Sunday, April 21, 2024

THẾ GIỚI HÔM NAY : 19/04/2024 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 19/04/2024

The Economist 

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

19/04/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/04/19/the-gioi-hom-nay-19-04-2024/ 

 

Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran để đáp trả vụ tấn công bằng drone và tên lửa vào Israel hôm 13 tháng 4. Loạt trừng phạt mới nhắm vào các cá nhân có liên quan đến Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo và một nhà sản xuất ô tô bị cáo buộc chế tạo động cơ cho máy bay không người lái Shahed của Iran. Các đồng minh phương Tây đang thúc giục Israel kiềm chế phản ứng trước cuộc tấn công của Iran.

 

Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về viện trợ bổ sung cho Israel, Ukraine, và Đài Loan vào thứ Bảy. Gói đề xuất trị giá 95 tỷ USD sẽ được chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đưa ra dưới dạng ba dự luật riêng biệt. Tổng thống Joe Biden cho biết việc thông qua luật sẽ “gửi một thông điệp tới thế giới.” Khoảng 60 tỷ USD viện trợ sẽ được chuyển tới Ukraine.

 

Chính quyền Đức đã bắt giữ hai người đàn ông vì tình nghi âm mưu đánh bom và phóng hỏa theo lệnh của Nga. Chính phủ Đức, một trong những nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất châu Âu cho Ukraine, cho biết những người này lên kế hoạch phá hoại các cơ sở quân sự. Truyền thông địa phương đưa tin các địa điểm được nhắm đến bao gồm căn cứ ở Grafenwőhr, nơi lính Mỹ huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng xe tăng Abrams.

 

Mỹ cho biết họ sẽ phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc cấp tư cách thành viên đầy đủ cho Palestine, quốc gia chỉ là quan sát viên của LHQ. Nỗ lực trở thành thành viên LHQ của Palestine hồi năm 2011 cũng bị Mỹ ngăn cản. Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết, đó “cần phải là kết quả của cuộc đàm phán giữa Israel và người Palestine.”

 

Blackstone cho biết thu nhập có thể chia của họ — vốn dùng để trả cổ tức cho các cổ đông — đã tăng 1% so với năm trước trong quý đầu. Công ty này tăng thu nhập từ việc quản lý tài sản cho các quỹ bán lẻ lớn và các nhà đầu tư khác. Tổng tài sản mà họ quản lý đã tăng lên 1,06 nghìn tỷ USD, củng cố vị thế là công ty đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới.

 

Doanh số bán nhà qua tay ở Mỹ đã giảm 4,3% so với tháng trước trong tháng 3, mức giảm lớn nhất trong hơn một năm. Dữ liệu này, vốn đã giảm trong phần lớn năm 2023, từng tăng trong tháng 1 và 2. Lãi suất thế chấp cao đã làm giảm nhu cầu mua nhà, bên cạnh tâm lý không chắc chắn về những thay đổi sắp tới đối với các quy định về cách thức trả phí cho môi giới bất động sản.

 

Giá hợp đồng tương lai của ca cao tăng lên mức cao kỷ lục 9.477 bảng Anh (11.770 USD)/tấn sau khi thời tiết xấu và dịch bệnh gây ra mất mùa trên khắp Tây Phi. Barry Callebaut, một nhà sản xuất sô cô la, dự đoán sẽ bị thiếu hụt 500.000 tấn trong năm nay. Đà tăng giá của ca cao, và các mặt hàng khác như đường, đã buộc một số nhà máy sô cô la phải tạm dừng sản xuất.

 

Con số trong ngày: 40%, là phần trăm các nước có thực thi nghĩa vụ quân sự vào giữa những năm 2010, giảm từ 80% hồi đầu thế kỷ 20.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Ấn Độ bắt đầu bầu cử quốc hội

 

Cuộc bầu cử lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu ở Ấn Độ vào thứ Sáu. Gần một tỷ cử tri sẽ bắt đầu bỏ phiếu qua bảy giai đoạn của cuộc tổng tuyển cử quốc hội kéo dài sáu tuần. Thủ tướng Narendra Modi được kỳ vọng sẽ dẫn dắt Đảng Bharatiya Janata giành chiến thắng thứ ba liên tiếp. Câu hỏi chính xung quanh cuộc bỏ phiếu là liệu đảng theo chủ nghĩa dân tộc Hindu giáo của ông có thể nâng tổng số 296 ghế trong hạ viện gồm 543 thành viên của quốc hội lên mục tiêu 370 hay không. Kết quả sẽ có ​​vào ngày 4 tháng 6.

 

Các nhà lãnh đạo đối lập coi ông Modi là mối đe dọa đối với nền dân chủ Ấn Độ, với lý do ông hạn chế truyền thông, tư pháp, và xã hội dân sự. Họ cũng cáo buộc ông khuyến khích phân biệt đối xử người Hồi giáo ở Ấn Độ và sử dụng các cơ quan điều tra cũng như thuế để nhắm vào các chính trị gia đối lập, trong đó có hai lãnh đạo đảng đối lập bị bắt từ tháng 1. Song cho đến nay, điều đó dường như không làm ảnh hưởng hình ảnh của ông Modi, đặc biệt là với đa số người theo đạo Hindu.

 

 

Hạ viện Mỹ có thể thông qua dự luật viện trợ đồng minh trong tuần này

 

Trong tuần này Mike Johnson, chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, đã đưa ra một đề xuất gửi hỗ trợ tới Israel, Đài Loan, và Ukraine – phớt lờ những người cực hữu và do đó gây nguy hiểm cho vị thế của chính ông. Vào thứ Sáu, các nhà lập pháp sẽ xem xét kỹ lưỡng các đề xuất của ông Johnson trước cuộc bỏ phiếu, dự kiến ​​vào thứ Bảy.

 

Kế hoạch là chia viện trợ cho các đồng minh của Mỹ thành ba dự luật. Dự luật thứ tư có thể sẽ buộc chủ sở hữu phải bán TikTok, ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với các nước như Iran, và tịch thu tài sản của Nga. Một số viện trợ sẽ đến dưới hình thức cho vay chứ không phải trợ cấp.

 

Bob Good, người đứng đầu nhóm cực hữu trong Hạ viện, đã kêu gọi “tất cả những người bảo thủ thực sự” ngăn chặn nỗ lực của ông Johnson. Ít nhất hai hạ nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội đã đe dọa phế truất ông Johnson. Không rõ liệu họ có đủ phiếu để loại ông khỏi vị trí đứng đầu – hoặc liệu các gói viện trợ có được thông qua – hay không.

 

 

Liệu Nhật Bản có tiếp tục nâng lãi suất?

 

Nhật Bản công bố dữ liệu lạm phát mới nhất vào thứ Sáu. Mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) là 2%. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 dự kiến sẽ cho thấy giá cả tăng theo năm cao hơn mức đó, đánh dấu tháng thứ 24 liên tiếp lạm phát bằng hoặc cao hơn mục tiêu. Xu hướng này, cùng với đà tăng lương mạnh mẽ nhờ các cuộc đàm phán thường niên trong năm nay giữa công đoàn và các công ty lớn, đã giúp BoJ tự tin nâng lãi suất vào tháng trước, lần đầu tiên kể từ năm 2007, từ khoảng -0,1%-0% lên 0-0,1%.

 

Diễn biến lạm phát trong tương lai sẽ quyết định các bước đi tiếp theo của BoJ. Các quan chức đã nói rõ rằng việc chấm dứt chính sách lãi suất âm không có nghĩa là ngân hàng đang bắt tay vào một chu kỳ thắt chặt nhanh chóng. Tuy vậy, thị trường vẫn mong đợi ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay – dù có lẽ sẽ không xảy ra tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.

 

 

Nga nghỉ lễ mừng ngày sáp nhập Crimea

 

Vào thứ Sáu, Nga sẽ kỷ niệm việc sáp nhập Crimea (và Kuban và Taman, hai khu vực phía nam nước Nga) vào đế quốc Nga hồi cuối thế kỷ 18. Kỳ nghỉ lễ được ký thành luật vào năm 2018, bốn năm sau khi Nga sáp nhập bất hợp pháp bán đảo này từ Ukraine trong một cuộc chiếm đất thời hiện đại.

 

Mười năm qua, Điện Kremlin đã tìm cách hợp pháp hóa sự chiếm đóng của họ bằng tuyên truyền đại chúng, cũng như trợ cấp nhà nước và đầu tư cơ sở hạ tầng ở Crimea. Họ cũng đẩy mạnh đàn áp, đặc biệt là đối với dân số người Ukraine đang suy giảm và người Tatars ở Crimea, một nhóm thiểu số Hồi giáo phản đối Nga chiếm đất. Cuộc xâm lược Ukraine từ năm 2022 chỉ làm tăng cường độ đàn áp tại đây.

 

Cuộc phản công thất bại của Ukraine vào năm ngoái đã làm giảm hy vọng chiếm lại Crimea. Nhưng Ukraine vẫn tìm cách thách thức tuyên bố của Vladimir Putin đối với bán đảo này. Các quan chức Ukraine gần đây cho biết họ đang lên kế hoạch tấn công lần thứ ba vào cầu Kerch nối Crimea với Nga. Đây là dự án yêu thích của tổng thống Nga sau khi sáp nhập.

 

 





No comments: