Thursday, April 4, 2024

MUA NHẦM KÍNH GIẢ ĐỂ XEM NHẬT THỰC, COI CHỪNG BỊ MÙ (Sam Nguyễn / Saigon Nhỏ)

 



Mua nhầm kính xem nhật thực giả, coi chừng bị mù

Sam Nguyễn  -  Saigon Nhỏ

4 tháng 4, 2024

https://saigonnhonews.com/doi-song/mua-nham-kinh-xem-nhat-thuc-gia-coi-chung-bi-mu/  

 

Một số người vô đạo đức bán cặp kính giả trên Amazon và các trang trực tuyến khác, khi đeo vào xem nhật thực sẽ bị hư mắt, theo Lifehacker.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/4-Kinh-xem-nhat-thuc-Kenny-Eliason-Unsplash-1024x498.jpg

(minh họa: Kenny Eliason/Unsplash)

 

Theo tổ chức Ngăn Ngừa Mù Lòa (Prevent Blindness), việc để mắt nhìn tiếp xúc với tia nắng mặt trời khi nhật thực xảy ra mà không có biện pháp bảo vệ mắt thích hợp sẽ gây ra “mù do nhật thực” hoặc bỏng võng mạc, còn được gọi là bệnh võng mạc do ánh sáng mặt trời chiếu vào và làm tổn thương thị lực vĩnh viễn.

 

Với sự xuất hiện tiếp theo của mặt trăng khi đi qua giữa trái đất và mặt trời vào ngày 8 Tháng Tư sắp tới, hiện tượng này chỉ xảy ra lần nữa vào 20 năm sau, đừng dại mà ngắm nhìn bầu trời mà không có kính bảo vệ mắt thích hợp.

 

Tuy nhiên, ngay cả một cái nhìn thoáng qua về mặt trời trong khi nhật thực xảy ra cũng là nguyên nhân gây ra tổn thương về mắt không thể khắc phục.

 

Để giúp đôi mắt của bạn an toàn khi nhìn vào bầu trời, dưới đây là một số mẹo giúp bạn biết rằng cặp kính mà mình đang đeo có hiệu quả hay không:

 

Kiểm tra số ISO

 

Để xác định xem kính nhật thực của bạn có chặn bức xạ cực tím và hồng ngoại hay không, hãy kiểm tra số Tổ Chức Tiêu Chuẩn Hóa Quốc Tế (International Organization for Standardization – ISO) trên gọng kính. Theo Hiệp Hội Thiên Văn Hoa Kỳ (American Astronomical Society – AAS), một cặp kính tuân thủ các điều lệ sẽ mang nhãn ISO 12312-2 (đôi khi được viết là ISO 12312-2:2015) để cho thấy chúng giảm ánh sáng Mặt Trời xuống mức an toàn.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/4-Kinh-xem-nhat-thuc-Adam-Smith-Unsplash.jpg

(minh họa: Adam Smith/Unsplash)

 

Nhưng nếu kẻ làm hàng giả ghi con số đó lên kính giả thì sao? Điều này có thể xảy ra đấy nhé! Để bảo đảm cho việc mua kính nhật thực đạt đủ yêu cầu, AAS lập ra một danh sách các nhà sản xuất, nhà cung cấp, đại lý và nhà nhập khẩu mà họ đã xem xét kỹ lưỡng để giúp mọi người an tâm mà mua hàng.

 

Mặc dù không thể điều tra tất cả những người bán hàng, nhưng AAS cũng đưa ra lời khuyên: “Mọi người không nên tìm mua kính nhật thực trên Amazon, eBay, Temu hoặc bất kỳ thị trường trực tuyến nào, hoặc mua từ bất kỳ nhà cung cấp nào đưa ra mức giá thấp nhất.”

 

AAS khuyên mọi người nên đeo kính vào thử và nhìn vào ánh sáng mặt trời được phản chiếu từ gương hoặc vật kim loại để kiểm tra xem kính nhật thực có hoạt động hay không. Nếu ánh sáng phản chiếu qua thấu kính có vẻ rất mờ thì mắt bạn sẽ an toàn. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn thấy bất kỳ ánh sáng nào qua đèn, bóng đèn hoặc các thiết bị chiếu sáng khác trong gia đình thì có lẽ là bạn đang sở hữu một cặp kính giả.

 

Ngoài ra, hãy kiểm tra kính của bạn để xem tròng kính có bị trầy xước, nứt, hoặc bị lỏng gọng hay không. Nếu có, hãy bỏ ngay cặp kính đó vào sọt rác, đừng tiếc nhé!

 

 




No comments: