Thursday, August 22, 2024

CÁCH MẠNG MÀU LÀ GÌ? (Hoàng Dạ Lan / Luật Khoa tạp chí)

 



Cách mạng màu là gì?  

Hoàng Dạ Lan

August 22 202412:04 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/08/cach-mang-mau-la-gi/?ref=luat-khoa-newsletter

 

Mấy ngày qua, nước ta nổi lên sự kiện Trường Đại học Fulbright Việt Nam bị tấn công. Hàng loạt tài khoản đăng tải nội dung cho rằng trường này do Mỹ tài trợ và được thành lập nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” hay “cách mạng màu”.

 

“Cách mạng màu" bỗng được báo giới nhà nước đưa tin, giải thích, cảnh báo như một thế lực chống chính quyền.

 

Hiện tượng này không phải là xa lạ, thực tế thì không chỉ ở Việt Nam, chuyện “ông kẹ" cách mạng màu đột ngột xuất hiện như một chiến dịch tuyên truyền chủ yếu xảy ra tại các nước độc tài, điển hình là Trung Quốc và Nga.

 

Nhưng cách mạng màu là gì và tại sao xảy ra hiện tượng đó?

 

 

Cách mạng màu và Mùa xuân Ả Rập 

 

Cách mạng màu (color revolution) và Mùa xuân Ả Rập (Arab Spring) là những phong trào phản kháng phi bạo lực của quần chúng nhằm lật đổ chế độ độc tài hoặc tham nhũng, đồng thời đòi hỏi dân chủ, dân quyền, cải cách chính trị.

 

Cách mạng màu chủ yếu xảy ra ở các quốc gia Đông Âu hậu cộng sản (như Ukraine, Georgia, Kyrgyzstan), trong khi Mùa xuân Ả Rập tập trung ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (như Tunisia, Ai Cập, Libya, Syria).

 

Câu hỏi đặt ra là tại sao phong trào phản kháng của quần chúng lại xảy ra ở những khu vực này?

 

Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, nhiều quốc gia đã chuyển đổi sang chế độ bảo trợ dưới sự lãnh đạo của tổng thống (patronal presidentialism). Ở hệ thống chính trị này, quyền lực không chỉ tập trung vào tổng thống mà còn phân tán qua mạng lưới các mối quan hệ thân hữu, nơi mà quan chức cấu kết với doanh nhân để củng cố quyền lực, thu lợi cá nhân. [1] 

 

Mô hình này được xem là di sản của chủ nghĩa cộng sản cùng hệ thống “nomenklatura” dưới thời kỳ Xô Viết, trong đó các vị trí quan trọng trong chính quyền đều được cấp ủy bổ nhiệm. Hệ thống này tạo nên một mạng lưới quyền lực dựa vào sự trung thành với Đảng cộng sản, thay vì dựa trên năng lực và thành tựu cá nhân. Nó cản trở về mặt cấu trúc và văn hóa cho sự phát triển của một nền dân chủ hoàn chỉnh tại các quốc gia độc lập hậu cộng sản. [2]

 

Sau khi Liên Xô tan rã, Tổng thống Kyrgyzstan Askar Akayev, Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma và Tổng thống Gruzia Eduard Shevardnadze trở thành những lãnh đạo chủ chốt trong giai đoạn chuyển đổi. Mặc dù ban đầu họ được đánh giá tích cực và có sự ủng hộ nhất định, nhưng theo thời gian, họ phải đối mặt với sự bất mãn ngày càng gia tăng trong quần chúng do lối cai trị độc đoán, tham nhũng, lạm quyền. Người dân xuống đường tham gia cách mạng màu ở cả ba quốc gia này đều phản đối gian lận bầu cử, tham nhũng và sự thiếu minh bạch trong chính quyền. [3]

 

Trước khi Mùa xuân Ả Rập bùng nổ, khu vực Trung Đông - Bắc Phi (MENA) phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, chính trị - xã hội. Hầu hết những quốc gia trong khu vực đều nằm dưới sự cai trị của chế độ độc tài, nơi quyền lực tập trung trong tay nhóm chóp bu và gia đình của họ. Trong đó, nổi lên vấn nạn tham nhũng khi nguồn lực nhà nước bị các đầu sỏ chính trị và kinh tế chiếm đoạt. Quyền tự do ngôn luận, hội họp bị đàn áp nghiêm trọng. Thêm vào đó, sự bất bình đẳng kinh tế - xã hội gia tăng, dẫn đến sự hình thành một tầng lớp thanh niên có học vấn cao nhưng thiếu cơ hội việc làm. Kết quả là nhóm này trở nên bi quan và mất niềm tin vào tương lai.

 

Trong bối cảnh đó, vào ngày 17/12/2010, Mohamed Bouazizi, một người bán hàng rong ở Tunisia, đã tự thiêu để phản đối việc bị cảnh sát quấy rối và tịch thu hàng hóa. Hành động tuyệt vọng của Bouazizi đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình chống chính phủ tại Tunisia, sau đó lan rộng khắp MENA, hình thành phong trào Mùa xuân Ả Rập. Mohamed Bouazizi trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh chống lại bất công và áp bức trong xã hội.

 

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXdwvDubavh4Ekdr8w_2MxkcHydH3qaPUGNssjySsxS68yzJGZOgKvLs-k63jCboXOvvLpJ4_eWanlWulsvXdRD8GJ486jN0Wvc38nKaXFICcDLIvjl5UZSg4BvOOonpGvFpzD6yEoo8qaI6axQLWDCYWWbc?key=oR7fnicCpx1kamljDeyP6w

Thời gian cầm quyền của các nhà lãnh đạo ở quốc gia xảy ra cách mạng màu và Mùa xuân Ả Rập. Nguồn: Thông tin do tác giả tự tổng hợp từ nhiều tư liệu.

 

Cách mạng màu và Mùa xuân Ả Rập có khả năng lan tỏa mạnh mẽ. Sự thành công ban đầu của một cuộc cách mạng có thể kích thích người dân ở những quốc gia khác nổi dậy. Chẳng hạn, cuộc Cách mạng Hoa Hồng ở Georgia (2003) và Cách mạng Cam ở Ukraine (2004) đã truyền cảm hứng, khơi dậy hy vọng cho người dân ở các quốc gia khác về khả năng lật đổ lãnh đạo độc tài thông qua những cuộc biểu tình hòa bình. Tương tự, cuộc cách mạng ở Tunisia trong Mùa xuân Ả Rập đã kích thích cuộc nổi dậy ở Ai Cập, Libya, Yemen, Syria và các quốc gia khác trong khu vực.

 

Cả hai phong trào đều tận dụng công nghệ, mạng xã hội để lan truyền thông tin, tổ chức biểu tình và thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng trong nước lẫn quốc tế.

 

Các chính quyền độc tài hoặc bán độc tài như Nga, Trung Quốc và Việt Nam thường rất lo ngại những phong trào quần chúng này. Lý do, chính quyền độc tài có tính chính danh yếu, duy trì quyền lực dựa vào kiểm soát chặt chẽ xã hội, hạn chế tự do ngôn luận và lực lượng an ninh khổng lồ.

 

Họ lo ngại rằng sự thành công của các cuộc cách mạng này có thể khơi dậy những bất mãn tiềm ẩn trong xã hội, khiến người dân trong nước chống lại chính quyền.

 

 

Chiến lược chống cách mạng màu của Nga và Trung Quốc

 

Trong nghiên cứu có tên “Diffusion-proofing: Russian and Chinese responses to waves of popular mobilizations against authoritarian rulers”, Karrie Koesel và Valerie Bunce đã chỉ ra rằng Nga hay Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn các làn sóng phản kháng này vào quốc gia của họ. [4]

 

Các biện pháp “chống lan tỏa” (diffusion-proofing) bao gồm việc kiểm duyệt thông tin, tuyên truyền thông điệp tiêu cực về những cuộc nổi dậy, đàn áp xã hội dân sự, trừng phạt người biểu tình và bất đồng chính kiến. Gần đây, một số tài liệu mật bị rò rỉ đã cho thấy Nga và Trung Quốc hợp tác để chia sẻ chiến thuật kiểm duyệt, kiểm soát Internet để dập tắt các phong trào phản kháng. [5]

 

Bảng dưới đây (Koesel & Bunce, 2013) mô tả chi tiết những yếu tố thúc đẩy sự lan tỏa của các phong trào phản kháng và chiến lược ngăn chặn của chính quyền Nga, Trung Quốc.

 

Động lực lan tỏa

Chiến lược ngăn chặn và răn đe

Tiếp nhận thông tin về những phong trào phản kháng

Kiểm soát thông tin về các cuộc nổi dậy

Những điểm tương đồng về khu vực địa lý và sự bất mãn đối với chế độ

Diễn giải những cuộc nổi dậy và kết quả theo chiều hướng tiêu cực

Thông tin tích cực về các cuộc nổi dậy và kết quả của chúng

Nhấn mạnh sự khác nhau về kinh tế - xã hội của quốc gia sở tại với nơi xảy ra cuộc cách mạng

 

Hứa hẹn cải cách chính trị và nâng cao dân chủ

Nguồn lực phối hợp

Giải pháp nhằm hạn chế

Cơ hội tổ chức các nhóm đối lập và xã hội dân sự

Vô hiệu hóa xã hội dân sự và làm suy yếu khả năng tổ chức

Cơ hội biểu tình

Đàn áp và lôi kéo các nhóm chủ chốt (đảng đối lập, thanh niên, v.v.)

Hỗ trợ từ bên ngoài (tài chính, thông tin và mạng lưới chiến lược)

Áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với việc biểu tình, phản kháng và bất đồng chính kiến

 

Cụ thể, truyền thông ở hai nước Nga, Trung Quốc thường nhấn mạnh rằng những các cuộc cách mạng màu được phương Tây (đứng đầu là Mỹ) đứng sau nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Nga và thúc đẩy sự bá quyền của phương Tây ở Đông Âu, lục địa Á-Âu.

 

Truyền thông nhà nước còn nhấn mạnh rằng phe đối lập và những “nhà cách mạng” đã không thực hiện được lời hứa trong chương trình tranh cử của họ. Thay vì cải thiện cuộc sống của người dân, các cuộc cách mạng màu đã dẫn đến tình trạng lạm phát, tham nhũng và suy giảm chất lượng cuộc sống.

 

Truyền thông Trung Quốc cũng cáo buộc các tổ chức phi chính phủ của Mỹ, như National Endowment for Democracy, National Democratic Institute, International Republican Institute hay Open Society “đội lốt ủng hộ nhân quyền, thực hiện những hoạt động nhân đạo và giảm nghèo” để kích động biểu tình, lật đổ chế độ. [6] [7]

 

Tương tự, truyền thông Nga và Trung Quốc tiếp tục mô tả phong trào Mùa xuân Ả Rập theo chiều hướng tiêu cực, được phương Tây tài trợ, thao túng. Ngoài ra, kết quả của các cuộc nổi dậy này không phải là tự do và dân chủ mà là khủng hoảng kinh tế - xã hội. [8] [9] [10]

Khi người biểu tình chiếm lĩnh Quảng trường Tahrir ở Ai Cập, chính quyền Trung Quốc liền chặn các từ khóa “Ai Cập”, “hoa nhài”, “tự do” trên Google, Weibo. [11]

 

Chính quyền Trung Quốc còn làm gián đoạn dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) nhằm ngăn chặn dân truy cập thông tin, viện lý do rằng có “một số người có động cơ đen tối, cả trong và ngoài Trung Quốc, đang ra sức kích động chính trị đường phố, gây ra nhiều sự hỗn loạn trong nước”. [12]

 

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXe3hYOKA07PQtLmTWWQ75oQU3c-geH_LoEMRrnh6-Dzs2JgEgt9kPQS3yLg7XPTZ9Az5KUngsMXZddeWpfXuf11KcLTJU-IXWyJ8a1uXWOLqyyj9ZiemfXtuNPLDQvTC8VUQzJiTJ8j9CXtT5Mg2W_03WQw?key=oR7fnicCpx1kamljDeyP6w

Trung Quốc và Nga chia sẻ chiến lược kiểm soát Internet. Nguồn: Rferl.org

 

Vào tháng 12/2011, cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga bị cáo buộc gian lận nhằm giành lợi thế cho Đảng Nước Nga Thống nhất của Vladimir Putin. Sự phẫn nộ trước tình trạng gian lận bầu cử đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn ở Moscow và nhiều thành phố khác. Người biểu tình hô vang khẩu hiệu “Putin là kẻ cắp”, “Nước Nga không Putin!”. [13] Hàng trăm người tham gia biểu tình đã bị bắt giữ, bao gồm những nhà lãnh đạo của phe đối lập như Alexei Navalny và Ilya Yashin.

 

Khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên án cuộc bầu cử là “không tự do và không công bằng”. Đối mặt với viễn cảnh hàng loạt cuộc biểu tình có quy mô lớn sau hơn một thập kỷ cầm quyền, ông Putin cáo buộc Hillary Clinton gửi “tín hiệu” khuyến khích nhóm đối lập và người biểu tình hành động; đồng thời cho rằng Mỹ đang can thiệp vào công việc nội bộ, kích động bất ổn tại Nga. [14]

 

                                                          ***

 

Nói chung, các cuộc cách mạng màu và Mùa xuân Ả Rập là những phong trào phi bạo lực. Bằng việc tổ chức biểu tình, tuần hành và đình công, người dân biểu đạt nguyện vọng tự do, cải cách dân chủ. Những phong trào này thường bắt đầu một cách hòa bình và chỉ trở thành bạo lực hay xung đột vũ trang khi chính quyền từ chối đối thoại rồi dùng lực lượng quân đội, an ninh đàn áp.

 

Các chính quyền độc tài như Trung Quốc, Nga không muốn chia sẻ quyền lực và luôn lo sợ mọi hình thức phản kháng của người dân cùng sự lan tỏa của những phong trào cách mạng.

Bằng cách nói về hậu quả tiêu cực của cuộc cách mạng đường phố cũng như dùng “não trạng nạn nhân” để đổ lỗi cho phương Tây, nhà cầm quyền này gieo rắc nỗi sợ hãi và kìm hãm ý chí thay đổi xã hội của dân, từ đó củng cố quyền lực độc tài của mình.

 

Ở bài tiếp theo, chúng tôi sẽ nói đến trường hợp của Việt Nam.

 

---------------

Chú thích

[1] Hale, H. E. (2006). Democracy or autocracy on the march? The colored revolutions as normal dynamics of patronal presidentialism. Communist and post-communist studies, 39(3), 305-329. 

[2] Snegovaya, M. (2023). Why Russia's Democracy Never Began. Journal of Democracy, 34(3), 105-118. https://www.journalofdemocracy.org/articles/why-russias-democracy-never-began/

[3] Xem [1]

[4] Koesel, K. J., & Bunce, V. J. (2013). Diffusion-proofing: Russian and Chinese responses to waves of popular mobilizations against authoritarian rulers. Perspectives on Politics, 11(3), 753-768.

[5] Belovodyev, D., Soshnikov, A., Standish, R. and Systema (2023, April 5). Exclusive: Leaked files show China and Russia sharing tactics on Internet control, censorship. Radio Free Europe/Radio Liberty. https://www.rferl.org/a/russia-china-internet-censorship-collaboration/32350263.html

[6] Tang Yong, Chang Zhe & Wang Honggang. (2005). 颜色革命罗斯基金会渗透全球(组图) [Quỹ Soros thâm nhập toàn cầu và thúc đẩy cách mạng màu]. Sina News. https://news.sina.cn/sa/2005-04-20/detail-ikknscsi6456284.d.html

[7] Chen, P. (2011, September 23). 美国是如何进行文化操纵的 [Mỹ thao túng văn hóa như thế nào]. 庆市民政局 [Cục Quản lý Thông tin và Tuyên Truyền của thành phố Trùng Khánh]. https://www.cqmjsw.gov.cn/news/297.html

[8] Shishkin, I. (2011, April 17). Игорь Шишкин: Зачем Америка взорвала Большой Ближний Восток? [Tại sao Mỹ làm nổ tung Trung Đông]. REGNUM. https://regnum.ru/article/1395636

[9] Huang, P. (2011, February 21). 记者亲历埃及政治危机:美国态度值得玩味 [Phóng viên chứng kiến khủng hoảng chính trị ở Ai Cập: Thái độ của Mỹ đáng để suy ngẫm]. Global People. http://news.sina.com.cn/w/sd/2011-02-21/145721988856.shtml

[10] Xu, Y. (2015, October 10). 美国颜色革命害苦了西亚北非 [Cách mạng màu của Mỹ gây hại cho Tây Á và Bắc Phi]. Xinhuanet. http://www.xinhuanet.com/world/2015-10/10/c_128303420.htm

[11] Facebook, YouTube và Twitter đã bị chính quyền Trung Quốc chặn vào năm 2009 vì lo sợ người dân sử dụng các nền tảng này để lan truyền thông tin chính trị nhạy cảm và tổ chức các cuộc biểu tình.

[12] Jiang, Shangyu. (2011, March 10). 中国不是中 [Trung Quốc không phải là Trung Đông]. People’s Daily. Hiện bài báo gốc không còn tồn tại trên website của People’s Daily. Tuy nhiên, bạn đọc có thể tham khảo bản sao của bài báo tại đây: https://marx.usc.edu.cn/info/1053/1339.htm

[13] Schwirtz, M. & Herszenhorn, D. M. (2011, December 5). Voters watch polls in Russia, and fraud is what they see. The New York Times. https://www.nytimes.com/2011/12/06/world/europe/russian-parliamentary-elections-criticized-by-west.html

[14] Herszenhorn, D. M. & Barry, E. (2011, December 8). Putin contends Clinton incited unrest over vote. The New York Times. https://www.nytimes.com/2011/12/09/world/europe/putin-accuses-clinton-of-instigating-russian-protests.html

 

------------------

Đọc thêm:

Tại sao dân chủ hoá không phải lúc nào cũng thành công?

Vấn đề không phải chỉ là GDP bình quân đầu người.

Luật Khoa tạp chí           Minh Tâm

 

 

Chính quyền độc tài thao túng người dân như thế nào?

Đối chiếu giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Luật Khoa tạp chí             Hoàng Dạ Lan

 

 

 



No comments: