Saturday, April 6, 2024

ĐẠI SỨ QUÁN PHÁP TẠI HÀ NỘI NỖ LỰC THÚC ĐẨY GIỚI TRẺ VIỆT NAM ĐẾN VỚI TIẾNG PHÁP (Thùy Dương / RFI)

 



Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội nỗ lực thúc đẩy giới trẻ Việt Nam đến với tiếng Pháp

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 05/04/2024 - 12:24

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%B....BA%BFn-v%E1%BB%9Bi-ti%E1%BA%BFng-ph%C3%A1p

 

Là thành viên lâu năm của Cộng đồng Pháp ngữ, cộng với các yếu tố lịch sử để lại, hiện nay tại Việt Nam vẫn có nhiều người học tiếng Pháp, không chỉ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mà còn ở nhiều tỉnh thành, từ cấp tiểu học đến bậc đại học, sau đại học. Số sinh viên, nghiên cứu sinh hàng năm đi du học tại Pháp hoặc tại các nước nói tiếng Pháp cũng không phải là ít.

 

https://s.rfi.fr/media/display/31c04ae4-f328-11ee-b9df-005056a97e36/w:980/p:16x9/Olivier%20Brochet%20photo%20officielle%20-%20Paysage.webp

Ông Olivier Brochet, đại sứ Pháp tại Hà Nội. Ảnh do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cung cấp ngày 03/04/2024. © Ambassade de France à Hanoi

 

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều là tiếng Pháp cũng phải cạnh tranh với nhiều ngoại ngữ khác ở Việt Nam. Chính vì vậy, đại quán Pháp tại Việt Nam rất quan tâm cải thiện vị thế của tiếng Pháp, nhất là thu hút giới trẻ đến với ngôn ngữ Pháp. Để hiểu thêm về tình hình, ít ngày trước tuần Quốc tế Pháp ngữ, RFI Tiếng Việt ngày 08/03 đã có cuộc phỏng vấn ôngOlivier Brochet, đại sứ Pháp tại Hà Nội.

 

 

RFI : Kính chào đại sứ Olivier Brochet ! Xin ông cho biết về những dự án của đại sứ quán CH Pháp tại Hà Nội để quảng bá và thúc đẩy việc học tiếng Pháp ở đất nước Việt Nam! Theo ông, đâu là dự án quan trọng nhất trong năm 2024 ?

 

Đại sứ Olivier Brochet : Năm nay có hai dự án mà chúng tôi đặc biệt quan tâm. Trước hết, có một dự án nhằm cố gắng hiện đại hóa và tăng cường sự kết nối của chúng tôi với những người trẻ tuổi để giúp họ nhận thức được lợi ích của việc học tiếng Pháp. Chúng tôi có một dự án webtoon sẽ sớm được triển khai vào tháng 5. Webtoon, như quý vị biết, là một phương tiện truyền thông hỗ trợ vốn được những người trong độ tuổi 15-30 đánh giá cao, nhất là ở châu Á.

Đó là một cuốn truyện tranh số hóa mà họ có thể xem trên điện thoại hoặc máy tính bảng. Webtoon sẽ ra mắt từ tháng 05 tới đây, gồm 12 phần nói về cuộc phiêu lưu của 2 thanh niên Việt Nam, Tiên và Minh. Họ là 2 sinh viên, và nhờ biết tiếng Pháp, họ sẽ tìm thấy được cho mình cơ hội phát triển cả trong cuộc sống riêng tư và việc học hành, và cuốn truyện tranh số hóa này đặc biệt cho mọi người thấy mối liên hệ giữa việc biết tiếng Pháp với sự nghiệp là rất quan trọng và thể hiện điều đó thông qua những công cụ hiện đại thời nay, để cho giới trẻ Việt Nam thấy tầm quan trọng, lợi ích của việc học tiếng Pháp ngày nay.

Và năm nay cũng là năm diễn ra Thế Vận Hội Olympic, tôi cũng muốn công bố việc mà chúng tôi đang thực hiện với Ủy ban Olympic Quốc gia Việt Nam. Dĩ nhiên cũng cần nhắc lại là tiếng Pháp là ngôn ngữ Thế Vận Hội, là một trong 2 ngôn ngữ của Thế Vận hội bởi vì chính từ Pháp mà Thế Vận Hội Olympic hiện đại đã được phục sinh, hồi cuối thế kỷ 19.

Trong bối cảnh này (sắp có Thế Vận Hội), chúng tôi tổ chức hội thảo vào ngày 12/03 với Ủỷ ban Olympic quốc gia Việt Nam để trao đổi kiến ​​thức chuyên môn về các vấn đề về thể thao đỉnh cao. Và tôi hy vọng rằng buổi hội thảo này cũng như công việc mà chúng tôi đang thực hiện sẽ dẫn đến những hợp tác mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực thể thao. Đó là mong muốn của chúng tôi và của Ủy ban Olympic Quốc gia Việt Nam.

 

*

RFI : Theo nhận định của ông, thưa đại sứ, hiện nay tiếng Pháp có vị trí thế nào ở Việt Nam ? So với trước đây và so với ở các nước khác trong Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp ?

 

Đại sứ Olivier Brochet : Về vị thế của tiếng Pháp, dĩ nhiên là chúng tôi mong muốn tiếng Pháp được phát triển hơn nữa, giống như trước đây đã từng như vậy. Nhưng chúng tôi cũng có cách tiếp cận thực tế, bởi vì trong giới trẻ, chúng tôi thấy tiếng Pháp đang đứng trước sự cạnh tranh rất khó khăn. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến lợi ích của việc học tiếng Pháp và chúng tôi tạo cơ hội cho họ.

Việt Nam là một quốc gia lớn thuộc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, nhận thức được lợi ích của việc hỗ trợ tiếng Pháp và nếu có thể là phát triển tiếng Pháp. Chúng tôi sát cánh, đồng hành cùng Việt Nam trong những nỗ lực nói trên, sát cánh cùng các trường đại học nói riêng, và cả ở các trường phổ thông. Quý vị biết đấy, có một số trường có chương trình học song ngữ tiếng Pháp, chúng tôi hỗ trợ các trường này và chúng tôi muốn hỗ trợ họ thêm nữa bằng cách giúp họ đạt được danh hiệu Giáo dục Pháp - France Éducation. France Éducation một nhãn hiệu công nhận chất lượng, giá trị của chương trình giảng dạy bằng tiếng Pháp, nhờ thế mang lại tiềm năng cho các em học sinh trong việc học hành.

Và tất nhiên, cũng có rất nhiều việc cần phải làm để hỗ trợ các trường đại học. Chẳng hạn, tôi xin lưu ý là Học viện Ngoại giao Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong 3 năm vừa qua để đưa trở lại chương trình giảng dạy tiếng Pháp cho tất cả những người muốn làm việc trong môi trường quốc tế. Năm nay, hiện đang có 500 sinh viên theo học chương trình tiếng Pháp cấp tốc tại Học viện Ngoại giao. Đối với chúng tôi, đó là dấu hiệu cho thấy có niềm mong mỏi tăng cường, củng cố sự hiện diện của tiếng Pháp tại một quốc gia lớn trong Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ.

 

*

RFI : Vậy theo đại sứ, đâu là những điểm mạnh và những điểm cần cải thiện trong việc dạy - học tiếng Pháp tại Việt Nam ? Đại sứ quán có những chương trình mới nào về giảng dạy Pháp ngữ ?

 

Đại sứ Olivier Brochet : Quả thực là cần phân biệt rõ ràng những nỗ lực và mục tiêu đề ra cho một bên là giáo dục tiểu học và trung học, và bên kia là giáo dục đại học.

Đối với giáo dục tiểu học và trung học, mục tiêu thực sự của chúng tôi là củng cố và phát huy giá trị của tất cả các trường hiện đang giảng dạy tiếng Pháp. Tôi muốn nói đến các lớp học song ngữ, và mục tiêu của chúng tôi thực sự là hướng tới chất lượng, giá trị cho các em học sinh, bởi vì những bậc phụ huynh chọn chương trình song ngữ tiếng Pháp cho con mình, thường thì chính bản thân họ cũng là người sử dụng tiếng Pháp và họ muốn con cái họ cũng vậy, hoặc vì họ muốn con họ được hưởng sự tiến bộ trong giáo dục, nói cách khác là chất lượng đào tạo, là sự thành công xuất sắc.

Và quả đúng là những tố chất mà các học sinh học tiếng Pháp ngay từ khi còn rất nhỏ, phát triển được, thường được các cơ sở đào tạo tốt nhất ở Việt Nam công nhận. Vì thế mà đối với chúng tôi, thách thức đặt ra là phải hỗ trợ được tất cả các trường học có chương trình giáo dục song ngữ để họ tiếp cận được càng nhiều học sinh càng tốt. Điều này không loại trừ các chương trình khác, đặc biệt chúng tôi đã thảo luận với bộ Giáo Dục Việt Nam về tất cả các khả năng tăng cường việc giảng dạy tiếng Pháp như một sinh ngữ thứ hai 2.

Về cấp đại học, thì vừa có những sinh viên đã được theo học tiếng Pháp từ trường tiểu học và trung học, nhưng cũng có nhiều sinh viên chưa từng tiếp xúc với tiếng Pháp. Thế nên, thách thức đối với chúng tôi, liên quan đến tất cả các trường đại học mà chúng tôi có mối liên hệ, là phát huy tiếng Pháp trong vai trò một sinh ngữ thứ hai và chứng tỏ rằng việc học tiếng Pháp sẽ là một điểm cộng trong công việc sau này, vì sử dụng được nhiều ngôn ngữ là điều được đề cao ở mọi doanh nghiệp và trong suốt sự nghiệp.

Điều này cũng là để cho sinh viên thấy rằng họ sẽ có thể dễ dàng tiếp cận với các bậc học cao hơn, chẳng hạn ở Pháp hay các nước nói tiếng Pháp, tôi đặc biệt muốn nói đến các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Dù họ không bắt buộc phải học bằng tiếng Pháp, kể cả ở nước Pháp, nhưng dĩ nhiên là có kiến thức tối thiểu về tiếng Pháp trước khi đi du học cũng là một điểm cộng. Chẳng hạn như ngay tại Hà Nội, Đại học Khoa học và Công nghệ (USTH) là một trường Đại học Pháp ngữ, dù chương trình học ở Hà Nội được giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng tất cả sinh viên của trường đều học tiếng Pháp, họ có thể theo khóa học cấp tốc, dù ít dù nhiều. Điều này cho phép họ, sau khi có bằng tốt nghiệp, có thể sang Pháp tiếp tục bậc học cao hơn, có nghĩa là theo học một chương trình có chất lượng nhưng với mức phí đại học hoàn toàn là phải chăng.

 

*

RFI : Thưa ông Brochet, là đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông nghĩ rằng đâu là những lý do chính thúc đẩy người Việt Nam theo học tiếng Pháp ? Họ học tiếng với hy vọng sau này sang Pháp du học ? Để có các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai ? Hay đơn giản là vì tình yêu nước Pháp và văn hóa Pháp ?

Đại sứ Olivier Brochet : Dĩ nhiên là nhiều sinh viên học tiếng Pháp, kể cả những người còn ít tuổi, đều gắn tiếng Pháp với hình ảnh về văn hóa. Rõ ràng điều này khiến chúng tôi rất cảm động, bởi có mối quan tâm mạnh mẽ thường trực dành cho văn hóa, nhưng theo tôi thì không chỉ về di sản văn hóa của nước Pháp và khối Pháp ngữ từ trước để lại, mà đó còn là mối quan tâm dành cho những yếu tố văn hóa mà thế giới Pháp ngữ tạo ra mỗi ngày.

Tất nhiên, mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục phát huy khía cạnh văn hóa này, nhưng là để bảo đảm rằng giới trẻ và gia đình họ hiểu rằng tiếng Pháp không phải là ngôn ngữ của quá khứ mà là ngôn ngữ của hiện tại và đặc biệt là ngôn ngữ của tương lai.

Tầm quan trọng của việc sử dụng tiếng Pháp trên thế giới không ngừng tăng. Số lượng người nói tiếng Pháp cũng tăng không ngừng. Do vậy, chúng tôi muốn cho giới trẻ thấy rằng học tiếng Pháp cũng là một việc rất hữu ích cho họ cả về mặt nghề nghiệp cũng như khả năng tiếp cận với sự sáng tạo, và cũng là nhằm tạo nên nét khác biệt để cạnh tranh với những người khác. Việc sử dụng tiếng Pháp chắc chắn sẽ là một điểm cộng đối với họ. Nhiều công ty đã nhận ra điều đó, có thể không phải tất cả, nhưng tôi chắc chắn rằng ở Việt Nam, cũng như tại các nước khác có giảng dạy tiếng Pháp, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn đại sứ Pháp tại Việt Nam, Olivier Brochet !

 

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

Từ điển Pháp-Việt 1884 với tiếng Việt: Đóng góp bị lãng quên của Trương Vĩnh Ký

 

TẠP CHÍ VĂN HÓA

Tuần lễ Pháp ngữ ở Việt Nam: Gắn kết người yêu tiếng Pháp và văn hóa khối Pháp ngữ

 

 

 




No comments: