Sunday, April 28, 2024

THÊM MỘT ÔNG PHẢI VỀ : VƯƠNG ĐÌNH HUỆ (Zachary Abuza / RFA)

 



Thêm một ông phải về: Vương Đình Huệ!

Bài bình luận của Zachary Abuza
2024.04.27

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/and-a-hue-we-go-04272024083220.html

 

 Sự ra đi của Huệ để lại chiếc ghế trống thứ hai trong bộ “tứ trụ” của chế độ lãnh đạo tập thể ở Việt Nam.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/and-a-hue-we-go-04272024083220.html/@@images/61dca689-46f2-443a-a1f9-56658bd28bcf.jpeg

Ảnh minh họa bởi Paul Nelson/RFA.   (AFP)

 

Bộ Chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong một phiên họp khẩn bất thường vào ngày 25/4 và Ủy ban Trung Ương đã bỏ phiếu chấp thuận đơn từ chức của ông này vào ngày sau đó.

 

Ông Huệ là ủy viên Bộ Chính trị thứ 5 bị phế truất trong nhiệm kỳ này, ngã ngựa trong Chiến dịch chống tham nhũng có tên “Đốt lò”, sau Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung Ương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

 

Bộ Chính trị hiện chỉ còn 13 thành viên trong một cuộc chiến tiêu hao ác hiểm khi chỉ còn 19 tháng nữa là đến Đại hội Toàn quốc ĐCSVN lần thứ 14.

 

Việc phế truất ông Huệ rõ ràng là làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc đua cho chiếc ghế Tổng Bí thư ĐCSVN sắp tới. Theo quy định hiện hành của Đảng, ông Huệ là một trong bốn ứng cử viên đủ điều kiện có thể kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng- người đã làm Tổng Bí thư tới 3 nhiệm kỳ.

 

 

Điều gì đã khiến ông Huệ ngã ngựa?

 

Câu trả lời đơn giản là chính trị và tham vọng quyền lực đã hạ bệ ông Huệ.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2-2.jpg/@@images/d78a8c81-b106-4295-bbcc-f1f8ce48cb2a.jpeg

Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm trước cuộc họp tại Hà Nội ngày 30/10/2020. Nguồn ảnh: Thống Nhất/TTXVN qua AP

 

Ông Huệ là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Tổng Bí thư. Ông đã được chuẩn bị cho vị trí này, đã giữ các vị trí lãnh đạo tại  Tổng kiểm toán Nhà nước, Quốc hội, Thành ủy Hà Nội và Bộ Tài chính.  

 

Nhưng Bộ trưởng Công an Tô Lâm lại muốn vị trí đó và nắm trong tay quyền to lớn để tiến hành các cuộc điều tra sâu rộng đối với các vụ làm ăn lan trải cũng như đời tư của các đối thủ của mình.

 

Trong những tuần qua, Tô Lâm đã đưa ra những bằng chứng về các vi phạm của ông Huệ. Ông cũng đã làm việc này với Võ Văn Thưởng khi mà ông đưa ra những chi tiết về vụ hối lộ 16 tỉ đồng (630 ngàn đô la). Ông Tô Lâm đã trông đợi ông Huệ sẽ ứng xử như ông Thưởng, người đã thú nhận những việc làm sai và lặng lẽ rút lui và đổi lại, cái ông được nhận là sự hạ cánh an toàn.

 

Theo nhiều nguồn tin thì ông Huệ đã không nhưng không chấp nhận hạ cánh an toàn mà còn bác bỏ tất cả các cáo buộc trước khi đe dọa sẽ lật tẩy các vụ làm ăn của chính các đồng nghiệp trong Bộ Chính trị.

 

Ông Tô Lâm đã nhanh tay hành động và như thường lệ, bắt đầu từ người trợ lý của ông Huệ.

 

Công an đã bắt giữ ông Phạm Thái Hà, 48 tuổi, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội ngay khi ông này trở về từ chuyến thăm 5 ngày tới Trung Quốc.

 

Ông Hà, có bằng Tiến sĩ về tài chính, đã làm trợ lý cho ông Huệ được 20 năm. Ở mọi cương vị trong sự nghiệp của ông Huệ, bắt đầu từ Kiểm toán Nhà nước, rồi tới Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương và cuối cùng là Quốc Hội, ông Hà luôn làm cấp phó cho ông Huệ.

Ông Hà đã bị bắt ngay tại sân bay, rõ ràng là ngay trước mắt sếp của ông để gia tăng hiệu ứng tâm lý.

 

Việc bắt giữ ông Hà là một phần của quá trình điều tra Công ty Cổ phần Thuận An, một công ty phát triển bất động sản tương đối nhỏ mà đã có một hành trình ngoạn mục khi đã trúng 38 trong 47 gói thầu của chính phủ cho những dự án cơ sở hạ tầng lớn.

 

Lãnh đạo công ty đã bị bắt giữ hôm 15 tháng 4. Tổng giám đốc đã bị cáo buộc tội hối lộ trong khi phó tổng giám đốc đang bị giam giữ và điều tra về tội hối lộ và gian lận trong đấu thầu. Tổng cộng đã có 6 người bị bắt, trong đó có 3 quan chức tỉnh Bắc Giang.

 

Hôm 19 tháng 4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một cơ quan của Trung ương Đảng chuyên điều tra về tham nhũng đối với các quan chức cao cấp, đã chính thức bắt đầu điều tra về ông Huệ. Vị Trưởng ban, Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị đã thành lập một ban gồm 9 thành viên để dẫn đầu cuộc điều tra.

 

Ngày 21 tháng 4, Bộ Công an tuyên bố ông Hà sẽ bị khởi tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn, gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, vi phạm Khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự. Ngày hôm sau, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã cho phép khám nhà và văn phòng của ông Hà.

 

Đời tư của ông Huệ, với nhiều cáo buộc về chuyện tình ái mà đã trở thành “món ăn” quen thuộc trên mạng xã hội, đã làm tiêu tan mọi hy vọng ông có thể sống sót.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/3-1.jpg/@@images/a06c9a50-64ee-4b3c-a2d9-cf8bb9481911.jpeg

Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai, áo đỏ, đứng trên bục phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội đại toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, ngày 28/1/2016. Nguồn ảnh: Hoàng Đình Nam/ AP

 

Ngày 26 tháng 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chấp thuận đơn từ chức của ông Huệ -  người từng được coi là có nhiều khả năng nhất để lãnh đạo ĐCSVN trong nhiệm kỳ 2026-2031.

 

 

Vậy thì sao?

 

Việc ông Huệ mất chức đã buộc phải có sự đảo lộn lớn đối với các vị trí cao cấp tại cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương vào ngày 26 tháng 4.

 

Việt Nam đã không có Chủ tịch nước từ tháng 2 năm nay. Sự ra đi của Huệ để lại chiếc ghế trống thứ hai trong bộ “tứ trụ” của chế độ lãnh đạo tập thể ở Việt Nam.

 

Quốc Hội Việt Nam là một ngoại lệ trong các cơ quan lập pháp của các chế độ cộng sản ở chỗ nó không phải là một con dấu bằng củ khoai. Cơ quan này là một trong những định chế được tin cậy nhất của quốc gia này, tương đối minh bạch đồng thời có nỗ lực buộc các vị lãnh đạo [ban ngành] phải có trách nhiệm giải trình.

 

Quan trọng hơn, hàng loạt các bộ luật và văn bản hướng dẫn thi hành cần phải được thông qua.

 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng được cho là đã bổ nhiệm bà Trương Thị Mai, hiện là Thường trực Ban Bí thư, làm tân Chủ tịch Quốc hội. Quyết định này, cùng với việc ông Huệ chính thức từ nhiệm, sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

 

Bà Mai có kinh nghiệm dày dạn trong cơ quan lập pháp. Từ 2016-2021, bà là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội – cơ quan lãnh đạo và đại diện cho Quốc hội khi Quốc hội không trong kỳ họp.

 

Nhưng Trung ương cũng còn phải xem xét một số vị trí cao cấp khác mà vẫn còn trống.

Bà Mai sẽ phải có người thay thế vị trí tại Ban Bí thư, cơ quan phụ trách công việc hàng ngày của Đảng. 

 

Một cái tên đang nổi lên là Đại tướng Lương Cường – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam – vị chính ủy cao nhất của quân đội. Giống như ở Trung Quốc, Quân đội Nhân dân là cánh vũ trang của Đảng Cộng sản và có trách nhiệm pháp lý trong việc bảo vệ đảng và hệ thống xã hội chủ nghĩa trước nhà nước. Việc kiểm soát quân đội của Đảng là tối quan trọng.

 

Không rõ lần này ông Cường sẽ nghỉ hưu khỏi quân đội hoặc tiếp tục trong quân đội. Việt Nam có các chuẩn mực khác biệt về quan hệ quân sự - dân sự. 

 

Vị trí Trưởng Ban Tổ chức Trung Ương (cơ quan nhân sự của ĐCSVN) đã trống ghế từ tháng 3/2023. Điều này là rất khó hiểu trong bối cảnh công tác kế hoạch cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 hiện đang diễn ra. 

 

Chức chủ tịch nước đã khuyết từ tháng 2 năm nay. Có hai ứng cử viên có thể kế nhiệm ông Võ Văn Thưởng là ông Trần Thanh Mẫn và Nguyễn Văn Nên. Việc này sẽ được quyết định tại Kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới của Quốc hội. 

 

Dường như ông Huệ sẽ được hạ cánh an toàn giống như tất cả các vị lãnh đạo cấp cao đã bị phế truất trong 17 tháng qua. Ông có mặt trong ảnh chụp tại lễ viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các lãnh đạo cấp cao khác trước cuộc họp của Ban Chấp hành Trung Ương. Mặc dù ông Tô Lâm có thể muốn ra đòn cuối cùng với đối thủ chính trị của mình nhưng dường như ông Nguyễn Phú Trọng đã bảo vệ đệ tử cũ của mình khỏi bất cứ tấn công tiếp theo nào.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/4-2.jpeg/@@images/04d15443-30f9-4820-b3b7-23492e5ae231.jpeg

Ông Nguyễn Văn Nên, ứng cử viên chức Chủ tịch nước Việt Nam (bên trái) rời một cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, ngày 6/4/2015. Nguồn ảnh Khâm/Reuters

 

Việc ông Huệ bị phế truất khiến cho con đường trở thành Tổng Bí thư ĐCSVN của ông Tô Lâm có nhiều cơ hội hơn. Giờ đây chỉ còn hai ứng cử viên khác đủ điều kiện cho chức vụ này, đó là bà Trương Thị Mai và Thủ tướng Phạm Minh Chính. 

 

Nhưng chắc chắn là chính trị Việt Nam chưa bao giờ tồi tệ như hiện nay cũng như chưa bao giờ mang tính tàn phá thể chế đến vậy. Những gì đã được làm nhằm chính danh hóa/hợp pháp hóa ĐCS lấm bẩn bởi tham nhũng, giờ đây, đã khiến đảng này trở nên mất uy tín hơn trong mắt người dân – những người nhìn thấy vấn nạn tham nhũng đã xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao như thế nào.

 

---------------------

*Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.

 




No comments: