Việt
Nam giúp được gì Bắc Triều Tiên để gỡ thế cô lập ?
RFI
Đăng
ngày: 15/04/2024 - 12:05
Bắc Triều
Tiên muốn “tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ song phương với Việt
Nam lên một tầm cao mới”. Sau nhiều năm đóng cửa chống dịch Covid-19, Bình
Nhưỡng dường như đang nối lại hoạt động ngoại giao với các nước bằng hữu trong
vùng và ASEAN, trong bối cảnh “bị cô lập”, một phần là do phải đóng
cửa nhiều cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.
Ảnh
tư liệu minh họa : Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và tổng bí thư đảng
Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, trong dạ tiệc chiêu đãi tối 01/03/2019 tại
Hà Nội, Việt Nam. AP
Khi chọn đến
thăm ba nước, Trung Quốc - đối tác hàng đầu, Việt Nam - nước có cùng hệ tư tưởng
và Lào - nước chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2024, chính quyền Bình Nhưỡng muốn
khẳng định “vẫn còn bạn”. Trưởng đoàn Kim Song Nam, ủy viên dự khuyết
bộ Chính Trị kiêm trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên, nhấn
mạnh mục đích chuyến thăm Việt Nam từ 25-28/03 là “nhằm tăng cường phát
triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai đảng, hai nước”.
Vấn đề hợp
tác kinh tế được đề cập ở quy mô địa phương khi phái đoàn Bắc Triều Tiên thăm
thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/03. Theo trang Chính sách & Cuộc sống,
bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ “mong muốn hợp tác”, “mở
rộng đầu tư giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
với các địa phương Triều Tiên”. Theo dự kiến, vào tháng 06, một phái đoàn của
thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi thăm và làm việc tại Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên,
Hà Nội có thể hợp tác với Bình Nhưỡng trên những lĩnh vực nào trong bối cảnh Bắc
Triều Tiên bị trừng phạt quốc tế, còn Việt Nam thắt chặt hợp tác với hai đối thủ
của chế độ Kim Jong Un là Hàn Quốc và Hoa Kỳ ? Liệu Bắc Triều Tiên có thể trông
cậy vào Việt Nam để phá vỡ bớt thế cô lập trên trường quốc tế ?
RFI
Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, trường Đại học Boston
(Boston College), Hoa Kỳ, để hiểu thêm về vấn đề này.
*
RFI : Việt
Nam là một trong ba nước (Trung Quốc và Lào) nằm trong chuyến công du của phái
đoàn Bắc Triều Tiên do ông Kim Song Nam dẫn đầu. Mục đích của chuyến công du
này là gì ?
Vũ Xuân
Khang : Bắc
Triều Tiên vào cuối năm 2023 đã đóng cửa ít nhất 7 cơ quan đại diện ở nước
ngoài, trong đó có một số cơ quan đóng ở các đối tác truyền thống như Uganda và
Angola, hai quốc gia mà Bắc Triều Tiên duy trì hiện diện ở châu Phi. Tại khu vực
châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Triều Tiên cũng đóng cửa lãnh sự quán ở Hồng Kông.
Việc đóng
cửa các cơ quan đại diện ở nước ngoài cho thấy Bắc Triều Tiên đang gặp những
khó khăn về kinh tế do cấm vận quốc tế và họ không còn nguồn tiền để duy trì
các cơ quan đại diện được cho là không mang lại đủ lợi ích kinh tế cho đất nước.
Cũng cần hiểu rằng do Bắc Triều Tiên bị cấm vận quốc tế nên từ trước đến nay, họ
luôn dựa vào những cơ quan đại diện ở nước ngoài để mang ngoại tệ về nước. Cho
nên việc đóng cửa những cơ quan này là một chỉ dấu cho thấy những biện pháp cấm
vận của Liên Hiệp Quốc đang có hiệu quả rõ rệt và làm giảm số lượng cơ quan đại
diện nước ngoài của Bắc Triều Tiên xuống còn 44.
·
Đọc
thêm : Hàn Quốc và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao
Có thể thấy
là việc đóng cửa hàng loạt cơ quan đại diện đang đẩy Bắc Triều Tiên vào tình thế
bị cô lập, trong khi nước đối địch là Hàn Quốc ngày càng mở rộng mạng lưới ngoại
giao. Gần đây nhất, Seoul đã thành công trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao
với Cuba, một đồng minh ý thức hệ quan trọng của Bắc Triều Tiên. Nếu nhìn rộng
hơn, khi so sánh giữa số lượng các nước mà Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có quan hệ
ngoại giao hoặc là có trụ sở đại diện nước ngoài thì Hàn Quốc có khoảng 180,
trong khi Bắc Triều Tiên hiện chỉ còn 44.
Việc Bắc
Triều Tiên không đóng cửa cơ quan đại diện ở Việt Nam, cũng như Việt Nam nằm
trong chuyến công du ba nước của phái đoàn Bắc Triều Tiên cho thấy rằng Bình
Nhưỡng vẫn rất coi trọng mối quan hệ truyền thống với Hà Nội, rộng hơn là đối với
các nước Cộng sản châu Á khác khi phái đoàn Bắc Triều Tiên cũng đến thăm Trung
Quốc và Lào. Mục đích chính của chuyến thăm này là nhằm giảm bớt sự cô lập của
chính quyền Bình Nhưỡng sau khi phải đóng cửa hàng loạt cơ quan đại diện ở nước
ngoài.
*
RFI : Vậy
Bắc Triều Tiên đặt kỳ vọng gì khi thăm Việt Nam ?
Vũ Xuân
Khang : Quan
hệ Việt Nam và Bắc Triều Tiên trên đà phát triển trong giai đoạn từ cuối năm
2018 đến đầu năm 2019 khi Bắc Triều Tiên có những chuyến thăm cấp cao đến Việt
Nam và đỉnh điểm là chuyến thăm của chủ tịch Kim Jong Un đến Hà Nội vào cuối
tháng 02/2019 để tham dự thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên với tổng thống Hoa Kỳ
Donald Trump. Đó cũng là lần đầu tiên một lãnh tụ tối cao của Bắc Triều Tiên đến
thăm Việt Nam kể từ chuyến thăm Hà Nội năm 1964 của chủ tịch Kim Nhật Thành.
Hai nước
đã có những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới kinh tế, cũng như tăng cường
giao lưu văn hóa và du lịch. Bắc Triều Tiên mong muốn thúc đẩy du lịch với Việt
Nam và hai nước đã có những cuộc đối thoại về mở đường bay thẳng. Chương
trình Cuộc đua kỳ thú phiên bản Việt Nam năm 2019 đã được Bắc
Triều Tiên cấp phép quay một chặng đua ở Bình Nhưỡng để quảng bá hình ảnh Bắc
Triều Tiên rộng rãi hơn đến khán giả Việt Nam. Đây cũng là một sự kiện chưa từng
có tiền lệ khi mà Bắc Triều Tiên cho phép một chương trình truyền hình thực tế
nước ngoài quay phim ở Bình Nhưỡng. Mặc dù chương trình truyền hình thực tế này
không phải là quay trực tiếp nhưng đó cũng là một chỉ dấu rất lớn cho thấy Bắc
Triều Tiên muốn mở cửa với thế giới và ít nhất là đối với những đối tác truyền
thống như Việt Nam.
·
Đọc
thêm : Việt Nam – Bắc Triều Tiên : Tham vọng hợp tác văn hóa và đào tạo
Nhưng sau
đó, quan hệ Việt Nam-Bắc Triều Tiên bị chững lại sau năm 2019 do đại dịch
Covid-19 khi cả hai nước đóng cửa biên giới. Bắc Triều Tiên mới chỉ mở lại biên
giới một cách hạn chế từ giữa năm 2023 để đón phái đoàn từ Nga và Trung Quốc đến
tham dự 70 năm ký kết hiệp định đình chiến hai miền Triều Tiên. Đầu năm nay
(2024), Bắc Triều Tiên đã đón những đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến từ
Nga sau hơn 4 năm chống dịch. Hiện giờ Bắc Triều Tiên cũng chỉ mới cấp lại visa
đối với những thương nhân của Trung Quốc để nối lại kinh tế giữa hai nước.
Bắc Triều
Tiên cũng đang đẩy mạnh xây dựng các khu du lịch trong nước để sớm có thể mở rộng
công nghiệp du lịch để đón khách nước ngoài. Cần phải nhắc lại rằng công nghiệp
du lịch là một trong những nguồn thu không bị Liên Hiệp Quốc cấm vận, nhờ đó Bắc
Triều Tiên có thể thu được ngoại tệ từ nước ngoài một cách hợp pháp.
Có thể thấy
Bắc Triều Tiên mong muốn nối lại hợp tác kinh tế và du lịch, được hai nước đã
thỏa thuận trước dịch 2019, thông qua chuyến thăm của phái đoàn Bắc Triều Tiên
do ông Kim Song Nam, ủy viên dự khuyết bộ Chính Trị, dẫn đầu. Với việc Bắc Triều
Tiên đã đóng cửa một lượng lớn các cơ quan đại diện ở nước ngoài thì những nước
mà họ vẫn còn giữ đại diện, như Việt Nam, sẽ càng trở nên quan trọng hơn trong
chính sách ngoại giao của Bắc Triều Tiên trong thời gian tới.
*
RFI : Hà
Nội có thể làm được gì cho Bình Nhưỡng trong bối cảnh chế độ Kim Jong Un đang
chịu lệnh trừng phạt của quốc tế, còn Việt Nam lại thắt chặt quan hệ với Mỹ,
Hàn Quốc ?
Vũ Xuân
Khang : Thực
ra, quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên đã không còn được như giai đoạn kháng chiến
chống Mỹ khi Bắc Triều Tiên giúp đỡ chính quyền Hà Nội bảo vệ không phận miền Bắc
trong các cuộc ném bom của Mỹ. Đặc biệt hơn, chính chủ tịch Kim Nhật Thành còn
ngỏ ý với chính quyền Hà Nội lúc bấy giờ rằng Bắc Triều Tiên sẵn sàng gửi cả
lính đánh bộ nếu như Hà Nội cho phép.
Sau khi
Chiến tranh lạnh kết thúc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc
vào năm 1992, quan hệ Việt - Hàn đã phát triển nhanh chóng nhờ chia sẽ lợi ích
về kinh tế. Trái lại, quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên bị chững lại do Bắc Triều
Tiên gặp khủng hoảng kinh tế và họ theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Khủng
hoảng kinh tế của Bắc Triều Tiên tồi tệ đến mức Bình Nhưỡng không đủ tiền để trả
những khoản nợ mua gạo của Việt Nam vào năm 1996. Chính những điều này đã làm tổn
hại đến quan hệ giữa hai nước.
·
Đọc
thêm : Mô hình kinh tế Việt Nam chưa hẳn có hấp lực với Bắc Triều
Tiên
Việt Nam
nhận thấy có thể phát triển quan hệ kinh tế với Bắc Triều Tiên và giúp đỡ nước
này tránh được các lệnh trừng phạt quốc tế nhờ sử dụng cảng biển của Việt Nam để
trao đổi hàng hóa bị Liên Hiệp Quốc cấm vận, như than đá, dầu mỏ. Tuy nhiên, những
triển vọng này đang ngày càng giảm khi cả Mỹ và Hàn Quốc đều nỗ lực thuyết phục
Hà Nội thi hành các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên
trong các cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Việt Nam.
Đơn cử là
vào chuyến thăm của tổng thống Hàn Quốc vào tháng 06/2023, ông Yoon Suk Yeol đã
trực tiếp kêu gọi Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á khác, coi chương trình
vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa cho an
ninh của khu vực. Tổng thống Hàn Quốc cũng mong muốn tăng cường hợp tác với Việt
Nam để kiềm chế mối đe dọa an ninh từ Bắc Triều Tiên.
Trong hoàn
cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải “cân đo đong đếm” quan hệ, lợi
ích kinh tế với Hàn Quốc và Mỹ so với Bắc Triều Tiên. Và rõ ràng hiện giờ mối
quan hệ kinh tế của Việt Nam đối với Hàn Quốc vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn là
lợi ích kinh tế của Việt Nam với Bắc Triều Tiên. Do vậy, khả năng cao là Hà Nội
vẫn sẽ chỉ giúp đỡ được Bình Nhưỡng trong khuôn khổ không làm tổn hại đến lợi
ích kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc.
*
RFI : Thành
phố Hồ Chí Minh sẽ cử một phái đoàn đến Bình Nhưỡng vào tháng 06, có thể nhằm
tăng cường hợp tác kinh tế. Việc cử một phái đoàn cấp địa phương liệucó phải
để nhằm tránh ảnh hưởng đến mối quan hệ của Việt Nam với các nước đối tác như Mỹ,
Hàn Quốc ?
Vũ Xuân
Khang : Thực
ra, nếu như chính phái đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh đến thăm Bình Nhưỡng thì
cũng giống như một cuộc gặp đáp lễ cho chuyến công du của phái đoàn Bắc Triều
Tiên do ông Kim Song Nam dẫn đầu. Thay vì chính quyền Hà Nội gửi một phái đoàn
đến Bắc Triều Tiên mà chỉ là một phái đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh có thể cho
thấy rằng Việt Nam không muốn phá hoại quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Hàn Quốc
hoặc là quan hệ Việt Nam với Mỹ.
Cần phải
nói rõ việc gửi phái đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh cho thấy Việt Nam ưu tiên
phát triển kinh tế, nhất là về du lịch giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên và không
gửi bất kỳ một tín hiệu nào là Hà Nội ủng hộ chương trình phát triển vũ khí hạt
nhân hay tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
*
RFI
Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, Đại học Boston
(Boston College), Hoa Kỳ.
-------------------------
Các nội
dung liên quan
BẮC TIỀU
TIÊN - NGOẠI GIAO
Bắc
Triều Tiên tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam và Lào
TẠP CHÍ VIỆT
NAM
Việt
Nam cố giữ trung lập giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên
HOA KỲ - BẮC
TRIỀU TIÊN
Mỹ
từng đề nghị một lộ trình phi hạt nhân BTT tại Hà Nội
No comments:
Post a Comment