Cuộc
chiến trong bóng tối với Israel nay thành trực diện, Iran bỗng « trần trụi »
Thụy My - RFI
Đăng
ngày: 20/04/2024 - 23:53
Trung
Đông chiếm rất nhiều trang báo kỳ này. L’Express hình dung
ra « Trung Đông : Kịch bản tệ hại nhất », trong
khi Le Point điều tra về « Hồi giáo, khủng bố và
cocain : Những tỉ đô la của Hezbollah ». Do các tuần báo lên
khuôn sớm nên chỉ kịp cập nhật trên trang web, các báo ra ngày cuối tuần phân
tích rõ hơn về việc Israel trả đũa cuộc oanh kích của Iran.
https://s.rfi.fr/media/display/bb7aa9f8-ff5f-11ee-9c26-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/is_15.webp
Trung
úy Masha Michelson, phó giám đốc bộ phận báo chí quốc tế của quân đội Israel giới
thiệu với truyền thông một trong những hỏa tiễn đạn đạo của Iran đã bị bắn hạ,
tại căn cứ không quân Julis, miền nam Israel ngày 16/04/2024. AP - Tsafrir
Abayov
Israel
chứng tỏ có thể đánh vào bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Iran
Libération cuối tuần nhận
thấy « Israel nhắm vào Iran nhưng không quên Gaza », và «
trò chơi bài tẩy » giữa đôi bên tiếp diễn. Vụ tập kích chừng mực và
không được chính thức thừa nhận giúp chính phủ Benjamin Netanyahou lại tập
trung vào Gaza đồng thời tránh leo thang. Le Figaro cho rằng « Trước
Iran, Israel nhẹ tay đồng thời tiếp tục cuộc chiến trong bóng tối ». Đối
với La Croix Hebdo, đó là « một sự đáp trả có
tính toán để lật sang trang mới ».
Hoàn
toàn ngược với trận bão hỏa tiễn và drone của Iran đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật
tuần trước - đã được loan báo ồn ào và thế giới theo dõi trực tiếp. Sự trả đũa
của Israel có thể sẽ không bao giờ được nhìn nhận : vụ tấn công vào lãnh thổ
Iran tối thứ Năm diễn ra trong im lặng, được nhẹ nhàng xác nhận bằng những nguồn
ẩn danh. Tướng về hưu Yaakov Amidror nhận xét : « Logic của vụ oanh
kích là để Iran hiểu rằng chúng tôi có thể tấn công khắp nơi trên lãnh thổ họ
».
Để
giảm nhẹ căng thẳng, Israel cho các chiến đấu cơ tấn công từ bên ngoài không phận
Iran, như vậy cần vô hiệu hóa phòng không Syria, xâm nhập vào và từ đó bắn đi
các drone hiện đại và hỏa tiễn hành trình không đối đất. Theo ngoại trưởng Ý,
Hoa Kỳ được thông báo vào phút chót. Các bộ trưởng, quân đội, đại sứ quán
Israel ở các nước đều giữ im lặng về cuộc tập kích.
Làm
ra vẻ vô sự, nhưng Teheran đã bị « lột trần »
Phía
Iran cố gắng giảm thiểu tác động. Tư lệnh lục quân Iran nói có ba « vật
thể bay không xác định » trên bầu trời Ispahan đã bị bắn rơi, bác bỏ
đây là « tấn công của nước ngoài ». Về mặt chính thức, sự trả
đũa đáng ngại của Israel đã không diễn ra. Phát ngôn viên cơ quan không gian
Iran nói rằng « tin tức của báo chí Mỹ không chính xác », hãng
tin Tasnim khẳng định các cơ sở nguyên tử ở Ispahan « an toàn ». Còn
tổng thống Iran Ebrahim Raïssi không một lời nào về vụ oanh kích, chỉ ca ngợi
cuộc tấn công vào đất Israel trước đó. Hai đối thủ giữ được thể diện và tránh đối
đầu nguy hiểm, nhưng cuộc chiến trong bóng tối nay đã trở thành trực diện.
Courrier
International đăng
bài viết của tờ L’Orient-Le-Jour ở Liban đánh giá « Iran
trở thành trần trụi ». Dù diễn biến sắp tới như thế nào đi nữa,
đêm 13/04 sẽ là một thời điểm quan trọng trong lịch sử nước Cộng hòa Hồi giáo.
Chiến dịch oanh kích Israel được đặt tên là « Lời hứa danh dự » đã
thay đổi sâu sắc chiến lược của Teheran trong nhiều năm tới. Từ hơn bốn thập
niên vẫn đứng phía sau điều khiển các mạng lưới dân quân, lần đầu tiên Iran phải
ra mặt.
Trong
khi đó Nhà nước Do Thái không quên mục tiêu Gaza. Libération ghi
nhận từ thứ Hai, hai lữ đoàn quân dự bị Israel tập luyện tác chiến trong đô thị
tại căn cứ Tzéélim, nơi quân đội dựng lên một thành phố Palestine bằng kích thước
thật, thậm chí sơn lên tường cả những tranh cổ động Palestine. Vài ngàn bộ binh
sẽ trở về Gaza tuần tới để giữ an ninh hành lang Netzarim. Các đơn vị đến thay
sẽ hướng về Rafah. Dự định tấn công vào thành phố biên giới với Ai Cập đang có
1,5 người tị nạn Gaza gây căng thẳng giữa Washington và Tel-Aviv, nhưng trận
oanh kích của Iran đã làm thay đổi tình hình. Ai Cập nay đang chuẩn bị đón nhận
luồng người tị nạn.
Lợi
dụng cuộc đấu tranh Palestine cho mục tiêu triệt hạ Nhà nước Do Thái
Trong
bài xã luận « Iran, những hỏa tiễn của lòng thù hận », Le Point nhận
định Teheran chỉ lợi dụng công cuộc đấu tranh của người Palestine mà thôi. Chế
độ Iran luôn ấp ủ mưu đồ làm cho Nhà nước Do Thái biến mất trên trái đất. Trận
bão hỏa tiễn hôm 13/04 là bằng chứng thứ hai, sau vụ Hamas thảm sát người Do
Thái hôm 07/10/2023.
Đã
hai lần lãnh thổ Israel bị xâm phạm, và đã hai lần người dân Israel bị tấn
công, và mỗi lần như vậy Nhà nước Do Thái phải tự vệ, nếu muốn bảo đảm sự tồn
vong. Hình ảnh được áp đặt lên công chúng trong những tháng gần đây là Israel
oanh kích thường dân Palestine. Thực tế được bộc lộ từ vụ vừa rồi lại
khác : Iran chỉ lợi dụng Palestine, đứng sau giựt dây nhằm mục đích tiêu
diệt Israel.
Một
thế trận mới được hình thành. Một bên là Iran được Nga và Trung Quốc hỗ trợ,
cùng với các lực lượng phiến quân tay sai ở Liban, Syria, Irak, Yemen và Gaza.
Bên kia là Israel có sự ủng hộ từ các nước Ả Rập Sunni – Jordanie, Ả Rập Xê Út,
Ai Cập – trong lúc nguy cấp, vì họ sợ Teheran hơn là Jerusalem.
Bi
kịch của Liban - hiện đang bị lực lượng Hezbollah thân Iran khống chế -
như một lời cảnh báo cho các Nhà nước Ả Rập. Hôm 13/04, họ chuyển cho
Israel những thông tin có được về kế hoạch của Iran, mở không phận cho các phi
cơ Israel và phương Tây, chia sẻ dữ liệu radar và thậm chí Jordanie còn trực tiếp
cho chiến đấu cơ bắn hạ các drone Iran.
Những
cuộc tấn công từ các kẻ thù của Israel ít liên quan đến cuộc xung đột
Israel-Palestine mà chủ yếu là sự đối đầu ý thức hệ giữa nước Cộng Hòa Hồi giáo
Iran muốn gây bất ổn trong khu vực để thống trị, và một Nhà nước Do Thái độc lập
từ 76 năm qua mà Teheran chối từ quyền hiện hữu. Cựu tổng thống Iran Mahmoud
Ahmadinejad năm 2005 nhìn nhận ý muốn xóa đi Israel trên bản đồ thế giới, thực
ra ông ta chỉ lặp lại câu của giáo chủ Khomeyni.
Không
« chìa má bên kia » cho những kẻ cuồng tín
Israel
bị bất ngờ trong vụ thảm sát ngày 07/10/2023, còn vụ tấn công ngày 13/04 thì
Iran đã ồn ào dọa trước. Nhưng cả hai trường hợp đều cho thấy hạn chế của chiến
lược ngăn chặn lâu nay. Trong nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo Israel vẫn ngỡ rằng
có thể sống chung với mối đe dọa Hồi giáo.
Phe
Hồi giáo dù là người Iran, Palestine hay thuộc các dân tộc khác, không chỉ tự
hài lòng với lãnh thổ do mình kiểm soát, đàn áp phụ nữ, triệt tiêu những người
đối lập và áp đặt những quan điểm lạc hậu. Họ còn đòi hỏi « giải
phóng Palestine » từ Địa Trung Hải đến Jourdan, « từ
sông đến biển » như những kẻ ngốc hữu dụng ở phương Tây vẫn hô
hào. Có nghĩa là tiêu diệt dân tộc Do Thái !
Việc
thành lập Nhà nước Palestine bên cạnh Israel có thể là giải pháp tốt nhất,
nhưng sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng như vậy giải quyết được cuộc xung đột ở Cận
Đông. Bởi vì không chỉ người Israel đối đầu với người Palestine, mà một bên là
những người tân tiến và thực tiễn, bên kia là những kẻ cuồng tín Allah và phản
động. Châu Âu và Mỹ đòi hỏi Israel không đáp trả cuộc tấn công của Teheran với
lý do không có ai bị chết.
Nhưng
họ quên rằng phép lạ này là nhờ hiệu quả của hệ thống chống tên lửa Israel, chứ
không phải nhờ lòng khoan dung của Iran. Họ quên rằng Iran khi trực tiếp đánh
vào Israel từ lãnh thổ nước mình, đã tạo ra một thế thăng bằng mới trong khu vực,
biến cuộc chiến trong bóng tối từ 45 năm qua sang một giai đoạn nguy hiểm. Họ
cũng quên rằng nước Cộng Hòa Hồi giáo, đang ở sát ngưỡng chế được bom nguyên tử,
sẽ nắm lấy cơ hội gần nhất để tái phạm. Tương tự với Hamas, nếu quân đội Israel
để mặc cho tung hoành. Trước hận thù, người ta không « chìa má bên
kia » ra.
Hezbollah,
đảng của ma túy và đô la
Le
Point cũng
nói về « Những kẻ buôn ma túy Hồi giáo và những tên ngốc hữu dụng ». Hezbollah,
tiếng Ả Rập là « Đảng của Thượng đế », trước hết là đảng của ma túy
và đô la. Cuộc điều tra của tuần báo được công bố kỳ này cho thấy những hoạt động
buôn lậu của Hezbollah ở Colombia, Paraguay và Venezuela, với ma túy, tiền ảo
và những kẻ giết mướn.
DEA,
cơ quan chống ma túy Hoa Kỳ có danh sách trên 2.000 cá nhân và công ty liên
quan đến Hezbollah. Ở Gaza, Liban hay những nơi khác, phe Hồi giáo tiến hành
các hoạt động xã hội để dễ tuyển mộ người, nhưng thực chất là bậc thầy về kinh
doanh. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo từng buôn lậu dầu lửa, Taliban làm giàu nhờ
thuốc phiện và nay là ma túy đá. Tại Iran Vệ binh Cách mạng kiểm soát một phần
ba nền kinh tế, và giáo chủ Ali Khamenei sở hữu nhiều tỉ đô la. Còn các thủ
lãnh Hamas sống vương giả ở Doha, không mấy quan tâm đến số phận người dân
Gaza.
Trường
hợp Hezbollah khá đặc biệt vì tạo được ở Nam Mỹ một liên minh vừa kinh tế vừa
chính trị trên cơ sở chống Mỹ. Hezbollah tự do hoạt động ở Venezuela - thiên
đàng xã hội chủ nghĩa mà thủ lãnh cực tả Pháp Jean-Luc Mélenchon coi là
« nguồn cảm hứng ». Tổng thống Nicolas Maduro chưa hề chỉ trích vụ tấn
công của Iran mới đây, nhưng thường xuyên tố cáo Israel là « diệt chủng ».
Venezuela đã thành công trong việc vô sản hóa toàn bộ cả một đất nước dù sở hữu
trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới.
Thua
kém về không quân, Iran đầu tư vào drone và hỏa tiễn
Về
mặt quân sự, L’Express so sánh thực lực của Israel và Iran.
Nhà nước Do Thái đã chứng tỏ sự ưu việt về công nghệ trong không chiến, nhưng mối
đe dọa Iran vẫn rất đáng ngại. Về quân số, quân đội Israel chỉ có 170.000 quân
nhân so với Iran gần 600.000, trong đó một phần ba là Vệ binh Cách mạng – một
loại Nhà nước trong Nhà nước. Teheran có 1.500 xe tăng nhưng đa số từ thời
xô-viết, không thể so với 400 xe tăng Merkava tân tiến của Israel. Dù sao đi nữa,
không có chuyện chiến đấu trực tiếp giữa bộ binh của hai nước cách xa nhau 1.000
kilomet, ngăn cách bởi Jordanie và Irak.
Về
không chiến kết quả đã thấy trước : Phi đội của Iran có tuổi đời trước
Cách mạng Hồi giáo 1979 ; còn Israel có trên 300 chiến đấu cơ hiện đại, tất
cả đều của Mỹ, trong đó có khoảng 40 chiếc F-35. Không quân Israel còn có các
phi cơ tiếp liệu, và có khả năng không chiến còn Iran thì không. Ở dưới đất,
Israel có các đồng minh như các sắc tộc thiểu số thù địch với Iran, khả năng
tình báo và gây nhiễu.
Để
bù lại sự yếu kém về không quân, Iran đầu tư vào vài chục loại hỏa tiễn hành
trình và đạn đạo cũng như drone. Nhà nước Do Thái có hệ thống phòng không nhiều
lớp : Vòm Sắt để chặn drone và rốc-kết, Mặt trận David cho hỏa tiễn tầm
trung và tầm xa, hệ thống Arrow 2 và Arrow 3 để đối phó với hỏa tiễn đạn đạo,
bên cạnh đó là hệ thống laser Iron Beam (Chùm tia sắt).
Ẩn
số của chương trình nguyên tử Teheran
Le
Nouvel Obs giải
thích « Vì sao Iran gây sợ hãi » : Chế độ
Teheran bí mật đẩy nhanh chương trình hạt nhân, trở thành một nước đang ở trước
« ngưỡng » có được quả bom nguyên tử trong vài tuần lễ.Mặc dù Israel
có chính sách ám sát các kỹ sư, nhưng chế độ Hồi giáo đã nắm vững được phương
thức làm giàu uranium một cách hết sức nhanh chóng. Sau khi ông Donald Trump
đơn phương rút khỏi thỏa thuận năm 2018, Teheran lợi dụng để tránh né một số
nghĩa vụ, hạn chế việc thanh tra, tắt camera giám sát…Ước tính Iran có đủ số lượng
uranium làm giàu để chế tạo nhiều quả bom nguyên tử.
Hãy
còn một ẩn số quan trọng : Iran sở hữu vật liệu, nhưng công nghệ thì
sao ? Cần có những thủ thuật công nghệ phức tạp để thu nhỏ quả bom, gắn
vào đầu một hỏa tiễn. Việc chế tạo bom mất khoảng sáu tháng, nhưng việc sản xuất
ra đầu đạn có thể gắn vào hỏa tiễn lại mất đến nhiều năm. Ngoài ra, Cơ quan
Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) nhìn nhận trữ lượng uranium làm giàu 60 % của
Iran đã giảm xuống khoảng 5 % trong năm 2024, có lẽ để tránh thêm căng thẳng với
phương Tây vốn đã lên đến đỉnh điểm từ sau vụ thảm sát ngày 07/10. Bởi vì
Teheran thận trọng không vượt qua lằn ranh đỏ có thể khiến Mỹ can thiệp quân sự.
Điều
nghịch lý là các đồng minh Nga và Trung Quốc đã giúp « thắng bớt »
chương trình nguyên tử Teheran, vì lo sợ quả bom của Iran sẽ tạo ra một cuộc
đua hạt nhân vô tổ chức trong khu vực. Ả Rập Xê Út đã cảnh báo sẽ không khoanh
tay đứng nhìn nếu đối thủ Iran có bom. Chế độ cuồng tín Teheran gây sợ hãi,
không chỉ đối với giới trẻ nước này đã can đảm nổi dậy cách đây 18 tháng, và
không chỉ với phương Tây.
Kiev
và Jerusalem, cùng một cuộc đấu tranh
Liên
hệ với cuộc xâm lăng Ukraina, L’Express cho rằng « Ukraina
và Israel có cùng một cuộc chiến đấu ». Trong số những sai lầm của
thủ tướng Benjamin Netanyahou, có sự mù quáng trước việc Matxcơva và Teheran đã
xích lại gần nhau từ nhiều năm qua. Từ khi quay lại nắm quyền cuối năm 2022,
« Bibi » vẫn từ chối chi viện quân sự cho Kiev. Ông không hiểu rằng
Israel và Ukraina có nhiều điểm chung.
Sau
khi Iran tấn công vào lãnh thổ Israel hôm 13/04, tổng thống Volodymyr Zelensky
đã không nhầm lẫn khi kêu gọi « thế giới đoàn kết để đáp trả sự khủng bố của
Iran và Nga ». Kiev và Jerusalem có cùng cuộc chiến, đó là hai nền dân chủ
bị trục tội ác tấn công. Chuyên gia quốc phòng Sarah Fainberg cho rằng « Ukraina
và Israel là những giai đoạn của cuộc chiến đấu toàn cầu chống lại Nga, Iran,
Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ».
Tuy
vậy thông điệp này không được các nước châu Âu và Hoa Kỳ lắng nghe, khiến có sự
cạnh tranh giữa Israel và Ukraina về trợ giúp quân sự. Sau khi Israel bị Hamas
tấn công, Hoa Kỳ và châu Âu gia tăng chuyển giao cho Nhà nước Do Thái rốc-kết,
giàn phòng không Patriot, phụ tùng xe tăng, bỏ rơi những người lính Ukraina
trong các chiến hào Kharkiv và Avdiivka. Hậu quả là do thiếu đạn pháo và hỏa tiễn
phòng không, chưa bao giờ Ukraina dễ tổn thương đến thế trước những làn sóng tấn
công của quân Nga. Theo tin giờ chót, đến tối thứ Bảy 20/04 theo giờ Paris, Hạ
Viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ 60,8 tỉ đô la trong khi mấy tháng qua Kiev
mòn mỏi chờ đợi.
Ngược
lại với Israel, theo báo chí Mỹ, ngoài viện trợ quân sự thường niên 3,4 tỉ đô
la, gần 100 giấy phép chuyển giao vũ khí đã được cấp kể từ sau ngày 07/10. Có
nhất thiết phải chọn lựa giữa Israel và Ukraina ? Tỉnh thức trước những cuộc
không tập của Iran và Nga trên bầu trời Israel và Ukraina, phương Tây cần phải
nỗ lực gấp đôi nếu muốn tránh nguy cơ sắp tới là nguyên tử. Và theo L’Express,
người chiến thắng trong cuộc so găng Israel-Iran là…Vladimir Putin : thêm
một mặt trận nữa mở ra khiến quốc tế không còn chú ý vào chiến trường Ukraina.
« Con
dao » của Salman Rushdie, nạn nhân giáo chủ Khomeini
Hồ
sơ của Courrier International tuần này dành cho « Dân số :
‘’Baby-blues’’ toàn cầu ». Dân số thế giới sẽ đạt đỉnh rồi sụt giảm
nhanh hơn dự đoán, với tác động kinh tế xã hội tại khắp các châu lục. Le
Nouvel Obs chạy tít « Salman Rushdie : Những trích
đoạn độc quyền của cuốn Le Couteau (Con dao) ». Nhà văn song tịch
Anh-Mỹ gốc Ấn là một nạn nhân nổi tiếng của Hồi giáo, vừa trình làng cuốn tiểu
thuyết mới.
Đã
nhiều năm qua tác giả cuốn tiểu thuyết « Những vần thơ của quỷ » sống
với lưỡi gươm Damoclès trên đầu. Ông phải ẩn nấp như một điệp viên bị truy
lùng, đi đâu cũng có cảnh sát bảo vệ, các công ty hàng không từ chối hành khách
đặc biệt này. Lệnh « fatwa » do giáo chủ Khomeini của Iran ban hành
năm 1989 kèm theo số tiền thưởng 3 triệu đô la, đã tạo ra nhiều nạn nhân. Trong
số đó có dịch giả tiếng Nhật của Rushdie, bị đâm chết năm 1991, và 37 người
khác chẳng may bị vạ lây trong vụ phóng hỏa nhắm vào dịch giả Thổ Nhĩ Kỳ của
ông năm 1993.
Và
đến ngày 12/08/2022, lưỡi gươm Damoclès đã hiện hình dưới dạng một con
dao : ông bị một kẻ lạ đâm 15 nhát trong 27 giây đồng hồ. Rushdie sống sót
nhưng mất một mắt và không còn sử dụng được tay trái. Sau « cuốn
tiểu thuyết gián điệp tệ hại » mà mình buộc phải đóng, nhà văn vẫn
tìm lại được sức mạnh để viết ra cuốn « Con dao », cuốn
sách mà ông ước rằng « không phải viết ra ».
No comments:
Post a Comment