI TÍCH CỰC TIẾN BỘ THẾ CẬN của ĐCSLX, của Liên Bang Xô Viết.

 

Sự sụp đổ không có sự chuẩn bị, không có LỰC LƯỢNG XÃ HỘI TÍCH CỰC TIẾN BỘ THẾ CẬN của ĐCSLX, của Liên Bang Xô Viết đã biến nước Nga thành nước hậu cộng sản độc tài phát xít là một BÀI HỌC CẢNH TỈNH rất lớn cho toàn thể nhân loại.

 

 

 



No comments: