Wednesday, August 7, 2024

CƠ HỘI ĐỂ HỌC HỎI (Thục Quyên / Báo Tiếng Dân)

 



 

Cơ hội để học hỏi

Thục Quyên

06/08/2024

https://baotiengdan.com/2024/08/06/co-hoi-de-hoc-hoi/

 

Ngày thi đấu đầu tiên tại Thế Vận hội 2024 chưa kết thúc thì các cơ quan truyền thông và mạng xã hội đã nổi sóng vì một hoạt cảnh mang tên “ Festivité” (Lễ hội) trong lễ khai mạc, do các nghệ sĩ LGBTQ+ biểu diễn, đã bị một số các nhà thần học công giáo La mã và vài chính trị gia như cựu tổng thống Donald Trump chỉ trích gay gắt. Họ coi cảnh tượng này là sự giễu nhại bức tranh “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo Da Vinci và là một sự báng bổ Kitô giáo.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/08/1-3-1024x575.jpeg

Ảnh: Tác phẩm được cho là giống bức ảnh “Tiệc Ly” tại lễ khai mạc Olympic 2024 ở Paris. Nguồn: BBC.

 

Cần biết rằng Tiệc Ly, hay “Bữa tối cuối cùng” của Chúa Kitô với 12 tông đồ, là một chủ đề bắt nguồn sâu xa từ nghệ thuật biểu tượng Kitô giáo. Có nhiều tác phẩm nghệ thuật mô tả đề tài này nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là bức bích họa của Leonardo da Vinci, được tạo ra từ năm 1495 đến năm 1498. Bữa tối này tượng trưng cho một thời điểm quan trọng trước sự đóng đinh của Chúa Kitô, và tầm quan trọng về tôn giáo cũng như văn hóa của nó vô cùng lớn.

 

Có lẽ do chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa Pháp với những nét đặc thù đa dạng và phong phú của nó, nên khi xem hoạt cảnh trên tôi không hề mảy may nghĩ tới bức họa “Bữa tối cuối cùng”, mà chỉ thấy một sàn catwalk và những người ăn mặc rất đa diện nhảy múa, một hình ảnh quá đỗi điển hình của kinh đô thời trang thế giới Paris.

 

Nói tới Paris hay nói tới nước Pháp, có lẽ trăm người như một, đều nghĩ tới rượu vang và phó mát. Thành thử người ca sĩ gần như khoả thân, nửa nằm nửa ngồi trong một cái đĩa trái cây khổng lồ đối với tôi đơn giản là Bacchus, vị thần La Mã của rượu vang, của sự sinh sản và của sự hứng thú, say sưa.

 

Tóm lại, những hình ảnh trên chẳng có gì lạ lẫm để khiến tôi bị sốc, mà ngược lại là sự khâm phục nước tổ chức Thế Vận hội 2024 đã tôn trọng và thể hiện sự bình quyền của những nghệ sĩ trong cộng đồng LGBTQ+

 

Làn sóng chỉ trích với từ ngữ nặng nề “báng bổ một tôn giáo lớn” (Kitô giáo) làm tôi giật mình và cảm thấy cần phải chú ý hơn, nên tôi đã coi kỹ lại những hình ảnh và tìm hiểu bằng cách vào hai tờ báo mạng của Công giáo và Tin lành tại Đức để đọc về đề tài này.

 

Cả hai bài viết đều phân tích cặn kẽ tại sao không thể khiên cưỡng ghép hoạt cảnh “Festivité” thành một sự giễu nhại buổi Tiệc Ly vì không có gì tương đương cả.

 

Thí dụ, vì mặt bằng màu trắng, nơi có vài người ngồi hay nhảy múa, không phải là mặt bàn có sự hiện diện của ly đĩa, bánh rượu… như trong bức họa, số người hiện diện lại đông hơn con số 12 tông đồ của Chúa Jesus rất nhiều, cũng như tư thế của họ.

 

Trong bài báo đăng trên mạng “katholisch.de”, ông Jens Burk, người phụ trách cấp cao tại Bảo tàng Quốc gia Bavaria cho rằng, đúng như đạo diễn Thomas Jolly nói, nếu muốn so sánh thì phải so sánh hoạt cảnh “Festivité” với cảnh bữa tiệc trong bức tranh “Bữa ăn của các vị thần” cũng rất nổi tiếng của họa sĩ Hà Lan Jan van Bijlert (1598-1691) đang được treo tại Viện Bảo tàng Magnin ở Dijon, Pháp. Những nhân vật được miêu tả trong tranh là những nhân vật thần thoại.

 

Trong bài báo đăng trên mạng “evangelisch.de”, ông Gereon Terhorst, Trợ lý nghiên cứu tại Khoa Thần học Phúc âm của Đại học Münster, trách rằng, điểm duy nhất hoạt cảnh có chung với bức bích họa của Da Vinci là có những người đứng sau một chiếc bàn, nhưng chẳng lẽ hình ảnh chiếc bàn giáo viên trong “Harry Potter” cũng phải bị kết tội ám chỉ đến bức họa?

 

Gereon Terhorst còn đưa ra một nghi vấn nặng nề hơn rất nhiều: Thật ra những gì thực sự được mô tả bởi hoạt cảnh Festivité không quan trọng, vấn đề là ai hiện diện trong hoạt cảnh đó.

 

Làn sóng kết tội chỉ núp sau một lý do không thật để bày tỏ mối quan hệ khó khăn giữa Ki tô Giáo và cộng đồng LGBTQ+

 

Không kể vô số những bức tranh cổ, hiện nay trên thế giới có 5 tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, miêu tả bữa Tiệc Ly. Đó là của: Leonardo da Vinci (Santa Maria delle Grazie, Milan, Italy); Nikolai Nikolaevich Ge (State Russian Museum, St Petersburg, Russia); Peter Paul Rubens (Pinacoteca di Brera, Milan, Italy); Jacopo Tintoretto (Basilica di San Giorgio Maggiore, Venice, Italy) và Andrea del Castagno (Sant’ Apollonia, Florence, Italy).

 

Ngoài ra còn có rất nhiều poster nhái theo bức họa của Da Vinci với những nhân vật quen thuộc như Darth Vader (Star war), Simpsons, Game of Throne, Charlie Brown, Snoopy… nhưng chưa bao giờ bị khép tội báng bổ.

 

Những điều vừa học được

 

Sau khi đọc lời cắt nghĩa của đạo diễn Thomas Jolly, tôi học được rằng, nhân vật mà tôi tưởng là vị thần La Mã Bacchus lại là vị thần Hy Lạp Dionysus, vị thần bảo hộ của rượu nho, sự hoan hỉ, tiệc tùng và sung túc.

 

Còn Sequana, theo Thomas Jolly, là con gái của Dionysus, nữ thần (tiếng Pháp là Déesse) của dòng sông Seine, linh hồn của Thế vận hội 2024 tại kinh đô ánh sáng Paris, lại đang là một chủ đề tranh cãi nàng có thật là con gái của Dionysus hay không, hay chỉ mới được “khai sinh“ trong một cuốn tiểu thuyết năm 1788 như nàng tiên nữ (tiếng Pháp là “nymphe“) của sông Seine, con gái Bacchus, bởi nhà văn Bernadin de Saint-Pierre.

 

Cuộc tranh cãi về Sequana sẽ chỉ tốn nhiều thùng rượu vang cho người dân Pháp tranh cãi lúc nhàn nhã, nhưng cuộc tranh cãi về hoạt cảnh Festivité e rằng sẽ rất độc hại tại những quốc gia khác nước Pháp, vì được cho là xúc phạm đến một tôn giáo, một vấn đề mà chính người Pháp không đặt nặng, với gần 70% dân số được ghi nhận là không theo một tôn giáo nào cả, và nước Pháp đã có một nhà nước thế tục từ năm 1905.

 

Đừng quên rằng thủ đô Paris cũng là cái nôi của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo. Tháng 1 năm 2015 hai sát thủ Hồi giáo đã tấn công tòa soạn và giết chết 11 nhân viên biên tập. Charlie Hebdo đã nhiều lần bị đe dọa vì liên tục xuất bản các bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed.

 

Vụ tấn công gây kinh hoàng và đoàn kết với các thành viên ban biên tập bị sát hại, trên toàn thế giới, với khẩu hiệu “Je suis Charlie” (tiếng Pháp “Tôi là Charlie” hoặc “Tôi theo Charlie”).

 

Một lần nữa, cuộc tranh cãi chung quanh hoạt cảnh Festivité cho thấy nghệ thuật thường mang tính đa nghĩa, cho phép người thưởng thức nhận định nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa và chính sự chờ đợi của họ.

 

 

 



No comments: