Việt
Nam có thể lọt top 25 nền kinh tế thế giới với thể chế độc đảng?
RFA
2024.01.02
Nhiều tờ báo tại Việt Nam mới đây đăng bài viết trích dẫn ‘Báo
cáo triển vọng kinh tế thế giới thường niên’ của Trung
tâm tư vấn CEBR được cho là của nước Anh. Nội dung báo cáo thể hiện,
Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 34 năm 2023 và sẽ đứng vị trí thứ 21 toàn cầu
vào năm 2038. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, để đạt được thứ hạng như kỳ vọng,
Việt Nam cần phải có nhiều thay đổi.
Ảnh
minh họa chụp tại TPHCM năm 2020. (AFP PHOTO)
Tiếp
tục đẩy mạnh cải cách
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA hôm 2/1/2024 từ Hà Nội, đưa ra nhận định
liên quan dự báo của CEBR:
“Tôi rất là quan tâm và sẽ nghiên cứu kỹ dự báo này
của trung tâm của Anh. Vấn đề là Việt Nam cũng đã có các mục tiêu, Ngân hàng Thế
giới cũng có đề ra các mục tiêu để đạt được trong thời gian qua, nhưng rất tiếc
là các mục tiêu như việc đạt thu nhập 10.000 USD / đầu người vào năm 2000 thì
không thực hiện được. Tôi nghĩ vấn đề quan trọng ở đây là phải tiếp tục đẩy mạnh
cải cách, phải chuyển đổi số, phải phát huy nhiều hơn nữa doanh nghiệp tư nhân
để tạo công ăn việc làm, giảm bớt tỷ lệ người Việt Nam phải đi ra nước ngoài để
kiếm công ăn việc làm…”
Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam phải cải cách thể chế,
bộ máy để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, giảm bớt các chi
phí ngoài pháp luật và giảm tham nhũng:
“Hiện nay Việt Nam đang mở chiến dịch rất mạnh mẽ để chống tham nhũng,
tôi rất hy vọng các cố gắng đó sẽ còn được tiếp tục đẩy mạnh hơn, bao quát hơn
và gắn với các cải cách cơ bản để khuyến khích sự sáng tạo, sự đổi mới và tính
năng động của người dân Việt Nam.”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhìn nhận, năm qua kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó
khăn bởi vì kinh tế thế giới khó khăn. Do đó, theo ông, Việt Nam muốn đạt được
mục tiêu như dự báo cần phải nỗ lực hơn trong năm 2024:
“Việt Nam là một nước tăng trưởng dựa vào xuất nhập
khẩu rất nhiều… trong khi giá cả các nguyên vật liệu Việt Nam nhập vào đều tăng
và giá bán ra thì các thị trường nước ngoài bị lạm phát, giảm sút tăng trưởng,
thậm chí có nền kinh tế như nước Đức tăng trưởng âm… vì vậy cho nên nhu cầu mua
các sản phẩm của Việt Nam cũng giảm sút. Việt Nam phải cần có nỗ lực lớn hơn nữa
việc nâng cao hiệu quả và nâng cao năng suất lao động để đạt được mục tiêu tăng
trưởng 6,5 % trong năm 2024 và tiếp tục như vậy trong những năm tới thì mới đạt
được mục tiêu đề ra.”
Cách đây hơn 10 năm, tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa X (diễn ra ngày 28/3/2010), nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi phát biểu
bế mạc hội nghị, từng đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước
công nghiệp, hiện đại. Trong thực tế, sau hơn 10 năm, mục tiêu đó vẫn chưa đạt
được.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản
lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002. RFA edited.
Báo cáo chỉ mang tính
tham khảo
Trở lại với báo cáo của CEBR, trên trang chủ của mình, tổ chức này còn
đưa ra dự báo vào năm 2081, nền kinh tế Ấn Độ sẽ vượt qua Mỹ.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 2/1/2024 khi nói về mục
tiêu của Việt Nam, ông cho rằng, Nhà nước Việt Nam không nên quá kỳ vọng vào dự
báo của CEBR:
“Thứ nhất, kinh tế Việt Nam cho đến hiện nay được khẳng
định bằng cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như trên Hiến pháp và các
văn bản quy phạm pháp luật khác đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa. Đây là một nền kinh tế không giống ai so với tất cả các quốc gia
trên thế giới. Thứ hai, cho đến hiện nay Hoa Kỳ và EU là hai thị trường xuất nhập
khẩu quan trọng của Việt Nam… thì họ vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế
thị trường.”
Thứ ba, theo nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, hệ thống pháp luật nói
chung của Việt Nam cũng như là những luật lệ về kinh tế thương mại nói riêng
còn khoảng cách quá lớn. Đặc biệt ông Già cho rằng, văn hóa kinh doanh của Việt
Nam còn lạc hậu và trì trệ so với trình độ của thế giới. Và điều thứ tư, vị nhà
báo này chia sẻ, đó là không nên đặt kỳ vọng quá nhiều vào báo cáo của trung
tâm CEBR:
“Trung tâm CEBR này có lẽ chỉ tính đơn thuần chỉ
tiêu GDP, để mà sắp Việt Nam lọt vào top 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào
năm 2038, mà chưa tính đến các biến số rất khó lường của kinh tế thế giới, cũng
như kinh tế Việt Nam đặt trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Đặc biệt yếu tố biến
đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn, quốc gia nào cũng lo lắng.”
Vì lẽ đó ông Nguyễn Ngọc Già cho rằng, xếp Việt Nam vào top 25 nền kinh tế
lớn nhất thế giới vào năm 2038 chỉ là chuyện mua vui, không có giá trị gì. Theo
ông Già, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không nên lấy điều đó để phấn khích,
vui mừng… vì nó chỉ có giá trị tham khảo và tiêu khiển mà thôi!
No comments:
Post a Comment