Tuesday, April 23, 2024

LỜI MỜI TỔNG THỐNG NGA PUTIN THĂM VIỆT NAM và THẾ CÂN BẰNG KHÓ KHĂN CỦA HÀ NỘI (Thanh Phương / RFI)

 



Lời mời tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam và thế cân bằng khó khăn của Hà Nội

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 22/04/2024 - 14:44

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20240422-l%E1%BB%9Di-m%E1%BB%9Di-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-nga-putin-th%C4%83m-vi%E1%BB%87t-nam-v%C3%A0-th%E1%BA%BF-c%C3%A2n-b%E1%BA%B1ng-kh%C3%B3-kh%C4%83n-c%E1%BB%A7a-h%C3%A0-n%E1%BB%99i

 

Theo báo chí trong nước, ngày 26/03/2024, trong một cuộc điện đàm, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã mời tổng thống Nga Vladimir Putin “sớm thăm chính thức Việt Nam” và ông Putin đã nhận lời. Cho đến nay, tổng thống Putin đã đến thăm Việt Nam 4 lần, gần đây nhất là nhân thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng năm 2017.

 

https://s.rfi.fr/media/display/3ffdf81a-7658-11ee-9fa4-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23290321202537.webp

Ảnh tư liệu: Chủ tịch nước của Việt Nam Võ Văn Thưởng (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/10/2023. AP - Grigory Sysoyev

 

Hiện giờ chưa biết khi nào ông Putin sẽ đi thăm Việt Nam. Theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam, hai bên “sẽ phối hợp thu xếp thời điểm thích hợp” cho chuyến đi này.

 

Trong cuộc điện đàm nói trên, lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã khẳng định Việt Nam vẫn “trân trọng sự giúp đỡ to lớn của Liên bang Nga trong Liên Xô trước đây cũng như ngày nay” cho Việt Nam. Ông Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh Việt Nam xác định quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Nga là “một trong những ưu tiên hàng đầu” trong chính sách đối ngoại của mình.

 

Việt Nam và Nga đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950 và đến năm 2012 đã nâng quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, mức cao nhất trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước. 

 

Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina do tổng thống Vladimir Putin phát động vào tháng 2/2022 đã đặt Hà Nội vào thế khó xử, nhưng cho tới nay Việt Nam vẫn cố giữ thái độ trung lập, theo đúng chính sách ngoại giao được mệnh danh là ngoại giao "cây tre".

 

Trong bài viết mang tựa đề “Việt Nam và chiến tranh Nga-Ukraina: “Ngoại giao cây tre” của Hà Nội thành công nhưng thách thức vẫn còn”, được đăng vào tháng 02/2024 trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhà nghiên cứu cao cấp Ian Storey của Viện này ghi nhận:

 

"Giữa hai bên tham chiến, duy trình quan hệ với Nga rõ ràng là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Nhưng để phù hợp với chính sách ngoại giao "cây tre" của mình, Hà Nội cũng đã cẩn thận để không làm mất lòng Kiev. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5/2023, mà Nhật Bản mời cả Việt Nam và Ukraina, thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp với tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói rằng Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Ukraina và về xung đột Nga-Ukraina, lập trường của Hà Nội là tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc." 

 

 

Việt Nam mời tổng thống Nga đến thăm mặc dù vào tháng 3 năm ngoái, Tòa án Hình sự Quốc tế đã phát lệnh bắt giữ ông. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 18/04/2024, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, giải thích vì sao Việt Nam mời tổng thống Putin sang thăm trong lúc này mà không ngại phản ứng của các nước phương Tây, nhất là của Mỹ:

 

"Bản thân tôi cũng cảm thấy khá bất ngờ với lời mời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mời tổng thống Putin sang thăm Việt Nam trong bối cảnh Nga đang bị Mỹ và các nước phương Tây khác cấm vận và cô lập trên trường quốc tế. Có lẽ và bản thân ông Putin muốn phát triển quan hệ với các nước đối tác truyền thống như Việt Nam để giảm sức ép quốc tế để thể hiện nước Nga vẫn có bạn bè, đối tác và có thể vượt qua được các áp lực, cấm vận từ phương Tây.

 

Trong bối cảnh ấy cũng dễ hiểu khi mà Nga chọn Việt Nam để tăng cường quan hệ. Chính vì vậy mà có lẽ Việt Nam cũng đã chịu một ít sức ép từ phía Nga trong việc gởi lời mời ông Putin sang thăm Việt Nam. Có lẽ Hà Nội cũng sẽ cảm thấy bất tiện khi mời ông Putin sang thăm lần này trong bối cảnh cuộc chiến Ukraina vẫn đang diễn ra như vậy và bản thân ông Putin cũng đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã.

 

Bên cạnh sức ép của Nga thì có thể Việt Nam cũng cân nhắc các động lực khác, vì hiện nay Việt Nam cũng có một số lợi ích trong quan hệ với Nga mà Việt Nam muốn duy trì, như là Việt Nam vẫn sử dụng nhiều loại vũ khí có nguồn gốc từ Nga, hay là Việt Nam có các khoản đầu tư lớn vào Nga trong các lĩnh vực như năng lượng, hay nông phẩm.

 

Chuyến thăm lần này không đơn thuần là nhằm tăng cường quan hệ hai nước, mà Việt Nam muốn có chuyến thăm nhằm giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quan hệ song phương. Chúng ta còn cần thời gian để xem, nhưng trước mắt, Việt Nam có thể là không hoàn toàn thoải mái với chuyến thăm này. Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam vẫn cố gắng tuân thủ một số yêu cầu từ phương Tây trong việc trừng phạt Nga. Theo tôi hiểu thì hiện tại Việt Nam vẫn chưa nối lại các đường bay thẳng tới Nga kể từ khi Nga xâm lược Ukraina tháng 02/2022. Điều đó cho thấy vị thế của Việt Nam khá là nhạy cảm trong việc cân bằng quan hệ giữa Nga với các đối tác phương Tây, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu."

 

 

Trong bài viết nói trên, nhà nghiên cứu Ian Storey nhận định:

 

“Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraina vào tháng 2/2022 là một cuộc trắc nghiệm đối với chính sách ngoại giao 'cây tre' của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng giữa đối tác cũ của Hà Nội là Nga và các đối tác mới ở phương Tây, cũng như giữa phương Tây và đối thủ truyền thống của Việt Nam là Trung Quốc. Để đối phó với cuộc xâm lược, Việt Nam đã áp dụng quan điểm trung lập về cơ bản để tự bảo vệ mình khỏi các tranh chấp giữa các nước lớn phát sinh từ chiến tranh, duy trì mối quan hệ ổn định với tất cả các bên tham gia chính và các bên liên quan, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.”

 

Như vậy là cho tới nay, Việt Nam vẫn cố giữ lập trường trung lập đối với xung đột Ukraina - Nga, một phần cũng vì Hà Nội đều có quan hệ tốt với cả hai bên. Nhưng nếu chiến tranh kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa, liệu lập trường đó có thể đứng vững được không? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định:

 

"Việt Nam vẫn có lợi ích rất lớn trong việc giữ lập trường trung lập trong cuộc chiến giữa Nga với Ukraina. Tuy nhiên, khi chiến tranh càng kéo dài, việc giữ vị thế trung lập ấy sẽ ngày càng khó khăn hơn do áp lực từ cả hai phía đối với Việt Nam ngày càng gia tăng.

Trong thời gian đầu sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina thì có vẻ như Việt Nam đồng cảm với Nga hơn, nghiêng về Nga nhiều hơn. Nhưng theo thời gian thì Việt Nam dần dần quay lại vị thế trung lập. Không loại trừ khả năng là trong tương lại, khi cuộc chiến kéo dài, gây ra các thiệt hại về lợi ích, về hình ảnh, Việt Nam sẽ ngày càng giữ khoảng cách với Nga.

Điều này xuất phát từ thực tế: cho dù Nga là đối tác truyền thống của Việt Nam đã hỗ trợ Nga rất nhiều trong quá khứ, nhưng hiện tại tầm quan trọng của Nga đối với Việt Nam, đặc biệt là về kinh tế, không lớn, đặc biệt là so sánh với các đối tác như Mỹ và châu Âu, những bạn hàng và thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Các nước phương Tây cũng là nguồn đầu tư mà Việt Nam rất mong muốn thu hút.

 

Chính vì vậy mà Việt Nam sẽ không thể làm ngơ trước các áp lực ngoại giao của Mỹ và phương Tây nói chung trong quan hệ với Việt Nam. Phía Việt Nam cũng sẽ rất mong muốn Nga sẽ sớm kết thúc cuộc chiến Ukraina. Tuy nhiên điều này khó có thể xảy ra trong thời gian trước mắt. Cho nên, việc Việt Nam giữ thế trung lập của mình với Nga và phương Tây sẽ ngày càng khó khăn hơn và sẽ đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khéo léo về mặt chiến lược của Việt Nam."

 

 

Mặt khác, N ga hiện nay vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính yếu của Việt Nam. Việc Nga bị quốc tế trừng phạt, cấm vận có gây nhiều khó khăn cho Việt Nam trong việc hiện đại hóa quân đội, nhất là trong việc thay thế những vũ khí từ thời Liên Xô nay đã sắp hết hạn sử dụng, chẳng hạn như các chiến đấu cơ? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp giải đáp:

 

"Các vũ khí của Nga đã được Việt Nam sử dụng hàng chục năm nay, kể từ thời chiến tranh lạnh cho đến nay, cho nên kể cả khi Việt Nam không mua mới từ Nga thì Việt Nam vẫn phụ thuộc vào Nga về việc bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị này. Ví dụ như Việt Nam trông thời gian qua đã có một số khó khăn trong việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa các tàu ngầm mà Việt Nam đã mua từ Nga. Trong một số lĩnh vực, Việt Nam phải phụ thuộc vào một số dịch vụ từ các bên thứ ba, ví dụ như Ấn Độ.

 

Bây giờ làm sao giải quyết được vấn đề này trong quan hệ với Nga, vừa có thể giúp Việt Nam hiện đại hóa lực lượng của mình trong thời gian tới? Đó là một bài toán rất là khó đối với Việt Nam. Nếu Việt Nam tiếp tục mua vũ khí từ Nga thì sẽ vi phạm các lệnh cấm vận của phương Tây và có thể làm sứt mẻ quan hệ của Việt Nam với phương Tây. Còn nếu Việt Nam ngưng các hoạt động hợp tác quốc phòng với Nga thì sẽ không chỉ gây khó khăn cho quá trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng các vũ khí của Nga mà Việt Nam đang sử dụng.

 

Tuy nhiên, về dài hạn, Việt Nam sẽ phải tìm mọi cách để giảm sự phụ thuộc vào Nga. Trong bối cảnh đang bị cấm vận, năng lực của Nga cung cấp các vũ khí, các trang thiết bị mà Việt Nam mong muốn sẽ bị hạn chế. Vi phạm các lệnh trừng phạt của quốc tế cũng không phải là điều mà Việt Nam mong muốn. Chính vì Việt Nam hiện cũng đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại, quốc phòng với các đối tác mới, ví dụ như Israel, Hàn Quốc hay kể cả Mỹ, Nhật và các nước Đông Âu vẫn có các mặt hàng tương thích với các vũ khí của Nga mà Việt Nam đang sử dụng. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn về chi phí, đặc biệt là rất cao, nếu mua các vũ khí của Mỹ và châu Âu. Ngoài ra còn có vấn đề tương thích giữa các vũ khí, các hệ thống mới với các hệ thống của Nga mà Việt Nam đang sử dụng.

 

Các triển lãm quốc phòng mà Việt Nam tổ chức gầy đây cho thấy ý định của Việt Nam đa dạng hóa các nguồn cung. Tuy nhiên Việt Nam cần có thêm thời gian để làm tốt việc này. Chính vì vậy, trong thời gian trước mắt, ít nhất là trong 5-10 năm tới, sự phụ thuộc của Việt Nam vào các vũ khí của Nga có thể sẽ không giảm quá nhanh và quá nhiều."

 

 

Nhà nghiên cứu Ian Storey cũng cho rằng xung đột Nga-Ukraina đặt ra những thách thức về trung và dài hạn cho quân đội Việt Nam, vốn dựa nhiều vào vũ khí của Nga. Theo ông, xung đột này cũng ảnh hưởng đến tranh chấp kéo dài giữa Việt Nam với Trung Quốc ở Biển Đông, do Nga ngày càng phụ thuộc vào đối tác chiến lược Trung Quốc.

 

Ông Ian Storey nhận định việc tăng cường quan hệ chiến lược Nga - Trung ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Hà Nội lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng mối quan hệ với Matxcơva để làm suy yếu lợi ích của Việt Nam.

 

Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, như vậy liệu iệt Nam có thể đặt tin tưởng vào đối tác Nga? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định:

 

"Việc Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh họ đang bị bao vây, cô lập, cấm vận của phương Tây là một rủi ro mà Việt Nam phải cân nhắc khi tăng cường hay duy trì quan hệ với Nga. Trung Quốc là đối tác lớn hơn Việt Nam rất nhiều đối với Nga, cho nên khi cần phải cân nhắc hay đánh đổi giữa quan hệ với Trung Quốc và quan hệ với Việt Nam, tôi tin chăc là Nga sẽ ưu tiên quan hệ với Trung Quốc và điều này phần nào được thể hiện qua thái độ của Nga đối với tranh chấp Biển Đông. Đã có một số lần phía Nga thể hiện lập trường ủng hộ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông làm phương hại đến các lợi ích của Việt Nam.

 

Tôi nghĩ là động lực này sẽ không thay đổi, thậm chí rủi ro còn trở nên cao hơn đối với Việt Nam, nhất là khi mà chiến tranh Ukraina kéo dài và làm cho sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc ngày càng lớn và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nga ngày càng tăng. Đó là một lý do mà tôi nghĩ là Việt Nam cần phải nhanh chóng giảm sự phục thuộc vào Nga, đặc biệt là về nguồn cung vũ khí, để có thể có sự tự chủ chiến lược lớn hơn trong quan hệ với Nga và Trung Quốc. Nói chung Việt Nam cần phải thận trọng, thực tế hơn trong quan hệ với Nga, không nên để các yếu tố cảm tính át đi lý trí, vì suy cho cùng, đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia vẫn là tối thượng trong việc định đoạt chính sách của mình đối với các quốc gia khác nói chung và với Nga và Trung Quốc nói riêng."

 

 




No comments: