Thursday, April 18, 2024

CHƯƠNG TRÌNH TRI ÂN THƯƠNG PHẾ BINH VNCH CHẤM DỨT SAU 12 NĂM (RFA)

 



Chương trình Tri ân thương phế binh VNCH chấm dứt sau 12 năm

RFA
2024.04.18

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/program-thanking-invalid-soldiers-of-southern-vietnam-army-suspended-04182024083532.html

 

Chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB VNCH) kéo dài mười hai năm qua ở Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã tuyên bố dừng hoạt động, một số người từng tham gia tổ chức cho rằng đây là hậu quả của sức ép liên tục từ chính quyền.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/program-thanking-invalid-soldiers-of-southern-vietnam-army-suspended-04182024083532.html/@@images/99293ce2-34dd-468e-8553-3ff110072684.jpeg

Các thương phế binh VNCH trong một cuộc họp mặt tri ân trước đây   (Tin Mừng Cho Người Nghèo)

 

Chương trình có mục tiêu “xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân chiến tranh và góp phần đề cao phẩm giá của những người lính VNCH một thời đã cống hiến cho đất nước” như đánh giá của một linh mục Công giáo, đã bị buộc dừng hoạt động từ tuần trước, ngay trước kỷ niệm 49 năm ngày 30/4.

 

Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ- tu sĩ thuộc giáo xứ Cần Giờ (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh), người phụ trách chương trình từ năm 2019 tới nay, ngày 07/4 thông báo “tạm ngưng công việc này để tập trung cho sứ vụ mới,” không tiếp nhận hồ sơ mới và đề nghị các nhà hảo tâm không gửi tiền về cho ban tổ chức.

 

Một linh mục từng phụ trách chương trình không muốn công khai danh tính, cho biết lý do chính của việc này là thiếu nhân sự và địa điểm tổ chức, đặc biệt là sự “quan tâm” của an ninh.

 

Các cha trước đây tham gia chương trình này hiện đã được thuyên chuyển nhiều nơi, không thuận tiện để tiếp tục cộng tác với chương trình. Bên cạnh đó, chương trình cũng gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm tổ chức.

 

Đặc biệt năm nay chương trình nhận được sự ‘quan tâm rất đặc biệt’ của an ninh. Từ các linh mục đến các thiện nguyện viên, đều bị an ninh mời làm việc. Các thiện nguyện viên gặp nhiều áp lực, nhiều lần bị an ninh câu lưu khi đi trao quà, và hầu hết bị buộc phải cam kết không được tiếp tục tham gia.”

 

 

Vị linh mục này nói rằng “Chương trình Tri ân TPB VNCH” sẽ chấm dứt từ đây, và DCCT có thể có chương trình thiện nguyện khác nhưng sẽ không có hai từ “tri ân” và “VNCH” vì chính quyền không muốn nhắc đến chính thể VNCH cũng như chuyện phân biệt đối xử với người lính của chế độ cũ.

 

 

Bắt đầu từ chùa Liên Trì

 

Chương trình tri ân các thương phế binh của chế độ cũ bắt đầu từ năm 2008, với quy mô nhỏ và chỉ đơn giản là mời cơm, tặng quà cho các ông TPB VNCH sinh sống ở Sài Gòn. Hoà thượng Thích Không Tánh - cựu Tổng vụ trưởng Tổng vụ xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hồi tưởng lại:

 

Tổng vụ từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà có từ trước 1975 cũng hay làm từ thiện cứu trợ nạn nhân thiên tai ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề cứu trợ TPB VNCH cũng vậy thôi, trong tinh thần nhân ái, chứ không có một ý gì khác.”

 

Ông cho biết ban đầu chùa Liên Trì do ông trụ trì chỉ trợ giúp được vài chục TPB, không theo lịch trình cụ thể mà chỉ thực hiện mỗi khi nhận được đóng góp.

 

Khi chương trình được nhiều người Việt ở hải ngoại biết đến, số người gửi tiền đóng góp nhiều hơn và số TPB đến với chương trình cũng tăng dần, có thời điểm lên đến 250 TPB.

Do nhà chùa không đủ sức tổ chức, năm 2012, Hoà thượng Thích Không Tánh đã mượn khuôn viên Nhà thờ Kỳ Đồng (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) của Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) Sài Gòn để tổ chức.

Sau khi nhận thấy các linh mục và thiện n

guyện viên làm tốt công việc này, vị Hoà thượng đã chuyển giao lại quỹ và danh sách TPB cho nhà thờ tiếp tục thực hiện.

 

Đến DCCT Sài Gòn

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/program-thanking-invalid-soldiers-of-southern-vietnam-army-suspended-04182024083532.html/screenshot-2024-04-18-at-08-40-19.png/@@images/a6303992-a906-4c7a-b3bb-ed2c63542abf.png

Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành trong một buổi tri ân TPB (Viettin.de)

 

 

Chương trình từ đó được các linh mục thuộc Phòng Công lý và Hòa Bình - DCCT Sài Gòn tổ chức một cách bài bản hơn mang tên "Tri ân TPB VNCH - Bên nhau đi nốt cuộc đời." Số TPB đăng ký tham gia có lúc vượt quá 6.000 người.

 

Ban tổ chức quy tụ hàng ngàn ông mỗi dịp tết Nguyên Đán ở Nhà thờ Kỳ Đồng (Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp), chia ra trong nhiều ngày và trao quà là tiền mặt có khi lên đến ba triệu đồng.

 

Các cựu lính chiến năm xưa thân thể không còn nguyên vẹn được các thiện nguyện viên tầm soát sức khỏe, được ban tổ chức tôn vinh về sự đóng góp của họ trong chế độ cũ, và được thưởng thức chương trình ca hát với những nhạc phẩm được sáng tác ở miền Nam trước năm 1975, cũng như chia sẻ kỷ niệm thời quân ngũ và hoàn cảnh bị thương tật.  

 

Đối với các TPB ở quá xa và không thể về Sài Gòn để tham dự, chương trình gửi quà đến tận nhà cho họ.

 

Ngoài ra, các ông còn được tặng xe lăn, chân giả, kính lão, bảo hiểm sức khoẻ.... đối với các ông mắc bệnh nặng được đưa thăm khám ở bệnh viện chuyên khoa và được giúp một phần kinh phí chữa bệnh, được thực hiện quanh năm.

 

DCCT Sài Gòn cũng mua đất xây nhà trọ ở khu Vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình cho một số ông TPB cơ nhỡ tạm trú, tuy nhiên sau đó nhà trọ này bị đập cùng với vụ cưỡng chế khu đất năm 2019.

 

Nhiều linh mục của DCCT như Lê Ngọc Thanh, Đinh Hữu Thoại, Lê Xuân Lộc, Hồ Đắc Tâm, và sau này là Giuse Trương Hoàng Vũ tham gia tích cực và là những nhân tố chủ chốt của phong trào dưới thời của Giám tỉnh DCCT Việt Nam - linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành.

Tuy nhiên, sau khi ông rời chức vụ năm 2015, linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích kế nhiệm, chương trình tri ân bị gián đoạn.

 

Nhiều linh mục chủ chốt của chương trình này lần lượt được thuyên chuyển thực hiện sứ vụ ở các nơi khác, như linh mục Lê Xuân Lộc được đưa đi Hàn Quốc, linh mục Lê Ngọc Thanh được phân công về một vùng xa ở miền Tây, còn linh mục Đinh Hữu Thoại được đưa đi miền Trung.

 

Các linh mục như Lê Ngọc Thanh, Đinh Hữu Thoại, và Trương Hoàng Vũ bị cấm xuất cảnh vì các hành động cổ suý cho dân chủ và nhân quyền bên cạnh việc tham gia vào chương trình tri ân TPB.

 

Năm 2019, linh mục Hồ Đắc Tâm, chánh xứ Cần Giờ tuyên bố phục hoạt chương trình. Tuy nhiên, sau đó ông được điều chuyển đi làm mục vụ lưu động ở Tây Nguyên và linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ sau đó phụ trách đến nay.

 

 

Cơ quan an ninh "quan tâm đặc biệt" chương trình tri ân

 

Kể từ năm 2019, chương trình không thể tổ chức kiểu quy tụ quy mô lớn như ở Sài Gòn trước đây, do không gian và quãng đường đi đến Cần Giờ không thuận tiện, linh mục phụ trách chọn cách đi đến tận nơi thăm viếng các TPB VNCH.

 

Một vị linh mục khác cũng không muốn nêu danh tính cho biết từ năm này, DCCT có hai chương trình, một là trợ giúp thương phế binh VNCH tổ chức ở Nhà thờ Kỳ Đồng, một là chương trình Tri ân TPB VNCH với châm ngôn “Bên nhau đi nốt cuộc đời.”

 

Điều kỳ lạ theo ông là chương trình tri ân luôn bị cơ quan an ninh đánh phá, sách nhiễu đến nỗi phải chấm dứt vào đầu tháng này.

 

Ông cho rằng chính quyền không muốn việc tri ân tiếp diễn vì sợ “các thế lực nước ngoài lợi dụng để phục hồi VNCH.”

 

Ông cho biết việc các thiện nguyện viên bị đàn áp là lý do chương trình bị ngừng và mong các TPB thông cảm cho những người tổ chức. 

 

Những người từng hứa với các ông TPB VNCH ‘Bên nhau đi nốt cuộc đời’ cảm thấy có lỗi vì lực bất tòng tâm, muốn đồng hành với các mảnh đời đau khổ nhưng không đành lòng nhìn các thiện nguyện viên và gia đình họ bị sách nhiễu khốc liệt và không thể có cuộc sống bình yên.”

 

Trong khi đó, tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Nhà thờ Kỳ Đồng) vẫn còn chương trình "trợ giúp TPB VNCH" được tổ chức từ năm 2019 với các hoạt động như: tổ chức khám bệnh, phát thuốc, phục vụ bữa ăn và quà trao tay cho từ 200-400 ông mỗi đợt, nhưng không có băng rôn và sân khấu như trước.

 

TPB Võ Hồng Sơn, một người ở Sài Gòn và tham gia chương trình “Bên nhau đi nốt cuộc đời” trong nhiều năm qua, nói rằng ông hoàn toàn không biết về sự kiện này. Ông cho hay nếu là chương trình dành cho TPB thì ông và nhiều người quen biết sẽ được thông báo.

 

 

Tiếc nuối

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/program-thanking-invalid-soldiers-of-southern-vietnam-army-suspended-04182024083532.html/screenshot-2024-04-18-at-08-45-46-2.png/@@images/a9f6babd-b9ea-42d3-9280-17c65248d301.png

Chương trình tri ân năm 2019 (Báo Mai)

 

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên cùng chồng là cựu tù chính trị Huỳnh Anh Tú là thiện nguyện viên của chương trình Tri ân TPB VNCH trong nhiều năm trước khi sang định cư tại Hoa Kỳ năm ngoái.

 

Bà chia sẻ tâm trạng của mình với RFA trong ngày 16/4:

 

Rất là buồn và cảm thấy uất ức, tủi thân mặc dù mình không phải là thương phế binh hay là người nhà của thương phế binh vì tôi đã tham dự những buổi như vậy, những buổi tri ân hay là những buổi cuối năm gọi là ‘Bên nhau đi nốt cuộc đời’ rất là cảm động và rất là ý nghĩa. Đó là sự liên đới, tình bác ái.”

 

Bà suy đoán sắp đến dịp kỷ niệm 50 năm ngày chính quyền cộng sản ở Hà Nội hoàn thành việc cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam nên họ đặt mục tiêu là phải xóa bỏ hoàn toàn những gì liên quan đến VNCH và gây sức ép để buộc những người thực hiện chương trình tri ân TPB phải chấm dứt hoạt động tri ân này.

 

Ông Lê Quý, 70 tuổi, từng là lính của Sư đoàn 3 bộ binh của Quân lực VNCH, bị thương cụt cả hai chân năm 1974.

 

Sau năm 1975, ông làm đủ nghề để kiếm sống từ đan lát cho đến bán vé số. Ông tham dự chương trình tri ân các cựu lính chiến trong sáu năm qua, có năm đến tận Giáo xứ Cần Giờ để tham dự nhưng cũng có năm ông không đến thì chương trình gửi quà về tận nhà ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông nói với phóng viên RFA hôm 18/4:

 

Chương trình này rất nhân văn, bởi vì chúng tôi là người tàn tật, bỏ một phần thân mình ở chiến trường. Nhưng không may mình là người của bên chiến bại, bây giờ cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng được chương trình giúp đỡ nên rất biết ơn các cha.

Mỗi một mùa xuân chúng tôi nhận được món quà của chương trình, thì mùa xuân đó ấm áp hơn. Đó là tình yêu thương của các ân nhân đã giúp đỡ. Giờ chương trình không còn nữa thì cũng buồn, buồn lắm.”

 

TPB Võ Hồng Sơn, 76 tuổi, là cựu quân nhân của Tiểu đoàn 9, Sư đoàn nhảy dù. Ông bị cụt chân trái và đầu gối phải bị thương hồi tháng 8/1974.

 

Đối với ông, bên cạnh việc nhận được trợ giúp tài chính, chương trình còn là nguồn động viên tinh thần. Ông nói:

 

Chương trình tri ân cũng giúp đỡ khổ. Một năm gần đến dịp Tết chú không có tiền, nhờ tiền trợ giúp đó mà tụi chú mới có chi trả, sinh hoạt gia đình và của cá nhân đỡ khổ.

Họp mặt để gặp nhau đỡ chút, anh em còn được gặp nhau tay bắt mặt mừng.”

 

Về thông tin chương trình tri ân bị buộc phải dừng, ông nói:

 

Cũng buồn. Có thì mình đỡ chút, giờ không có nữa thì mình cũng chịu thôi.”

 

Ông cũng cho biết cách đây hai năm, sau khi tham dự chương trình về, cơ quan an ninh đưa ông về Phường 9 (Quận 3) tra khảo và buộc phải viết cam kết không được tham dự nữa, nhưng ông vẫn tham gia bình thường.

 

Bình luận về việc chương trình bị dừng, Hoà thượng Thích Không Tánh nói:

 

Nếu như phía nhà nước hay phía Giáo hội không đồng ý với việc làm của quý linh mục làm cái an sinh từ thiện này thì tôi nghĩ rằng nên suy nghĩ lại bởi vì tinh thần của quý vị làm an sinh, từ thiện đó là rất là nhân đạo và đạo đức thôi.”

 

Phóng viên có gửi email cho Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam để hỏi thông tin về chương trình Tri ân TPB nhưng chưa nhận được phản hồi.

 

------------------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Hàn gắn vết thương chiến tranh: Cơ chế khác biệt khiến không ai tìm hài cốt binh sĩ VNCH mất tích

Vì sao chúng tôi thành lập dự án Bảo tàng Di sản Việt Nam Cộng Hòa?

Pháp trị dân chủ, kinh tế tự do và nhân quyền tôn trọng – nền tảng trong di sản chế độ VNCH

Bí mật lịch sử tháng 4 năm 1975: Trung Quốc định tung lính Dù nhảy xuống Biên Hòa chặn Bắc Việt?

Luật có cấm mặc đồ giống quân phục VNCH?

 

 





No comments: