Từ
vụ ‘sách giáo khoa giả,’ nhìn lại tòa án nhân dân và công lý XHCN
25/01/2024
Ông
Hùng là người duy nhất kêu oan, dứt khoát không nhận tội, không xin giảm án nên
“y án sơ thẩm” (chín năm tù), phán quyết phúc thẩm cũng là chung thẩm!
https://gdb.voanews.com/031a0000-0aff-0242-dce6-08da3f264a0f_w650_r1_s.jpg
Giá
sách giáo khoa ở Việt Nam năm 2022 đắt hơn 2, 3 lần so với năm trước. Hình minh
hoạ.
Đã có rất
nhiều người bày tỏ sự bất bình khi Tòa án Cấp cao tại Hà Nội quyết định y án đối
với ông Trần Hùng, người từng là Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT), Tổ trưởng
Tổ 304 (chuyên trách phòng - chống mua bán hàng hóa buôn lậu, hàng hóa không rõ
nguồn gốc, hàng giả - xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa bị cấm kinh
doanh) của Tổng cục QLTT.
***
Ông Hùng từng
là một trong số rất ít viên chức được công chúng hâm mộ vừa vì không chùn bước
trước bất kỳ thế lực nào, vừa vì sạch. Tháng 7/2020, ông Hùng chỉ đạo Cục QLTT
Hà Nội và Đội QLTT lưu động của Cục QLTT Hà Nội (Đội 17) kiểm tra một kho hàng.
Tại đó, QLTT phát giác 27.000 quyển sách giáo khoa (SGK) giả sản phẩm của Nhà
xuất bản Giáo dục Việt Nam...
Vụ kiểm
tra vừa kể đã mở ra một vụ án lớn bởi công an xác định, Công ty Phú Hưng Phát
đã tổ chức hệ thống sản xuất và phân phối SGK giả trong nhiều năm với 19 xưởng
in, 15 kho hàng. Số SGK giả là tang vật lên tới 3,2 triệu cuốn. Tổng số SGK giả
đã tiêu thụ được ước đoán khoảng 150 triệu cuốn. Tuy nhiên sau khi bắt bảy người
để điều tra “sản xuất, buôn bán hàng giả”, công an Việt Nam bắt thêm một
số viên chức QLTT (2).
Ngoài ba
viên chức làm việc cho Cục QLTT Hà Nội, công an Việt Nam bắt luôn cả ông Trần
Hùng vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn, trong khi thi hành công vụ”. Theo
công an, bà Cao Thị Minh Thuận - Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát đã nhờ ông Nguyễn
Duy Hải gặp ông Hùng nhờ giúp đỡ và đưa cho ông Hùng 300 triệu đồng. Tháng
7/2023, khi xét xử sơ thẩm, Tòa án Hà Nội phạt ông Hùng chín năm tù.
***
Hôm
21/1/2024, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án “sản xuất, buôn bán hàng giả,
lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, môi giới hối lộ” có liên
quan đến ông Hùng ra xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên căn cứ vào tường thuật của hệ
thống truyền thông chính thức về diễn biến thì không thể xếp phiên xử phúc thẩm
này vào bất kỳ loại nào bởi có vô số những chuyện hết sức kỳ quái.
Chuyện kỳ
quái đầu tiên là ông Hùng bị tòa án cấp sơ thẩm xác định là có tội chủ yếu bởi...
lời khai của hai người: Ông Nguyễn Duy Hải và ông Lê Việt Phương. Ông Hải là
người đã nhận tiền của bà Thuận để chuyển cho ông Hùng. Còn ông Phương là Đội
phó Đội QLTT số 17 thì khai là ông Hùng đã chỉ đạo ông “xử lý nhẹ” vi phạm
của Công ty Phú Hưng Phát.
Tại phiên
xử phúc thẩm, vì ông Hải xin phép vắng mặt nên các luật sư đề nghị triệu tập
ông Hải để đối chất song Hội đồng xét xử (HĐXX) không đáp ứng. Các luật sư bào
chữa cho ông Hùng đã chứng minh, ông Hải không đáng tin vì theo hồ sơ, ông Hải
khai đi – khai lại tới bảy lần về thời điểm đưa tiền và với những mâu thuẫn rõ
ràng như thế, không thể dùng lời khai của ông Hải để buộc tội ông Hùng, song đại
diện Viện Kiểm sát thực thi quyền công tố cho đó chỉ là do “xáo trộn tâm lý”
lúc mới bị bắt, sau này, các lời khai của ông Hải rất... nhất quán. Các luật sư
còn cung cấp bằng chứng mới: Văn bản do phạm nhân từng bị giam chung với ông Hải
xác nhận, ông Hải từng kể, Điều tra viên đã khuyên ông Hải nên khai rằng đã hối
lộ ông Hùng, nếu làm như thế sẽ được tha nhưng cuối cùng, ông Hải vẫn bị phạt
tù. Thất vọng, ông Hải công khai nguyền rủa công an và những phạm nhân chứng kiến
không chỉ xác nhận mà còn khẳng định sẵn sàng làm chứng nếu được tòa án triệu tập,
song cả đại diện Viện Kiểm sát lẫn HĐXX cùng bác bỏ văn bản này bởi nó không được
bộ phận quản lý trại giam... chứng thực! Các luật sư bào chữa cho ông Hùng cũng
đã cung cấp tài liệu chính thức của công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động
nhằm xác định vị trí khách hàng - tài liệu cho thấy, thời điểm các cơ quan bảo
vệ pháp luật dựa vào lời khai của ông Hải để xác định việc giao nhận tiền hối lộ
đã diễn ra tại nơi ông Hùng làm việc thì cả ông Hải lẫn ông Hùng đều đang ở tư
gia của họ chứ không ở cùng một chỗ (3). HĐXX không chỉ bác bỏ toàn
bộ chứng cứ khiến người ta nghi ngại về việc kết tội ông Hùng mà còn nhắc ông
Phương rằng ông có quyền không trả lời chất vấn của luật sư về tố giác của ông
rằng ông Hùng đã chỉ đạo “xử lý nhẹ”.
Tường thuật
của hệ thống truyền thông chính thức còn tiết lộ thêm – bà Cao Thị Minh Thuận,
Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát, doanh nghiệp tổ chức làm giả hàng trăm triệu bản
SGK trong thời gian dài là... phu nhân của một sĩ quan công an. Tuy không rõ
viên sĩ quan đó tên gì, cấp bậc và chức vụ thế nào nhưng thế lực chắc chắn đáng
gờm. Sau khi một trong 15 kho sách của bà bị QLTT sờ gáy, nhân vật được hệ thống
truyền thông chính thức chủ động mã hóa quý danh thành N.A.T (khi ấy đang là
lãnh đạo Công an Hà Nội) đã thay mặt bà và gia đình, gọi điện thoại cho ông
Hùng để “hỏi thăm chứ không nhờ vả gì” (4). Vụ án “sản xuất,
buôn bán hàng giả, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, môi giới hối
lộ” liên quan đến ông Hùng có 18 bị cáo kháng cáo.
Ông Hùng
là người duy nhất kêu oan, dứt khoát không nhận tội, không xin giảm án nên “y
án sơ thẩm” (chín năm tù), phán quyết phúc thẩm cũng là chung thẩm! Trong
khi bà Cao Thị Minh Thuận – nhân vật chính trong vụ án làm giả 150 triệu bản
sách giáo khoa được HĐXX giảm hai năm tù, hình phạt chỉ còn tám năm – thấp hơn
ông Hùng. Ông Lê Việt Phương – một trong những nhân vật cung cấp lời khai (ông
Hùng đã chỉ đạo “xử lý nhẹ”) để hệ thống tư pháp sử dụng trong việc kết
án ông Hùng, đồng thời nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của chủ tọa HĐXX, từ chối
trả lời chất vấn của những luật sư bào chữa cho ông Hùng – được chuyển hình phạt
30 tháng tù từ giam giữ thành “cho hưởng án treo”. Gần như toàn bộ bị
cáo xin giảm án đều được đáp ứng. Tòa án nhân dân đúng là hết ý. Vì là của “nhân
dân” nên không màng “nhân dân” nghĩ gì về “công lý XHCN”!
------------
Chú
thích
(2) https://cand.com.vn/ban-tin-113/vi-sao-tran-hung-bi-bat--i624932/
No comments:
Post a Comment