Monday, August 12, 2024

'CHÀO HỎI' CỘNG ĐỒNG MẠNG (Trịnh Hằng / VnExpress)

 



'Chào hỏi' cộng đồng mạng  

Trịnh Hằng, Đạo diễn phim tài liệu

VnExpress

Chủ nhật, 11/8/2024, 15:41 (GMT+7)

https://vnexpress.net/chao-hoi-cong-dong-mang-4780238.html

 

Tôi mất một tình bạn, chỉ vì người thứ ba - mạng xã hội.

 

Chơi với nhau từ hồi còn bé như cái kẹo, sau mấy chục năm đồng hành và làm chỗ dựa của nhau vượt qua bao thời điểm gian truân trong cuộc sống, tình bạn chúng tôi nhạt dần. Trước đây, chúng tôi gặp nhau là tay bắt mặt mừng, trò chuyện không biết chán. Nhưng giờ, ngồi café chừng một tiếng thì 55 phút bạn lướt điện thoại, những câu chuyện loãng dần rồi rơi vào im lặng.

 

Thế hệ 7x-8x chúng tôi chứng kiến những thay đổi lớn lao của thời đại, nhảy vọt từ giai đoạn nghèo khó đói rách sang kỷ nguyên đầy đủ tràn trề, từ giai đoạn thư tay cả tuần mới tới đến chỗ có thể gọi điện có hình dù cách nửa vòng Trái đất. Vô vàn mối quan hệ mới được thiết lập, nhưng cũng vô vàn tình cảm cũ bị vỡ vụn.

 

Cách đây ít lâu chúng tôi họp lớp. Trong hàng thập kỷ sau khi ra trường, lớp tôi vẫn luôn duy trì mối quan hệ, hỗ trợ nhau nhiều việc. Nhưng những lần gặp gỡ gần đây, khoảng cách giữa mọi người rõ dần lên. Hôm ấy gần 20 người ngồi quanh một bàn tiệc, phần lớn đều cắm cúi chụp ảnh, chia sẻ ảnh, đợi like, và trả lời comment trên mạng xã hội. Tôi đành nói chuyện với em bé con của một bạn trong lớp. Bé không có điện thoại, phụng phịu với tôi: "Ở nhà mẹ cũng vậy, xem điện thoại suốt, không chịu chơi với cháu".

 

Tôi thấy nghẹn lòng, đó có thể là mơ ước của hàng triệu cháu nhỏ hiện nay. Điện thoại thông minh ngày càng trở nên thông minh, lại còn được tiếp tay bởi mạng xã hội, đã chen vào giữa bố mẹ và các con. Thời gian bố mẹ ôm điện thoại mỗi ngày có khi dài hơn nhiều so với thời gian ôm con. 8 giờ làm việc chưa đủ, nhiều bậc cha mẹ tối về vẫn phải dính lấy cái điện thoại, thậm chí đêm đi ngủ còn lướt mạng đến khuya. Có người sáng ra không hỏi con cái, ông bà ngủ ngon không, mà việc đầu tiên là 'chào hỏi' cộng đồng mạng.

 

Và cũng chính họ rất dễ nổi cáu khi con cháu bị nghiện điện thoại như mình. Ở rất nhiều gia đình, điện thoại hoặc TV nối mạng đã trở thành bảo mẫu không thể thay thế, được con trẻ tin tưởng và gắn bó hơn cả ông bà cô bác trong nhà. Có những việc người nhà "hò hét" mãi cháu không làm, nhưng chỉ cần vài ba "cư dân mạng" lên tiếng thử thách, cháu dễ dàng làm theo một cách đầy phấn khích, kể cả những thứ nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng. Nguy hiểm hơn những "người thứ ba" bằng xương bằng thịt, điện thoại hay máy tính nối mạng cũng chen vào mối quan hệ của các cặp vợ chồng.

 

Ở trường học cũng không khá hơn. Lớp con tôi có không ít bạn ghét bác giám thị, giận các thầy cô và chán luôn việc học vì bị tịch thu điện thoại.

 

Trước đây tôi từng làm việc ở một tập đoàn lớn, nơi nổi tiếng với những quy định hà khắc, trong đó có luật không dùng điện thoại khi đang họp. Hôm ấy trưởng phòng của chúng tôi - người có thâm niên cống hiến và năng lực rất tốt, đã giở điện thoại ra xem chỉ vài chục giây trong cuộc họp với các phòng khác. Ngay buổi chiều, toàn thể tập đoàn nhận được thông báo qua email là chị trưởng phòng đã bị cách chức. Vài chục giây không cưỡng lại được sức hút của "người thứ ba" đã phủ nhận công sức phấn đấu nhiều năm của chị.

 

Vì sao "người thứ ba" này lại có thể làm điều đó? Bởi vì chúng ta cho phép. Dù biết không nên, phần lớn chúng ta đều thỏa hiệp với sở thích, mối quan tâm, cảm giác thỏa mãn của bản thân. Không hiểu từ khi nào, những yếu tố gây nghiện đó đã gắn chặt với mạng xã hội. Một số khác thì lấy lý do công việc để suốt ngày sống trên mạng, và không hề vạch rõ giới hạn giữa công việc và cuộc sống, khoanh vùng những không gian và thời gian bắt buộc dành cho người thân, bạn bè, con cái. Một sáng ra đường mà quên mang điện thoại khiến người ta bứt rứt, cáu kỉnh, thậm chí hoảng sợ, bất an. Nhân loại đã phát minh ra hẳn một từ mới cho hội chứng thế kỷ đó, nomophobia - nỗi ám ảnh không có điện thoại di động.

 

Một nguyên nhân quan trọng cho sự hoành hành của "kẻ thứ ba" này, là không một cá nhân nào, không một bộ óc nào thông minh và mới mẻ đến mức có thể thu hút chúng ta hơn cộng đồng mạng - với hàng tỷ thành viên luôn sẵn sàng sản xuất các content (nội dung) sinh động, hấp dẫn mỗi ngày. Và thế là ngay từ đầu, chúng ta đã mặc định là sẽ thua cuộc trước kẻ thứ ba.

 

Từng có nhiều thống kê về ảnh hưởng của mạng xã hội đối với hạnh phúc gia đình. Chuyên trang Worldmetrics công bố số liệu tháng 7/2024 tại Mỹ cho thấy, hơn 20% các vụ ly hôn có nguyên nhân trực tiếp từ những xung đột do mạng xã hội, gần 60% các cặp đôi ly hôn từng cãi nhau vì mạng xã hội. Tuy nhiên sẽ không bao giờ có thể có những điều tra đầy đủ về tác động của "kẻ thứ ba" này đối với mọi mối quan hệ giữa con người với nhau, vì nó diễn ra hàng ngày, âm thầm hoặc ồn ã, mà phần lớn chỉ có thể nhận ra khi đã không thể vãn hồi.

 

Vậy cuối cùng, chỉ còn một cách duy nhất hữu dụng, là quay lại với cuộc chiến với bản thân, chống lại sự mềm yếu, ích kỷ và lười biếng của chính mình. Nếu ta kiên quyết không làm nô lệ cho Internet mà chỉ sử dụng nó khi thật cần, thì nó chỉ là một công cụ chứ không phải ông chủ. Bất cứ khi nào có thể, hãy trò chuyện trực tiếp với mọi người xung quanh, thay vì trò chuyện với một cái máy. Và trong mọi gia đình, hãy cho các em nhỏ cơ hội được chơi với bố mẹ, thay vì phải xếp hàng sau Facebook, Zalo, Tiktok.

 

Trịnh Hằng







No comments: