Monday, April 8, 2024

SÀI GÒN, DƯ ÂM CUỐI CÙNG NGÀY RỜI XA (Phạm Thanh NGhiên | Saigon Nhỏ)

 




Sài Gòn, dư âm cuối của ngày rời xa

Phạm Thanh Nghiên  |  Saigon Nhỏ

8 tháng 4, 2024

 https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/tan-man/sai-gon-du-am-cuoi-cua-ngay-roi-xa/

 

(Nhân một năm, ngày bị đẩy ra khỏi quê hương)

 

Chúng tôi gặp nhau lần cuối vào một ngày Tháng Sáu năm 2022 trước khi Gaetan kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam để về Mỹ. Được biết, đất nước tiếp theo Gaetan sẽ đến là Ba Lan, quê hương của vợ anh. Anh có vẻ háo hức với nhiệm kỳ sắp tới vì Ba Lan là quốc gia châu Âu ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc chiến đấu vệ quốc của người Ukraine trước sự xâm lược của quân Nga. Trong số những viên chức ngoại giao nước ngoài quan tâm về những người bất đồng chính kiến mà tôi từng tiếp xúc, Gaetan là người để lại cho tôi nhiều thiện cảm nhất.

Khác hẳn các lần gặp trước với những câu chuyện về bắt bớ, đàn áp nhân quyền hay về các tù nhân lương tâm. Hôm đó, Gaetan không còn giữ vẻ quá trang trọng của một viên chức ngoại giao, anh thể hiện thái độ khá thân thiện, và không ngại bày tỏ cảm xúc trong khi trò chuyện.

 

“Tôi muốn nói với anh chị rằng, đây là một nhiệm kỳ thất bại của tôi. Có những điều tôi mong muốn đã không xảy ra. Nhiều dự định của tôi đã không thực hiện được trong thời gian ba năm làm việc ở Việt Nam”.

 

Chúng tôi thật sự bất ngờ và không khỏi bối rối trước lời bộc bạch chân thành của Gaetan.

“Một trong những mong muốn của tôi, đó là được đích thân tiễn anh chị và cháu bé ra tận phi trường để sang Mỹ. Tôi muốn thấy gia đình anh chị được an toàn tại nước Mỹ. Tôi thật sự xin lỗi vì đã không thể làm gì hơn”.

 

Ngoài những yếu tố nhạy cảm không tiện nói – theo lời giải thích của Gaetan, thì đại dịch COVID-19, việc công an luôn gây trắc trở cho việc làm giấy tờ tùy thân của anh Tú, và kể cả chính sách hạn chế người nhập cư của chính phủ Mỹ thời điểm đó, là những lý do khiến việc ra đi của chúng tôi bị chậm lại.

 

Trong khi chờ đợi người thông dịch làm công việc của mình, thỉnh thoảng Gaetan lại nhìn chúng tôi mỉm cười. Nụ cười buồn và ánh mắt chất chứa niềm cảm thương.

 

“Tôi muốn nói rằng anh chị là những người rất dũng cảm và tôi thật may mắn được làm bạn với anh chị. Trước ngày đến gặp anh chị, tôi đã xem lại một bộ phim khá nổi tiếng của Mỹ, nói về Frank Kameny, người đã dũng cảm chống lại chính phủ để đòi quyền bình đẳng cho người đồng tính”.

 

Gaetan kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Frank Kameny. Ông là một nhà thiên văn học, làm việc tại Cơ quan Bản đồ Quân đội Hoa Kỳ ở Washington, D.C. Năm 1957, Frank bị sa thải sau khi ông bị phát hiện là người đồng tính. Chính phủ Mỹ cho rằng người đồng tính là mối đe dọa đối với an ninh đất nước. Họ mở một chiến dịch nhằm xác định giới tính của các nhân viên và sa thải bất cứ ai bị nghi ngờ là người đồng tính. Hậu quả của các cuộc săn lùng là hàng ngàn người bị đuổi việc, bị lâm vào cảnh nghèo túng, thậm chí tự sát. Nhưng hầu như tất cả những người bị sa thải đều nghĩ rằng quyết định của chính phủ là đúng, và chấp nhận điều đó.

 

Frank là người đầu tiên phản đối việc sa thải ông. Frank tìm gặp những người cùng cảnh ngộ, thuyết phục họ đứng lên đòi quyền được trở lại làm việc. Ông đã bắt đầu một cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống lại chính sách mà ông cho là sai lầm của chính quyền Mỹ, và trở thành người dẫn đầu phong trào bảo vệ quyền của người đồng tính vào đầu những năm 1960. Cuộc đấu tranh bền bỉ và gian khổ của ông cuối cùng đã có kết quả. Nhiều người đồng tính đã được gọi trở lại làm việc. Năm 2009 và 2010, Frank Kamely được mời đến Nhà Trắng, nơi Tổng thống Obama ký kết những Đạo luật quan trọng công nhận quyền bình đẳng của người đồng tính.

 

“Sau khi bị sa thải, Frank đã tự đặt câu hỏi rằng chính phủ “sai” hay “đúng”. Anh ấy chỉ mất đúng một giây để tìm ra câu trả lời: anh đúng, chính phủ và xã hội Mỹ sai. Frank đã dũng cảm đứng lên đấu tranh cho điều anh ấy tin là đúng. Giống như những việc làm của anh chị. Rõ ràng là xã hội Việt Nam, nhà nước Việt Nam đã sai và anh chị đã đúng. Có thể bây giờ thì chưa, nhưng tôi tin, vào một lúc nào đó, xã hội và nhà nước Việt Nam sẽ phải thừa nhận những gì anh chị và các bạn của anh chị làm là đúng”.

 

Tôi đáp lại Gaetan, giọng có chút đanh lại:

 

“Nhưng chính phủ Việt Nam khác với chính phủ Mỹ. Những người lãnh đạo ở đất nước anh biết lắng nghe, còn ở đất nước tôi thì không”.

 

Chúng tôi im lặng. Dù rất kiềm chế, nước mắt tôi vẫn ứa ra.

 

Tôi có tật xấu, gặp chuyện gì cảm động là khóc, bất kể liên quan đến mình hay không.

Tôi cảm động trước câu chuyện và tình cảm của Gaetan dành cho gia đình mình. Nhưng cũng thật cay đắng với suy nghĩ rằng, người đàn ông ngồi trước mặt mình, đến từ một đất nước xa xôi, không cùng màu da, không cùng ngôn ngữ, không cùng chủng tộc nhưng lại thấu hiểu, đồng cảm và ủng hộ những việc mình làm. Trong khi đó, những người cai trị đất nước này lại truy lùng, bắt bớ và tìm cách loại bỏ chúng tôi. Những tiếng nói bảo vệ công lý và sự thật, quá cô đơn trên chính quê hương mình.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/434051139_360318643667978_6553332722197816197_n-gigapixel-high-fidelity-v2-4x-faceai-780x486.jpg

Nhân viên của TLS Mỹ Gaetan chụp kỷ niệm cùng gia đình.

 

Trước khi ra về, Gaetan dặn, khi nào đi được thì email báo cho anh biết và gửi cho anh tấm hình chụp ba người chúng tôi trên đất Mỹ để anh vui.

 

Chín tháng sau ngày chia tay Gaetan, chúng tôi được mời lên văn phòng IOM (Tổ chức Di dân Quốc tế) tại quận Nhất, Sài Gòn. Người phụ trách hồ sơ của gia đình tôi, thông báo:

“Anh chị có thể chọn ngày đi. Nhưng chậm nhất là 30 Tháng Tư anh chị phải rời khỏi Việt Nam”.

 

Tôi lặng người đi. Ngay tức khắc, một nỗi buồn tê tái siết chặt lấy tâm hồn tôi. Bao nhiêu câu hỏi “tại sao” luẩn quẩn trong đầu, nhưng miệng tôi cứng đơ, không thốt ra được lời nào. Chồng tôi ngồi bên cạnh, cũng lặng im như thế. Thay vì mừng vui, tôi lại thấy thương hại cho chính mình.

 

Một cảm giác tủi thân đến vô cùng. Tôi sinh ra và lớn lên trên đất nước này. Máu thịt tôi ở đây, hồn vía tôi ở đây. Tôi thuộc về nơi này và nơi này thuộc về tôi. Thế mà bây giờ, tôi “phải rời khỏi Việt Nam chậm nhất là ngày 30 Tháng Tư”. Những người đồng bào Miền Nam của tôi đã phải lũ lượt, lầm lũi ra đi sau cái ngày 30 Tháng Tư năm 1975 nghiệt ngã ấy. Lẽ nào, sau gần 50 năm trường, cái biến cố thảm thương ấy vẫn siết chặt lấy thân phận người Việt, trong đó có gia đình tôi, như một thứ định mệnh bi đát không thể nào thoát ra được.

 

Người ta cho tôi hạn chót để rời bỏ quê hương, nhưng ngày về thì không ước hẹn. Bao giờ….bao giờ…., biết đến bao giờ…?

 





No comments: