Đến
khi nào các cháu sẽ được vừa học vừa chơi?
14/08/2024
https://baotiengdan.com/2024/08/14/den-khi-nao-cac-chau-se-duoc-vua-hoc-vua-choi/
Bạn ở nhà
ngạc nhiên thấy nhiều vận động viên Mỹ đoạt huy chương vàng Olympic có học vấn
cao, học trường nổi tiếng. Thực ra chuyện đó là chuyện thường, là logic ở xứ sở
này.
Theo tôi
biết, trước đây và ngay cả bây giờ, hầu hết vận động viên Việt Nam đều từ lò Đại
học Thể dục Thể thao, còn thể thao học đường dường như chỉ là trò vui vui.
Nước Mỹ
khác. Thể thao đại học được xem như thể thao chuyên nghiệp. Số lượng người xem
các trận vòng cuối của giải bóng rổ đại học NCAA trực tiếp tại sân và trên ti
vi nhiều hơn số lượng người xem chung kết giải nhà nghề NBA. Nếu một trận bóng
đại học quan trọng và một trận NBA chơi trùng thời gian, nhà đài không ngần ngại
tiếp sóng trận đại học mà bơ luôn vua James hay anh bếp Curry.
Lương của
huấn luyện viên bóng rổ và bóng bầu dục đại học cao ngất ngưởng, có khi cao hơn
lương hiệu trưởng hàng chục lần. Bù lại, trị giá thương hiệu của một đội bóng đại
học nổi tiếng là hàng trăm triệu đô. Vào cuối mùa giải đại học, các bình luận
viên danh giá nhất sẽ bỏ rơi NBA, chạy một mạch sang NCAA. Các đại học lớn thường
có sân vận động, nhà thi đấu to mấy chục ngàn chỗ ngồi. Mỗi khi có trận đấu
trên sân nhà, cả vùng rạo rực như có hội.
Và để được
tuyển vào các đội bóng đại học hạng nhất (D1), các bạn trẻ phải vượt qua hàng vạn
đối thủ, phải là những người chơi xuất sắc nhất ở giải trung học. Là tổng hợp sự
giúp đỡ của nhà trường; tài năng, luyện tập của con; công sức, tiền bạc của bố
mẹ trong nhiều năm.
Với môn
bóng rổ, sau khi kết thúc giải trường học vào tháng Hai, các cháu bắt đầu tập
luyện để chơi cho câu lạc bộ trong các giải đấu AAU. Con bạn có thể tham gia
các đội AAU ngay từ lớp Ba nếu được chọn. Các câu lạc bộ sẽ tổ chức những cuộc
chơi thử để chọn cầu thủ giỏi cho đội mình, trong lúc các cầu thủ giỏi tìm đến
huấn luyện giỏi – nổi tiếng để đầu quân.
Một đội
AAU mạnh thường có tất cả các cầu thủ sau đó sẽ được chọn vào đội bóng hạng nhất
đại học. Những giải AAU lớn, hàng ngàn huấn luyện viên đại học sẽ có mặt để
nhòm ngó cầu thủ tiềm năng. Ở mỗi sân đấu, ban tổ chức sẽ dành riêng khoảng 20
ghế ngồi cho huấn luyện viên đại học. Giữa hàng trăm sàn đấu, nếu bạn thấy một
sàn mà huấn luyện viên đại học chen chúc nhau đứng ngồi thì bảo đảm đó là hai đội
rất mạnh đang chơi với nhau.
Huấn luyện
viên đại học đến sân xem cầu thủ chơi, còn bố mẹ cầu thủ thì căng thẳng quan
sát huấn luyện viên xem họ có để ý đến con mình hay không.
Có lẽ
trong số hàng vạn cầu thủ AAU, con gái tôi là đứa duy nhất không màng đến việc
chơi bóng cho đại học, vì thế mẹ nó thoải mái đi thám thính lựa chọn của các huấn
luyện viên khắp các sàn đấu. Cuối mùa giải, cầu thủ chưa biết mà có khi mẹ cháu
đã biết trường C đang ngắm cháu B, trường D chọn cháu A. Có hàng trăm chuyện cười
ra nước mắt xung quanh những giải đấu AAU mà tôi từng chứng kiến.
Có cháu Việt
Nam theo mẹ là nghiên cứu sinh sang Mỹ. Cháu tham gia đội bóng rổ trung học được
mấy hôm thì nghỉ, lý do là cạnh tranh nhau quá. Đúng, các cầu thủ phải nỗ lực để
được chọn vào đội chính thức (varsity), để được hát quốc ca – chào cờ trước mỗi
trận đấu, để mang thành tích về cho trường, để được tung hô, để có cơ hội được
chơi cho đại học. Nhưng cháu dừng sớm quá nên không biết là các bạn ấy chơi vui
lắm, tinh thần đồng đội cao lắm. Chơi để khỏe, khỏe để học. Học tốt để lại được
chơi, trong tương lai.
Thể thao
không chỉ là thể thao. Chưa vội mơ huy chương vàng Olympic. Ở độ tuổi ẩm ương,
độ tuổi chống lại các quy tắc, chống lại gia đình, có thù với cả nhân loại, thể
thao giống như bầu trời ngàn sao lấp lánh cho các cháu. Thể thao giúp con bạn mạnh
hơn, giúp con bạn đứng lên.
Đến khi
nào trường học Việt Nam sẽ thực sự có các đội thể thao? Đến khi nào các cháu sẽ
được vừa học vừa chơi?
Ảnh: https://www.facebook.com/photo/?fbid=1970908763367485&set=a.143693732755673
Sân thi đấu
bóng rổ của đại học nhà.
No comments:
Post a Comment