Monday, April 8, 2024

CHÍNH SÁCH KINH TẾ SAI LẦM CỦA TẬP CẬN BÌNH CHỌC GIẬN THẾ GIỚI (Thụy My / RFI)

 



Chính sách kinh tế sai lầm của Tập Cận Bình chọc giận thế giới

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 07/04/2024 - 00:19

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240406-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-kinh-t%E1%BA%BF-sai-l%E1%BA%A7m-c%E1%BB%A7a-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-ch%E1%BB%8Dc-gi%E1%BA%ADn-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi 

 

The Economist phân tích « Sự tái khởi động đầy rủi ro của Trung Quốc ». Kế hoạch của Tập Cận Bình nhằm tránh trì trệ kinh tế đã gây thất vọng cho người dân Hoa lục, và làm thế giới giận dữ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/213c2c8c-f1b2-11ee-ad8e-005056bf30b7/w:980/p:16x9/2024-04-03T054810Z_351595453_RC2SY6A4AN7Y_RTRMADP_3_CHINA-SOLAR.webp

Công nhân tại một trạm điện mặt trời ở thị trấn Đồng Xuyên (Tongchuan), tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 11/12/2019 REUTERS - Muyu Xu

 

Kinh tế xuống dốc, Bắc Kinh đầu tư ồ ạt vào các lãnh vực mới

 

Đây là thách thức lớn nhất của Trung Quốc kể từ thập niên 90. Lực lượng lao động giảm, địa ốc khủng hoảng, hệ thống tự do thương mại mà nhờ vào đó Trung Quốc làm giàu nay co lại. Tập Cận Bình giải quyết bằng cách nỗ lực tái cấu trúc - một sự trộn lẫn giữa công nghệ và không tưởng, kế hoạch hóa trung tâm và ám ảnh an ninh. Nhưng dù sản xuất có tăng lên trong tháng Ba, tiêu thụ vẫn thấp, nạn giảm phát đe dọa, nhiều doanh nhân không còn ảo tưởng.

 

Phía sau là những lo âu sâu sắc hơn. Từ nay đến 2050, Trung Quốc sẽ mất 20 % số người làm việc, cần phải nhiều năm nữa mới hy vọng vực dậy được lãnh vực bất động sản vốn chiếm 1/5 GDP. Quan hệ với Hoa Kỳ vẫn mong manh. Các quan chức Bắc Kinh tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục hạn chế hàng Trung Quốc nhập khẩu và trừng phạt các doanh nghiệp Hoa lục, dù ông chủ Nhà Trắng sắp tới là ai đi nữa.

 

Bắc Kinh bèn xây dựng chiến lược « lực lượng sản xuất mới », để tránh con đường cổ điển là thúc đẩy tiêu thụ mà phương Tây « đang suy tàn » vẫn dùng. Đó là đẩy mạnh những kỹ nghệ mũi nhọn, từ đó tạo ra những việc làm năng suất cao giúp Trung Quốc tự cung tự cấp. Từ thép, nhà chọc trời, nay chuyển sang sản xuất ồ ạt xe hơi chạy điện, bình điện, sản phẩm sinh thái…Đầu tư vào « lực lượng sản xuất mới » lên đến 1.600 tỉ đô la, tương đương 43 % tất cả các món đầu tư vào Hoa Kỳ năm 2023, năng lực một số nhà máy sẽ tăng 75 %.

 

 

Hàng sản xuất thừa của Trung Quốc sẽ tràn ngập các nước

 

Tuy nhiên The Economist cho rằng, kế hoạch của ông Tập căn bản là sai lầm, đặc biệt là không quan tâm đến người tiêu dùng. Để tái lập lòng tin trong bối cảnh khủng hoảng, cần cải thiện hệ thống phúc lợi, y tế, mở rộng dịch vụ công cho người lao động ngoại tỉnh. Nhưng ông Tập không ưa việc tặng quà cho công dân, năm ngoái ông từng tuyên bố lớp trẻ phải sẵn sàng « chịu đựng đắng cay ».

 

Một nhược điểm khác là nhu cầu nội địa yếu sẽ dẫn đến phải xuất khẩu sản phẩm, tuy nhiên thế giới đã rời khỏi khung cảnh tự do mậu dịch những năm 2000, một phần do chính sách thương mại hung hăng của Bắc Kinh. Chắc chắn Washington sẽ chận lại những hàng hóa xuất sang ồ ạt, châu Âu thì đang lo sợ xe Trung Quốc sẽ hủy diệt các nhà sản xuất xe hơi của mình. Bắc Kinh nói rằng sẽ tái định hướng xuất khẩu sang các nước phương Nam, nhưng những nước này cũng đang cảnh giác. Le Figaro số cuối tuần nhấn mạnh, hàng Trung Quốc giá rẻ nhờ cơ sở hạ tầng tốt và trợ giá tinh vi, sẽ tràn ngập thị trường thế giới.

 

Nhược điểm cuối cùng là tầm nhìn phi thực tế của Tập Cận Bình đối với giới doanh nhân, động lực của 30 năm qua. Nhiều người phàn nàn về những quy định thất thường, và sợ bị trừng phạt thậm chí bị bắt. Chứng khoán thấp nhất từ 25 năm qua, nhà đầu tư ngoại quốc nghi ngại, đại gia di cư ra nước ngoài mang theo vốn liếng. Trung Quốc có thể trở nên giống Nhật Bản thập niên 90, bị giảm phát và khủng hoảng địa ốc. Hoa Kỳ và các đồng minh không vui gì trước viễn cảnh này, có thể gây căng thẳng địa chính trị : gặp khó khăn, Bắc Kinh có thể hiếu chiến hơn.

 

Nếu những điểm yếu này rõ ràng như vậy, tại sao Trung Quốc không thay đổi phương hướng ? Một trong những lý do là ông Tập chẳng nghe ai cả. Trước đây Trung Quốc cởi mở với bên ngoài, các nhà kỹ trị nghiên cứu các phương thức tốt nhất trên thế giới và sẵn sàng tranh luận. Nay dưới chế độ Tập Cận Bình, các chuyên gia kinh tế bị gạt ra ngoài, những lời bình mà các nhà lãnh đạo nhận được toàn là nịnh bợ. Lý do nữa là Tập Cận Bình đặt an ninh quốc gia lên trên thịnh vượng.

 

 

Tương lai Hoa lục trong tay các « thái tử đảng »

 

Về đối nội, The Economist nói về « Quyền lực của các thái tử đảng ». Con cháu những đồng đội của Mao đóng vai trò quan trọng cho tương lai Trung Quốc.Bộ máy tuyên truyền của chế độ không bỏ lỡ dịp nào để nhắc đến « dòng dõi cách mạng » của Tập Cận Bình. Mỗi lần ông Tập đọc lời chúc tết trên truyền hình, ảnh của người cha Tập Trọng Huân có thể thấy rõ ở phía sau.

 

Khi mới lên cầm quyền năm 2012, có bốn « thái tử đảng » trong bảy ủy viên thường trực Bộ Chính trị, nhưng sau khi thay đổi nội các năm 2022, Tập Cận Bình là người duy nhất và dường như không hề muốn chia sẻ uy quyền với các « hạt giống đỏ » khác. Nhưng các « thái tử » vẫn có thể đóng vai trò quan trọng, họ nắm quyền lãnh đạo các tập đoàn quốc doanh, công ty tài chánh, trong quân đội. Một khi ông Tập rời chính trường, các gia tộc này sẽ chia nhau những miếng bánh. Nhà lãnh đạo sắp tới có thể không là « thái tử đỏ », nhưng các phe phái sẽ quyết định ai là « vua ».

 

Rất ít « thái tử đỏ » bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng, nhưng họ đều sợ Tập Cận Bình và tìm cách che giấu tài sản hoặc chuyển ra nước ngoài. Một số trước đây ủng hộ ông Tập nay bất mãn vì cung cách độc đoán của ông. Tuần báo nhắc lại, người cạnh tranh đáng nể nhất của Tập Cận Bình là Bạc Hy Lai (Bo Xilai), con của nhà cách mạng lão thành Bạc Nhất Ba (Bo Yibo), được rất nhiều người yêu mến. Bạc Hy Lai bị ông Tập kết tội tham nhũng, âm mưu tiếm quyền và đã lãnh án chung thân, được cho là đang trong nhà tù Tần Thành (Qincheng) ở ngoại ô Bắc Kinh chuyên giam giữ những quan chức cao cấp, được hưởng nhiều ưu đãi. Theo South China Morning Post, Bạc Hy Lai ở tù nhưng vẫn được mặc đồ vét.

 

 

Israel-Iran : Cuộc chiến trong bóng tối bước ra ánh sáng

 

Tại Trung Đông, sau vụ oanh kích vào cơ sở ngoại giao của Teheran ở Syria giết chết nhân vật số hai của Vệ binh Cách mạng, L’Express đặt câu hỏi « Israel-Iran : Từ cuộc chiến trong bóng tối trở thành đối đầu trực diện ? ».

 

Đối với Tel Aviv, nhất định Teheran có liên can đến vụ khủng bố ngày 07/10, « sự kiện ngày 11 tháng Chín » của Israel. Phương trình mà Israel phải giải là : Làm thế nào đánh vào Iran mà không tấn công Iran ? Cách tốt nhất là nhắm vào Syria, nơi chế độ Bachar Al Assad lệ thuộc vào Teheran, để cho dân quân Shia tung hoành. Israel đã oanh kích hàng trăm lần từ sau 07/10, để trả đũa việc Iran mở rộng xung đột thông qua mạng lưới tay sai Houthi, Hezbollah…Còn vài tháng nữa đến bầu cử tổng thống Mỹ, Israel còn muốn buộc người Mỹ ở lại.

 

Nhà nghiên cứu Abbas Milani của đại học Stanford cho rằng không bên nào muốn đối đầu trực tiếp « nhưng mỗi bên đều muốn chứng tỏ mình có thể làm được điều gì đó ». Iran có thể nhắm vào các lợi ích của Israel ở nước ngoài như các đại sứ quán, ám sát… « Vũ khí » đơn giản nhất là kích hoạt mạnh thêm Hezbollah. Vai trò của Nga cũng được đặt ra, phải chăng Vladimir Putin đã bật đèn xanh vì không muốn mất đi 30 năm quan hệ với Israel khi đang cô đơn ? Trong lúc hy vọng ngưng bắn ở Gaza ít tiến triển, cuộc chiến trong bóng tối từ nhiều năm qua giữa Tel Aviv và Téhéran đang dần bước ra ánh sáng.

 

 

Israel-Hamas : Chiến tranh bẩn hay sạch ?

 

Le Point nêu vấn đề « Israel, chiến tranh bẩn hay sạch ? ». Tuần báo cho rằng Nhà nước Do Thái đã thua trong cuộc chiến tranh hình ảnh ở Gaza, tuy đã thận trọng chưa từng thấy. Chiến dịch của quân đội Israel tại bệnh viện Al-Chifa ở Gaza kết thúc ngày 01/04 đã thu lượm được nhiều kết quả. Khoảng 200 tay súng Hamas bị tiêu diệt, bắt gần 500 nghi can. Tuy cơ sở này hoàn toàn bị phá hủy, nhưng không có nhân viên y tế Palestine nào chết hoặc bị thương trong hai tuần lễ đụng độ.

 

Sự kiện này làm nổi bật một thực tế mà nhiều chính khách quốc tế và nhà bình luận không biết hoặc không muốn hiểu : trong cuộc chiến này, quân đội Israel nỗ lực nhiều hơn so với nhiều quân đội khác nhằm hạn chế thiệt hại nơi thường dân. Dù vậy cũng không tránh khỏi một số sự cố như vụ các nhân viên tổ chức phi chính phủ World Central Kitchen thiệt mạng hôm 02/04.

 

Đây cũng là bằng chứng cho thấy Jerusalem đã thua trong cuộc chiến thông tin từ sáu tháng qua. Cả thế giới quy trách nhiệm thảm họa nhân đạo cho Israel chứ không phải Hamas – phe đã gây ra vụ khủng bố hôm 07/10, trà trộn trong dân thường để chiến đấu, giành dự trữ thực phẩm cho các chiến binh chứ không phải cho dân. Nhà nước Do Thái bị cô lập, Hoa Kỳ vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu của Hội Đồng Bảo An đòi ngưng bắn lập tức ở Gaza. Trốn trong hầm sâu, các nhà chiến lược Hamas sắp sửa thắng cuộc : họ đặt cược không phải vào chiến thắng quân sự mà tin rằng áp lực quốc tế sẽ buộc Israel lùi bước.

 

 

Không thể buông tay khi mới dập tắt 70 % hỏa hoạn

 

Sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng thường dân được vô sự trong chiến tranh đô thị. Năm 1945 việc giải phóng Manila ở Philippines diễn ra trong những điều kiện tương tự như Gaza. Khoảng 17.000 lính Nhật cố thủ trong thủ đô 1 triệu dân, dùng các con tin làm bia đỡ đạn. Sau một tháng chiến đấu, quân đội Mỹ tiêu diệt được hầu hết quân Nhật, nhưng 100.000 thường dân bị thiệt mạng và đa số con tin cùng chung số phận.

 

Tại Gaza sau sáu tháng, Hamas nói rằng 33.000 người Palestine đã chết, phía Israel khẳng định 13.000 trong số đó là các tay súng Hamas. Như vậy khử được một địch quân thì hai dân thường bị chết. Theo tính toán của Liên Hiệp Quốc, trong chiến tranh hiện đại tỉ lệ này cao hơn nhiều : giết được một kẻ địch thì chín thường dân bị vạ lây. Như vậy ở Gaza quân đội Israel tiến hành một cuộc chiến ít « bẩn » hơn bình thường, và thật ra chiến tranh « sạch » chỉ có trong trí tưởng tượng của những chiến lược gia ngồi trong phòng kín.

 

Tuần báo thiên hữu cho rằng Tsahal có lý khi muốn trừ khử hẳn mối đe dọa, vì Hamas không ngần ngại tái diễn vụ thảm sát khi có cơ hội. Trong số 34 tiểu đoàn Hamas, chỉ còn 4 hay 5 cần phải tiêu diệt, hiện đang ẩn nấp tại Rafah ở phía nam Dải Gaza, xung quanh là 1 triệu dân sơ tán. Như Benny Gantz - cựu tổng tham mưu trưởng nay là thành viên văn phòng chiến tranh, địch thủ của Netanyahou - đã nói, một lính cứu hỏa không thể tự hài lòng khi dập tắt được 70 % trận hỏa hoạn, nếu không muốn ngọn lửa lại bốc lên.

 

 

Rwanda, 30 năm sau nạn diệt chủng

 

Nhân kỷ niệm 30 năm vụ diệt chủng ở Rwanda ngày 07/04/1994 làm gần 1 triệu người Tutsi thiệt mạng, các tuần báo có những bài viết kể lại câu chuyện của những nạn nhân sống sót, sự thay đổi của Rwanda ngày nay, và những vấn đề còn tồn tại như một số thủ phạm vẫn sống yên ổn ở nước ngoài trong đó có Pháp.

 

Trong bài « Nhân danh công lý », L’Obs cho biết trong số nhiều kẻ sát nhân đang tị nạn ở Pháp, có khoảng 30 hồ sơ được tư pháp thụ lý, nhưng chỉ có 7 bản án được tuyên. Nhiều người Tutsi sống sót đã thu thập nhiều bằng chứng, đang tranh đấu để đẩy nhanh tốc độ. La Croix Hebdo chạy tít trang bìa « Rwanda, bí ẩn Agathe H, bị cáo buộc diệt chủng ». Bà Agathe Habyarimana từ 30 năm qua vẫn sống tại Evry ngoại ô Paris. Theo nhiều nhà sử học và tổ chức phi chính phủ, người vợ góa của tổng thống Juvénal Habyarimana là thủ lãnh của Akazu, bộ phận đã tổ chức vụ thảm sát năm 1994.

 

Courrier International chạy tít « Rwanda : Câu chuyện về sự hồi sinh », và trong hồ sơ nêu ra những thành tựu của Rwanda sau ba thập niên : tổng sản phẩm nội địa tăng 8 % mỗi năm, tuổi thọ từ 49 lên 66. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất bình đẳng, và không có chỗ cho những nhà ly khai hay tiếng nói phản biện. Tháng Bảy tới, tổng thống Paul Kagame chắc chắn sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư, để nắm quyền đến tận 2034. Độc tài nhưng thực dụng, Kagame biến Rwanda thành « hiến binh » của châu Phi nhưng cũng là nhân tố gây bất ổn

 

.

Hồ sơ trong tuần : Dépardieu, nạn buôn ma túy, nô lệ tình dục Daech 

 

Nouvel Obs tuần này mổ xẻ sự xuống dốc của Gérard Dépardieu, ngôi sao điện ảnh Pháp. Trong nhiều thập niên, tài tử này ngự trị trong nghệ thuật thứ bảy với nhiều vai diễn kinh điển, trở thành biểu tượng của nước Pháp. Hiện đang bị điều tra về tội cưỡng hiếp, thần tượng đã rơi đài tuy vẫn còn được nhiều người bênh vực.

 

L’Express dành hồ sơ cho « Những khu phố do bọn buôn ma túy làm chủ ». Tại Pháp, doanh số từ ma túy ước tính khoảng 3,5 tỉ euro một năm, con số này được cho là quá thấp so với thực tế. Có ít nhất 200.000 tay buôn ma túy chuyên nghiệp. Nhiều cảnh sát và thẩm phán ví von chính quyền đang « dùng muỗng nhỏ để vét cạn đại dương », có người còn cho rằng đang thua cuộc ở Marseille.

 

Le Point nói về « Những nô lệ tình dục của Daech ». Trong một phim tài liệu công phu, kênh Al-Arabiya của Ả Rập Xê Út tìm gặp những nhân chứng là nạn nhân của Abou Bakr Al-Baghdadi, thủ lãnh tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, kể cả vợ con hắn ta. Kẻ bị Mỹ truy lùng chỉ sau Bin Laden có bốn vợ, nhiều nô lệ tình dục, mỗi ngày cưỡng hiếp ba phụ nữ. Các nô lệ chủ yếu là người Yézidi bị bán sang tay như súc vật trong những phiên chợ, những bé gái thì có người « mua sỉ » để bán sang những nước khác. Hiện vẫn còn 2.800 phụ nữ và bé gái Yézidi mất tích.

 





No comments: