Hwasong-16B
của Triều Tiên báo hiệu một kỷ nguyên tên lửa mới
A. B. Abrams - The
Diplomat
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
Việc giới thiệu Hwasong-16B về bản chất là một diễn biến rất
quan trọng, nhưng những tác động tiềm tàng của nó đối với an ninh khu vực thậm
chí còn quan trọng hơn.
Vào ngày 2/4, Triều Tiên đã chính thức tiết lộ phiên bản kế thừa
được chờ đợi từ lâu của tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 “Sát thủ Guam.” Vụ
phóng thử nghiệm Hwasong-16B đã diễn ra sau nhiều năm xuất hiện các báo cáo về
việc thử nghiệm các công nghệ liên quan, tạo điều kiện cho bước nhảy vọt về
hiệu suất.
Với tầm bắn ước tính khoảng 4.000-5.000 km, các tên lửa tầm
trung của Triều Tiên – bắt đầu với Hwasong-10 vào thập niên 2000 – được đánh
giá cao nhờ khả năng tấn công các cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ, vốn đóng vai
trò then chốt trong việc duy trì khả năng triển khai sức mạnh của nước này trên
khắp Thái Bình Dương. Đáng chú ý nhất trong số này là Căn cứ Không quân
Andersen và Căn cứ Hải quân Guam; tuy nhiên, phạm vi hoạt động 4.300 km cũng
khiến các cơ sở không quân trên Đảo Wake nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều
Tiên. Các cuộc tấn công tên lửa nhằm vô hiệu hóa hoặc phá hủy các cơ sở này sẽ
hạn chế nghiêm trọng khả năng của Mỹ trong việc triển khai các cuộc tấn công
trên không, trên biển, hoặc trên bộ nhắm vào các mục tiêu ở Tây Thái Bình Dương
– theo đó khiến kịch bản này trở nên cực kỳ hấp dẫn đối với Bình Nhưỡng trong
cuộc đối đầu hàng chục năm với Washington.
Tầm quan trọng của các cơ sở trên đảo Guam nói riêng đã được
nhấn mạnh bởi vai trò trung tâm của chúng trong nhiều cuộc đối đầu với cả Triều
Tiên lẫn Trung Quốc, cũng như bởi các khoản đầu tư lớn mà Mỹ đang lên kế hoạch
nhằm mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ này. Tầm quan trọng đó đã
được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhấn mạnh vào tháng 3, trong cuộc thử
nghiệm trên mặt đất đối với các động cơ nhiên liệu rắn cho một tên lửa tầm
trung mới, nhiều khả năng chính là Hwasong-16B, vốn được thiết kế để nhắm vào
các cơ sở như vậy.
Vào thời điểm đó, Kim nói: “Giá trị chiến lược quân sự của hệ
thống vũ khí này là ngang hàng với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) xét
theo môi trường an ninh của đất nước chúng ta và nhu cầu tác chiến của Quân đội
Nhân dân, và kẻ thù hiểu điều đó rõ hơn ai hết.”
Hwasong-16B đã được cải tiến so với phiên bản tiền nhiệm theo
hai cách cơ bản. Đầu tiên là việc sử dụng hỗn hợp nhiên liệu rắn, phản ánh
những bước tiến của kho vũ khí của Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Việc sử dụng
nhiên liệu rắn cho phép tên lửa được lưu trữ với đầy đủ nhiên liệu, và do đó
giảm thời gian cần thiết để chuẩn bị phóng xuống chỉ bằng một phần nhỏ so với
tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Điều này đặc biệt quan trọng vì các bệ phóng
di động mang theo tên lửa đạn đạo của Triều Tiên dự kiến sẽ là mục tiêu ưu tiên
trong các cuộc tấn công trên không của Mỹ và đồng minh trong thời chiến, đồng
thời cũng là những mục tiêu dễ bị tổn thương nhất khi đứng yên trên bãi đất
trống để chuẩn bị phóng.
Dù tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn đã được triển khai
hàng chục năm qua ở nhiều nước, bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm trung như DF-26
của Trung Quốc, cải tiến lớn thứ hai của Hwasong-16B so với phiên bản tiền
nhiệm mang tính cách mạng hơn nhiều: đó là việc tích hợp một đầu đạn lượn siêu
thanh (hypersonic glide vehicle, HGV).
Triều Tiên đã phóng thử nghiệm HGV lần đầu tiên vào tháng
9/2021. Giờ đây, Triều Tiên đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa
HGV vào vận hành trên tên lửa tầm trung. Dù Trung Quốc và Nga cũng có trang bị
HGV, nhưng họ chỉ triển khai loại đầu đạn này trên các tên lửa đạn đạo và hành
trình tầm trung như DF-17 của Trung Quốc, và các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa
như RS-28 Sarmat của Nga.
Đầu đạn lượn siêu thanh có khả năng điều hướng cả về độ cao và
hướng bay, bao gồm điều hướng ngang dọc ngoài bầu khí quyển. Khả năng điều
hướng cơ động này – kết hợp với tốc độ vượt Mach 10 ngay cả ở giai đoạn phóng
cuối, và đối với các tên lửa tầm xa thì vượt Mach 20 – gây ra khó khăn đáng kể
cho lực lượng phòng không đối phương. Việc triển khai một tên lửa như
Hwasong-16B là một yếu tố thay đổi cuộc chơi tiềm năng đối với an ninh khu vực,
không chỉ bởi vì nó đặt một khu vực rất rộng lớn ở Thái Bình Dương vào tầm tấn
công với thời gian cảnh báo rất hạn chế và gần như không thể đánh chặn, mà còn
bởi vì nó có khả năng đẩy nhanh sự phổ biến các vũ khí tương tự trong khu vực.
Kể từ khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung
(INF) vào năm 2019, Mỹ dự kiến sẽ triển khai các tên lửa đạn đạo và/hoặc tên
lửa hành trình đất đối đất tầm trung ở Đông Á. Do hiệp ước song phương giữa
Washington và Moscow đã ngăn cản Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa như vậy,
nên năng lực tên lửa ngày càng tăng của Trung Quốc và Triều Tiên được nhiều
người xem là yếu tố chính dẫn đến quyết định rút khỏi thoả thuận của Mỹ – theo
đó cho phép nước này đối phó Trung Quốc và Triều Tiên bằng các vũ khí tương
đương của riêng mình.
Tương tự, việc Triều Tiên giới thiệu tên lửa HGV tầm trung đầu
tiên trên thế giới có khả năng thúc đẩy Mỹ triển khai các vũ khí tương đương ở
Thái Bình Dương, và vì thế có thể khiến Trung Quốc làm điều tương tự. Dù Trung
Quốc đã chứng tỏ khả năng làm chủ các công nghệ cần thiết, nhưng có lẽ họ đã
kiềm chế không tích hợp chúng trên một tên lửa tầm trung, hoặc chí ít là không
làm như vậy một cách công khai, để tránh một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ.
Dù việc giới thiệu Hwasong-16B là một bước tiến rất đáng kể, và
tự nó đã đặt ra nghi vấn về tính khả thi của việc xây dựng một hệ thống phòng
thủ tên lửa chưa từng có của Mỹ trên đảo Guam, nhưng những tác động tiềm tàng
của nó đối với an ninh khu vực còn lớn hơn nhiều. Với việc Trung Quốc ngày càng
lo ngại về các kế hoạch của Mỹ nhằm triển khai các bệ phóng tên lửa tầm xa từng
bị cấm trước đó ở khu vực Trung và Tây Thái Bình Dương, việc leo thang cuộc
chạy đua tên lửa sở hữu HGV có thể còn đáng lo ngại hơn đối với Bắc Kinh. Điều
cần lưu ý là các đầu đạn bay này còn có thể được sử dụng cho mục đích chống
tàu, như trường hợp của Trung Quốc với tên lửa tầm trung DF-17, tạo ra động lực
đáng kể để Mỹ phát triển các bệ phóng như một phản ứng bất đối xứng đối với cán
cân quyền lực trên biển ngày càng bất lợi với họ.
Sau cùng, trong khi việc Washington rút khỏi Hiệp ước INF là một
bước ngoặt lớn đối với kịch bản triển khai lực lượng tên lửa ở Đông Á, thì sự
xuất hiện của Hwasong-16B đã đặt ra một tiêu chuẩn mới dựa trên khả năng của
tên lửa này, mà hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới giờ đây nhiều khả năng
sẽ tìm cách ứng phó.
-----------------------------
A. B. Abrams là tác giả chuyên viết
về an ninh quốc tế và địa chính trị, tập trung vào Đông Á. Ông nhận bằng Thạc
sĩ từ Đại học London. Trong số các ấn phẩm của ông có hai cuốn sách là “China
and America’s Tech War from AI to 5G: The Struggle to Shape the Future of World
Order” và “Immovable Object: North Korea’s 70 Years At War with American
Power.”
No comments:
Post a Comment