Bất ngờ thọc sâu vào
lãnh thổ Nga, Kyiv làm nhục Moscow, và gì nữa?
Trúc Phương - Người Việt Online
August
11, 2024
Tối
10 Tháng Tám 2024, Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky chính thức xác nhận rằng
lính Ukraine đang tác chiến ngay trong lòng lãnh thổ Nga. Đây là một cú tát đối
với Kremlin. Không chỉ Nga, thậm chí các đồng minh phương Tây của Ukraine cũng
bất ngờ…
Trong
nhiều ngày, giới chức Ukraine cố giữ kín hoạt động quân sự xâm lấn qua biên giới
Nga, ngay cả khi loạt ảnh, video và một số thông tin trực tiếp về hoạt động của
quân đội Ukraine bên trong nước Nga bắt đầu rò rỉ.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/Binh-Luan-Ukraine-1536x1024.jpg
Binh
sĩ Ukraine lái chiếc xe tăng T-64 do Liên Xô sản xuất ở vùng Sumy, gần biên giới
với Nga, vào ngày 11 Tháng Tám năm 2024. (Hình: ROMAN PILIPEY/AFP/Getty Images)
Theo
các hãng tin phương Tây, quân đội Nga rất vất vả trong việc chặn đứng đà tấn
công của Ukraine ở Kursk và hai khu vực biên giới khác. Hàng chục ngàn người
Nga đã phải sơ tán khỏi Kursk. Chiến dịch quân sự tấn công bất ngờ vào lãnh thổ
Nga, cụ thể là Kursk, là một diễn biến quan trọng trong cuộc xung đột kéo dài
hơn hai năm giữa Nga và Ukraine.
Ukraine
đã nhiều lần bắn phá khu vực biên giới Belgorod bằng không kích, nhưng chiến dịch
Kursk đánh dấu lần đầu tiên các đơn vị tác chiến đặc biệt và chính quy của
Ukraine xâm nhập sâu vào lãnh thổ Nga. Tính đến ngày 9 Tháng Tám, Nga đã mất
quyền kiểm soát ít nhất 250 km2 lãnh thổ – CNN cho biết.
Tổng
Thống Nga Vladimir Putin gọi là vụ tấn công Kursk là “hành động khiêu khích
nghiêm trọng.” Cuộc tấn công của Ukraine được thực hiện chỉ với vài trăm quân
lính, được xe tăng và phòng không yểm trợ. Loạt video cho thấy cảnh binh lính
Nga lớp thì đầu hàng, lớp quẳng súng chạy bán sống bán chết; và hàng trăm thường
dân Nga ở trong và xung quanh thị trấn Sudzha tản cư trong cảnh hỗn loạn.
Chiến
dịch gây sốc nước Nga được thực hiện khi Ukraine điều một đoàn xe bọc thép vượt
biên giới ngày 6 Tháng Tám 2024 từ vùng Sumy thuộc Ukraine. Trước đây, Ukraine
từng có các cuộc đột kích xuyên biên giới nhưng chỉ là những hoạt động quy mô
nhỏ. Lần này, họ lên kịch bản tấn công hỗn hợp, sử dụng xe bọc thép (một số do
Đức và Hoa Kỳ sản xuất), bộ binh, pháo binh và thiết bị tác chiến điện tử. The
Washington Post cho biết có bốn lữ đoàn tinh nhuệ tham gia chiến dịch.
Bằng
việc đánh vào lòng nước Nga, Kyiv muốn gửi thông điệp gì? Thứ nhất, Ukraine muốn người dân Nga
thấy rằng Putin không thể bảo vệ lãnh thổ quốc gia của Nga; thứ hai, Kyiv đánh
vào sự ngạo mạn của Putin, làm bẽ mặt Kremlin; và thứ ba – xét về quân sự,
Ukraine buộc Bộ Quốc Phòng Nga phải tái thiết kế nhiều thứ trong đó có việc triển
khai lại các nguồn lực trên mặt trận chiến sự Ukraine lẫn việc bảo vệ biên giới
và lãnh thổ trong nước. Chiến dịch đột kích của Ukraine một lần nữa cho thấy sự
yếu kém tệ hại của tình báo Nga. Nó còn cho thấy sự phá sản của luận điệu quen
thuộc từ Kremlin, rằng “sự kháng cự của Ukraine là vô ích và sự ủng hộ dành cho
Ukraine là vô ích.” Cuối cùng, trong bối cảnh nước Mỹ đang nhốn nháo bầu cử tổng
thống, Ukraine muốn cho nước Mỹ – Cộng Hòa hay Dân Chủ -thấy rằng họ xứng đáng
để được tiếp tục viện trợ.
Và
chiến dịch Ukraine một lần nữa chứng minh rằng thực lực quân đội Nga èo uột như
thế nào. Trung đoàn Nga với nhiệm vụ bảo vệ khu vực biên giới đã nhanh chóng
vác súng chạy thoát thân. Một đoàn tiếp viện gần thị trấn Rylsk cũng bị tiêu diệt
bằng hỏa tiễn vào đêm 8 Tháng Tám… Dư luận Nga lại nổi cơn thịnh nộ. Trên mạng
xã hội, người ta xỉa xói quân đội Nga không tiếc lời.
Blogger
quân sự người Nga Vladislav Shurygin trút giận trong một bài đăng trên Telegram
ngày 9 Tháng Tám, nói rằng kẻ thù đã “rất khéo léo và chính xác khi chọn chiến
lược lợi dụng sự cứng nhắc và chậm chạp của hệ thống quản lý Nga để làm kiệt quệ
nước Nga bằng cách liên tục thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ vào cơ sở hạ tầng
nhạy cảm và dân thường, gây ra sự bất bình lẫn thất vọng,” rằng mục tiêu của
chiến lược là chứng minh rằng cuộc chiến của Nga chỉ mang đến vô vọng, ngày
càng tốn kém, và Kremlin chẳng có chọn lựa nào khác là phải đàm phán buông
súng.
***
Cần
nhắc lại, cuối năm 2023, quân đội Nga đã thật sự có cơ hội thay đổi cục diện
Ukraine. Bộ binh Ukraine đã mệt mỏi cực độ trong các cuộc phản công ở phía Nam.
Đạn dược và máy bay đánh chặn phòng không của Kyiv gần như cạn sạch. Quân đội
Ukraine rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu người.
Và
tại Mỹ, sự ủng hộ dành cho Ukraine bị giằng xé bởi đường lối của hai đảng, khiến
gói viện trợ của Quốc hội Hoa Kỳ trị giá $61 tỷ bị trì hoãn. Tuy nhiên, sáu
tháng qua, Nga lại không tận dụng được “thiên thời địa lợi” này. Nga tiếp tục
đánh phá hệ thống lưới điện Ukraine bằng hỏa tiễn; dù vậy, khả năng “lấn chiếm”
vẫn không đáng kể. Foreign Affairs cho biết, diện tích lãnh thổ mà Nga chiếm được
kể từ Tháng Giêng 2024 đến nay là chừng 360 dặm vuông, khoảng bằng hai phần ba
New York City.
Khó
có thể nói đó là “thành quả” khi Nga phải trả giá với tổn thất hơn 180,000 mạng!
Nói chung, Nga vẫn ì ạch. Họ vẫn đếm xác. Dự trữ trang thiết bị đang cạn kiệt.
Phần
mình, Ukraine cũng phải đối mặt nhiều khó khăn. Trên thực tế, ngay cả khi đảng
Dân Chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, sự ủng hộ Hoa Kỳ dành cho
Ukraine vẫn có thể giảm, tùy thuộc những gì xảy ra ở những điểm nóng khác trên
thế giới. Cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7 Tháng Mười 2023, về cơ bản,
đã làm giảm tầm nhìn toàn cầu về cuộc chiến ở Ukraine, ảnh hưởng đến sự ủng hộ
đối với Kyiv. Cuộc chiến ở Gaza cũng đưa đến sự chuyển hướng chú ý của giới
truyền thông quốc tế khỏi Ukraine. Ngày nào lò lửa Trung Đông còn chưa hạ nhiệt
thì sự quan tâm Ukraine của cộng đồng quốc tế còn giảm.
Tuy
nhiên, Ukraine dù không thể kiểm soát địa chính trị toàn cầu nhưng họ vẫn hoàn
toàn tự quyết trong cuộc chơi quân sự lẫn chính trị của mình. Phần lớn cục diện
Ukraine đều nằm trong khả năng ảnh hưởng của chính Kyiv, từ việc xây dựng chiến
lược phản công, huấn luyện quân ngũ đến việc hoạch định thời gian và địa điểm tấn
công quân Nga – chẳng hạn cuộc đột kích vào Kursk mới đây. Một khi Kyiv cho thấy
họ vẫn kiên cường, NATO nói chung và Mỹ nói riêng sẽ không bỏ rơi họ. Đó là yếu
tố quan trọng nhất. Như Afghanistan ngày nào, Ukraine, cuối cùng, có thể khiến
Nga phải ngồi vào bàn đàm phán trong tư thế quỳ gối, miễn Kyiv luôn giữ vững sự
kiên trì và lòng dũng cảm trong việc bảo vệ đất đai lãnh thổ trước quân xâm lược.
No comments:
Post a Comment