Chiến tranh Nga –
Ukraina và chiến lược công nghiệp quân sự
Đặng Đình Cung, Kỹ sư tư vấn
Posted
on 25/04/2024 by Boxit VN
https://boxitvn.online/?p=88402
Chiến
tranh Nga-Ukraina diễn ra từ hai năm nay, một thời gian đủ dài để chúng ta có
thể rút ra vài bài học về đối ngoại, trang bị vũ khí và chiến lược công nghiệp
quân sự[i].
Từ
mùa xuân năm 1990 đến tháng chạp 1991, mười lăm nước cộng hòa thuộc Liên Xô,
cùng với bảy vùng ly khai, tuyên bố độc lập. Trong số đó có Ukraina. Nước này bị
kẹt giữa khối NATO và Liên bang Nga, hai khổng lồ không thân thiện nhau mấy, nếu
không nói là thù địch nhau. NATO thì kết nạp một số nước mới giành được độc lập.
Trong số đó không có Ukraina. Còn Liên bang Nga thì đã xâm lược một số quốc gia
trước kia thuộc Liên Xô. Để được Hoa kỳ và Nga thừa nhận nền độc lập của mình
thì Ukraina đã phải trao cho Liên bang Nga những đầu đạn nguyên tử có trên lãnh
thổ của họ và các chiến hạm lớn neo đậu ở các quân cảng của họ. Từ đó nước này
đu dây giữa hai khối quân sự cho tới khi ông Zelenskiy được bầu làm Tổng thống.
Vị này nghiêng hẳn về phía Tây phương để đòi lại Crimea và vùng ly khai ở phía
Đông Ukraina làm cho Tổng thống Putin lo sợ cho an ninh của Liên bang Nga và tấn
công nước này.
Trung
Quốc, một khổng lồ về quân sự và dân số, giáp giới phía Bắc với Việt Nam ta, dọa
nạt chúng ta càng ngày càng hung hăng mạnh dạn. Nhiều người nghĩ rằng tốt nhất
là ta liên minh với Hoa Kỳ như Philippines đã làm. Nhưng chúng ta đã chọn chế độ
trung lập giữa tất cả các quốc gia với hy vọng điều 1 của Thỏa hiệp V của Hội
nghị Hòa bình La Haye năm 1907 do Pháp là nước bảo hộ đã ký thay cho ta, bảo đảm
lãnh thổ một nước trung lập là bất khả xâm phạm[ii].
Với chế độ trung lập đó thì chúng ta không phải là mối đe dọa với Trung Quốc.
Tuy
nhiên, chưa chắc gì thỏa hiệp La Haye sẽ ngăn cản Trung Quốc xâm-lăng nước ta.
Nhưng chúng ta không hèn hạ như Pháp và Anh trước những tham vọng của Hitler
năm 1938. Trước khi khởi chiến thì Trung Quốc cần đắn đo kỹ những lợi ích và
cái giá họ sẽ phải trả (cost and benefit analysis) để xâm lăng và chiếm đóng nước
ta. Với sức mạnh quân sự và dân số hiện có của ta thì:
(a)
chúng ta sẽ bắt họ phải trả giá rất đắt trước khi thắng ta,
(b)
nếu nguy ngập đến nỗi phải xin liên minh với Hoa Kỳ như Thụy Điển và Phần Lan vừa
mới làm với NATO thì cán cân lực lượng sẽ nghiêng chắc chắn về phía Hoa Kỳ.
Về
vũ khí, dựa trên tổn thất của hai bên, Nga và Ukraina, thì có thể nhận thấy rằng:
(a)
trên bộ, những thiết giáp xa nhẹ dùng để trinh thám và chuyên chở binh lính và
khí cụ vẫn còn công dụng của chúng chứ những xe tăng chiến đấu (battle tank) đã
trở thành vũ khí lỗi thời[iii],
(b)
trên biển, những siêu chiến hạm vẫn tiếp tục chứng minh tính không thích nghi
quân sự của chúng[iv], những chiến hạm nhỏ, chạy mau và mang
nhiều hỏa tiễn lớn có vẻ thích hợp cho một lực lượng hải quân ở cấp Green Water
Navy[v],
(c)
trên không, những máy bay không người lái đơn giản và không đắt lắm tỏ ra rất hữu
hiệu; chúng có tiềm năng là "đối tượng đổi luật trò chơi" (game
changer) ở các chiến trường tương lai[vi],
(d)
kiến thức về chiến tranh điện tử của chúng tôi không đủ để có thể có ý kiến nào
về đề tài này.
Về
công-nghiệp quân-sự thì chúng ta nhận thấy rằng sau vài tháng giao tranh giữa
Nga và Ukraina thì mặt trận chững lại ở những vị trí ổn định vì hai bên đã bắn
hết đạn, hết hỏa tiễn tầm ngắn, hết UAV (Unmanned Aerial Vehicle, Máy bay không
người lái) nhỏ, linh kiện thay thế (spare part),… mà các chuyên gia về quản lý
công nghiệp gọi là sản phẩm tiêu hao (consumable). Năm ngoái, cuộc phản công của
Ukraina thất bại còn Nga chỉ có thể cố thủ ở những nơi họ đã chiếm được vì cả
hai bên đều thiếu những sản phẩm tiêu hao đó. Các quốc gia thuộc khối NATO đã gửi
biếu Ukraina vũ khí lớn và tiên tiến nhưng với ít đạn và hỏa tiễn để dùng
chúng. Còn Nga thì mua những thứ đó của các nước nhỏ thù địch với Hoa Kỳ như là
Triều Tiên và Iran (hình như cũng mua của Trung Quốc nữa) và, cùng lúc, họ cấp
tốc xây thêm nhà máy vũ khí ở xa chiến trường, ở phía đông nước họ. Các cường
quốc quân sự có vẻ như đã đầu tư vào trang bị khí giới còn về những sản phẩm
tiêu hao thì họ quản lý theo định luật cung cấp đúng lúc (just in time supply)
của nhu cầu thời bình.
Rút
kinh nghiệm đó, chúng ta phải có thể bảo đảm nguồn cung cấp (sourcing) các sản
phẩm tiêu hao nếu chiến tranh xẩy ra. Những nguồn cung cấp đó phải có công suất
đủ để có thể chiến đấu ngay từ khi chiến tranh bùng nổ rồi liên tục cho đến khi
chiến tranh chấm dứt[vii]. Si vis pacem, para bellum.
Trừ
một số nhỏ cường quốc công nghiệp không quốc gia nào có thể tự sản xuất tất cả
các loại vũ khí mà một quân đội cần đến. Chúng ta có thể mua nguyên chiếc những
vũ khí chúng ta không thể hay chưa thể thiết kế và sản xuất hay mua thiết kế
(trong nước gọi là chuyển giao công nghệ) để tự sản xuất những vũ khí chúng ta
chưa thể tự thiết kế. Nhưng để khỏi phải đi cầu viện sản phẩm tiêu hao như Tổng
thống Zelenskiy bây giờ hay Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi xưa thì chúng ta nhất
thiết phải tự đầu tư, tự thiết kế và tự sản xuất tất cả các loại sản phẩm tiêu
hao kể ở phần trên với công suất của thời chiến.
Nhu
cầu đầu tư và bảo trì những khả năng chiến đấu và công suất tiếp viện của thời
chiến vượt rất xa nhu cầu thao luyện binh lính và "tập trận bắn đạn thật"
của thời bình thì tốn kém. Tuy nhiên chúng ta có thể giảm thiểu chi phí đó bằng
nhiều biện pháp:
(a)
hợp tác quốc tế để thiết kế và sản xuất chung những vũ khí năng công nghệ cao để
chia sẻ chi phí với các nước bạn (xin nhắc lại, bạn chứ không phải là đồng
minh),
(b)
với hồ sơ thiết kế đã có sẵn và công cụ sản xuất vẫn còn tốt, sản xuất để xuất
khẩu những vũ khí mà chúng ta đã sản xuất đủ cho nhu cầu của quân đội ta để
chia khấu hao đầu tư về nghiên cứu–phát triển (research and development) với
nhiều đơn vị sản xuất,
(c)
với những công suất chúng ta phải đầu tư cho thời chiến, sản xuất để xuất khẩu
những sản phẩm tiêu hao để tận dụng những công suất có thừa của thời bình,
(d)
giao cho các xí nghiệp dân sự thi công – gia công (施工家工, outsourcing) tối đa
những thành phần vũ khí và những sản phẩm tiêu hao để không phải đầu tư vào những
công suất mà các xí nghiệp đó đã có rồi,
(e)
lập kế hoạch để thời chiến có thể trưng dụng một số công suất của các ngành
công nghiệp dân sự để sản xuất và sửa chữa vũ khí, thành phần vũ khí và sản phẩm
tiêu thụ để thúc đẩy các xí nghiệp quân sự cũng như dân sự quen dùng những công
cụ quản lý năng lực sản xuất và phục vụ (capacity management).
Về
hợp tác quốc tế thì chúng ta đang hợp tác về công nghiệp quân sự với Nga và
Israel và đang tìm hợp tác với nhiều nước khác. Về xuất khẩu thì, cho tới nay,
kim ngạch xuất khẩu vũ khí của ta không đáng kể. Theo trung tâm nghiên cứu
SIPRI của Thụy Điển, năm 2018 chúng ta đã xuất khẩu 10 triệu Mỹ kim vũ khí, so
với Indonesia 17 triệu năm 2021 và Singapore 72 triêu cũng năm 2022[viii]. Theo phát biểu gần đây của các quan chức
Bộ Quốc phòng thì kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn của ta sẽ tăng mạnh trong những
năm tới.
Chúng
tôi không có thông tin cụ thể gì về các giải pháp (d) và (e) liên quan đến hợp
tác với xí nghiệp trong nước.
Ngành
công nghiệp quân sự chắc đã thực thi giải pháp (d), trao cho xí nghiệp dân sự
thi công nhiều loại linh kiện vì không có xí nghiệp quân sự hay dân sự, quốc tế
hay quốc nội, nào tự sản xuất tất cả các linh kiện của thành phẩm mình sản xuất
và không có xí nghiệp nào mà không ít nhiều thi công phụ trợ cho các xí nghiệp
khác[ix].
Giải
pháp (e), khả năng mau chóng trưng dụng công suất của các xí nghiệp dân sự
trong thời chiến, làm cho ngành công nghiệp quân sự tiết kiệm nhiều nhất về vốn
đầu tư. Giải pháp này cũng có tiềm năng lớn nhất bảo đảm nguồn cung cấp cho
quân đội. Nhưng chúng tôi e rằng ngành công nghiệp quân sự chưa thực thi giải
pháp (e) này vì ít xí nghiệp trong nước biết quản lý năng lực sản xuất và phục
vụ[x].
Chúng
tôi xin khai triển vấn đề quản lý năng lực sản xuất và phục vụ này vì nó quan
trọng đối với mọi ngành sản xuất kinh tế, quân sự hay dân sự.
Tỷ
số OEE (Overall Equipment Effectiveness, Tỷ-số Sử dụng Tổng thể) là tỷ lệ giữa
công suất thực sự đã được sử dụng và công suất lắp đặt. Đây là một tỷ số mà các
tổng giám đốc xí nghiệp theo dõi kỹ. Mục đích là OEE lúc nào cũng gần 100 phần
trăm. Nếu tỷ số đó yếu quá thì có nghĩa là công suất lắp đặt đã không được tận
dụng, biểu hiện lãng phí, và xí nghiệp phải loại bỏ những công suất có thừa hay
sản xuất gì đó để tận dụng những công suất có thừa đó. Giải pháp (e) giúp các
xí nghiệp làm quen với quản lý năng lực sản xuất và phục vụ mà làm ăn có hiệu
quả cao.
Công
nghiệp quân sự hay công nghiệp dân sự thì cũng chỉ là công nghiệp. Hai ngành
tương tác với nhau về phương pháp điều hành và nghiên cứu – phát triển công nghệ[xi].
Xin
cầu mong đất nước ta tiếp tục yên bình như hiện nay.
---------------------
Chú
thích:
[i] Trong nước gọi
là công nghiệp quốc phòng.
[ii] Convention (V) concernant les droits et les
devoirs des Puissances et des personnes neutres en cas de guerre sur terre. La
Haye, 18 octobre 1907.
https://ihldatabases.icrc.org/applic/ihl/dih.nsf/ART/200220001?OpenDocument
[iii] Xe tăng là một công cụ nặng nề di chuyển chậm chạp
nhờ một động cơ mạnh. Di chuyển chậm thì dễ bị địch bắn trúng. Động cơ mạnh
phát ra nhiều tia hồng ngoại dễ bị hỏa tiễn hấp thụ để tự hướng dẫn tới đích.
Chúng tôi nhận thấy khuyết điểm này từ lâu rồi nhưng chưa dám viết để đăng vì
thiếu những thí dụ cụ thể như các lữ đoàn thiết giáp Nga dễ dàng bị phá hủy năm
2022 và thiết giáp Tây phương tặng Ukraina từ giữa năm 2023: trong đầu vẫn còn
nhớ đến những trận Koursk giữa Liên Xô và Đức, năm 1943, hay Sinai giữa Israel
và Ai cập, năm 1973.
[iv] Từ khi hải quân Anh sáng chế những Dreadnough thì
các siêu chiến hạm loại này chẳng có một chiến thắng quyết định (decisive
victory) nào cả theo định nghĩa của Alfred Mahan hay Antoine de Jomini. Một
hàng không mẫu hạm cũng chỉ là một siêu chiến hạm với một phi đạo ngắn dùng cho
máy bay chiến đấu, một kho chứa nhiên liệu, đạn dược và thực phẩm, một phân xưởng
sửa chữa và một trung tâm y tế, thương mại và giải trí cho thủy đoàn các tầu hộ
tống bảo vệ nó. Chỉ có hàng không mẫu hạm lớn chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp
Gerald Ford của Mỹ cộng với những tàu hộ tống nó là đáng nể. Mỗi hạm đội tạo
thành một căn cứ hải không quân (aero – navy) di động cho phép Hoa Kỳ mang quân
đến bất cứ nơi đâu trên thế giới và bất cứ lúc nào họ muốn. Vấn đề đánh giá giá
trị quân sự của chúng là chưa có một hạm đội như vậy đã giao tranh bao giờ.
Bạn
đọc có thể tham khảo:
Các
mẫu hạm
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/cac-mau-ham
và
Những
siêu chiến hạm
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/nhung-sieu-chien-ham
[v] Cuối thế kỷ XIX, một số sĩ quan hải quân trẻ đề xướng
chiến lược gọi là Jeune Ecole sau khi thừa nhận hải quân Pháp không thể sánh được
với hải quân Anh. Chiến lược này dựa trên việc sử dụng các tàu nhỏ để chống lại
các thiết giáp hạm lớn hơn nhờ tầu tốc độ cao và có thể bắn nhiều ngư lôi, vũ
khí biển chống biển mạnh nhất thời đó. Họ cho đóng nhiều tầu loại tuần dương hạm
(corvette) chuyên bắn ngư lôi vào các chiến hạm lớn. Những tầu đó gọi là ngư
lôi hạm (torpedo ship). Rút cục chiến lược đó bị coi là không thực tế vì, hồi
đó, các tầu corvette không chống vững dông bão, có tầm hoạt động ngắn và phải
tiến gần tầu địch để bắn một ngư lôi, mà nếu bắn thì không chính xác.
Thủy
động học đã có nhiều tiến bộ cho phép đóng những tầu loại pháo hạm (gun ship)
nhỏ hơn những corvette nhưng chịu dông bão mạnh hơn và chạy mau hơn. Ngoài ra hỏa
tiễn thay thế những ngư lôi có sức tàn phá lớn hơn, có thể bắn từ xa và có bộ
điều khiển tối tân trăm phát bắn trăm phát trúng. Rất có thể trong tương lai gần
các tầu loại này sẽ chở thêm máy bay không người lái để dùng trong chiến tranh
dưới biển thay cho phi cơ trực thăng phải cần đến sàn đậu ở đuôi một tầu lớn
hơn.
Hải
quân các nước chỉ muốn bảo vệ lãnh hải và vùng kinh tế đặc quyền của mình, ưa
chuộng những loại tầu đó để dùng trong chiến lược Jeune Ecole của họ. Người Mỹ
gọi những hải quân đó là Green Water Navy để phân biệt với hải quân của họ gọi
là Blue Water Navy và hải quân chỉ có thể bảo vệ lãnh hải của mình mà thôi (nhiều
khi chẳng bảo vệ được gì cả), gọi là Brown Water Navy.
Trung
Quốc bỡ ngỡ khi chiến-hạm Moskva của Nga bị bắn chìm và bắt đầu đánh giá lại
tính thích-nghi của các tầu chiến của họ:
2
Years on, Ukraine’s Sinking of the Moskva Intrigues China’s Naval Strategists
[vi] Máy bay không người lái
http://www.diendan.org/viet-nam/may-bay-khong-nguoi-lai
[vii] Như danh-tướng Erwin Rommel nói "bên thắng
cuộc sẽ là bên còn viên đạn cuối cùng để bắn". Ở Điện Biên Phủ, lính
Pháp không thiếu súng ống và chiến-đấu rất dũng cảm. Nhưng họ đã phải đầu hàng
vì hết đạn.
[viii] SIPRI Arms Transfers Database
https://www.sipri.org/databases/armstransfers
[ix] Xin đề nghị bạn đọc tham khảo
Sản
xuất xe hơi nguyên chiếc hay sản xuất phụ kiện?
http://www.thesaigontimes.vn/134603/San-xuat-xe-hoi-nguyen-chiec-hay-san-xuat-phu-kien.html
Từ
liên hệ mua bán đến liên hệ hợp tác
http://www.thesaigontimes.vn/135178/Tu-lien-he-mua-ban-den-lien-he-hop-tac.html
Cái
giá của nghề gia công phụ trợ
http://www.thesaigontimes.vn/136341/Cai-gia-cua-nghe-gia-cong-phu-tro.html
[x] Cũng phải nói rằng quản-lý năng lực-là một vấn-đề
hóc búa vượt xa những hạch-toán của bộ-môn tác-toán (trong nước gọi là vận-trù-học).
[xi] Công nghiệp quốc phòng: Động lực để phát triển
công nghệ
https://thesaigontimes.vn/cong-nghiep-quoc-phong-dong-luc-de-phat-trien-cong-nghe/
Đ.Đ.C.
Tác
giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment