Wednesday, April 3, 2024

TRUNG QUỐC VÀ BÃI CỎ MÂY / KỲ 1 : THAO TÚNG HAI TUYẾN ĐƯỜNG BIỂN (Phạm Văn Luật / Luật Khoa Tạp Chí)




 

Trung Quốc và bãi Cỏ Mây - Kỳ 1: Thao túng hai tuyến đường biển

PHẠM VĂN LUẬT  -  Luật Khoa Tạp Chí

APRIL 03 20242:52 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/04/trung-quoc-va-bai-co-may-ky-1-thao-tung-hai-tuyen-duong-bien/?ref=luat-khoa-newsletter

 

Vì sao Trung Quốc muốn chiếm bãi Cỏ Mây?

 

Hình : https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/04/So-do-hai-tuyen-duong-bien.jpeg

Hai tuyến đường thương mại qua Biển Đông. Đồ họa: Tùy Phong/Luật Khoa

 

 

Việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế dân sự của Philippines hồi tháng 3 vừa qua ở bãi Cỏ Mây đã đẩy xung đột hai nước này ở Biển Đông lên cao chưa từng có.

 

Bãi Cỏ Mây là một bãi cạn lúc nổi lúc chìm, nằm cách đường cơ sở của Philippines chỉ khoảng 70 hải lý (gần 130 km). Philippines trực tiếp quản lý thực thể địa lý này từ năm 1999 khi họ kéo con tàu cũ BRP Sierra Madre lên bãi cạn Cỏ Mây để làm nơi cho binh lính đóng quân [1]. Con tàu này vốn được sản xuất từ thế chiến thứ hai, nay đã mục nát và có thể sụp đổ xuống biển bất kỳ lúc nào. Trung Quốc muốn ngăn chặn Philippines thay thế con tàu khác hay bất kỳ hoạt động cải tạo đảo nào của nước này để làm cơ sở cho binh lý trú đóng.

 

Thực tế, từ trước tới nay, Trung Quốc chỉ tranh cãi ngoại giao với Philippines về bãi Cỏ Mây, nhất là khi quan hệ Mỹ - Philippines thắt chặt quan hệ đồng minh. Từ tháng 3/2023, Trung Quốc hung hăng hơn khi đánh chặn hoạt động tiếp tế của Philippines để nước này rút binh trên con tàu cũ.

 

Trung Quốc mặc định mọi thứ nằm trong đường chữ U (hay còn gọi là đường lưỡi bò) trên Biển Đông đều thuộc về họ. Cần lưu ý thêm bản thân Trung Quốc cũng không biết đường lưỡi bò gồm các nơi nào. Lúc thì họ công bố có chín đoạn, lúc thì mười đoạn. Họ không công bố chính xác tọa độ của từng đoạn. Tuy nhiên, bãi Cỏ Mây nằm trong đường lưỡi bò này.

 

Câu hỏi đặt ra là tại sao bây giờ Trung Quốc lại muốn chiếm bãi Cỏ Mây bằng vũ lực? Người viết cho rằng mục đích cuối cùng của Trung Quốc là kiểm soát tuyến đường thương mại hàng hải thứ hai trên Biển Đông.

 

Để thực hiện mưu đồ này, Trung Quốc cần chiếm lấy bãi Cỏ Mây để củng cố căn cứ quân sự trên đá Vành Khăn (căn cứ này chưa rõ thời gian Trung Quốc xây dựng, nhưng nhiều tài liệu cho thấy nó có thể hoàn thành vào năm 2015 và 2016) và từ đó xây dựng thêm một cụm căn cứ quân sự mới ở phía đông nam của quần đảo Trường Sa.

 

 

Âm mưu kiểm soát hai tuyến đường thương mại ở Biển Đông

 

Cụ thể, trên Biển Đông hiện nay có hai tuyến đường biển:

 

Tuyến thứ nhất đi qua eo biển Malacca (sau đây gọi là tuyến Malacca). Eo biển này chạy giữa đảo Sumatra của Indonesia và Malaysia, nối Ấn Độ Dương ở phía tây và Biển Đông ở phía đông. Tuyến Malacca sẽ đi vào Biển Đông, ngang qua đá Chữ Thập (Yongshu Jiao 永暑礁, đã bị Trung Quốc cải tạo thành đảo nhân tạo với diện tích khoảng 270 ha), đá Subi (Zhubi Jiao 渚碧礁, cũng đã bị cải tạo thành đảo nhân tạo, rộng khoảng 400 ha) trên quần đảo Trường Sa.

 

Trên bản đồ, tuyến Malacca nằm phía tây quần đảo Trường Sa.

 

Về eo biển Malacca thì đây được xem là cánh cửa kết nối Ấn Độ Dương và Biển Đông, trở thành điểm yết hầu đối với nền kinh tế Trung Quốc. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ước tính khoảng 20% thương mại hàng hải toàn cầu và 60% dòng chảy thương mại của Trung Quốc được di chuyển qua eo biển Malacca và Biển Đông. [2]

 

Không chỉ với Trung Quốc, eo biển Malacca còn đóng vai trò tương tự với các nền kinh tế của Đông Bắc Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, khi 80% lượng dầu khí từ Trung Đông vận chuyển đến Đông Bắc Á đi qua eo biển này. [3]

 

Nói tóm lại, trong hoàn cảnh bình thường, phần lớn tàu thuyền đi từ Ấn Độ Dương tới Đông Bắc Á, bao gồm Trung Quốc, đều đi qua tuyến Malacca.

 

Đề cập thêm, ngoài cửa phía tây của eo biển Malacca, trên Ấn Độ Dương, có một chuỗi đảo tên Andaman thuộc chủ quyền của Ấn Độ. Đầu năm 2023, Ấn Độ với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, đã hoàn thành một chuỗi căn cứ quân sự trên tuyến đảo này sau nhiều năm xây dựng. Nhưng chuỗi căn cứ quân sự này lại án ngữ ngay mặt tiền của eo biển Malacca.

 

Thế nên điều này buộc Trung Quốc phải tính toán lại những gì họ định làm với Ấn Độ trên dãy Himalaya (chưa biết mưu đồ thật sự của Trung Quốc là gì tại Himalaya, nhưng nước này đã điều động quân tới biên giới Ấn Độ và tăng cường các căn cứ quân sự với quy mô cho khoảng 120.000 quân) [4]. Bởi lẽ, nếu tăng cường sức ép đối với Ấn Độ trên đất liền, Trung Quốc sẽ bị quốc gia này khóa cổ tại eo biển Malacca. [5]

 

Tuyến thứ hai đi qua Indonesia, vòng qua Malaysia, đi qua eo biển đảo Palawan của Philippines rồi vào Biển Đông. Tuyến này nằm phía đông quần đảo Trường Sa. Khi tới Biển Đông, tuyến đường này gặp ngay bãi Cỏ Mây và đá Vành Khăn, cách đảo Palawan khoảng 70 hải lý (gần 130 km).

 

Tuyến thứ hai thực tế chủ yếu quan trọng với Indonesia và Úc và đóng vai trò dự bị nếu tuyến Malacca có vấn đề. Nếu “bộ Tứ” Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc liên thủ và sử dụng căn cứ quân sự ở đảo Andaman để khóa eo biển Malacca lại thì tàu vận tải của Trung Quốc phải sử dụng tuyến thứ hai để vào Biển Đông.

 

Vì lý do đó, Trung Quốc tham vọng biến eo biển Palawan thành yết hầu của mình, tương tự như ở eo biển Malacca.

 

Lúc này, căn cứ quân sự của Trung Quốc trên đá Vành Khăn ở Trường Sa sẽ trở nên vô cùng quan trọng với Trung Quốc khi nó án ngữ tuyến đường số hai trên Biển Đông. Trung Quốc toan tính các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trong hơn mười năm qua ở Trường Sa sẽ kiểm soát được cả hai tuyến đường này.

 

Cụ thể, trong vòng một thập niên qua, Trung Quốc xây dựng các cụm cứ điểm phía bắc và phía tây nam Trường Sa. Trong đó, cụm cứ điểm phía bắc gồm các căn cứ tại đá Subi, căn cứ Gaven, Gạc Ma, Huy Gơ. Cụm cứ điểm phía tây nam quần đảo Trường Sa gồm các căn cứ tại đá Châu Viên, đá Chữ Thập. Mỗi cụm cứ điểm có nhiều căn cứ gần nhau, có thể yểm trợ cho nhau.

 

Nhưng căn cứ đá Vành Khăn có ý nghĩa chiến lược nhất lại đang nằm trơ trọi và không có căn cứ nào khác hỗ trợ. Nhìn xung quanh, gần đá Vành Khăn nhất có bãi Cỏ Mây (khoảng 10 hải lý về phía đông) hiện do Philippines quản lý với một lực lượng quân đội nhỏ đóng quân trên con tàu cũ. Còn cách khoảng 10 hải lý về phía tây bắc là bãi Ba Đầu, thuộc đảo Sinh Tồn Đông (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

 

Nếu có thể đẩy Philippines ra khỏi bãi Cỏ Mây, Trung Quốc sẽ chiếm đóng và xây dựng được căn cứ tại đây để tạo thế tam giác “Cỏ Mây - Gạc Ma - Vành Khăn”.

 

Eo biển Malacca nếu bị Ấn Độ khóa lại thì sẽ thành “cửa tử” đối với Trung Quốc. Nhưng chiếm được bãi Cỏ Mây, Trung Quốc vẫn có sinh lộ thứ hai. (còn tiếp)

 

---------------

Chú thích

 

[1] A Game of Shark and Minnow, The New York Times, 2024. Xem thêm tại đây

 

[2] China and the Malacca Dilemma, Warsaw Institute, 2021. Xem thêm tại đây

 

[3] The Strait of Malacca, a Key Oil Trade Chokepoint, Links the Indian and Pacific Oceans - U.S. Energy Information Administration. Xem thêm tại đây

 

[4] Hôm 22/3/2024, học giả Ấn Độ Brahma Chellaney viết trên Nikkei Asia rằng việc Trung Quốc chiếm đất của Ấn Độ đã trở thành một "thảm hoạ chiến lược." Xem thêm bài viết "China's Indian land grab has become a strategic disaster" tại đây

 

[5] Menon R, How India’s New Naval Base at Andamans Will Force Beijing to Reassess Its Strategy, The Indian Express. Xem thêm tại đây

 

 

 



No comments: