Tuesday, August 6, 2024

CAM BỐT KHỞI CÔNG XÂY DỰNG KÊNH ĐÀO FUNAN "GÂY TRANH CÃI" TRÊN DÒNG MEKONG (Trọng Thành / RFI)

 



Cam Bốt khởi công xây dựng kênh đào Funan ‘‘gây tranh cãi’’ trên dòng Mêkông

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 05/08/2024 - 14:16     Sửa đổi ngày: 05/08/2024 - 14:50

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240805-cam-b%E1%BB%91t-kh%E1%BB%9Fi-c%C3%B4ng-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-k%C3%AAnh-%C4%91%C3%A0o-funan-g%C3%A2y-tranh-c%C3%A3i-tr%C3%AAn-d%C3%B2ng-m%C3%AAk%C3%B4ng

 

Hôm nay, 05/08/2024, chính quyền Cam Bốt rầm rộ khởi công xây dựng kênh đào Funan, dài 180 km, nối liền thủ đô Phnom Penh với vịnh Thái Lan. Dự án trị giá 1,7 tỉ đô la, do Trung Quốc tài trợ, có nguy cơ gây tổn thất nặng nề cho sinh kế của hàng triệu cư dân Cam Bốt và Việt Nam ở hạ lưu. Cho đến nay, chính quyền Cam Bốt đã không cung cấp các số liệu về tác động của dự án đến dòng chảy Mêkông theo đề nghị mà Việt Nam liên tục đưa ra.

 

HÌNH :

Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet và phu nhân Pich Chanmony trong lễ khởi công xây dựng kênh đào Funan Techo, ngày 05/08/2024. © AFP/Tang Chhin Sothy

 

Đích thân thủ tướng Cam Bốt, ông Hun Manet, chủ trì lễ khởi công. Thủ tướng Cam Bốt khẳng định đây là một dự án có ý nghĩa ‘‘lịch sử’’, và ‘‘bằng mọi giá’’ công trình phải được hoàn thành vào năm 2028. Trả lời RFI Pháp ngữ, chuyên gia hàng đầu về lưu vực Mêkông, Brian Eyler, giám đốc chương trình Năng lượng, Nước, và Phát triển Bền vững, thuộc trung tâm Stimson, có trụ sở tại Mỹ, cho biết kênh đào Funan giúp tàu bè Cam Bốt từ nội địa đi thẳng ra vịnh Thái Lan, mà không phải đi qua ngả Việt Nam. Theo chính quyền Cam Bốt, kênh đào sẽ tạo thêm hàng chục nghìn việc làm mới, và giúp Phnom Penh giảm bớt phụ thuộc vào Việt Nam.

 

Tuy nhiên, nguy cơ kênh đào nói trên gây tổn thất nặng nề cho Việt Nam là điều được nhiều chuyên gia nêu bật. Báo mạng Hồng Kông South China Morning Post, hôm 03/08, dẫn lời nhà nghiên cứu Trung Quốc Zhou Chao, thuộc tổ chức tư vấn độc lập Anbound, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng với kênh đào Funan Techo, Trung Quốc có thể mở rộng ảnh hưởng kinh tế và địa-chính trị tại Đông Nam Á, nhưng có thể đẩy Việt Nam lại gần hơn với Hoa Kỳ, do lo ngại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.

 

Bên cạnh tác động về an ninh và quốc phòng, do Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự, áp sát Việt Nam thông qua kênh đào, vấn đề tác động đến dòng chảy Mêkông đặc biệt gây lo ngại. Theo khảo sát của trung tâm Stimson, việc dẫn nước kênh đào này rời khỏi dòng chính Mêkông có thể làm giảm một nửa diện tích vùng đồng bằng ngập nước tại hạ lưu, với diện tích lên đến 1 triệu ha, giảm nguồn sinh kế của khoảng 1,6 triệu người Cam Bốt và hàng triệu người khác ở các tỉnh lân cận của Việt Nam, khiến họ lâm vào cảnh nghèo đói.

 

Theo chuyên gia độc lập về Mêkông Phạm Phan Long, Hoa Kỳ, cần cảnh giác trước tác động của kênh đào Funan, bởi nguồn nước ngọt cho hạ lưu trong những năm gần đây vào mùa khô đã xuống mức cực kỳ thấp tại các tỉnh Kandal, Takéo và Kampot, và An Giang, Kiên Giang phía Việt Nam. Chuyên gia trung tâm Stimson nhấn mạnh là dự án xây dựng kênh đào Funan lấy nước từ dòng chính Mêkông đã không hề được Cam Bốt tham vấn các quốc gia tham gia Hiệp định sông Mêkông 1995, theo quy định. Ủy Ban Mêkông của Cam Bốt viện cớ kênh đào này chỉ là một dự án liên quan đến ‘‘phụ lưu’’.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

CAM BỐT - VIỆT NAM

Cam Bốt từ chối đàm phán với Việt Nam về kênh đào Funan Techo

 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Kênh Funan Techo : Cam Bốt vuột khỏi Việt Nam, rơi vào tay Trung Quốc

 

ĐIỂM BÁO

Kênh Funan Techo ở Cam Bốt : Khiêu khích mới của Trung Quốc đối với Việt Nam

 

 





No comments: